Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ – TQ – Biển Đông

Ấn Độ – TQ – Biển Đông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ấn Độ từ ngày 11-12/10/2019 và có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 11/10 tại thành phố biển Mamallapuram, bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Cuộc gặp không có chương trình nghị sự cụ thể, tương tự cuộc gặp không chính thức đầu tiên tại Vũ Hán ngày 27/4/2018. Một số chuyên gia nghiên cứu tỏ quan tâm liệu cuộc gặp lần này có ảnh hưởng đến quan điểm của Ấn Độ trên vấn đề Biển Đông hay không, nhất là cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với ông Tập.

Một số nhà phân tích cho rằng giữa lúc đang chịu tác động nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần này, ông Tập Cận Bình tập trung vào thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại để tranh thủ thị trường lớn của Ấn Độ với dân số đông thứ 2 trên thế giới nhằm giải tỏa bớt sức ép từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Do vậy, ông Tập không đề cập đến những vấn đề phức tạp trong quan hệ hai nước, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Ấn Độ luôn coi Trung Quốc là một đối thủ lớn ở khu vực, bản thân Ấn – Trung còn tồn tại nhiều vấn đề biên giới trên đất liền, thậm chí hai bên đã từng xảy ra cuộc chiến tranh biên giới những năm 60 của Thế kỷ 20. Mặt khác, Trung Quốc luôn tiếp tay cho Pakistan chống lại Ấn Độ (ngay trước khi ông Tập Cận Bình đi Ấn Độ, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã vội vã đến Trung Quốc và có cuộc gặp với ông Tập hôm 09/10/2019 để tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh trong vấn đề Kashmir). New Delhi không hài lòng trước việc Bắc Kinh ủng hộ Pakistan trong việc phản đối Ấn Độ hạn chế quyền tự trị và phong tỏa vùng Kashmir đang có tranh chấp với Pakistan. Trung Quốc ủng hộ Pakistan trong việc tố cáo các hành động của Ấn Độ liên quan đến Kashmir tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Ngay trước khi ông Tập Cận Bình đến Ấn Độ, New Delhi đã lên tiếng khẳng định lại chủ quyền của Ấn Độ trên vùng Kashmir, và cho rằng “các nước khác không nên bình luận về các vấn đề nội bộ của Ấn Độ”.

Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh rất bực tức trước việc New Delhi bảo vệ đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang lưu vong tại Ấn Độ.

Bắc Kinh cũng ra sức chèn ép New Delhi trên trường quốc tế khi ngăn Ấn Độ tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG). Do vậy, Ấn Độ vẫn coi Trung Quốc là thách thức đối ngoại lớn nhất.

Ấn Độ cũng là một trong số ít các nước ở khu vực không ủng hộ sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc, bởi lẽ Ấn Độ hiểu rõ bản chất của “Vành đai, con đường” của Trung Quốc là dùng tài chính để bắt các nước lệ thuộc vào Trung Quốc, thậm chí thông qua “Vành đai, con đường” để chiếm hữu các cảng biển của các nước Nam Á, xung quanh Ấn Độ. Mặt khác, tàu chiến các loại, kể cả tàu ngầm của Trung Quốc tăng cường hiện diện nhằm kiểm soát Ấn Độ dương, ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích thiết thân của Ấn Độ. New Delhi lo ngại trước những động thái của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng tại các láng giềng của Ấn Độ như Sri Lanka, Nepal, Bangladesh và Maldives.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Ấn Độ không thể lùi bước trước sức ép của Trung Quốc bởi lẽ Biển Đông là một phần quan trọng trong chiến lược hướng Đông của Ấn Độ. Lâu nay, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, tàu chiến của Ấn Độ thường xuyên có mặt ở Biển Đông, đồng thời Ấn Độ kiên trì hợp tác dầu khí với Việt Nam bất chấp sự phản đối của Trung Quốc; nhiều lần lên tiếng ủng hộ quyền của các nước ven Biển Đông khai thác tài nguyên trong vùng biển được xác định phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Chính phủ Ấn Độ công khai ủng hộ công ty dầu khí ONGC của Ấn Độ kiên trì triển khai dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam ở lô 127-128 bất chấp sức ép của Trung Quốc vì Ấn Độ biết rõ khu vực này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS. Ấn Độ cũng có quan hệ mật thiết với Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác khác trên biển, bao gồm giữa hải quân hai nước.

Xác định Biển Đông và hợp tác với các nước ven Biển Đông là một phần quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ; duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích của Ấn Độ nên bên cạnh việc tăng cường hợp tác hải quân với Việt Nam và các nước ven Biển Đông, Ấn Độ đã cùng các nước khác như Mỹ, Nhật tiến hành diễn tập trên Biển Đông. Đây là nhân tố hết sức quan trọng để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa và xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông, Ấn Độ tích cực tham gia vào chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở, đồng thời tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ (trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tháng 9 vừa qua, Mỹ và Ấn Độ nhất trí cùng tiến hành cuộc tập trận ba binh chủng mang tên “Tiger Triumph” vào tháng 11 tới) mục tiêu là để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.

Đáng chú ý, đầu tháng 9/2019, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại Vladivostok, Ấn Độ và Nga đã ký biên bản ghi nhớ về thành lập một tuyến hàng hải mới kết nối thành phố Vladivostok (Nga) với thành phố Chennai (Ấn Độ) đi qua Biển Đông. Qua đây có thể thấy Ấn Độ quyết tâm hợp tác với các nước lớn khác để phát huy vai trò ngày càng lớn hơn ở Biển Đông, không để Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông.

Với những phân tích trên đây, có thể thấy Ấn Độ có lợi ích lớn ở Biển Đông vì vậy Ấn Độ không thể “hy sinh” hoặc “mặc cả” vấn đề Biển Đông để đối lấy quan hệ với Trung Quốc, mà ngược lại Ấn Độ sẽ cùng các nước lớn khác và các nước ven Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng hiểu rất rõ điều này.

Ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ – ông Phạm Sanh Châu đã cung cấp cho giới truyền thông Ấn Độ những thông tin chi tiết về hành vi xâm lấn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; vạch trần mưu đồ của Trung Quốc biến các khu vực biển hoàn toàn không có tranh chấp ở Biển Đông thành vùng biển có tranh chấp; đồng thời bày tỏ hoan nghênh Ấn Độ đóng vai trò mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Liên quan đến hành động xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến nay, Ấn Độ đã ra tuyên bố vào tháng 8/2019, khẳng định rằng New Dehli có “quyền lợi lâu dài gắn liền với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á” và Ấn Độ kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.

Mặc dù, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế, bởi đây là 2 thị trường đông dân nhất và có tốc độ tăng trưởng cao liên tục, những giữa hai bên còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí mâu thuẫn, đối kháng nhau. Trên vấn đề Biển Đông, Ấn Độ có quan điểm đối lập với Trung Quốc và những hành động gây hấn leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông làm tổn hại tới lợi ích chiến lược của Ấn Độ.

Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng Ấn Độ không và không thể có thỏa thuận nào với Trung Quốc gây bất lợi cho Việt Nam và các nước ven Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn ĐộNarendra Modi và ông Tập Cận Bình. Các tin tức về chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình không thấy nêu về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nếu có đề cập đến vấn đề Biển Đông thì ông Narendra Modi tiếp tục khẳng định lại quan điểm lâu nay của Ấn Độ là tôn trọng luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới