Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Indonesia: Phản đối các hành động xâm phạm chủ...

Việt Nam – Indonesia: Phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế

Trong cuộc hội đàm giữa Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Phó Tổng thống Ma’ruf Amin. Hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Phát biểu trong cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chuyển thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ gửi Tổng thống Joko Widodo, trong đó Lãnh đạo ta bày tỏ tin tưởng Chính phủ Indonesia nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, tiến tới thực hiện thành công “Tầm nhìn 2045” với mục tiêu đưa Indonesia  trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sau 100 năm giành độc lập; đề nghị hai bên tiếp tục tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 10 tỷ USD/năm, tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục đào tạo, du lịch, hàng không, giao lưu nhân dân…; phối hợp phòng chống đánh bắt cá trái phép và giải quyết thoả đáng các vấn đề liên quan đến tàu cá, ngư dân trên tinh thần hữu nghị và nhân đạo.Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Indonesia ở khu vực và trên thế giới. Về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, Phó Chủ tịch nước đề nghị Indonesia tiếp tục ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thúc đẩy triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tổng thống Joko Widodo và Phó Tổng thống Ma’ruf Amin nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được thời gian qua trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, trong đó có việc trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019 – 2020 và chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Indonesia thời gian qua, đánh giá cao việc hai bên tích cực thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2019 – 2023, phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm 60 năm các chuyến thăm lịch sử của cố Tổng thống Sukarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh (1959 – 2019) cũng như chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2020 (30/12/1955 – 2020). 

Trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, Lãnh đạo hai nước cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định ở khu vực đối với an ninh và phát triển của mỗi nước cũng như Cộng đồng ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy truyền thống hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và hai nước.

Trước đó, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsurdi. Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về các vấn đề trên biển. Hai bên đã thảo luận và chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, duy trì hoà bình, ổn định và tăng cường tin cậy giữa các nước.

Trước đây, Indonesia khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với nước nào trên Biển Đông. Quần đảo Natuna cũng nằm ngoài phạm vi “đường lưỡi bò” phi pháp Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng “đường lưỡi bò” trên thực tế có chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Trung Quốc gọi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna là “vùng đánh cá truyền thống” nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Natuna nằm ở cực Nam Biển Đông, ngay cửa ngõ ra vào eo biển Malacca và hồi năm 2014, thiếu tướng không quân Indonesia Fahru Zaini khẳng định Trung Quốc gom luôn một phần vùng biển xung quanh Natuna vào trong bản đồ phi pháp “đường lưỡi bò”. Đây được xem là lần đầu tiên Indonesia, vốn luôn tuyên bố không phải là một bên tham gia tranh chấp ở Biển Đông, công khai loan báo một vùng biển của mình bị “liếm” trúng. Vì vậy, để bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển, Indonesia đã tích cực triển khai hữu hiệu chính sách quốc phòng cũng như thực thi chiến lược biển phù hợp với thực tiễn. Đáng chú ý, trong số những chủ trương, chính sách về biển đảo của Chính quyền Tổng thống Widodo có “Sắc lệnh Tổng thống số 6/2017” về chính sách biển, nêu chi tiết các mục tiêu, nguyên tắc, biện pháp và kế hoạch hành động để triển khai Trục biển toàn cầu. Về mục tiêu, chính sách biển xác định Indonesia phấn đấu trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển, đảm bảo chủ quyền và độc lập, đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới phù hợp với lợi ích quốc gia của Indonesia. Cụ thể, Chính sách Biển của Indonesia nhằm: Quản lý tối ưu và phát triển bền vững tài nguyên biển; phát triển chất lượng nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ biển; phát triển lực lượng an ninh quốc phòng biển mạnh; tăng cường chủ quyền, luật pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương tốt; đảm bảo phúc lợi xã hội công bằng cho người dân ở khu vực ven biển và các đảo nhỏ; gia tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng của kinh tế và các ngành công nghiệp gắn với biển; xây dựng cơ sở hạ tầng biển chắc chắn; lên kế hoạch quản lý không gian biển; bảo vệ môi trường biển; ngoại giao biển; và xây dựng bản sắc văn hóa biển. Về nguyên tắc triển khai, chính sách biển tập trung tăng cường nhận thức coi Indonesia là quốc gia quần đảo thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển bền vững: khai thác tài nguyên sinh vật không vượt quá khả năng tái tạo và phục hồi; khai thác tài nguyên phi sinh vật không vượt quá khả năng phát triển của các tài nguyên thay thế;  mức độ khai thác hiện tại không vượt quá nhu cầu sử dụng trong tương lai; dự liệu các tác động tiêu cực có thể xảy đến trong quá trình khai thác tài nguyên; phát triển kinh tế xanh: phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường; quản lý thống nhất và minh bạch: quản lý trong một hệ thống đồng nhất, xây dựng các quy định rõ ràng và minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin để người dân hiểu; khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình lên kế hoạch, quyết định, triển khai, giám sát, kiểm soát, tiếp cận thông tin và sử dụng tài nguyên; tạo sự bình đẳng và công bằng: mọi cá nhân, nhóm và tầng lớp dân cư từ các vùng miền và tôn giáo khác nhau đều được đối xử bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế với các vùng miền, phát triển các dự án ở các đảo ngoài xa, ưu tiên cải thiện phúc lợi cho nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là ngư dân. Về biện pháp triển khai, chính sách biển đề ra 76 biện pháp tập trung trong 7 trụ cột gồm quản lý tài nguyên biển và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng an ninh từ biển, chấp pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương; phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng và phồn vinh cho người dân; quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển; xây dựng văn hóa biển và xây dựng ngoại giao biển.

Chính sách biển đồng thời đề ra kế hoạch hành động 5 năm theo nhiệm kỳ tổng thống. Kế hoạch hành động hiện tại từ 2016-2019 đề ra 425 hoạt động được phân bổ trong 5 nhóm ưu tiên, gồm: Biên giới biển, không gian biển và ngoại giao biển do Bộ Ngoại giao, Quân đội, Bộ các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Thông tin chủ trì thực hiện; Công nghiệp biển và kết nối do Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Việc làm và nhà ở, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn chủ trì; Dịch vụ, tài nguyên biển và quản lý môi trường biển do Bộ các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Năng lượng và khoáng sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Môi trường và rừng chủ trì; Quốc phòng và an ninh biển do Quân đội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan an ninh biển, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá chủ trì; Văn hóa biển do Bộ Các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Giao thông, Bộ Nghiên cứu khoa học và giáo dục và Bộ Nhân lực chủ trì thực hiện.

RELATED ARTICLES

Tin mới