Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDiễn biến tình hình eo biển Đài Loan trong năm 2019: Căng...

Diễn biến tình hình eo biển Đài Loan trong năm 2019: Căng thẳng leo thang

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Trung Quốc liên tục có các động thái gây sức ép nhằm tìm cách thống nhất vơi Đài Loan. Trong khi đó, để bảo vệ Đài Loan, Mỹ và nhiều nước đồng minh liên tục gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực.

Trung Quốc gia tăng sức ép, tìm cách thống nhất với Đài Loan

Phát biểu tại buổi tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (1/2019) ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển quan hệ hai bờ eo biển sau 70 năm, nhấn mạnh Trung Quốc phải thống nhất và Đài Loan sẽ không vắng mặt trong tiến trình “phục hưng dân tộc Trung Hoa”, đồng thời khẳng định Trung Quốc thực hiện thống nhất sẽ mang lại cơ hội phát triển nhiều hơn cho các nước trên thế giới. Ông Tập Cận Bình cho rằng xuất phát từ xu thế lớn lịch sử, đại nghĩa dân tộc và mong muốn của người dân, đề xuất 5 chủ trương chính sách, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; tìm kiếm phương án Đài Loan “một nước hai chế độ”, làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình; kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, giữ gìn triển vọng thống nhất hòa bình; sâu sắc sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, củng cố nền tảng thống nhất hòa bình; thực hiện gắn kết tâm tư nguyện vọng của nhân dân hai bờ, tăng cường sự đồng thuận đối với thống nhất hòa bình.

Không những vậy, Trung Quốc còn tìm cách sử dụng tiền tệ để lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhằm từng bước cô lập Đài Bắc trên diễn đàn quốc tế. Chí tính riêng trong Tháng 9/2019, Đài Loan liên tục mất 2 đồng minh lâu năm vì Trung Quốc. Theo đó, Quốc đảo Solomon và Kiribati tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (21/9) cho biết, “hiện chỉ còn một vài quốc gia chưa thiết lập quan hệ ngoại giao cùng Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng tại những quốc gia này sẽ ngày càng nhiều người có tầm nhìn. Đây là những người sẽ đứng ra và cất lời kêu gọi công lý hợp lẽ với tiến trình lịch sử”; đồng thời lồng ghép cảnh báo Đài Loan rằng “Trung Quốc phải và sẽ được thống nhất. Về mặt thực tế và pháp lí, đảo Đài Loan đã và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Tư cách này sẽ không thay đổi và không thể thay đổi”. Trong khi đó Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã chỉ trích Bắc Kinh đang cố tình “đàn áp và giảm sự hiện diện trên trường quốc tế của Đài Loan”; cho rằng “Trung Quốc đã dụ dỗ Kiribati thay đổi quan hệ ngoại giao bằng những lời hứa đầu tư và viện trợ”. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016 đến nay, trong khoảng thời gian 3 năm 4 tháng, bảy quốc gia đồng minh đã quyết định chấm dứt quan hệ với Đài Loan, hơn nữa đây là đều là những quốc gia có dân số lớn nhất và chiếm vị trí chiến lược quan trọng nhất trong khối đồng minh của Đài Loan.

Đáng chú ý, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc (24/7) đã công bố Sách trắng quốc phòng mang tên Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới. Trong văn bản này, Bắc Kinh mô tả lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập” và các hoạt động của nhóm này luôn là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan và là trở ngại lớn nhất cho quá trình thống nhất của Trung Quốc. Sách Trắng cho rằng: Tình hình cuộc đấu tranh chống ly khai ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền đảng Dân Tiến ngoan cố kiên quyết duy trì lập trường ly khai “Đài Loan độc lập”, từ chối công nhận “Đồng thuận 1992” – phản ánh nguyên tắc một Trung Quốc và đẩy mạnh việc thực thi “từ bỏ Trung Quốc hóa”, “tiến dần tới Đài Loan độc lập”… tăng cường sự đối đầu thù địch, dựa vào thế lực bên ngoài để đề cao bản thân và ngày càng tiến xa hơn nữa trên con đường chia rẽ. Lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập” và các hoạt động của họ luôn là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình, ổn định của eo biển Đài Loan và là trở ngại lớn nhất cho sự thống nhất hòa bình của tổ quốc. Văn bản cũng tuyên bố, giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn quốc gia là lợi ích cơ bản của dân tộc Trung Hoa và là yêu cầu tất yếu để hiện thực hóa sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc duy trì phương châm “hòa bình thống nhất, một quốc gia hai chế độ, thúc đẩy sự phát triển hòa bình của quan hệ hai bờ eo biển, thúc đẩy quá trình thống nhất hòa bình của Trung Quốc, kiên quyết phản đối mọi ý đồ và hành động nhằm chia rẽ Trung Quốc và kiên quyết phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của thế lực nước ngoài. Trung Quốc phải được thống nhất và đương nhiên phải được thống nhất”. Văn bản này cũng nhấn mạnh, “nếu có người muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không tiếc mọi giá, kiên quyết đánh bại, bảo vệ sự thống nhất quốc gia”.

Phản ứng cứng rắn của Đài Loan

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (5/1) cho biết bà hy vọng mọi đảng phái ở Đài Loan sẽ công khai bác bỏ giải pháp “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đề nghị cho Đài Loan; nhấn mạnh mọi đối thoại giữa hai phía phải diễn ra giữa chính phủ của hai bên và Đài Loan không phản đối đối thoại nhưng Bắc Kinh phải “đi về dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ sử dụng vũ lực với Đài Bắc”. Trước đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng bác bỏ ý tưởng này của ông Tập Cận Bình khi tuyên bố: “Là nhà lãnh đạo của Đài Loan, tôi chính thức tuyên bố rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận “Đồng thuận 1992” vì lo ngại rằng văn bản được gọi là đồng thuận do chính quyền Bắc Kinh quy định này chỉ mang ý nghĩa “một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ”. Những gì ông Tập Cận Bình nói hôm nay đã xác nhận những lo ngại của chúng tôi và tôi phải khẳng định rằng Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Phần lớn dư luận Đài Loan cũng phản đối điều này”. Bà Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc đại lục, nhưng chỉ với tư cách là chính quyền dân chủ. Ngoài ra, bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào giữa hai bờ eo biển phải được trao quyền cũng như giám sát bởi cơ quan lập pháp và tiến hành dưới hình thức hai chính quyền với nhau. “Không cá nhân hay tổ chức nào có thể đại diện cho công chúng Đài Loan trong các cuộc đối thoại chính trị” với Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn nói. Đây được xem là sự quay lưng rõ ràng của nhà lãnh đạo Đài Loan đối với đề xuất thống nhất của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) do bà Thái Anh Văn làm đại diện đã kiểm soát cơ quan lập pháp và kịch liệt phản đối các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Bà Thái Anh Văn cũng chỉ trích mạnh mẽ việc ông Tập mời các đảng, nhóm và cá nhân chính trị từ Đài Loan tham gia đàm phán về các vấn đề chính trị xuyên eo biển. Bà nói rằng trong một nền dân chủ, tất cả các cuộc đàm phán chính trị liên quan đến quan hệ qua eo biển đều cần có sự ủy nhiệm của người dân và phải được giám sát công khai. Bà Thái cũng một lần nữa nhắc lại đề nghị về 4 vấn đề trong mối quan hệ xuyên eo biển: Trung Quốc phải công nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi tự xưng của Đài Loan), tôn trọng nền dân chủ và tự do của 23 triệu người Đài Loan, giải quyết sự khác biệt một cách hòa bình và công bằng, tham gia vào các cuộc đàm phán với chính phủ Đài Loan hoặc một tổ chức có sự ủy nhiệm từ chính phủ Đài Loan.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cáo buộc ông Tập đang ép buộc nguyên tắc “Một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan bất chấp sự phản đối của Đài Loan. Người phát ngôn đảng Dân Tiến (DPP) Hà Mạnh Hoa phản đối việc Chủ tịch Tập dựa nguyên tắc “một Trung Quốc” để diễn giải hai bờ cùng thuộc một nước, cáo buộc nguyên tắc này nhằm mục đích xóa sổ Đài Loan rồi đưa hòn đảo này đặt dưới sự cai trị của Bắc Kinh theo kiểu “một quốc gia, hai chế độ”.

Đáng chú ý, để đề phòng trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, trong năm 2019, Đài Loan đã có nhiều động thái nhằm tăng cường sức mạnh quân sự. Đầu tiên, tăng ngân sách quốc phòng. Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (15/8) tuyên bố Đài Bắc sẽ tăng chi tiêu ngân sách quân sự cao kỷ lục trong vòng hơn một thập niên qua, nhằm đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh. Theo văn phòng thống kế Đài Loan, lãnh đạo Thái Anh Văn đã ký thông qua quyết định tăng 8,3% ngân sách quân sự trong năm nay lên đến 411,3 Đài tệ (304.763 tỉ đồng). Nếu các nghị viên Đài Loan bỏ phiếu thông qua thì đây là mức tăng chi tiêu quân sự cao nhất kể từ năm 2008, giữa bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang với Trung Quốc, vốn vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại bỏ giải pháp sử dụng vũ lực để thâu tóm hòn đảo tự trị này. Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Bộ Quốc phòng Đài Loan) cho biết, “để đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh, ngân sách quân sự phải luôn được tăng dần”, đồng thời tuyên bố tập trung tăng chi tiêu quân sự mua các vũ khí tối tân của nước ngoài. Thứ hai, Quốc hội Mỹ (8/7) đã được thông báo về việc Bộ Ngoại giao chấp thuận việc bán cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams M1A2T và những thiết bị liên quan, cùng với 250 tên lửa Stinger. Hợp đồng mua bán những chiếc xe tăng có trị giá lên tới 2 tỷ USD trong khi giá trị của 250 tên lửa đất đối không Stinger được ước tính vào khoảng 223 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ cũng thông qua thương vụ bán 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V trị giá 8 tỉ USD cho Đài Bắc. Trước đó, bất chấp phản đối của chính quyền Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý thông qua 2 thỏa thuận vũ khí với Đài Loan trong vòng chưa đầy 18 tháng. Hai thỏa thuận lần lượt được thông qua vào tháng 6/2017 và tháng 9/2018 với giá trị là 1,4 tỷ USD và 330 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu phòng vệ của Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo này theo đúng quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy nhằm hỗ trợ an ninh cho hòn đảo và bảo vệ hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan. Thứ ba, liên tục đưa ra các kế hoạch mua sắm trang thiết bị quốc phòng hiện đại để đề phòng khả năng bị Trung Quốc tấn công bất ngờ. Theo thông tin trên, bà Thái Anh Văn muốn mua F-35 nhằm nâng cao năng lực tác chiến và phòng không để đối phó với các mối uy hiếp về an ninh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của giới truyền thông và chuyên gia quốc tế, ít khả năng Mỹ sẽ đồng ý bán F-35 cho Đài Loan trong bối cảnh hiện nay. F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu hiện đại hàng đầu của Mỹ, có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến (CAS), ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không. Không những vậy, Đài Loan được cho là đang lên kế hoạch mua hệ thống pháo phản lực đa nòng di động (còn gọi là pháo hỏa tiễn) M142 và pháo tự hành M109A6 Paladi. Hệ thống pháo phản lực đa nòng (M142 High Mobility Artillery Rocket System, HIMARS) cỡ nòng 227mm có tầm bắn lên tới 300 km. Do tầm bắn của loại vũ khí này có thể bao trùm khu vực ven biển Trung Quốc đại lục ở bờ đối diện. Đáng chú ý, M142 được truyền thông Đài Loan đánh giá giống như tên lửa chiến thuật. Do tầm bắn xa, nó có thể chi viện các hoạt động tác chiến phòng thủ Bắc Nam của quân đội Đài Loan và tấn công các mục tiêu đổ bộ của đối phương. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng quyết định mua hơn 100 khẩu pháo tự hành M109A6 của Mỹ với ngân sách khoảng 30 tỷ tệ Đài Loan. Loại pháo tự hành M109A6 được chọn mua vì tính cơ động cao và tốc độ di chuyển nhanh. Theo thông số kỹ thuật, pháo tự hành M109A6 cần 4 người thao tác, sự dụng lựu pháo cỡ nòng 155mm, súng máy hạng nặng Brawning M2, tầm bắn tối đa 30 km, tốc độ bắn tối đa 4 phát/phút trong 3 phút, tốc độ di chuyển tối đa 62 km/h (hành tiến trên đường).

Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng đã tiến hành các cuộc tập trận bắn tên lửa nhằm đáp trả động thái khiêu khích của Trung Quốc và thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ Đài Bắc. Theo đó, các tiêm kích F-16 của Đài Loan bắn tổng cộng 117 tên lửa tầm trung và tầm xa trong hai ngày 29-30/7. Lee Chao Ming, phát ngôn viên cơ quan quốc phòng Đài Loan, cho biết tên lửa được phóng đi từ căn cứ quân sự Jiupeng vào vùng biển ngoài khơi phía Đông đảo Đài Loan. Các tên lửa đạt tầm bắn khoảng 250 km. Cuộc tập trận gồm 5 loại hình đào tạo khác nhau cho lực lượng quân sự đảo Đài Loan. Được biết, Đài Loan đang tập trung vào việc tăng cường năng lực tự vệ và thông qua việc xây dựng mạng lưới phòng không và phòng thủ bờ biển toàn diện để chống lại mối đe dọa quân sự từ đại lục. Theo nhận định của giới chuyên gia, tên lửa Đài Loan sử dụng vừa qua là tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon. AGM-84 Harpoon là vũ khí chống hạm phổ biến của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Với đầu đạn có đương lượng nổ 221kg, tên lửaHarpoon có thể đánh chìm những chiến hạm hàng ngàn tấn. Được phát triển từ cuối thập niên 1970, qua nhiều lần nâng cấp, loại tên lửa chống hạm này là một trong những vũ khí diệt hạm nguy hiểm nhất hiện nay.

Mỹ và đồng minh liên tục đưa ra tuyên bố, hành động cụ thể ủng hộ Đài Loan

Trong năm 2019, Mỹ và một số nước đồng minh liên tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, cụ thể: (i) Hải quân Mỹ (24/1) đã điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Theo Reuters, hành động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo tự trị này với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Hải quân Mỹ (28/4) tiếp tục điều 2 tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Người phát ngôn Hạm đội 7 của quân đội Mỹ Clay Doss cho biết, Mỹ đã điều 2 tàu khu trục William P. Lawrence và Stethem đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời xác nhận không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp đối với các tàu của quốc gia khác trong quá trình di chuyển. Đây là lần thứ 2 Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan trong năm 2019. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Clay Doss (23/5) cho biết, Mỹ đã điều 02 tàu khu trục trang bị tên lửa đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở. Theo đó, Mỹ đã cử tàu khu trục USS Preble và tàu chở dầu USNS Walter S. Diehl đi qua eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Clay Doss cho biết không có sự tương tác thiếu an toàn và không chuyên nghiệp nào giữa hai tàu chiến Mỹ với tàu nước ngoài trong quá trình di chuyển qua eo Đài Loan. Hạm đội 7 của Mỹ (24-25/7) đã điều tàu chiến USS Antietam đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời khẳng định Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép.Mỹ (23/8) đã điều tàu vận tải đổ bộ USS Green Bay (LPD-20) tuần tra qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực.Người phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen cho biết, việc tàu USS Green Bay đi qua eo biển Đài Loan là nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong khi đó, Cơ quan phòng vệ Đài Loan ra tuyên bố cho biết họ giám sát chặt chẽ tình hình trên eo biển, nhưng không đề cập trực tiếp đến tàu chiến Mỹ. (ii) Tàu hộ vệ HMCS Ottawa của Canada (10/9) đã di chuyển qua eo biển Đài Loan nhằm thực thi quyền tự do hàng hải và thể hiện cam kết ủng hộ Mỹ cũng như Đài Loan. Trong quá trình di chuyến từ cảng Pyeongtaek của Hàn Quốc đến Thái Lan, tàu hộ vệ HMCS Ottawa đã đi qua eo biển Đài Loan. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, trong quá trình di chuyển ở vùng biển này, tàu HMCS Ottawa đã kích hoạt hệ thống nhận dạng tự động nhằm đảm bảo không bị ngăn cản trong quá trình di chuyển. Trước đó, Hải quân Hoàng gia Canada đã 2 lần điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan, cũng như Biển Đông. Ngày 18/6, Hải quân Hoàng gia Canada đã điều tàu khu trục Regina (FFH 334) tuần tra qua vùng eo biển Đài Loan trước khi đi vào vùng biển Hoa Đông. Theo đó, tàu chiến của Canada tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở khu vực eo biển Đài Loan trước khi tiến ra Biển Hoa Đông để tham gia sứ mệnh giám sát các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Ngày 6/2, Canada đã điều tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ba tàu đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Tàu Regina và Asterix tiếp tục chuyến hành trình dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie, Tư lệnh hải quân Canada tại Thái Bình Dương cho biết, trong đợt triển khai lần này, tàu Regina đã đi qua một số vùng biển đang có tranh chấp bao gồm Biển Đông. (iii) Ngoài ra, Hải quân Pháp (6/4) cũng đã điều tàu Vendemiaire thực hiện hành trình đi qua eo biển Đài Loan.

Không những vậy, Mỹ còn đưa ra các tuyên bố ủng hộ Đài Loan chống lại việc Trung Quốc lôi kéo, cô lập trên diễn đàn quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Trung Quốc lôi kéo các đồng minh của Đài Loan chuyển sang công nhận Bắc Kinh có hại đối sự ổn định khu vực. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, “chiến dịch tích cực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở hai bên eo biển, bao gồm cả việc lôi kéo các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là có hại và làm xói mòn sự ổn định khu vực”; đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc đang hủy hoại khuôn khổ giúp duy trì hòa bình, ổn định và phát triển suốt nhiều thập kỷ”. Theo phát ngôn viên này, các quốc gia thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc chủ yếu với mong muốn kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, thường rồi sẽ nhận thấy đây là một “bước đi tồi tệ”. Cùng quan điểm trên, Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo các nước cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhằm thay đổi hiện trạng hai bờ eo biển, cho rằng động thái này “gây tổn hại và làm suy yếu sự ổn định khu vực”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mỹ cảnh báo Quần đảo Solomon sẽ phải “gánh chịu hậu quả” với quyết định cắt quan hệ với Đài Loan.

Ngoài ra, về quân sự, Mỹ (20/8) thông báo đã phê chuẩn bản hợp đồng bán 66 chiếc tiêm kích F-16V, 75 động cơ và trang thiết bị đi kèm trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan. Đây cũng chính là bản hợp đồng có trị giá lớn nhất của Đài Loan trong hơn một thập kỷ qua. Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên án việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, coi đây là một động thái làm tăng sự thù địch giữa hai quốc gia, đồng thời yêu cầu Mỹ hủy bỏ hợp đồng.

Trung Quốc cay cú vì Mỹ ủng hộ, hỗ trợ Đài Loan

Về ngoại gia, Trung Quốc lên án hành động của Mỹ, đồng thời cảnh cáo Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp, bao gồm biện pháp quân sự để ngăn chặn Đài Loan độc lập và đáp trả thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (24/7) cảnh báo sẵn sàng chiến tranh nếu có bất kỳ động thái nào liên quan đến độc lập Đài Loan, cáo buộc Mỹ phá hoại sự ổn định toàn cầu và chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo này. Ông Ngô Khiêm tuyên bố: “Chúng tôi phải dứt khoát chỉ ra rằng việc tìm kiếm độc lập cho Đài Loan là chuyện không thể. Nếu có những người dám cố tình chia cắt Đài Loan khỏi đất nước, quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.

Về quân sự, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu Su-30 tập trận gần eo biển Đài Loan; triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20, hiện đại nhất của Trung Quốc cho Quân khu Miền Đông. Không những vậy, Trung Quốc cũng điều máy bay không người lái do thám Tường Long tiên tiến của Trung Quốc theo dõi tuần dương hạm Mỹ USS Antietam khi tàu này đi ngang qua eo biển Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều các tiêm kích J-11 và Su-30 bám sát tàu USS Antietam khi đi qua eo biển Đài Loan. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc được nói là đã cử chiến đấu cơ đi giám sát một chuyến đi ngang eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ vào ban đêm.

Xu hương căng thẳng tiếp diễn

Trước tình hình ấy, một số chuyên gia an ninh đã bày tỏ quan ngại rằng trong vài năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ “ra tay”với Đài Loan và kéo Mỹ vào cuộc xung đột trên đảo tự trị này. Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/2018) đã cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (5/4), ông Thôi nhấn mạnh “không ai có thể ngăn chặn cuộc tái thống nhất của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ dùng mọi phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu này, đồng thời phản đối Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8 đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng, Đài Loan và Biển Đông liên quan đến “sự toàn vẹn lãnh th” của Trung Quốc. Ông Ngụy Phụng Hòa ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc vẫn là nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thống nhất lãnh thổ, quân đội Trung Quốc luôn luôn khắc cốt ghi tâm: lãnh thổ thiêng liêng của tổ tông để lại một tấc cũng không được để mất, cái gì của người khác một mẩu cũng không cần. Các đảo ở Biển Đông từ xưa tới nay là lãnh thổ Trung Quốc, do tổ tông để lại, một tấc cũng không để mất. Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông là thực hiện chủ quyền và quyền tự vệ quốc gia, không liên quan gì đến quân sự hóa. Trung Quốc phản đối các quốc gia ngoài khu vực viện cớ bảo vệ tự do hàng hải để đến Biển Đông diễu võ giương oai, khiêu khích và làm tăng căng thẳng trong khu vực. Về chính sách quốc phòng, Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự một cách phù hợp, để bảo vệ hòa bình và an ninh cho nhân dân lao động, xưa nay chưa từng uy hiếp quốc gia nào. Dù phát triển đến đâu đi nữa, Trung Quốc quyết vĩnh viễn không xưng hùng xưng bá, vĩnh viễn không chạy đua vũ trang.

Nhìn chung, Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới