Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại một số tuyên bố xuyên tạc, vu cáo nổi bật...

Nhìn lại một số tuyên bố xuyên tạc, vu cáo nổi bật của Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2019

Để biện minh cho các hoạt động phi pháp trên Biển Đông và che dấu ý đồ độc chiếm vùng biển của nước khác, giới chức Trung Quốc đã tích cực đưa ra các tuyên bố xuyên tạc, vu cáo về diễn biến tình hình Biển Đông, cũng như bao biện cho hoạt động phi pháp của Bắc Kinh.

Tuyên bố ngang ngược, vô lối , xuyên tạc của Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (21/10) nhận vơ “chủ quyền” ở Biển Đông. Ngụy Phượng Hòa ngang ngược tuyên bố “các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam), đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo chi nhánh của nó đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, là vùng đất của tổ tiên chúng tôi để lại, chúng tôi không thể để mất một tấc….Quân đội Trung Quốc hoàn toàn tự tin và có năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cung cấp hỗ trợ chiến lược để thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Theo ông Ngụy Phượng Hòa, “chính sách cây gậy lớn” và “nới dài tay quản lý” không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào và gây áp lực trừng phạt cũng rất khó đạt được mục đích; Trung Quốc không chấp nhận và không sợ”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (27/6) tiếp tục đưa ra nhiều tuyên bố ngụy biện về các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Liên quan việc Trung Quốc triển khai trái phép tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.Ông Nhậm Quốc Cường giải thích sai trái rằng “đó là lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp” dù trên thực tế là quốc tế không hề công nhận điều Trung Quốc nói (Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm). Với nhận thức sai lầm, ông Nhậm còn lên giọng thách thức: “Đó là quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền khi triển khai các căn cứ và tiến hành huấn luyện trên lãnh thổ của mình. Các hành động bên phía Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và công bằng và các bên liên quan không nên ngạc nhiên”. Liên quan việc Trung Quốc triển khai mạng 5G cho binh lính đồn trú trên đảo và các rạn san hô trên Biển Đông.Ông Nhậm Quốc Cường khoe khoang: “Chi nhánh Hải Nam của Bệnh viện Đa khoa PLA mà bạn vừa đề cập đã bắt đầu sử dụng công nghệ 5G cùng với chẩn đoán siêu âm. Họ đã có một số chương trình thí điểm và đạt được kết quả ban đầu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào mạng thông minh và tận dụng công nghệ tốt hơn, tiên tiến hơn để phục vụ binh lính và người dân”. Ông Nhậm còn ngang nhiên cho rằng với sự phát triển của công nghệ thông tin và công nghệ y tế, việc áp dụng công nghệ từ xa ngày càng trở thành một trọng tâm quan trọng của sự phát triển dịch vụ y tế. Trong những năm gần đây, hệ thống y tế và y tế quân sự luôn đặt mục tiêu “tất cả phục vụ cho các sĩ quan và tất cả vì mục đích chiến đấu”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bao biện, không dám nhận vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (7/03) ngang nhiên bác bỏ thông tin về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam khi đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 10h10 ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm. Khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này. Sau đó, Văn phòng Uỷ ban đã yêu cầu Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc cứu nạn các ngư dân. Đến trưa cùng ngày, năm ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xuyên tạc rằng tàu Ngư chính của Trung Quốc liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc và “cứu” các ngư dân trong buổi chiều, cho rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm. Trước đó, ông Lục Khảng (3/1/2019) ngang nhiên cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”.

Liên quan vụ tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, để ngụy biện cho hành động phi pháp trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (17/7) đã ngang nhiên đưa ra tuyên bố yêu cầu Việt Nam “tôn trọng” cái gọi là “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông, cũng như sẽ “không thực hiện hành động có thể khiến tình trạng xấu đi thêm nữa”. Tuyên bố vô lối và “đổi trắng thay đen” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy hành vi “vừa ăn cắp, vừa la làng” của nước này trong vấn đề Biển Đông.

Không những vậy, Trung Quốc còn ra sức kêu gọi các nước “đàm phán hiệp thương song phương” để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (16/10) cho rằng “cục diện quan hệ Trung Quốc – Việt Nam phát triển tốt như hiện nay không dễ dàng. Trung Quốc hy vọng Việt Nam cùng với Trung Quốc kiên trì thông qua đàm phán hiệp thương giải quyết bất đồng trên biển, dùng hành động thực tế để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, duy trì hợp tác tin tưởng song phương”. Tuy nhiên, đàm phán hiệp thương theo kiểu song phương trực tiếp với từng nước liên quan của Trung Quốc sẽ không thể giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà chỉ tạo cơ hội để Trung Quốc lợi dụng, gây sức ép với từng nước.

Ngoài ra, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (18/9) ngang ngược cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính ở gần đó”. Đồng thời Cảnh Sảng khẳng định lập trường này của Trung Quốc có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý. Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng: “Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng biển gần Bãi Vạn An thuộc Quần đảo Nam Sa (Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Về vấn đề này, Trung Quốc có đủ cơ sở lịch sử và pháp lý. Việt Nam đã tiến hành các hoạt động khoan dầu khí đơn phương tại vùng biển Vạn An của Trung Quốc kể từ tháng 5 năm nay, đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc và vi phạm thỏa thuận song phương Trung-Việt bao gồm Hiệp định về các nguyên tắc cơ bản trên biển; vi phạm Điều 5 của Tuyên bố về hành vi của các bên và các quy định có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Phía Việt Nam cần chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương và khôi phục sự hài hòa và yên tĩnh cho các vùng biển liên quan. Hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển thuộc quyền quản hạt của Bắc Kinh là hợp lý, hợp pháp, không thể tranh cãi. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam để xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan thông qua tham vấn thân thiện”. Từ tuyên bố phách lối trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy nước này hoàn toàn không hiểu về luật pháp quốc tế, cố tình xâm chiếm biển đảo của Việt Nam; vu cáo, đổ lỗi cho các hoạt động hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông… Hành động này của Bắc Kinh không chỉ khiến cộng đồng quốc tế thấy thất vọng, mà còn khiến người dân trên thế giới coi thường Trung Quốc – một trong 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc Ngô Sỹ Tồn (21/10) tìm cách đổ lỗi cho các nước làm gia tăng cẳng thẳng ở Biển Đông và bao biện cho các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Theo ông Ngô Sỹ Tồn, trong 3 năm qua, tình hình Biển Đông về cơ bản đã ổn định và đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, thời gian gần đây Biển Đông bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng trở lại; đồng thời nhận định có 6 vấn đề thách thức đối với tình hình an ninh ở Biển Đông. (1) Đầu tiên, cạnh tranh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông đã gia tăng và trở nên khốc liệt hơn, khiến nguy cơ xung đột tăng lên. Một mặt, tần suất, phạm vi và cường độ hoạt động quân sự của quân đội Mỹ ở Biển Đông đã tăng lên đáng kể. Kể từ năm 2017, chính quyền Trump tiếp tục củng cố hiện diện của quân đội Mỹ ở Biển Đông bằng cách tiến hành các hoạt động đơn phương, “cám dỗ” các lực lượng đồng minh và các lực lượng thân thiện. Hiện tại, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông đã hình thành nên tình trạng phối hợp giữa lực lượng không quân, hải quân và lực lượng bán quân sự. Không những vậy, Mỹ cong cử các lực lượng “bán quân sự” cao cấp tham gia thực hiện nhiệm vụ quân sự ở Biển Đông, kể từ năm 2019, các tàu Cảnh sát biển Hoa Kỳ đã vượt qua eo biển Đài Loan, tiến vào Biển Đông và tiến hành các cuộc tập trận chung với các nước xung quanh như Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong số đó, cuộc tập trận công khai mới nhất của Cảnh sát biển Mỹ-Philippines ở Biển Đông là ở vùng biển gần đảo Hoàng Nham/Sacborough tương đối nhạy cảm giữa Trung Quốc và Philippines. Sự hiện diện và hoạt động của Cảnh sát biển Mỹ ở Biển Đông sẽ dần trở thành thông lệ. Ngoài ra, Mỹ còn thông qua việc cung cấp thiết bị quân sự cho các nước xung quanh Biển Đông và tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự với các nước trong khu vực để can thiệp vào Biển Đông. Mỹ đã cung cấp tàu tuần tra của cảnh sát biển cho Việt Nam trong ba năm liên tiếp. Vào tháng Chín, 10 quốc gia Mỹ và ASEAN đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của họ trong Vịnh Thái Lan, đánh dấu sự hợp tác quân sự của Mỹ và tương tác với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông đã được chuyển sang hình thức đa phương. (2) Thứ hai, các đồng minh của Mỹ học theo Washington can thiệp vào việc vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp quân sự. Cả Vương quốc Anh và Pháp đều tuyên bố rằng họ sẽ cử các nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông để tuần tra tự do hàng hải. Vào tháng 8/2019, Anh, Pháp và Đức đã đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, EU cũng đã ban hành một tuyên bố tương tự, khiến tình hình Biển Đông trở nên “căng thẳng”. Kể từ năm 2017, Nhật Bản đã điều động tàu sân bay trực thăng và ít nhất sáu tàu khu trục phối hợp với Mỹ, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ tuần tra, hiện diện ở Biển Đông. Trong tháng 5/2019, các tàu chiến của Australia đã hai lần đi qua Biển Đông. (3) Thứ ba, một số nước yêu sách chủ quyền ở Biển Đông không ngừng tiến hành các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, như xây dựng, cải tạo trên các rạn san hô, kiểm soát khu vực biển và thăm dò, phát triển tài nguyên. Đặc biệt, Việt Nam đã tăng cường các hoạt động “xâm phạm” dầu khí. Giữa tháng 5 năm nay, Việt Nam đã “đơn phương” triển khai hoạt động khoan dầu khí trên biển (khu vực lô 06.1 của Việt Nam). Đây là lần thứ ba kể từ năm 2017, Việt Nam nhắm vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đơn phương ở vùng biển gần Bãi Vạn An (Bãi Tư Chính của Việt Nam). Ngoài ra, Việt Nam đã “theo dõi và can thiệp” hoạt động thăm dò của tàu Địa chất Hải Dương 8 ở Biển Đông. Bên cạnh đó, theo Trung tâm Mỹ Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) vào tháng tư năm nay cho biết, Việt Nam từ năm 2017 đã được “cải tạo đất và nâng cấp cơ sở quân sự” ở quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trong đó, Việt Nam đã cải tạo “40 hecta” ở đảo Trường Sa, đồng thời xây dựng đường băng, các nhà chứa mới để cất “máy bay trinh sát hàng hải, máy bay vận tải chiến thuật và trang thiết bị vũ khí khác”. (4) Thứ tư, việc xây dựng các cơ chế và quy tắc an toàn hàng hải ở Biển Đông vẫn còn khó khăn. Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã đưa ra tham vấn “Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông” năm 2013 và bắt đầu tìm hiểu cơ chế xây dựng quản lý khủng hoảng hàng hải hiệu quả hơn, thúc đẩy tin tưởng lẫn nhau về chính trị và an ninh. Năm ngoái, Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã đạt được thỏa thuận về văn bản tham vấn duy nhất của “Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông”. Năm nay, vòng đọc thứ nhất của dự thảo COC đã được hoàn thành. Tuy nhiên, những mâu thuẫn và khác biệt giữa các bên liên quan về COC sẽ khó tránh khỏi. Do đó, lấy tham vấn xây dựng COC và thiết lập cơ chế hợp tác an ninh hàng hải vẫn còn đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức. (5) Thứ năm, hợp tác an ninh biển đang gặp khó khăn. Việt Nam, Philippines, Malaysia và các bên liên quan khác để tập trung vào việc tìm cách “tối đa hóa lợi ích riêng của họ”, không chỉ tiếp tục làm “trầm trọng” thêm cuộc xung đột đã cướp đi quyền tài phán trong tranh chấp giữa các vùng biển xung quanh việc phát triển nguồn tài nguyên của đất nước, mà còn làm cho quá trình hợp tác an ninh hàng hải tại phải đối mặt với khó khăn. Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết DOC, trong đó quy định rõ các bên cần thực hiện “hàng hải và an toàn giao thông”, “tìm kiếm và giải cứu”, “hợp tác chống buôn lậu”…, nhưng cho đến nay không có tiến bộ đáng kể nào được thực hiện. Ngược lại, Việt Nam, Philippines và các nước khác tích cực thực hiện chuyến thăm, giao lưu quân sự với Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước khác ngoài khu vực này; mở cửa các căn cứ quân sự cho các nước trên, tiến hành cuộc tập trận hàng hải chung, thúc đẩy hợp tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực hàng hải. (6) Thứ sáu, tác động tiêu cực của vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực của Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông đang dần hình thành. Mặc dù Chính phủ Philippine quyết định gác lại phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng các lực lượng đối lập trong nước Philippine luôn luôn nhấn mạnh phán quyết của Tòa ràng buộc đối với Trung Quốc, yêu cầu ông Duterte dung phán quyết để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Các quốc gia khác cũng đã thúc đẩy các hoạt động hàng hải đơn phương dựa trên các phán quyết của trọng tài. Trong đó Việt Nam dùng phán quyết để tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí đơn phương tại vùng biển gần Bãi Vạn An (Bãi Tư Chính của Việt Nam) và đang thể hiện khả năng sẽ học theo Philippines, kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, các hoạt động quân sự của các quốc gia ngoài lãnh thổ ở Biển Đông trên thực tế có liên quan mật thiết đến phán quyết. Do đó, phán quyết trọng tài đang ngày càng “phá hủy hòa bình, ổn định và trật tự của Biển Đông”. Đây là một trong những thách thức lớn đối với tình hình an ninh hàng hải hiện nay ở Biển Đông.

Cùng quan điểm với ông Ngô Sỹ Tồn, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên (25/10) ngang ngược cho rằng tình hình Biển Đông đang ổn định. Nguyên nhân chính là do “Trung Quốc đang bảo vệ chủ quyền, lợi ích của mình ở Biển Đồng, đồng thời tích cực đối thoại và hợp tác với tất cả các bên liên quan, cùng nhau xây dựng Biển Đông thành biển hòa bình, biển hữu nghị và biển hợp tác”. Hoàng Khê Liên cho rằng có thể tóm tắt thành bốn điểm sau: (1) Đầu tiên, quản lý đúng sự khác biệt. Trung Quốc nhấn mạnh vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến biển một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn; Các kênh liên lạc song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông luôn luôn suôn sẻ nhằm phát huy tác dụng trong việc đàm phán hiệp thương, quản lý bất đồng và tăng cường long tin chính trị; ngăn ngừa mở rộng, phức tạp hóa các vụ việc trên biển, tránh làm ảnh hưởng phát triển quan hệ các nước và quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN. (2) Thứ hai, thúc đẩy hợp tác hàng hải. Trung Quốc tích cực thúc đẩy hợp tác thực dụng trong các lĩnh vực có nhu cầu chung, không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của các nước, nhất là trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển chung dầu khí ngoài khơi với các nước liên quan. Mục đích của hợp tác là cùng nhau giải quyết một số thách thức truyền thống và phi truyền thống cấp bách và đáp ứng mối quan tâm của các nước trong khu vực. Không những vậy, nó còn tạo ra một bầu không khí tốt, tăng cường niềm tin và tích lũy các yếu tố thuận lợi để duy trì tình hình ở Biển Đông. (3) Thứ ba, phát triển các quy tắc khu vực. Sự an toàn của Biển Đông dựa trên các quy tắc và trật tự được công nhận bởi các quốc gia trong khu vực. Đây là một điều rất quan trọng mà các nước đang làm. Để tránh làm cho những bất đồng thành tranh cãi hoặc thậm chí là xích mích, bạn cần có những quy tắc. Đó là lý do tại Trung Quốc và các nước ASEAN lần xây dựng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hiện đang đàm phán về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC). Khung COC đã được thiết lập và các bên hiện đang đàm phán về văn bản này. Sau khi các quy tắc được thiết lập, hành động của tất cả các bên sẽ được quy phạm hóa, đồng thời quá trình xây dựng quy tắc cũng là một quá trình xây dựng niềm tin, xây dựng sự đồng thuận và hình thành một số ý tưởng chung, giúp tăng cường sự hiểu biết của tất cả các bên về tăng cường hợp tác và nhận thức chung về những khác biệt. (4) Thứ tư, ngăn chặn bên ngoài can thiệp. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong những năm gần đây chủ yếu đến từ “sự can thiệp từ bên ngoài”. Một số lực lượng bên ngoài xuất phát từ lợi ích của bản thân, muốn “định hướng” quá trình xây dựng các quy tắc trong khu vực, tìm các can thiệp vào tiến trình đàm phán xây dựng quy tắc của khu vực. Đối với Trung Quốc và ASEAN, điều rất quan trọng là phải xử lý đúng đắn các yếu tố bên ngoài, không cho phép nước ngoài can thiệp và làm hỏng tiến trình đàm phán, đồng thời luôn cảnh giác. Trung Quốc hy vọng rằng các nước bên ngoài khu vực sẽ tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đóng vai trò xây dựng thay vì ngược lại.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa (29/7) đã đưa ra những tuyên bố “mị dân”, hết sức lố bịch khi cho rằng “Trung Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử và theo luật pháp quốc tế, như UNCLOS”.          Phát biểu trong bữa tiệc chiêu đãi kỷ niệm 92 năm Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa (29/7) đã đưa ra tuyên bố được cho là nhằm “mị dân” khi cho rằng Bắc Kinh sẽ “không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ”, “không thiết lập các phạm vi ảnh hưởng” và “không thực hiện phát súng đầu tiên” dù có trở nên mạnh mẽ như thế nào. Ông Triệu cho rằng “Trung Quốc áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực, tuân thủ nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng sau tấn công. Nghĩa là chúng tôi sẽ không thực hiện phát súng đầu tiên”; đồng thời tuyên bố “Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Đây là một cam kết với người dân Trung Quốc và thế giới và điều này đã được ghi vào Hiến pháp Trung Quốc”; khẳng định “Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Philippines và các quốc gia khác có liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông. Thông qua đàm phán và tham vấn song phương trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử và theo luật pháp quốc tế, như UNCLOS”; cho rằng có một “động lực phát triển” cho sự hợp tác ở Biển Đông và Bắc Kinh “cam kết vì hòa bình và ổn định”.

Việt Nam bác bó tuyên bố xuyên tạc của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố xuyên tạc, ngụy biện về những hành vi phi pháp trong vùng biển của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra tuyên bố phản bác, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (22/8) cho biết: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Về hành vi vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Địa chất hải dương 8, phía Việt Nam nhiều lần nói rõ đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS năm 1982. Cũng theo bà Hằng, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về nhóm tàu Địa chất hải dương 8, yêu cầu nước này chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, không làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông cũng như ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và theo đúng pháp luật Việt Nam. Với quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trước đó, ngày 16/7/2019, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS…”. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và quốc tế rất nhạy cảm và phức tạp hiện nay, trước những hành vi vi phạm nói trên, chủ trương nhất quán của Việt Nam là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình…”. Đây là chủ trương mang tính nguyên tắc, nhưng khi vận dụng trong thực tế, các lực lượng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn phải xuất phát từ nhưng diễn biến cụ thể về mức độ, phạm vi, tính chất của các vi phạm, tranh chấp… để có phương thức ứng xử thích hợp, hiệu quả, đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, “Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Đáp trả lời đe dọa của Trung Quốc, Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan

Ngay sau khi Bộ Ngoại giao TQ cáo buộc Mỹ làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực, tìm cách hậu thuẫn các thế lực ly khai tại Đài Loan, Mỹ đã điều tàu chiến tuần tra tự hàng hải ở eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ Clay Doss cho biết, Mỹ (24-25/7) đã điều tàu chiến USS Antietam đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời nhấn mạnh Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép. Trong khi đó, giới chức Đài Loan cho biết tàu Mỹ đi về phía Bắc qua Eo biển Đài Loan trong hành trình tự do hàng hải và Đài Loan đã theo dõi nhiệm vụ này.

Trong khi đó, Đô đốc John Michael Richardson, Chủ nhiệm tác chiến Hải quân Mỹ (15/5) cho biết, hoạt động của hải quân Mỹ vẫn ổn định nhiều năm qua mà không có gia tăng đột biến trong thời gian gần đây; đồng thời nhận định Trung Quốc đang có phản ứng thái quá liên quan hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới