Tuesday, March 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ trương, hoạt động của Australia ở Biển Đông năm 2019: Ủng...

Chủ trương, hoạt động của Australia ở Biển Đông năm 2019: Ủng hộ tự do hàng hải, đề phòng hoạt động phi pháp của TQ

Từ đầu năm đến nay, Australia liên tục có các động thái tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm thể hiện cam kết ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như đề phòng, ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Lên án, phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông

Trong chuyến thăm Việt Nam (22-24/8), Thủ tướng Australia Scott Morrison bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, các hành động cản trở những dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ; kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình; khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), kêu gọi các bên liên quan xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay. Theo Thủ tướng Australia Scott Morrison, tầm nhìn của Australia hướng đến một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và cởi mới; và tầm nhìn bảo đảm các quốc gia độc lập, có chủ quyền, để bảo đảm cho khu vực hòa bình và thịnh vượng; cho biết Australia sẽ luôn coi trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, để bảo đảm một khu vực thượng tôn pháp luật; đồng thời, khẳng định, Australia sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam về vấn đề này.

Đáng chú ý, trong Tuyên bố chung trong chuyến thăm Việt Nam có điểm: Hai bên cam kết sẽ tiếp tục xây dựng một cấu trúc khu vực mở, bao trùm, thịnh vượng và an toàn trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Hai Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc do ASEAN dẫn dắt, nhất là Cấp cao Đông Á. Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng hoan nghênh Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đóng vai trò thiết yếu đối với hợp tác khu vực. Australia cam kết ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong việc đảm nhiệm các vai trò quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Australia cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Công trong các lĩnh vực như kết nối, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), biến đổi khí hậu và nguồn nước vì phát triển bền vững. Ngoài ra, hai Thủ tướng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp. Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ. Hai nhà Lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS và kêu gọi các bên tôn trọng và thực thi các phán quyết của các cơ chế này. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC. Hai bên kêu gọi xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (28/1) cho biết các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực; cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo ông Pyne, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, do vậy Trung Quốc nên hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Ngoài ra, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh “việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”; cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực” và Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế. Ngoài ra, ông Christopher Pyne cũng cho biết thêm, Australia sẽ đầu tư hơn 90 tỷ đô la Australia vào một đội tàu ngầm, tàu khu trục và các tàu khác để tăng cường khả năng hàng hải, nhấn mạnh Australia hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (12/6) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Australia xây dựng căn cứ, lập đơn vị tác chiến đối phó Trung Quốc

Australia được cho là đang thực hiện kế hoạch bí mật xây dựng một cảng nước sâu mới để tiếp nhận lính thủy đánh bộ Mỹ trên bờ biển phía Bắc, nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo thông tin trên, cảng nước sâu trên nằm ở khu vực Glyde Point, cách cảng hiện tại của thành phố Darwin – thủ phủ của vùng lãnh thổ phía Bắc – khoảng 40km về phía Đông Bắc. Địa điểm này trước đây đã được chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia quy hoạch để phát triển cảng công nghiệp do biển ở đây tương đối sâu, song dự án này chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Giới chuyên gia cho biết cảng mới sẽ là địa điểm lý tưởng để phục vụ hơn 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các thiết bị của họ trong các đợt luân chuyển thường xuyên qua khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds (23/7) tuyên bố Australia sẽ thành lập một đơn vị quân sự mới nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang có xu hướng quan hệ gần hơn với Trung Quốc khi nước này tăng cường viện trợ đến những nơi thưa dân và giàu tài nguyên. Bà Reynolds chia sẻ “Lực lượng Hỗ trợ Thái Bình Dương sẽ triển khai một đội huấn luyện lưu động nhằm nâng cao năng lực, tính bền chặt và khả năng tương tác trong toàn khu vực trên một số lĩnh vực như: chiến dịch an ninh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và gìn giữ hòa bình”. Bà cũng nói thêm lực lượng này sẽ “thắt chặt thêm mối quan hệ với các nước trong khu vực thông qua các cuộc tập trận và các khóa huấn luyện”. Ngoài ra, việc thành lập đơn vị quân sự này sẽ gần như được triển khai trong năm nay. Trước đó, báo Express của Anh cho biết, Australia đang kêu gọi Mỹ cùng tham gia trong kế hoạch nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Australia phối hợp đồng minh ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc

Tư lệnh Hải quân Pháp Barshe Prazuck (10/10) cho biết, trong thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo thông tin trên, thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự, trong đó có sự tham gia của tàu sân bay hạt nhân Charles De Gaulle.Ngoài ra, hải quân hai nước thống nhất sẽ trao đổi để không tuần tra trên cùng một vùng biển, thực hiện các nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay, tập trận chống ngầm và đổ bộ, trao đổi binh sĩ trên các tàu ngầm của hai nước.

Tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Australia-Mỹ, Australia và Mỹ thảo luận về nỗ lực chung nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Australia – Mỹ, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề trong đó tập trung vào “hợp tác giữa Australia và Mỹ tại khu vực Đông Nam Á cũng như Tây Nam Thái Bình Dương”, tăng cường can dự của Australia tại Thái Bình Dương, an ninh mạng, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quân sự, chống khủng bố và các hình thức bạo lực cực đoan trên mạng. Ngoài ra, Australia và Mỹ đã thảo luận về nỗ lực chung nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo (4/8) đã cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa Biển Đông” và mạnh mẽ phê phán Bắc Kinh trộm cắp tài sản trí tuệ và trong một loạt vấn đề khác… Đồng thời cho rằng đầu tư của Trung Quốc đã khiến các đồng minh của Mỹ và Australia lâm vào nguy cơ nợ nần.

Không những vậy, Mỹ – Australia (7-31/7) tiến hành tập trận “Talisman Saber 2019” tại cảng Brisbane (Australia). Cuộc tập trận năm nay còn có sự tham dự của các nước Anh, Nhật Bản, New Zealand và Canada, với 34.000 quân nhân. Các phái đoàn từ Ấn Độ và Hàn Quốc là quan sát viên. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Thượng nghị sĩ Hon Linda Reynold, cho biết, cuộc tập trận được tổ chức nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Australia và Mỹ. 18 quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng đã được mời tham gia chương trình với tư cách khách mời quốc tế. Đáng chú ý, các quan chức quốc phòng Australia (8/7) cho biết, họ đang chú ý một tàu giám sát của Trung Quốc neo ngay bên ngoài lãnh hải Australia để theo dõi cuộc tập trận quân sự nói trên. Trung tướng Greg Bilton, chỉ huy các hoạt động chung của Lực lượng quốc phòng Australia, tiết lộ, tàu giám sát Trung Quốc có lẽ đã đến bờ biển phía Đông Bắc Australia để có cái nhìn trực tiếp về cuộc tập trận quân sự trên. Theo Trung tướng Greg Bilton, “Australia đang dõi theo (tàu trinh sát Trung Quốc).Chúng tôi chưa biết đích đến của nó nhưng có thể nó sẽ đến bờ biển phía đông của Queensland và chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp”.

Phát biểu sau cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La 18, Australia, Nhật Bản và Mỹ (1/6) cam kết duy trì tự do hàng hải và trên không ở khu vực Biển Đông, đồng thời phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Cam kết trên được đưa ra trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan. Theo đó, lãnh đạo 3 nước cam kết duy trì tự do hàng hải và trên không ở khu vực Biển Đông, đồng thời cũng quan tâm đến bất kỳ hành động quân sự hóa nào tại khu vực biển này nhằm chủ đích tranh chấp, tạo ra bất ổn và nguy hiểm. Trong tuyên bố chung, Mỹ, Australia và Nhật Bản cam kết sẽ cùng hỗ trợ nhau nhiều hơn nữa vì mục tiêu an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương; nhấn mạnh rằng sẽ không để cho tình trạng vi phạm luật biển và luật quốc tế khác xảy ra đối với các xung đột ở Biển Đông; tái khẳng định Australia, Nhật Bản và Mỹ có chung quan điểm về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở, đa dạng, tuân thủ luật lệ và tôn trọng chủ quyền của các vùng có tranh chấp được giải quyết trên tinh thần hòa bình và không cưỡng ép.

Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia (16/5) lần đầu tập trận hải quân chung trên các vùng biển châu Á. Tham gia tập trận có tàu sân bay FS Charles de Gaulle của Pháp cùng các tàu hộ tống và 5 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ và một tàu ngầm của Australia. Theo thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ, trong đợt tập trận này, các tàu cùng thực hiện các khoa mục huấn luyện chung như triển khai đội hình, bắn đạn thật, tìm kiếm và cứu hộ. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và xa hơn, gồm Anh và Pháp, nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Nhìn chung, trong năm 2019, quan điểm, chủ trương và hành động của Australia trong vấn đề Biển Đông tiếp tục được duy trì. Theo đó, Australia kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị ảnh hưởng, lên án các hành động quân sự hóa trong khu vưc.

RELATED ARTICLES

Tin mới