Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Campuchia - Lào tích cực củng cố quan hệ,...

Việt Nam – Campuchia – Lào tích cực củng cố quan hệ, hợp tác song phương

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là việc Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định của các nước. Việt Nam – Campuchia – Lào đang tích cực củng cố quan hệ, hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia

Trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Bộ trưởng Quan hệ Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia Men Sam An (16/10) đã hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh chuyến thăm của bà Men Sam An; đánh giá cao nỗ lực tích cực của bà Men Sam An trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hai nước trong suốt những năm qua; khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị hai nước trên tinh thần cùng hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng, không để bất cứ một thế lực nào chia rẽ tình đoàn kết, gắn bó; nhấn mạnh công tác phân giới cắm mốc đã đạt thành quả vượt bậc, là kết quả của sự nỗ lực, thiện chí của hai bên, cũng như quan hệ láng giềng gắn bó, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong Chính phủ Campuchia, Thủ tướng Hun Sen, Phó Thủ tướng Men Sam An quan tâm, hỗ trợ người gốc Việt sinh sống ở Campuchia, nhất là về giấy tờ pháp lý để ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào xã hội sở tại; mong muốn hai nước tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tích cực hợp tác, thúc đẩy, đưa quan hệ thương mại phát triển; khẳng định, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện để thanh tra hai bên tăng cường phối hợp, tương trợ lẫn nhau.

Phó Thủ tướng Men Sam An trân trọng cảm ơn Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã đón tiếp đoàn hết sức nồng hậu; cảm ơn và đánh giá cao việc hai Thủ tướng đã ký các văn kiện pháp lý quan trọng về phân định biên giới; vui mừng về sự phát triển tốt đẹp giữa hai nước; khẳng định Campuchia quyết tâm gìn giữ và phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước; nhấn mạnh Campuchia không bao giờ quên sự hy sinh và giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen (4-5/10) đã chính thức Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp. Hai nước khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, trong đó ưu tiên cao trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia. Phát biểu sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai Thủ tướng khẳng định, quan hệ Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em gắn kết, bền chặt không thể tách rời. Hai nước đã từng kề vai sát cánh, cùng hy sinh xương máu đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước, đó là tài sản quý báu mà cả hai nước cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, truyền cảm hứng cho các thế hệ con cháu mai sau. Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia cũng ghi nhận những bước phát triển tích cực, thực chất của quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, du lịch; thảo luận và đạt đồng thuận cao về phương hướng thúc đẩy hợp tác hai nước trong thời gian tới. Hai Thủ tướng nhất trí không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên tinh thần tin cậy, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Hai bên nhất trí làm sâu sắc quan hệ chính trị thông qua tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương; tăng cường trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược, phối hợp chặt chẽ nhằm bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia. Hai bên nhất trí cho rằng, là hai nước láng giềng, Việt Nam và Campuchia hội tụ những tiềm năng, lợi thế to lớn để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt là kết nối các tuyến giao thông đường bộ, đường sông, kết nối điện năng, du lịch, tài chính, ngân hàng…; triển khai mạnh mẽ các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư; phối hợp xây dựng khung chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Trong chuyến thăm, hai nước đã ký kết 7 văn bản quan, gồm: Hiệp định viện trợ triển khai dự án Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; Hiệp định viện trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc dự án Trung tâm dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện, dựa vào cộng đồng tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; Bản ghi nhớ về tiến độ xây dựng và kế hoạch bàn giao Chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực điện năng. Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia cũng đã ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền; nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng, đánh dấu một dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới giữa hai nước, là nền tảng để hai bên tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; khẳng định phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN, giữ vững những nguyên tắc của ASEAN, củng cố đoàn kết, tự cường và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trước mắt, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Campuchia đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM.

Đáng chú ý, liên quan vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Campuchia nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) ngày 31/7/2019 tại Bangkok, Thái Lan; cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Việt Nam – Lào gắn chặt quan hệ song phương

Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chuyến thăm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào. Thủ tướng chúc mừng những thành tựu to lớn và toàn diện mà Đảng và nhân dân Lào anh em đã giành được trong thời gian qua; tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân Lào anh em sẽ tiếp tục thu được nhiều thắng lợi mới, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ VIII giai đoạn 2016-2020, tiến tới tổ chức thành công Đại hội toàn quốc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI vào năm 2021.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ vui mừng được trở lại thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai; đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, nhất là về phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại, cho rằng đây là mô hình để Lào học hỏi, phấn đấu, đồng thời là nguồn động viên to lớn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Lào. Thủ tướng Thongloun Sisoulith cũng cảm ơn Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã quan tâm thăm hỏi và chia sẻ với nhân dân Lào trước những thiệt hại do các trận lũ lụt liên tiếp vừa qua gây ra tại các tỉnh miền trung và nam Lào.

Trao đổi về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào, được gây dựng và vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, là tài sản quý giá của hai dân tộc, đồng thời tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ song phương thời gian qua. Hai bên nhất trí tiếp tục đà trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp, các bộ, ngành, địa phương, qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực chất; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước; thúc đẩy triển khai hiệu quả kết quả Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ; khuyến khích các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh, ổn định và trật tự. Hai Thủ tướng vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác quốc phòng, an ninh; cho đây là lĩnh vực then chốt nhằm giữ vững môi trường ổn định để phát triển ở mỗi nước; nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai tốt các hiệp định, thỏa thuận về biên giới; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới; đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Hai bên nhất trí sớm tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) – Đen Sạ Vẳn (Lào); đồng thời phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước trong năm 2019. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao các tiến triển tích cực trong hợp tác thương mại giữa hai nước; nhất trí tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm đưa kim ngạch hai chiều tăng trưởng ổn định từ 10%-15%/năm như đã đề ra; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận về thương mại; sớm ký Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế ưu đãi thuế, thương mại; nâng cao hơn nữa tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế. Hai bên nhất trí triển khai các biện pháp hiệu quả để đảm bảo tiến độ, chất lượng của các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, có chính sách hỗ trợ thiết thực trên tinh thần quan hệ đặc biệt giữa hai nước đối với doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Lào. Ngoài ra, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa các nội dung công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào vào giảng dạy tại các trường học của hai nước; song song với tăng cường hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân, thúc đẩy kết nối sản phẩm du lịch; thực hiện tốt Hiệp định hợp tác lao động. Thủ tướng Chính phủ Lào cam kết tiếp tục tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục và giảm chi phí liên quan tới việc xin cấp phép cho lao động Việt Nam.

Liên quan vấn đề Biển Đông, lãnh đạo hai nước khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; tái khẳng định các lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các Tuyên bố gần đây của ASEAN, nhất là Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) tại Băng-cốc tháng 7/2019, theo đó, các bên nhất trí tăng cường tin cậy lẫn nhau và lòng tin, tự kiềm chế và tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới