Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đang kiểm soát gần 1/5 lưu lượng sông Mekong

TQ đang kiểm soát gần 1/5 lưu lượng sông Mekong

Báo cáo mới nhất của Ủy hội sông Mekong đã chỉ rõ việc xây đập của Trung Quốc khiến mực nước các con sông vào mùa khô năm sau luôn thấp hơn năm trước và ngày càng trong hơn vì ít phù sa, trầm tích.

Sự thay đổi dòng chảy chính, giảm lượng phù sa, sự biến mất liên tục của các vùng ngập nước, suy giảm môi trường sống và sinh kế ven sông cùng sự thiếu chia sẻ thông tin đang đặt dòng Mekong trước một loạt thử thách.

Những cảnh báo trên đã được nêu rõ trong báo cáo Báo cáo Hiện trạng Lưu vực (SOBR) 2018 dài 226 trang vừa được công bố tại Lào ngày 22-10. Đây cũng là báo cáo đầu tiên của Ủy hội sông Mekong (MRC) đánh giá các điều kiên, tác động đối với dòng sông đoạn chảy qua Trung Quốc.

Tuy nhiên điểm còn hạn chế là những thông tin này chưa được cập nhật mới nhất hay sát với thực tế mà chỉ dựa trên các thông tin chính thức có sẵn vào thời điểm viết báo cáo và các nghiên cứu học thuật khác.

88% diện tích lưu vực thượng lưu sông Mekong nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Việc xây dựng các đập trữ nước và nhà máy thủy điện trên khu vực này đã dẫn tới những thay đổi thấy rõ ở hạ lưu khi mùa khô ngày càng khô hơn và mùa lũ ngày càng ít nước hơn.

Theo SOBR, việc vận hành các đập và hồ chứa của Trung Quốc đã khiến lượng trầm tích của các con sông giảm rõ rệt từ 60 tới 70%, cộng thêm việc khai thác cát trên cả thượng lưu lẫn hạ lưu Mekong đã làm các dòng sông ngày càng trở nên trong hơn.

Chất lượng nước và trầm tích của sông Mekong đang ở mức báo động đỏ – mức cao nhất đòi hỏi cần phải có hành động ngay lập tức theo thang khuyến nghị 4 màu được đưa ra trong SOBR.

Báo cáo của MRC cũng thừa nhận vấn đề một phần đến từ các nước lưu vực hạ lưu khi cơn khát năng lượng đã đẩy một số nước tới việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong. 

Trong khi đó, theo báo Bangkok Post, Lào đang quyết tâm với nhà máy thủy điện Luang Prabang công suất 1.460MW và kế hoạch xây thêm 9 đập thủy điện nữa trên dòng chính Mekong, còn Campuchia cũng bắt đầu nói về kế hoạch xây dựng 2 đập trên sông Mekong. 

Trung Quốc đang kiểm soát gần 1/5 lưu lượng sông Mekong - Ảnh 2.
Cá tra dầu bắt được ở Campuchia. Những loại cá nước ngọt lớn như thế này đang ngày càng biến mất trên dòng Mekong. Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của những con đập khiến cuộc sống ngư phủ bấp bênh hơn, chấp nhận bắt cả cá con và cá nhỏ thay vì để chúng phát triển như trước đây – Ảnh chụp màn hình báo National Geographic

Điều tích cực là Lào đã chấp nhận ngồi xuống thảo luận với các nước khác trong MRC trong vòng ít nhất 6 tháng kể từ đầu tháng 10-2019, để giải quyết các quan ngại liên quan tới thủy điện Luang Prabang.

“Chúng ta cần giải quyết những vấn đề này ngay bây giờ để giảm thiểu tác hại môi trường, bảo vệ các vùng đất ngập nước và môi trường sống ven sông còn lại trước khi chúng biến mất”, ông An Pich Hatda – giám đốc điều hành Ban thư ký MRC, phát biểu trong lễ công bố SOBR.

Việc Trung Quốc kiểm soát tới 18% lưu lượng nước sông Mekong (và thực tế có thể đã hơn vào thời điểm hiện tại khi các hồ chứa nước mới đã hoàn tất), theo MRC, nếu nhìn theo hướng tích cực, có thể ràng buộc Bắc Kinh vào các hợp tác với những nước hạ lưu nếu muốn giữ hình ảnh là một nước có trách nhiệm.

Báo cáo của SOBR đã đưa ra nhiều khuyến nghị chiến lược cho các nước hạ lưu Mekong, với phần lớn tập trung vào việc kêu gọi tăng cường hợp tác với Trung Quốc để bảo đảm dòng sông sẽ mang lại lợi ích cho tất cả.

Trung Quốc đã có một số hành động tích cực được ghi nhận như xả nước giải hạn cho Thái Lan trong mùa khô năm nay. 

Song, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đó là bằng chứng rõ nhất cho thấy Bắc Kinh đang âm mưu kiểm soát dòng Mekong và nếu thành công, một lúc nào đó các nước khác sẽ phải xuống nước với Trung Quốc để xin nước.

Năm 1995, bốn quốc gia có chung hạ lưu lưu vực sông Mekong là Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia ký Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, từ đó lập ra Ủy hội sông Mekong (MRC) cho đến ngày nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới