Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ trương, hoạt động của Anh ở Biển Đông năm 2019: Cam...

Chủ trương, hoạt động của Anh ở Biển Đông năm 2019: Cam kếp tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Trong năm 2019, Anh tiếp tục thể hiện quan điểm, chủ trương cứng rắn trước các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời tái khẳng định cam kết của London trong việc điều tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth triển khai các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Anh quyết triển khai tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Anh được cho là đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay tối tân HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông trong năm 2021. Đây là chuyến hải trình quốc tế đầu tiên của tàu sau khi chính thức đi vào hoạt động trong năm 2020. Tàu dự kiến có tải trọng đến 65.000 tấn và sẽ được trang bị tiêm kích thế hệ mới F-35. Trong khi đó, Người phát ngôn Chính phủ Anh nhấn mạnh sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại Biển Đông là bình thường và Anh không phải ngoại lệ. Nước Anh có lợi ích lâu dài tại khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực; nhấn mạnh Anh muốn hỗ trợ Mỹ và Australia thực thi quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế. Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson (11/2/2018) lần đầu tiết lộ kế hoach Anh sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những bên vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực. Theo đó, ông Williamson khi đó cho rằng Anh là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong khu vực trên và họ phải thể hiện “quyền lực cứng” để bảo vệ quyền lợi của mình. Đáng chú ý, tờ Navy Recognition dẫn một số nguồn tin cho biết, nhiều khả năng Anh sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và một số tàu khu trục Type 45 và tàu hộ vệ Type 26 thế hệ mới để tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong năm 2021.

Phản ứng trước kế hoạch trên của Anh, Đại sứ Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh (9/9) đã lên tiếng chỉ trích cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson với ý tưởng muốn tàu sân bay tới châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là tới khu vực tranh chấp của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Ông Lưu Hiểu Minh tuyên bố, “Trung Quốc xem xét việc gửi tàu chiến của Anh và Mỹ vào vùng biển tranh chấp là hành động thù địch”, đồng thời kêu gọi Anh không bị cuốn vào việc thực hiện các ý định của Mỹ; nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “không dung thứ” cho hành vi “vi phạm chủ quyền của Mỹ” theo ý tưởng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đưa ra nhằm kêu gọi sự gia tăng hiện diện của các đồng minh, bao gồm cả Anh. Đại sứ Trung Quốc cho rằng, hành động của Mỹ đang “phá vỡ trật tự quốc tế” và “gia tăng sự thống trị” của Washington. Cùng quan điểm trên, Tùy viên quân sự TQ tại Anh Tô Quảng Huy cũng chỉ trích động thái đưa tàu sân bay tới Biển Đông của Anh và hành động cổ vũ của Mỹ. Ông Tô Quảng Huy cho rằng, “nếu Mỹ và Anh cùng hợp tác thách thức hay xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đó sẽ được xem là một hành động thù địch”.

Thông qua Tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông

Ngay sau khi Mỹ và EU đưa ra các tuyên bố bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam, Anh, Đức và Pháp cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự, đồng thời kêu gọi giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Tuyên bố chung của Anh, Đức và Pháp (29/8) bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đưa ra các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó có việc đảm bảo quyền của các nước ven biển đối với khu vực hải phận của họ, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước, vốn đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các vùng biển, bao gồm cả ở Biển Đông, phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”. Ngoài ra, Pháp, Anh và Đức cũng hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), dựa trên các quy tắc, hợp tác hiệu quả, phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích các bước tiến để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc này.

Tăng cường tập trận, tuần tra trong khu vực

Trong tháng 1/2019, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã tập trận chung với tàu khu trục USS McCampbell trong 6 ngày ở Biển Đông, sau khi chiến hạm này tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ven Biển Đông, có thể ở Brunei hoặc Singapore, để hiện diện lâu dài hơn ở Tây Thái Bình Dương.

Để phản đối lại việc Anh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (14/2) đã hủy kế hoạch đàm phán thương mại với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cảnh báo đưa tàu chiến đến Thái Bình Dương để thách thức Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (9/2018) từng bày tỏ hy vọng rằng “Anh sẽ thực thi lập trường không can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và không làm xáo trộn sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước”. Đáng chú ý, giới chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng những động thái gần đây của Anh liên quan vấn đề Biển Đông ảnh hưởng lớn đến quan hệ Trung – Anh. Theo Giáo sư Hữa Lợi Bình, Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng những động thái gần đây của Anh là phô trương sức mạnh cơ bắp nhằm vào Trung Quốc và cho thấy sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc bên ngoài vào tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, ông Ni Lexiong, một chuyên gia về biển tại Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, cho rằng kế hoạch xây căn cứ quân sự ở Đông Nam Á của Anh là một bằng chứng nữa cho thấy Anh và các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ đang ngày càng sát cánh hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc. “Đây là bước đi bổ sung cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và Washington sẽ rất hài lòng” ông Ni nói về kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh ở khu vực vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp lịch sử.

Tuyên bố mở căn cứ quân sự tại Đông Nam Á

Trả lời phỏng vấn với báo The Sunday Telegraph, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, Anh đang lên kế hoạch mở căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á. Hai địa điểm có thể được Anh lựa chọn để đặt căn cứ quân sự là Singapore và Brunei. Các căn cứ sẽ có quân nhân và lực lượng hậu cần kỹ thuật, các tàu vận tải và trang thiết bị quân sự, đáp ứng tình hình quân sự – chính trị trong khu vực. Bộ trưởng Williamson cho biết Anh sẽ mở hai căn cứ quân sự mới trong “vài năm tới”, bao gồm một căn cứ ở vùng Caribe; nhấn mạnh kế hoạch này sẽ giúp Anh trở lại vị thế của một “nhân tố toàn cầu thực sự” sau sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Việc mở căn cứ quân sự mới cũng đánh dấu bước chuyển biến về chính sách của Anh từ sau khi nước này rút các căn cứ quân sự tại Đông Nam Á và vịnh Persian trong thập niên 1960.

Giáo sư Hứa Lợi Bình, Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Mỹ đứng sau kế hoạch mở căn cứ quân sự của Anh tại Đông Nam Á trong bối cảnh Washington ngày càng bớt quan tâm tới việc duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu do chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump; nhấn mạnh Anh đặc biệt tăng cường hoạt động tại Biển Đông đúng vào thời điểm Mỹ quan ngại về việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong khu vực và đây là một động thái phô diễn sức mạnh nhằm vào Trung Quốc, cho thấy sự can dự ngày càng chặt chẽ hơn của các cường quốc bên ngoài vào tranh chấp Biển Đông. Ông Hứa Lợi Bình cũng cho rằng mặc dù kế hoạch của Anh vẫn đang ở giai đoạn đầu, song đây sẽ là phép thử cho mối quan hệ của Trung Quốc với Singapore và Brunei – hai nước từng là thuộc địa của Anh trước đây. Bắc Kinh vẫn đang tích cực lôi kéo Brunei, một bên trong tranh chấp Biển Đông, thông qua hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm Brunei hồi tháng 11/2018 để thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều tăng vọt trong những tháng gần đây. Trong khi đó quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore được thử thách từ hai năm trước khi Bắc Kinh chỉ trích Singapore đứng về phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Tại cuộc họp của lãnh đạo các nước trong khu vực hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo rằng các nước Đông Nam Á có thể bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc và có thể sẽ phải lựa chọn một trong hai.

Nhìn chung, tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Anh liên tục thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán trong việc ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế và kiên quyết bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như phản đối các hành động đơn phương, vi phạm luật quốc tế và quân sự hóa trong khu vực. Ngoài ra, Anh cũng là nước có lợi ích thiết thực, mang tính sống còn ở khu vực Biển Đông. Về kinh tế, hơn 12% thương mại của Anh, tương đương 92 tỷ bảng, đi qua biển Đông mỗi năm. Về chính trị, các nước đồng minh của Anh (Mỹ, Australia, Nhật Bản…) đều có lợi ích ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới