Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTân Đại sứ Pháp tại Việt Nam: Pháp có cùng quan điểm...

Tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam: Pháp có cùng quan điểm với Việt Nam về vấn đề Biển Đông

Tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery hôm 25/10 đã nhấn mạnh Pháp có cùng quan điểm với Việt Nam về vấn đề biển Đông là phải đàm phán đa phương dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không.

Ngày 25/10, Tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, hai bên đã thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm hiện nay.

Về quan hệ hai nước, hai bên bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác truyền thống Việt Nam – Pháp phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, quan hệ với Pháp không ngừng được củng cố, nhiều dự án hợp tác giữa 2 bên đã và đang được triển khai. Hiện Pháp có 250 dự án đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn 260 triệu USD, đứng thứ 15/106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 855 triệu USD. Đại sứ Nicolas Warnery cho rằng quan hệ Pháp – Việt Nam đang phát triển ở tầm cao mới mà biểu hiện sinh động là nhiều dự án hợp tác giữa 2 nước đang được triển khai. Từng đảm nhiệm chức vụ Tổng lãnh sự Pháp giai đoạn 2004-2007, trong lần trở lại Thành phố Hồ Chí Minh lần này, ông Nicolas Warnery cho biết rất ấn tượng với sự phát triển của Thành phố và khẳng định Pháp luôn theo dõi và mong muốn đồng hành với những bước tiến của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Về hợp tác trong các vấn đề của khu vực và Biển Đông, quan điểm của Pháp về Biển Đông là tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời mong muốn Pháp và Liên minh châu Âu tiếp tục ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Đại sứ Pháp Nicolas Warnery nhấn mạnh Pháp có cùng quan điểm với Việt Nam về vấn đề Biển Đông là phải đàm phán đa phương dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không.

Năm 2019, Pháp là nước có tiếng nói tích cực trong vấn đề Biển Đông. Hôm 29/8, Pháp đã cùng Anh, Đức ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông. Pháp cũng hai nước chủ chốt của Liên hiệp châu Âu kêu gọi “tất cả các quốc gia ven Biển Đông thực hiện các bước và các biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực”. Pháp, Đức và Anh “hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử dựa trên các luật lệ, mang tính hợp tác và hiệu quả, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông và mong có những tiến bộ để sớm chốt lại Bộ quy tắc.

Cũng trong ngày 29/8, Pháp đã cùng EU ra Tuyên bố của Khối về những diễn biến gần đây tại Biển Đông. Tuyên bố của Người phát ngôn Cơ quan Ngoại giao EU nhấn mạnh, các hành động đơn phương trong những tuần qua tại Biển Đông đã dẫn tới những căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải, điều này thể hiện một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực. Theo EU, điều tối quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, tiến hành các bước cụ thể hướng tới việc trở lại nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Các bên, nếu thấy hữu ích, cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các tiến trình do ASEAN dẫn dắt trong khu vực nhằm thúc đẩy hơn nữa một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, củng cố hợp tác đa phương cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba. EU cam kết đối với một trật tự pháp lý về biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới