Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại các động thái của TQ liên quan hoạt động dầu...

Nhìn lại các động thái của TQ liên quan hoạt động dầu khí ở Biển Đông trong năm 2019 và xu hướng thời gian tới

Trong năm 2019, Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục sử dụng triệt để các công cụ phương tiện liên quan hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông để phục vụ các yêu sách chủ quyền phi pháp, trong đó đỉnh điểm là việc nước này triển khai tàu khảo sát thăm dò xâm phạm chủ quyền của các nước như Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Một là, chế tạo và đưa vào sử dụng các giàn khoan dấu khí cỡ lớn

Ngày 10/4, Trung Quốc đưa hoàn thành đóng mới Giàn khoan sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Trung Quốc mang tên Dongfang 13-2 CEPB tại tỉnh Quảng Đông. Giàn khoan nổi này nặng 17.247 tấn, tương đương với 10 nghìn chiếc xe ôtô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá. Sau đó, giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB được triển khai tại Lưu vực Yinggehai, nằm ở phía Tây Bắc Biển Đông, giữa Đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam.

Ngày 22/7, Trung Quốc đã bàn giao tàu khảo sát “Đại Dương hiệu”, phục vụ việc thăm dò và nghiên cứu tài nguyên biển của Trung Quốc. Tàu này dài 98,5m, rộng 17m và độ choán nước xấp xỉ 4.600 tấn, được trang bị tàu lặn, sonar và hệ thống cảm biến từ xa, tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 14.000 hải lý, có khả năng tiến hành thăm dò tài nguyên tầng sâu ở bất kỳ đại dương nào trên thế giới. Truyền thông Trung Quốc cho rằng con tàu “Đại Dương Hiệu” cũng đại diện cho “đỉnh cao” của công nghệ khảo sát đại dương của Trung Quốc. Tàu “Đại Dương Hiệu” do Bộ Tài nguyên thiên nhiên sở hữu và quản lý, được trang bị công nghệ khảo sát đại dương tiên tiến nhất của Trung Quốc. Việc chuyển giao con tàu này đánh dấu một kỷ nguyên mới về năng lực của Trung Quốc trong nghiên cứu, khảo sát, thăm dò tài nguyên biển và giúp duy trì quyền lợi của nước này trong các vùng biển quốc tế.

Từ ngày 21/ 9, Trung Quốc đã đưa Giàn khoan Hải Dương Thạch du 982 (HD 982) ra hoạt động ở Biển Đông với độ sâu lên tới 3.000m. Đây là giàn khoan thế hệ mới của Trung Quốc, được biết thuộc loại lớn nhất và tiên tiến nhất, có thể khoan ở độ sâu lên tới 5.000m. Trước đó, Giàn khoan này được Trung Quốc đưa ra khu vực mỏ Lăng Thủy từ ngày 19/3 đến ngày 31/5. Giàn khoan Hải Dương 982 được đóng ở xưởng đóng tàu Đại Liên là loại giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, có thể chịu được những cơn bão mạnh, phù hợp với điều kiện thời tiết khi tác nghiệp tại Biển Đông. Hải Dương-982 được trang bị hệ thống định vị động lực DP3, khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500m và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 9.144m. Giàn có chiều dài 104,5m, chiều rộng 70,5m, có thể phục vụ cho 180 nhân viên. Giàn khoan này được chế tạo với thời gian phục vụ khoảng 25 năm. Giàn khoan Hải Dương 982 được hạ thủy tháng 5/2017 và được chuyển giao cho Công ty dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc (COSL) trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào tháng 3/2018. Sau đó, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 có hợp đồng khoan dầu khí đầu tiên với Gazprom Neft của Nga ở khu vực biển Okhotsk. Đến cuối năm 2018, giàn khoan Hải Dương 982 được kéo về cảng Huệ Châu ở Quảng Đông. Đầu năm nay thì nó được triển khai ra khu vực phía Đông Biển Đông, tức phía Đông Hải Nam, phía Nam Hồng Công.

Hai là, ngang nhiên mời thầu trái phép các công ty nước ngoài tại các lô dầu khí ở Biển Đông

Từ ngày 11-12/7, CNOOC mở thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam. CNOOC cho biết, đây là những khu vực thăm dò dầu khí nước sâu, sẽ hợp tác trên tinh thần “cùng thắng”. Đây không phải là lần đầu tiên CNOOC mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí trái phép ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước đó trong năm 2012, 2013, 2014 và 2016, Trung Quốc đã 6 lần mời thầu nước ngoài. Trong đó, lần gần nhất là vào tháng 2/2016, Trung Quốc thông báo mời các đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu khai thác 18 lô dầu khí tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974. Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Đối tượng mời thầu bao gồm các công ty tư nhân và tập đoàn nước ngoài, cùng tham gia thăm dò khai thác dầu khí dưới sự điều hành của CNOOC.

Ba là, sử dụng công cụ chính trị, ngoại giao, quân sự để ngăn cản, gây sức ép đối với các hoạt động thăm dò dầu khí của các nước

Từ tháng đầu tháng 7, Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống tiến sâu vào vùng thềm lục địa của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, phía Nam của Biển Đông. Đây là vùng biển nằm hoàn toàn trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế, thuộc chủ quyền và quyền tàn phán của Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc là ngăn cản hoạt động thăm dò, khảo sát dầu khí của Việt Nam và các đối tác hợp pháp nước ngoài. Hoạt động của Trung Quốc đã bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ.

Trung Quốc thường xuyên sử dụng sức ép về ngoại giao, chính trị và quân sự để ngăn chặn các nước hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp ở Biển Đông. Tháng 6/2007, Tập đoàn Dầu khí British Petroleum (BP) của Anh đã phải tuyên bố tạm ngưng thăm dò tại lô 5.2 và 5.3 vì “áp lực từ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc”. BP giải thích việc tạm ngưng thăm dò là “để cho các quốc gia có liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề”. Tháng 7/2008, Trung Quốc khuyên tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ nên rút ra khỏi những dự án khai thác dầu với Việt Nam, sau khi có tin Exxon Mobil hợp tác với Petro Vietnam thăm dò các lô 135, 136, khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon Mobil cho biết chưa ký thỏa thuận nào về việc thăm dò – khai thác dầu ở biển Đông, trừ việc cùng PetroVietnam lượng định kỹ thuật và thương mại cho một số địa điểm có triển vọng ở biển Đông. Tuy không rút lui nhưng Exxon Mobil không làm gì thêm. Vào tháng 3/2009, Tập đoàn BP của Anh chính thức tuyên bố rút khỏi dự án thăm dò dầu khí tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam, sau gần hai năm tạm ngưng hợp tác thăm dò, khai thác. Tháng 5/2010, Việt Nam phải cử chiến hạm hộ tống tàu Aquila Expoler của Công ty thăm dò – khai thác dầu khí Neon Energy (Australia) khi tàu này tiến hành thăm dò địa chấn hai chiều ở lô 120 ngoài khơi Quảng Ngãi. Tháng 10/2011, Trung Quốc cánh cáo “các công ty nước ngoài không tham gia thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp” sau khi ExxonMobil loan báo đã phát hiện ra dầu khí sau mũi khoan thứ hai trong lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng. Tháng 2/2012, Lukoil – tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Nga tuyên bố rút khỏi dự án Hanoi Trough-02 (НТ-02), tại Biển Đông. Lukoil mua 50% cổ phần trong dự án từ tháng 4/2011.

Xu hướng hoạt động lợi dụng khai thác, thăm dò dầu khí của TQ ở Biển Đông trong thời gian tới

Do ý đồ nguy hiểm không bao giờ thay đổi đằng sau các hoạt động liên quan dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông, vì vậy Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng triệt để công cụ này để gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát Biển Đông.

Giới nghiên cứu chỉ ra rằng Trung Quốc muốn thông qua việc triển khai các loại hình giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông để nhằm kiểm tra, đánh giá trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và băng cháy ở Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi hoạch định chính sách, biện pháp khai thác (đa phần là phi pháp) trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình trong khu vực. Không những vậy, Trung Quốc liên tục đưa các loại giàn khoan vào loại hiện đại và tiên tiến nhất thế giới vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có “chủ quyền” ở quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc cũng tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt ở khu vực này thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá Việt Nam vi phạm. Thông qua việc triển khai các giàn khoan trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng có ý định dùng giàn khoan dầu để từng bước giành quyền kiểm soát khu vực ngoài khơi, bước đầu là tạo một vùng kiểm soát không rõ ràng về pháp lý và chính trị, sau đó là chiếm lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực.

Các chuyên gia cảnh báo, triển khai gian khoan ra Biển Đông là bước đi “chiến lược” của Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, quấy rối dựa trên các chiêu bài núp bóng dân thường; Gây ảnh hưởng trên dư luận quốc tế, ngăn cản các nước lân cận theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc; Lợi dụng luật pháp quốc tế và Trung Quốc nhằm khẳng định quyền lợi của nước này đồng thời phủ nhận hay thay đổi các điều khoản không có lợi trong tranh chấp ở Biển Đông. Cuối cùng, Trung Quốc đang tìm mọi cách để kiểm soát 80% diện tích Biển Đông và đã sử dụng mọi nguồn lực để đạt được mục đích: sức mạnh quốc gia – ngoại giao, quân sự, bán quân sự và thương mại – để đạt được những gì họ muốn. Thứ bảy, hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông đã một lần nữa khẳng định mưu đồ giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này của Trung Quốc trong những năm gần đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới