Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách, hoạt động của Malaysia liên quan vấn đề Biển Đông...

Chính sách, hoạt động của Malaysia liên quan vấn đề Biển Đông năm 2019: Thay đổi quan điểm, nhất trí đàm phán song phương

Trong năm qua, Malaysia đã có sự điều chỉnh thái độ, quan điểm trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề Biển Đông. Ban đầu, Malaysia quyết không thỏa hiệp, đàm phán song phương với Trung Quốc, song hiện nước này đã nhất trí thiết lập cơ chế tham vấn song phương với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Malaysia

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dẫn các dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên Biển Đông.

Theo AMTI, tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc ngày 10-27/5 tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được cấp phép thăm dò. Đáng chú ý, khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến phục vụ giàn khoan vào ngày 21/5, tàu hải cảnh Trung Quốc đã chạy quanh khiêu khích và tiếp cận hai tàu này trong phạm vi 80m. Kể từ năm 2013, Trung Quốc duy trì các tàu hải cảnh hiện diện gần như liên tục ở xung quanh cụm bãi cạn Luconia – khu vực có trữ lượng dầu khí mà Malaysia đã khai thác nhiều thập kỷ.

Chính sách mới của Malaysia về Biển Đông

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (18/9) đã công bố “Khung hướng dẫn” mới đối với chính sách đối ngoại của Malaysia, nhấn mạnh về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột.

Theo Tài liệu trên, Thủ tướng Mahathir đã đề xuất phi quân sự hóa tuyến đường hàng hải đang có tranh chấp gay gắt này và biến nó thành một khu vực hòa bình hữu nghị và thịnh vượng. Tài liệu trên cập nhật chính sách đối ngoại của Malaysia nhấn mạnh, về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Khung khuôn khổ cũng cho biết Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN. Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) khẳng định quyết tâm giữ khu vực trung lập, không chịu bất kỳ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài đã được Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore ký kết vào năm 1971. Trong tài liệu mới, Malaysia còn nhấn mạnh mối đe dọa an ninh từ những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông “đã được kiểm soát tốt và quản lý hiệu quả về mặt ngoại giao”, nhưng cảnh báo “có vài điểm nóng có thể gây ra khủng hoảng hoặc chiến tranh nếu không được xử lý một cách hợp lý”. Cũng theo tài liệu mới, chính phủ Malaysia vẫn giữ lập trường không đứng về phía nào đối với các nước lớn và sẽ duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Tài liệu cũng cho biết, “Malaysia mới” sẽ có nhiều tiếng nói hơn về quyền của các quốc gia nhỏ và kém phát triển hơn ở phía Nam và Malaysia cũng dự định sửa đổi các chương trình hỗ trợ hiện tại để tối ưu hóa toàn bộ tiềm năng của các nước này; nhấn mạnh rằng Malaysia tìm kiếm các mối quan hệ cùng có lợi giữa các quốc gia, kể cả các cường quốc và sẽ hợp tác với tất cả các nước có chung cách tiếp cận để đảm bảo các quốc gia có thể tham gia trên cơ sở bình đẳng mà không phải chịu áp lực từ bất kỳ cường quốc nào.

Malaysia chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc

Ban đầu, chính quyền Trung Quốc (5/2019) đề xuất thiết lập cơ chế tham vấn song phương nhằm thảo luận tranh chấp Biển Đông với Malaysia. Tuy nhiên, Malaysia đã từ chối thẳng thừng và chọn cách tiếp cận lấy ASEAN làm trọng tâm trong đối phó Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah cho biết: “Trung Quốc thực sự tìm đến mỗi thành viên ASEAN (ngoại trừ vài đối tượng như Myanmar) hòng thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương. Nhưng Malaysia luôn kiên định. Chúng tôi nói với phía Bắc Kinh rằng Kuala Lumpur sẽ chỉ thảo luận thông qua ASEAN”. Trước đó, ông Saifuddin Abdullah (24/4) cho biết, Chính phủ Trung Quốc đang muốn bàn về các vấn đề an toàn và an ninh ở Biển Đông trong các cuộc gặp chính thức với Malaysia. Tuy nhiên, Malaysia ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN khi thảo luận với Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh rằng Thủ tướng Mahathir đã nói rõ quan điểm về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (12/9), quan chức Trung Quốc đã công bố về một nền tảng mới để đối thoại và hợp tác về vấn đề hàng hải. Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc và Malaysia đã đồng thuận thiết lập một cơ chế đối thoại chung để giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh đây là nền tảng mới cho hoạt động đối thoại và hợp tác của hai bên. Trong khi đó, Bộ trưởng Abdullah cho biết cơ chế mới sẽ được Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Malaysia chỉ đạo; “các quan chức hai nước sẽ thảo luận chi tiết, nhưng tôi nghĩ đây là một kết quả quan trọng cho cuộc gặp ngày hôm nay cũng như khoảng thời gian 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Đáng chú ý, sau khi nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chung để giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia đã biện minh, cho rằng Cơ chế tham vấn song phương hàng hải giữa Malaysia và Trung Quốc không phải cơ sở để giải quyết tranh chấp các yêu sách lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông; nhấn mạnh Malaysia vẫn kiên trì và nhất quán quan điểm ASEAN là chìa khóa duy nhất để giải quyết các tranh chấp trong khu vực.

Malaysia vẫn đề phòng bị Trung Quốc đánh úp

Để đề phòng khả năng bị Trung Quốc đánh úp ở Biển Đông, trong năm 2019, Malaysia cũng tăng cường các hoạt động tập trận, mua sắm trang thiết bị vũ khí mới.

Theo đó, từ 23/7 – 10/8, Không quân hoàng gia Malaysia (RMAF) tiến hành tập trận phóng tên lửa ở bang Sabah và vùng biển xung quanh, trong đó có Biển Đông. RAMF cho biết, trong cuộc tập trận kéo dài 19 ngày, lực lượng này “đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật với tên lửa không đối không và không đối đất tại trường bắn trong không phận của Kota Belud, một huyện thuộc bang Sabah và vùng biển xung quanh, trong đó có Biển Đông. Cuộc tập trận nhằm kiểm tra kỹ năng của phi công trong việc tấn công các mục tiêu bằng cách sử dụng nhiều vũ khí của RAMF. Tham gia tập trận có 232 quân nhân cùng một số chiến đấu cơ do Mỹ và Nga chế tạo. Tuy nhiên, RAMF không nói rõ khi nào tên lửa sẽ được phóng trong cuộc tập trận. Trước đó, Hải quân Hoàng gia Malaysia (15/7, RMN) phóng thử thành công tên lửa diệt hạm trên Biển Đông nhằm nâng cao năng lực tác chiến và thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích, an ninh ở Biển Đông. Theo đó, RMN (15/7) đã điều tàu ngầm KD Abdul Rahman lớp Perdana Menteri, tàu hộ tống Laksamana Hang Nadim và Laksamana Tan Pusmah, tàu khu trục KD Lekiu cùng trực thăng Super Lynx tham gia tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Trong cuộc tập trận, tàu chiến KD Kasturi đã phóng tên lửa chống tàu Exocet MM40 Block II do Pháp chế tạo, với tầm bắn 72 km, trong khi đó trực thăng Super Lynx phóng tên lửa chống tàu Sea Skua do Anh chế tạo, với tầm hoạt động 25 km. Phát biểu sau cuộc tập trận, Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Bin Sabu cho biết vụ phóng thành công là bằng chứng cho thấy RMN có khả năng chế ngự được các hoạt động trên Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh “việc thực thi các cuộc diễn tập sẽ đảm bảo cộng đồng hàng hải, đặc biệt những ai tại vùng biển phía Đông bán đảo Malaysia, rằng RMN và các lực lượng vũ trang Malaysia luôn sẵn sàng gìn giữ hòa bình và bảo vệ lợi ích trên Biển Đông”.

Một số tuyên bố đáng chú ý của giới chức Malaysia trong năm 2019

Phát biểu tại sự kiện Đầu tư Malaysia 2019, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (19/3) tiếp tục kêu gọi duy trì quan điểm Biển Đông mở cửa cho tất cả các tàu, thậm chí cả tàu chiến. Tuy nhiên, ông Mahathir Mohamad cũng nhấn mạnh rằng tự do như vậy không nên bị lạm dụng và không có tàu chiến nào có quyền lưu lại vĩnh viễn ở vùng biển tranh chấp vì điều này sẽ gây kích động cho các quốc gia xung quanh. Theo ông Mahathir Mohamad, các hành động kích động không phải là những gì mà chúng ta muốn thấy ở Biển Đông. Đáng chú ý, ông Mahathir Mohamad (20/6) cho rằng Malaysia cần tiếp tục kiểm soát các cấu trúc mà nước này có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông nhưng sẽ không chiếm thêm các cấu trúc nào khác.

Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah (17/10) cho biết, Malaysia có thể gửi công hàm phản đối nếu một cường quốc xâm phạm lãnh thổ nước này, nhưng khi không có đủ năng lực hải quân và vũ khí thì Malaysia sẽ gặp bất lợi nếu xảy ra xung đột; đồng thời nhấn mạnh các loại vũ khí của hải quân Malaysia nên cố gắng được nâng cấp để sánh ngang với lực lượng Hải cảnh Trung Quốc. Theo ông Saifuddin, lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần như 24/24h quanh bãi cạn Nam Luconia, thuộc bang Sarawak của Malaysia. Do đó, dù không muốn xung đột xảy ra, nhưng vũ khí của Malaysia cần được nâng cấp để có thể bảo vệ tốt hơn vùng biển của mình, trong trường hợp các nước lớn xung đột ở Biển Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saifuddin cũng khẳng định Malaysia sẽ duy trì quan điểm không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có cách tiếp cận thống nhất trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (24/7) đã cảnh báo Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là yếu tố kết nối đoàn kết trong khối. Theo ông Saifuddin Abdullah, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 đưa ra các quy định khá lỏng lẻo về các hành vi trong vùng biển tranh chấp. Nó không ngăn được Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực và leo thang căng thẳng. Việc Trung Quốc gửi các tàu bảo vệ bờ biển lớn chẳng khác nào tàu chiến tới các vùng lãnh thổ giàu năng lượng và khiến các quốc gia láng giềng phải nóng mắt; đồng thời nhấn mạnh vấn đề Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là thành tố kết nối sợi dây đoàn kết giữa các quốc gia trong khối. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nhận định, nếu ASEAN vẫn giữ chắc vị thế trung tâm, sẽ không có chuyện 1 hay 2 quốc gia thành viên đơn lẻ đàm phán song phương với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Kịch bản sẽ chỉ có thể là cả 10 quốc gia thành viên cùng đàm phán với Trung Quốc.

Thiếu tướng K. “Bob” Thanabalasingam, Chỉ huy người bản địa đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Malaysia cho rằng các yêu sách chủ quyền của Malaysia ở Biển Đông không thể bác bỏ, ngoại trừ ở những khu vực các nước láng giềng có tuyên bố chồng lấn. Ông Thanabalasingam khẳng định các yêu sách của Malaysia được xác định theo UNCLOS liên quan đến khu đặc quyền kinh tế (EEZ), nhấn mạnh yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là phi pháp vì không có quy định nào về quyền lịch sử. Theo ông Thanabalasingam, sự nghiêm túc của Malaysia trong vấn đề Trường Sa được ông Mahathir Mohamad đưa ra trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình.

Giám đốc Viện Biển Malaysia (MIMA) Datuk Chin Yoon Chin (5/3), cho rằng ASEAN đóng một vai trò thiết yếu trong duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và một trong những sáng kiến quan trọng của ASEAN là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ông Chin khẳng định, DOC nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các vấn đề về chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, DOC nên giải quyết các vấn đề cấp bách hơn, ví dụ như việc sử dụng vũ lực và các hoạt động lấn biển, đồng thời xây dựng lòng tin. Ông Chin cho rằng, “các nỗ lực và sáng kiến nhằm tăng cường xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tranh chấp cần phải được xem xét nghiêm túc. Các sáng kiến này sẽ thúc đẩy hiểu biết và hy vọng tổ chức được các cuộc đàm phán theo hướng tăng cường tiến trình xây dựng lòng tin”.

Xu hướng chính sách của Malaysia

Thời gian tới, Malaysia sẽ thực thi chính sách mang tính cứng rắn, cương quyết hơn trong vấn đề Biển Đông. Qua đó, tăng cường hợp tác với các nước nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Mặt khác, Malaysia sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và từng bước ngăn chặn, lên án những hành động phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực.

Ngoài ra, Malaysia sẽ thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông; tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc; tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển; tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới