Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThấy gì từ sự kiện, tàu thăm dò địa chất Hải Dương...

Thấy gì từ sự kiện, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc ra, vào vùng biển của Việt Nam

Từ tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát, thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào tiến hành hoạt động rải cáp thăm dò tại khu vực vùng biển của Việt Nam thuộc vùng biển phía Nam Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này và những diễn biến của nó cho thấy, so với những gì mà Trung Quốc đã làm ở bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012, Bắc Kinh đang muốn đẩy sự việc lên một tầm mức mới, đáp ứng tham vọng “độc quyền” kiểm soát Biển Đông của họ. Nhưng nó cũng thách thức những “hao tâm tổn sức” bao lâu nay của cộng đồng các nước trong khu vực và quốc tế nhằm gìn giữ hòa bình cho vùng biển này. Đặc biệt là thách thức chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Từ tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát, thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào tiến hành hoạt động rải cáp thăm dò tại khu vực vùng biển của Việt Nam thuộc vùng biển phía Nam Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này và những diễn biến của nó cho thấy, so với những gì mà Trung Quốc đã làm ở bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012, Bắc Kinh đang muốn đẩy sự việc lên một tầm mức mới, đáp ứng tham vọng “độc quyền” kiểm soát Biển Đông của họ. Nhưng nó cũng thách thức những “hao tâm tổn sức” bao lâu nay của cộng đồng các nước trong khu vực và quốc tế nhằm gìn giữ hòa bình cho vùng biển này. Đặc biệt là thách thức chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Như đã biết, chiến thuật của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là “gặm nhấm” từng bước theo kiểu “tằm ăn dâu”, nhưng rất quyết đoán. Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu chiến thuật này từ năm 1974 khi họ đã tận dụng thời cơ xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam từ bao đời nay. Tương tự như vậy cách đây 7 năm, họ cũng “gặm nhấm” lãnh thổ của Philippines. Nghĩa là vào năm 2012, nhân việc tàu công vụ Philippines ngăn cản tàu cá Trung Quốc xâm phạm và đánh bắt cá trong vùng biển mà Philippines đang kiểm soát, Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ, biến sự việc trở thành xung đột. Và từ đốm lửa nhỏ, Trung Quốc đẩy căng thẳng leo thang, rồi triển khai tàu vũ trang phong tỏa bãi cạn Scarborough. Kết quả là, họ đã biến Scarborough thành vùng đất của họ. Sau đó, dần dần họ tìm cách bồi lấp, xây dựng trái phép các đảo đá ở Trường Sa, “quân sự hóa” chúng, biến các thực thể này thành những tiền đồn để bành trướng ở Biển Đông. Tiếp đó là vào năm 2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Do vấp phải sự phản ứng rất mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, nên Trung Quốc phải chùn bước và rút lui. Tất cả những sự kiện trên cho thấy: Chính sách của Bắc Kinh là từng bước leo thang, nhưng cố tránh không để dẫn đến xung đột lớn và bị mất thể diện của một nước lớn trong phạm vi có thể.

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam lần này có thể khẳng định là bước leo thang tiếp theo nghiêm trọng. Nếu như vụ việc xảy ra ở bãi cạn Scarborough, Trung Quốc lấy cớ tàu quân sự Philippines ngăn cản tàu đánh cá của họ, đưa tàu hải cảnh tới để tham gia vào tranh chấp, thì lần này, họ đưa tàu khảo sát thăm dò địa chất kèm theo tàu quân sự hộ tống có trọng tải rất lớn, đã lộ rõ ý đồ không phải chỉ là đưa tàu vào khảo sát, mà còn mang tính chất đe dọa. Nguy hiểm hơn, việc ngang nhiên đưa tàu vào rồi lại ra, ra rồi lại vào vùng biển của Việt Nam cứ như ra vào “ao nhà” họ vậy. Đây rõ ràng là một bước tiến mới, khác với vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, vì khi đó, họ chỉ giới hạn hành động tại một điểm là nam Tri Tôn và cũng đặt mốc thời gian trong 3 tháng. Còn lần này, không gian hành động đã mở rộng tới hàng trăm cây số vuông, cách bờ biển của Việt Nam chỉ hơn 100 hải lý và không giới hạn thời gian, bất chấp phản đối quyết liệt của nước chủ nhà và cộng đồng quốc tế. Sự kiện trên buộc người ta phải suy nghĩ mấy vấn đề sau:

Một là, nếu Việt Nam và cộng đồng quốc tế không có những phản ứng thích đáng đối với những hành động của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam, các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại trong những năm tới, lý do đơn giản là Bắc Kinh rất hào hứng nhận ra rằng, các hành động cưỡng ép, gây hấn của họ đã mang lại hiệu quả. Từ đó, điều này sẽ trở thành động lực không chỉ cho Trung Quốc mà còn cả các nước khác trong và ngoài khu vực đang nhen nhóm ý định bình thường hoá các hành vi cưỡng ép và coi đó như là công cụ tiêu chuẩn trong cách hành xử quốc gia khi mà lẽ phải thuộc về kẻ mạnh. Lịch sử đã chỉ ra rằng, nhân nhượng nhiều khi sẽ chỉ gây ra nhiều hành động gây hấn hơn bởi những kẻ hung hăng cường quyền tưởng rằng sẽ không có giới hạn nào cho các hành động của họ. Và như vậy, vùng biển của Việt Nam rất không nên và không thể trở thành như một Sudetenland của Tiệp Khắc ở Biển Đông.

Hai là, nếu như không có phản ứng thích đáng và hiệu quả đối với những gì đang diễn ra thì câu chuyện không chỉ có xảy ra ở vùng biển của Việt Nam của Việt Nam, mà sẽ như vết dầu loang bung ra khắp cả Biển Đông. Những nước đang có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc như Philippines, Malaysia và cả Indonesia cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự. Và nếu như một ngày nào đó, Trung Quốc “nuốt gọn” được Biển Đông thì họ ngán gì mà không “xơi tái” thêm cả biển Hoa Đông nữa.

Ba là, tại sao Trung Quốc lại tiến hành một loạt hành động ngang ngược, phi lý và phi pháp kể trên tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cũng như cản trở các hoạt động khai thác năng lượng hợp pháp của Malaysia tại bãi Luconia trong khu vực Sarawwak? Phải chăng đó là do tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Bangkok gần đây thể hiện sự kiềm chế liên quan tới vấn đề Biển Đông khi không nhắc đến việc Bắc Kinh tiếp tục “quân sự hoá” tại các bãi, đá họ bồi lấp trái phép. Dường như nếu Trung Quốc thành công trong việc tuyên truyền, phổ biến luận điệu của họ về việc tình hình Biển Đông đang hoàn toàn hoà bình và ổn định, nước này sẽ không vấp phải bất kỳ sự can thiệp cứng rắn nào từ phía bên ngoài. Liệu rằng sự phản kháng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế đối với hành động của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam sẽ có khả năng đảo lộn ưu thế này của Bắc Kinh hay không?

Để có thể hiểu hành động gần đây của Trung Quốc, điều cần thiết là quay trở về tìm hiểu các vấn đề cốt lõi nhất trong yêu sách mà nước này đưa ra. Vùng biển của Việt Nam nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nằm trong yêu sách “chủ quyền đường chín đoạn” của Trung Quốc. Cái thứ “chủ quyền” chưa hề được ai công nhận vì nó mông lung, vô định đến nỗi ngay cả người Trung Quốc đến tận bây giờ cũng không biết tọa độ của nó ở đâu. Bởi thế, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) vào ngày 12/07/2016 với nội dung không thừa nhận yêu sách “đường chín đoạn” đã được cả thế giới vỗ tay ủng hộ. Vậy mà phán quyết đó đã không mảy may có bất kỳ tác động nào tới các tính toán của Trung Quốc về các bước đi trên Biển Đông. Sự kiện tại vùng biển của Việt Nam đã buộc người ta phải hiểu rằng, Bắc Kinh đã vừa không công nhận, vừa không tuân thủ phán quyết của PCA mà còn đáp trả PCA.

Vậy Trung Quốc đang tính toán gì ở Biển Đông trong thời điểm này? Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh có thể đã đánh giá một vài nhân tố có thể cho phép nước này mở rộng việc sử dụng các hành vi cưỡng chế để đạt được mục tiêu trên Biển Đông. Nhân tố đầu tiên là việc kích hoạt bộ phận thuộc các tiền đồn đã thiết lập ở Trường Sa để cung cấp cơ sở cho các hành vi cưỡng chế. Nhân tố thứ hai là đánh giá của Trung Quốc về việc các nước Đông Nam Á đối địch sẽ không cố gắng công khai hoá các hành vi cưỡng ép trên biển của Trung Quốc do không muốn “đâm đầu vào đá”. Đặc biệt khi ASEAN và Bắc Kinh gần đây đã công nhận việc có những tiến triển tích cực đối với Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đó còn chưa kể đến việc hai bên đã đạt được một vài thành tựu mang tính biểu tượng về mặt chính trị từ lễ khai mạc cuộc tập trận chung trên biển ASEAN – Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Cuối cùng, nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra, Trung Quốc tin rằng họ có lối thoát rất đơn giản khi tái sử dụng kịch bản mà họ rất quen dùng là giải thích tất cả các hành động của mình đơn thuần là phản ứng lại với các hành vi kích động, bao gồm việc buộc tội ngược rằng các bên yêu sách khác mới là bên làm phương hại đến thiện chí của Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm hoà bình trên Biển Đông.

Bắc Kinh có thể tự tin ở phán đoán của mình vào thời điểm các sự việc tranh chấp mới nổ ra, khi mà các hành vi cưỡng chế của họ đối với Malaysia ở giàn khoan Sapura Esperanza tại Luconia chỉ được công khai qua mạng xã hội chứ không phải thông qua các kênh truyền thông chính thống. Đồng thời, các trang báo trong nước của Malaysia cũng không hề đề cập tới các hành động này. Tất cả các động thái này có thể được coi là nỗ lực của các chính phủ Đông Nam Á trong việc không thổi phồng tình hình và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Các vụ va chạm chỉ được đưa ra ánh sáng qua các tường thuật đến từ phương Tây, trong đó có các bài báo do tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington DC đưa ra. Nhưng thực tế trên đã thay đổi với những phát ngôn rõ ràng và nghiêm khắc hơn từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như việc Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với truyền thông liên quan tới sự kiện này. Liệu điều này có làm thay đổi các bước đi tiếp theo của Trung Quốc? Có thể là không, vì Bắc Kinh dường như sẽ không rút các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam nếu như không tìm được một cách thức phù hợp để giữ thể diện. Nhưng ít nhất, điều này đã tạo thêm một số khó khăn về mặt chính trị, ngoại giao đối với Trung Quốc bởi xưa nay, sự phản kháng của người Việt Nam đi cùng với chủ nghĩa yêu nước của dân tộc này chưa bao giờ thất bại trước bất cứ thế lực cường quyền nào. Nguy cơ xung đột có thể sẽ ngày càng rõ ràng với Bắc Kinh, buộc nước này phải thận trọng hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tàu Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục xuất hiện tại vùng biển của Việt Nam, nhưng sẽ có các chỉ đạo chính trị nhất định để ngăn cản bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Song cũng không loại trừ, kịch bản tương tự năm 2014 sẽ lặp lại, các hoạt động đấu tranh ngoại giao, pháp lý, thông tin truyền thông và trên thực địa giữa hai bên có thể sẽ diễn ra.

Nhìn lại cuộc chạm chán lớn lần trước giữa Trung Quốc với Việt Nam liên quan tới vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014. Khi đó, sự kiện được Bắc Kinh giải thích là phản ứng đối với các hoạt động dầu khí đơn phương của Việt Nam tại khu vực được cho là vùng nước tranh chấp, với sự tham gia của Ấn Độ thông qua công ty nhà nước ONGC Videsh Limited. Sau sự kiện, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã rút ra được các bài học quý báu từ vụ va chạm kéo dài hàng tháng này, và kể từ đó, hai bên đã có đồng thuận rằng sẽ “quan tâm tới bức tranh lớn hơn, giải quyết các vấn đề lãnh thổ một cách phù hợp hơn”. Cách nói này dường như hướng tới ngụ ý rằng cả hai bên sẽ tìm cách hoá giải các cảm xúc phát sinh từ chủ nghĩa dân tộc và giải quyết các xung đột một cách êm đẹp hơn. Những tưởng Trung Quốc giữ lời thì mới phải đạo.

Tiếc thay, những thay đổi trên thực địa 5 năm qua ở Biển Đông kể từ năm 2014 đã lại trở thành động lực thôi thúc Trung Quốc hành động. Đó là hoạt động bồi lấp, cải tạo các bãi, đá xâm chiếm được thành các thực thể nổi và việc “quân sự hoá” các thực thể ấy của Trung Quốc đã đem lại kết quả, nói cách khác là bước đầu phát huy tác dụng trong ý đồ của Trung Quốc sẽ sử dụng chúng vào việc kiểm soát Biển Đông. Các tàu chiến của Trung Quốc, đặc biệt là tàu cảnh sát biển và dân quân tự vệ, có thể duy trì sự hiện diện của mình tại vùng biển của Việt Nam thông qua được tiếp tế, cung cấp nguyên, nhiên vật liệu và trang thiết bị từ các tiền đồn trên các đảo nhân tạo mà không cần phải quay lại các căn cứ trên lục địa để bổ sung và nghỉ ngơi.

Thế thì, điều gì có khả năng buộc Bắc Kinh phải lùi bước và rút khỏi vùng biển của Việt Nam? Ngoài những đối phó kiên quyết, hợp tình, hợp lý, hợp pháp luật quốc tế của Việt Nam ra, ít nhất, ASEAN cần có một lập trường thống nhất và rõ ràng về vấn đề này. Giới nghiên cứu nhận xét, dự thảo tuyên bố của ASEAN hồi tháng 7 vừa qua cho rằng, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm “xói mòn lòng tin” của các nước. Ngôn từ như vậy là mạnh mẽ và rõ ràng nhắm thẳng tới Bắc Kinh. Nhưng điều mà ASEAN cần tránh là sự chia rẽ nội bộ về ngôn từ và tông giọng của những phát ngôn, vì sự chia rẽ này có thể khiến cho các tuyên bố của Khối đưa ra đối với các hành động của Trung Quốc bị giảm hiệu lực. Để đạt được tác động sâu sắc hơn, giới lãnh đạo chính trị ASEAN cần cảnh báo Bắc Kinh rằng, bất cứ loại hành vi cưỡng ép nào tại vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại với các thông lệ và quy tắc quốc tế sẽ làm phương hại tới những gì mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong vòng hai năm qua, trong đó có cả tiến trình COC. Giải quyết vấn đề ở vùng biển của Việt Nam có thể là một phép thử cho vai trò trung tâm và tính phù hợp trong thời gian tới của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Đã đến lúc, tổ chức này phải có sự thể hiện phù hợp sau khi đã thất bại trong việc làm những gì họ cần làm vào tháng 7/2012.

Các cường quốc bên ngoài khu vực và các thể chế quốc tế như Liên minh châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc vốn đã thành công trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong một thời gian dài, cũng nên thể hiện tiếng nói của mình. Mỹ đã là cường quốc đầu tiên phản ứng với các hành động gần đây của Trung Quốc. Dự thảo của Thượng viện Mỹ về Đạo luật trừng phạt Trung Quốc liên quan tới các hành vi trên Biển Đông và biển Hoa Đông năm 2019, đề xuất vào cuối tháng 5 năm nay có thể sẽ nhận được một cú huých nhất định sau sự việc này. Một khi được thông qua, các biện pháp trừng phạt có thể nâng cái giá phải trả đối với Trung Quốc và buộc nước này phải thay đổi hành động của mình. Các nước Anh, Pháp. Đức, Nga, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ… có lẽ cũng không muốn Biển Đông biến thành một vùng “xung đột quốc tế” một khi quyền lợi của họ không được bảo vệ.

Không ai phủ nhận, những năm tháng của thời kỳ “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc đã qua đi, nay họ bắt đầu trỗi dậy và như họ tuyên bố là “trỗi dậy hòa bình”. Thậm chí, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh hợp tác châu Á – Thái Bình Dương các năm 2016, 2017, 2018 hoặc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vào đầu năm 2017 còn đưa ra những tuyên bố thúc giục cộng đồng quốc tế nỗ lực nhằm đạt được sự ổn định, bình đẳng, quan hệ hữu nghị và thịnh vượng chung. Một nước Trung Quốc lớn mạnh, thượng tôn pháp luật và có đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế sẽ được toàn thể cộng đồng quốc tế mong đợi và ủng hộ. Tuy nhiên, xem xét những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông cho tới nay cho thấy, Bắc Kinh đã không thể hiện được những gì mà thế giới mong đợi. Dù Trung Quốc luôn tuyên bố muốn biến Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, ổn định nhưng rõ ràng cách hành xử của họ luôn đi ngược lại những gì họ tuyên bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới