Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông tại các Diễn đàn khu vực và quốc...

Vấn đề Biển Đông tại các Diễn đàn khu vực và quốc tế trong năm 2019

Trong năm 2019, nhiều Diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng như Đối thoại Shangri-La, Diễn dàn An ninh khu vực, Hội nghị cấp cao Đông Á… đều trao đổi, thảo luận về diễn biến tình hình Biển Đông. Tại các Diễn đàn trên, quan chức các nước chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật quốc tế.

Đối thoại Shangri-La 2019 (31/5-2/6)

Giám đốc điều hành châu Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) Tim Huxley cho biết Shangri-La lần thứ 18 có 6 phiên toàn thể bao gồm: Tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Bảo đảm một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra, diễn đàn còn có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng.

Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (2/6) cho rằng, hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh là con đường đúng đắn. Tuy nhiên, thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến an ninh truyền thống, phi truyền thống và mới nảy sinh… đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển chung của nhân loại. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc mong muốn cùng các bên thúc đẩy hợp tác, giải quyết tranh chấp và bất đồng để cùng phối hợp duy trì vững chắc trật tự thế giới hiện có. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh, nước này không thể tách rời khỏi thế giới và thế giới cũng luôn gắn liền với sự phát triển của Trung Quốc. Về đường lối quốc phòng của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa giới thiệu, Trung Quốc áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực. Chiến lược quân sự của Trung Quốc là tôn trọng các nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng sau tấn công. Trung Quốc phát triển quân đội để đối phó với các mối đe dọa an ninh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh của nước này cũng như đóng góp cho lực lượng hòa bình thế giới. Ngoài ra, ông Ngụy Phượng Hòa cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với lực lượng vũ trang của các nước châu Á – Thái Bình Dương khác để cùng nhau đối phó với các thách thức, bảo vệ hòa bình và ổn định, thúc đẩy xây dựng tương lai chung với cộng đồng khu vực. Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho rằng, tình hình Biển Đông thời gian qua đang ổn định, trong đó Trung Quốc và ASEAN đang nỗ lực đàm phán để xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực này; ngang nhiên lấp liếm cho rằng Trung Quốc chỉ đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo thịnh vượng và cuộc sống tốt hơn cho tất cả những bên liên quan và rằng “Trung Quốc chưa bao giờ kích động chiến tranh hay xung đột, chiếm đất đai hoặc xâm lược một quốc gia khác”, khẳng định “Trung Quốc chưa bao giờ làm mồi nhử cho người khác. Chúng tôi cũng sẽ không để người khác biến thành mồi nhử hoặc gây chia rẽ”. Điều đáng nói, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cáo buộc một số quốc gia nằm ngoài khu vực Biển Đông đang phô trương sức mạnh quân sự ở khu vực thông qua cái gọi là bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược; đồng thời tái khẳng định Trung Quốc luôn giữ cam kết bảo vệ nền hòa bình và ổn định của khu vực cũng như không bao giờ theo đuổi chính sách bành trướng.

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nhấn mạnh nước này sẽ không bỏ qua hành vi của Trung Quốc ở châu Á; cho rằng Trung Quốc có thể và nên duy trì quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực. Tuy nhiên hành vi làm xói mòn chủ quyền các nước khác và gieo rắc sự ngờ vực về ý định của Trung Quốc phải chấm dứt; khẳng định Mỹ không muốn xảy ra xung đột nhưng khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến là sự răn đe tốt nhất. Mỹ muốn đảm bảo không có đối thủ nào tin rằng họ có thể thông qua lực lượng quân sự để thành công trong các mục tiêu chính trị.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng cho rằng sự gia tăng căng thẳng, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ đặt ra một thách thức rất lớn cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng các quốc gia cần cởi mở, kết nối và cùng xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở cũng như củng cố sự hợp tác trong khuôn khổ đa phương. Đặc biệt các nước ASEAN cần phải cùng nhau củng cố các cam kết song phương và đa phương, tạo nền tảng xây dựng một kiến trúc an ninh mạnh mẽ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM-Plus) chính là nền tảng. Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và cho rằng một COC thực chất và hiệu quả sẽ góp phần tăng cường sự tự tin và thúc đẩy ổn định của khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Haji Mohamad Sabu cho rằng trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Điều này cũng làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự tại khu vực. Bởi cùng với kinh tế phát triển là một quá trình tăng chi tiêu quân sự. Hiện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với thách thức về an ninh khi cả hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại đây và có những tuyên bố chống chéo về các điểm nóng chiến lược. Theo Bộ trưởng Sabu, hiện khu vực đứng trước 3 thách thức lớn sau: Thứ nhất là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Thực tế này khiến các nước nhỏ hơn lo ngại bởi sẽ buộc phải đứng về một phía, điều này gây bất bất lợi về mặt phát triển kinh tế và an ninh. Thứ 2 đó là xung đột nội bộ của một nước khiến nước khác bị ảnh hưởng như làn sóng người Rohingya chạy sang các nước láng giềng tị nạn. Theo ông Sabu, đây không còn là vấn đề của riêng Myanmar mà là một thách thức nhân đạo đối với ASEAN nói chung. Sự bất ổn trong khu vực có thể khiến chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong khu vực trỗi dậy. Thứ 3 là những thách thức an ninh phi truyền thống và các xu hướng mới nổi. Bạo lực hàng hải, khủng bố và an ninh mạng là những thách thức chính cần được giải quyết phù hợp. Vấn đề bạo lực hàng hải cần đòi hỏi một cách tiếp cận hợp tác hơn giữa các quốc gia. Sự cạnh tranh của các cường quốc làm gia tăng căng thẳng ở tại khu vực Biển Đông. Điều này làm gia tăng khả năng xung đột giữa các tàu hải quân và giữa các máy bay. Theo ông Sabu, Biển Đông nên vẫn là một khu vực hòa bình, hữu nghị và thương mại thay vì một cuộc đối đầu. Về chiến lược quốc phòng của Malaysia, ông Sabu cho biết, nước này theo đuổi hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác nhằm đối mặt với các mối đe dọa chung. Theo ông Sabu, sự thịnh vượng của quốc gia được thiết lập dựa trên mối quan hệ thân thiện với các quốc gia khác và điều này ngày càng phổ biến trong hệ thống đa phương. Theo đó, các quốc gia nên nỗ lực tham gia hợp tác thay vì theo đuổi chủ nghĩa cô lập và hành động đơn phương; đồng thời nhấn mạnh Malaysia sẽ không làm phức tạp trong các vấn đề toàn cầu và vì quan hệ quốc tế thân thiện Malaysia sẽ theo nguyên tắc tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt cho rằng thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ an ninh tập thể đến tranh chấp thương mại, an ninh thực phẩm, các loại tội phạm có tổ chức, mối đe dọa từ các hoạt động độc hại trên mạng rồi đến mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bà Mordaunt cho biết, để trở thành một đối tác toàn cầu đáng tin cậy, thì không thể tạm dừng các nhiệm vụ trên và Anh cam kết trở thành đối tác đáng tin cậy cho tất cả các nước. Theo Bộ trưởng quốc phòng Anh, sự tham gia của Anh trong khu vực để hỗ trợ cho các giá trị cơ bản toàn cầu, dân chủ và tôn trọng các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp, ngăn ngừa xung đột, đó là trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm cộng đồng; nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Chính vì vậy, các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các bất đồng, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; cho rằng dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lí tranh chấp. Ngược lại, nếu áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết, thì càng làm cho mâu thuẫn, tranh chấp gia tăng, kéo dài, dẫn đến xung đột. Muốn vậy, các bên phải tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Diễn đang Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 (20-22/10)

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 có chủ đề bao trùm là Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình tại châu Á-Thái Bình Dương”, thu hút sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo quốc phòng, lãnh đạo quân đội, chuyên gia, học giả đến từ’ hàng chục quốc gia và các tổ chức trên thế giới.

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa ngang ngược tuyên bố “các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam), đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo chi nhánh của nó đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, là vùng đất của tổ tiên chúng tôi để lại, chúng tôi không thể để mất một tấc….Quân đội chúng tôi hoàn toàn tự tin và có năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cung cấp hỗ trợ chiến lược để thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Theo ông Ngụy Phượng Hòa, “chính sách cây gậy lớn” và “nới dài tay quản lý” không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào và gây áp lực trừng phạt cũng rất khó đạt được mục đích; Trung Quốc không chấp nhận và không sợ”. Ngoài ra, để “mị dân”, Ngụy Phượng Hòa tái khẳng định “sự phát triển của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào. Dù phát triển đến mấy, Trung Quốc cũng vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng, không mưu tìm phạm vi thế lực”; nhấn mạnh “đi con đường phát triển hòa bình đã được đưa vào Hiến pháp và Điều lệ Đảng chúng tôi, cũng là quốc sách chúng tôi luôn quán triệt, không nên đánh giá thấp hoặc nghi ngờ điều này”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho rằng, đây là khu vực chứa đựng nhiều rủi ro an ninh do tác động của nhiều yếu tố, như cạnh tranh giữa các nước lớn; tranh chấp chủ quyền; các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến hòa bình, ổn định tại khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực hợp tác của khu vực. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, an ninh, ổn định của Trung Quốc và các nước ASEAN không thể tách rời nhau. Chính vì vậy hai bên luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng. Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc đối với hợp tác phát triển, giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, cũng như các cơ chế hợp tác do ASEAN giữ vai trò trung tâm và những đề xuất, sáng kiến hợp tác giữa hai bên nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực.

Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển (14-15/3)

Diễn đàn do Việt Nam, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì tại thành phố Đà Nẵng, các đại biểu bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương, quân sự hoá ở Biển Đông, cho rằng hành động phi pháp của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình ở khu vực.

Cuộc họp lần này có sự tham gia của 80 quan chức đầu ngành về an ninh và hợp tác biển đến từ 27 nước và tổ chứ thành viên ARF, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế, khu vực liên quan và các Bộ, ngành của Việt Nam. Đây là hoạt động thường kỳ trong khuôn khổ ARF nhằm rà soát, kiểm điểm tình hình an ninh biển, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ARF và đề xuất hoạt động, sáng kiến mới cho giai đoạn tiếp theo. Kết quả hợp tác giữa các bên và cơ chế đề ra; kiểm điểm tình hình hoạt động của các cơ chế; chia sẻ thông tin về chủ trương, chính sách và biện pháp được thực hiện ở cấp quốc gia và khu vực; thảo luận các chủ đề an toàn hàng hải, môi trường biển và phát triển bền vững…

Về tình hình an ninh biển ở khu vực, các đại biểu bày tỏ lo ngại tình hình an ninh trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó các tranh chấp chưa được giải quyết, sự gia tăng các loại tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn ma tuý, buôn người và nạn khai thác cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa… Liên quan tới vấn đề an toàn hàng hải, cuộc họp ghi nhận việc ASEAN đã thông qua quy trình hoạt động chuẩn nhằm giúp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các nước trong những chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, đề xuất của Nhật Bản, ứng dụng công nghệ trong theo dõi di chuyển của tàu bè và sáng kiến của Mỹ về bảo đảm an toàn thông tin, chống tấn công mạng nhắm vào tàu thuyền.

Các đại biểu tham dự Cuộc họp đều đồng thuận cho rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông như cải tạo đảo đá trái phép, quân sự hoá các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, không tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác giải quyết những thách thức chung. Các đại biểu đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982; kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình; không quân sự hoá; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hữu hiệu, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các đại biểu đề nghị thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng các nước, xây dựng quy tắc hướng dẫn chung, cải tiến cơ chế trao đổi về biển, hoạt động tuần tra chung, xây dựng và mở rộng cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ xây dựng và nâng cao năng lực, cũng như tiến trình thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần 26 (ARF 26)

Tham dự ARF 26 có Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước và tổ chức tham gia diễn đàn, trong đó có Ngoại trưởng 10 đối tác đối thoại của ASEAN là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Canada. Các nước Bangladesh, Triều Tiên, Mông Cổ, Pakistan, Sri Lanka và Timor-Leste cũng cử đại biểu tham dự Diễn đàn.

Các Bộ trưởng đã thông qua các Tuyên bố ARF về bảo đảm an ninh và an toàn hàng không, về thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hoà bình và an ninh và về phòng chống khủng bố và bạo lực cực đoan, cũng như kế hoạch hoạt động của ARF trong năm giữa kỳ 2019-2020, gồm các hoạt động, hội thảo về nhiều chủ đề an ninh khác nhau, từ bảo đảm an ninh và nâng cao nhận thức không gian biển, vận dụng luật pháp quốc tế, cứu hộ cứu nạn tới ứng phó sự cố an ninh mạng. Về tình hình Biển Đông, nhiều Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây, trong đó có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982; kêu gọi kiềm chế, không quân sự hoá cũng như không có các hành động làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ghi nhận một số tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC), các Bộ trưởng nhất trí tình hình hiện nay càng đòi hỏi một COC hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng COC đã có tiến triển, song vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các nước đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và duy trì môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất.

Diễn đàn Hòa bình thế giới (8/7) tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tuyên bố rằng sự phát triển của Trung Quốc không thể thiếu phần còn lại của thế giới và sự phát triển của thế giới cũng không thể thiếu Trung Quốc; đồng thời kêu gọi các nước lớn phải gánh vác trách nhiệm của mình và làm gương, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định toàn cầu, mở rộng lộ trình phát triển chung. Dù không trực tiếp đề cập tới Mỹ, nhưng Phó chủ tịch Trung Quốc đã cảnh báo về “chủ nghĩa bảo hộ dưới danh nghĩa an ninh quốc gia”, đồng thời kêu gọi các cường quốc thế giới phải đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định toàn cầu. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn còn nhấn mạnh rằng dù tình hình quốc tế phát triển theo hướng nào hay tình hình Trung Quốc phát triển thế nào đi nữa, Bắc Kinh vẫn theo đuổi lộ trình hòa bình và không tìm kiếm các kế hoạch gây ảnh hưởng hoặc bành trướng.

Trong khi đó, giới học giả quốc tế tham dự Diễn đàn cho rằng: “Chúng ta cần quản lý tốt hơn về tranh chấp, chúng ta cần có biện pháp kỹ thuật giải quyết tốt hơn những tranh chấp này, để tránh ảnh hưởng do xung đột mang tính ngẫu nhiên mang lại, chúng ta đều không mong sự xung đột mang tính ngẫu nhiên này diễn biến thành cuộc chiến tranh lớn, như vậy nhân dân châu Á có thể tiếp tục thực hiện sự phồn thịnh trong thế kỷ châu Á”. Giáo sư danh dự trường Đại học Quốc phòng Hàn Quốc Byong-Moo Hwang cho rằng cần quản lý tranh chấp trên biển, cách tốt nhất là các nước hữu quan thông qua đối thoại đàm phán, tăng cường hợp tác để giảm bớt rủi ro xung đột, thực hiện cùng có lợi cùng thắng. Đáng chú ý, Giáo sư trường Đại học Quốc phòng, Nghiên cứu viên Hội học thuật châu Á-Thái Bình Dương Trung Quốc Hàn Húc Đông cho rằng cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác trên biển ở châu Á-Thái Bình Dương cũng cần hai nước Trung Quốc và Mỹ phát huy vai trò tích cực hơn. Bởi vì hai nước Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực này. Ngoài ra, hai nước Trung Quốc và Mỹ có thể nói có ảnh hưởng quan trọng đối với khu vực Tây Thái Bình Dương, cần phải bắt tay từ việc xây dựng quy tắc giữ gìn an ninh khu vực này, bởi vì không có quy tắc thì không sao hành động. Triển khai hợp tác về mặt hành động giữ gìn an ninh cụ thể và hợp tác trong tấn công thách thức an ninh phi truyền thống.

Diễn đàn Đối thoại quốc phòng Seoul (4-6/9)

Diễn đàn đối thoại quốc phòng Seoul (SDD) lần thứ 8 với chủ đề “Cùng nhau xây dựng hòa bình: Các thách thức và tầm nhìn” diễn ra tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Vấn đề an ninh trên biển, nhất là ở Biển Đông là một trong những chủ đề được các nước đặc biệt quan tâm. Diễn đàn quy tụ sự hiện diện của nhiều lãnh đạo Bộ quốc phòng các nước, nhất là các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có bài phát biểu đề dẫn của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ. Chủ đề mà nhiều học giả cũng như nhiều lãnh đạo quốc phòng quan tâm là vấn đề an ninh biển. Theo đó hiện có rất nhiều lo ngại trước việc luật pháp quốc tế về biển đang bị xâm hại nghiêm trọng và cách hành xử dùng vũ lực, quân sự hóa những khu vực biển chung của thế giới, xâm hại đến quyền của những quốc gia ven biển và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoài ra, bên lề Đối thoại, cuộc họp của Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN – Hàn Quốc cũng nêu nhiều vấn đề an ninh liên quan đến Hàn Quốc và vấn đề của ASEAN, trong đó Biển Đông. Các đại biểu đều quan ngại trước việc hệ thống luật pháp quốc tế về an ninh an toàn hàng hải và hàng không đang bị đe dọa, cũng như hoạt động quân sự hóa và hành xử bằng tạo áp lực. Các đại biểu cũng quan tâm đến hoạt động kinh tế bình thường của các quốc gia ven biển trên cơ sở luật pháp quốc tế trong quyền tài phán quyền chủ quyền của mình bị các nước khác không tôn trọng gây phương hại đến những hoạt động hòa bình trên biển, khiến tình hình khu vực nóng lên, đồng thời đe dọa đến tự do an toàn hàng hải và hàng không.

Diễn đàn ASEAN – Nhật Bản lần thứ 34 (3/6)

Diễn đàn ASEAN – Nhật Bản lần thứ 34 tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Diễn đàn là đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN và Nhật Bản do Việt Nam đồng chủ trì với Nhật Bản trong nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản 2018-2021.

Về Biển Đông, diễn đàn chia sẻ về tiến triển trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, song cho rằng các hoạt động đơn phương thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa tiếp tục gây lo ngại, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên Biển Đông. Các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, các đòi hỏi chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.

Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 (7/3)

Tại hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu quân sự cấp cao các nước đã có các bài phát biểu tham luận quan trọng, trao đổi sâu rộng về các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó có an ninh biển, chống khủng bố và thảm họa thiên nhiên. Đoàn đại biểu Việt Nam bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị ACDFM lần này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và cam kết của các nước trong việc tiếp tục duy trì tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và các cam kết khu vực; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tránh gây căng thẳng và phức tạp thêm tình hình; tăng cường biện pháp xây dựng lòng tin như thực hành Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) và Hướng dẫn tránh va chạm giữa các máy bay quân sự (GAME). Bên cạnh đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hải quân các bên liên quan tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin để giải quyết các sự vụ trên biển, nhất là ngư dân, một cách nhanh chóng, hiệu quả trên tinh thần nhân đạo, góp phần duy trì hoà bình, ổn định vùng biển trong khu vực.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (18-19/01)

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/1 ở Chieng Mai, Thái Lan. Bên cạnh các nội dung như tiến trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy liên kết kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại…, duy trì an ninh trên Biển Đông cũng là một nội dung được bàn thảo, coi đây là trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm 2019 này. Các Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian qua, tình hình Biển Đông trên thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng; bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hòa bình và an ninh khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới