Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThủ đoạn xảo quyệt của TQ tuyên truyền “đường lưỡi bò”

Thủ đoạn xảo quyệt của TQ tuyên truyền “đường lưỡi bò”

Từ lâu, nhà chức trách và truyền thông Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn để tuyên truyền cho yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của họ ở Biển Đông. Chúng ta còn nhớ từ 10 năm trước, sau khi đưa bản đồ in hình “đường lưỡi bò” ra Liên hợp quốc năm 2009, Trung Quốc đã ráo riết tuyên truyền cho yêu sách phi lí này của họ.

Năm 2012, Trung Quốc cho in hình “đường lưỡi bò” vào trong hộ chiếu của công dân Trung Quốc và gặp phải sự phản đối quyết liệt của các nước. Các nước Philippines và Việt Nam đã từ chối đóng dấu visa lên hộ chiếu điện tử của Trung Quốc, thay vào đó là cấp visa rời.

Trung Quốc tung tiền ra tài trợ cho các hãng xuất bản, các kênh truyền hình, các trang mạng của các nước để mua chuộc họ đưa bản đồ in “đường lưỡi bò” vào một số ấn phẩm của họ; bỏ tiền ra tài trợ cho một số hội nghị, cuộc họp, hội chợ quốc tế và khu vực để đưa các ấn phẩm có in “đường lưỡi bò” vào lưu hành. Mới đây, kênh thể thao Mỹ ESPN đã đưa lên truyền hình tấm bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” trong một chương trình nói về bóng rổ Mỹ tại Trung Quốc.

Các công ty du lịch hoặc công ty giải trí của Trung Quốc mang các ấn phẩm du lịch có in bản đồ “đường lưỡi bò” đi tham dự các hội chợ du lịch, phát cho các công ty du lịch của các nước. Tại Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2019, các nhà chức trách Việt Nam đã phát hiện ra các tờ rơi có hình bản đồ “đường lưỡi bò” được công ty Hola China phát cho khách; tất cả các ấn phẩm này bị mang đi tiêu hủy,

Trung Quốc cung cấp tài chính cho các tạp chí khoa học, các nhà khoa học ở các nước để tuyên truyền cho “đường lưỡi bò”. Từ năm 2017, số lượng các bài báo khoa học có in bản đồ “đường lưỡi bò” lên tới hàng ngàn bài. Trung Quốc cũng cho các học giả quốc tế tới dự các diễn đàn khoa học về Biển Đông để tuyên truyền về “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc còn cho in bản đồ “đường lưỡi bò” lên các áo của du khách Trung Quốc đi du lịch các nước. Tháng 5/2018, hàng chục du khách Trung Quốc đã mặc áo phông in bản đồ “đường lưỡi bò” nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Cam Ranh đã bị các nhà chức trách sân bay yêu cầu thay áo trước khi vào Việt Nam.

Trung Quốc thậm chí còn cho in bản đồ “đường lưỡi bò” lên các quyển lịch, hàng hóa, túi đựng đồ, các thùng cát tông đựng hàng hóa, hoa quả xuất khẩu sang các nước, đồ lưu niệm cho khách du lịch.

Nguy hiểm hơn, Trung Quốc cung cấp tài chính cho các hãng phim điện ảnh lớn để họ lồng ghép các bản đổ in “đường lưỡi bò” vào các phim ảnh. Năm 2018, phim Điệp vụ Biển đỏ của Trung Quốc được chiếu rộng rãi tại Việt Nam cho đến khi khán giả phát hiện ra trong phim có đoạn nói Biển Đông là của Trung Quốc.

Mới đây nhất, là bộ phim hoạt hình Abominable (tên phim tiếng Việt là Everest – người tuyết bé nhỏ), một sản phẩm hợp tác giữa công ty Pearl Studio của Trung Quốc và DreamWorks Animation, có cảnh bản đồ “đường lưỡi bò”, đang gây bất bình lớn. Việt Nam cấm chiếu bộ phim này; Malaysia thì yêu cầu cắt hình ảnh này nhưng nhà sản xuất không đồng ý và bộ phim cũng đã bị cấm chiếu ở Malaysia.

Các sự việc nói trên liên tiếp xảy ra, cho thấy Trung Quốc có nhiều bước đi “âm thầm và xảo quyệt” để tuyên truyền yêu sách “đường lưỡi bò” của mình trên Biển Đông. Những việc làm này của Trung Quốc lâu dần đã khiến mọi người có cái nhìn lệch lạc về xác định vùng biển của các nước ở Biển Đông.

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông vốn đã bị Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng ra phán quyết là không có cơ sở pháp lý – tức là phi pháp – ngày 12/7/2016. Do vậy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi là các hãng truyền thông Mỹ đã vô tình hay cố ý quảng bá cho yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trả lời cho câu hỏi này, các ý kiến cho rằng có những trường hợp do nhầm lẫn, nhưng cũng có những trường hợp cố tình do đã “ăn phải bả” của Trung Quốc và trong trường hợp này là có chủ ý.

Trong trường hợp kênh thể thao Mỹ ESPN đã đưa lên truyền hình tấm bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” đã có sự cải chính. Phát ngôn viên của kênh thể thao Mỹ dù không bình luận, nhưng đã gợi lên một bản tin ngắn ngày 10/10 trên tờ báo Mỹ Sports Business Daily Issues, cho rằng ESPN đã “sử dụng nhầm – mistakenly used” tấm bản đồ. Trước các phản ứng bất bình về việc trương lên tấm bản đồ “đường lưỡi bò”, kênh ESPN đã không bình luận về việc sử dụng đồ họa gây tranh cãi, nhưng vào trước đó, trong chương trình Sports Center của Scott Van Pelt cũng trên kênh ESPN, một tấm bản đồ Trung Quốc hoàn toàn khác đã được sử dụng, không có vẽ “đường lưỡi bò”. Đây có thể là sự sửa sai của kênh ESPN, minh chứng cho sự nhầm lẫn.

Trong trường hợp bộ phim hoạt hình Abominable (tên phim tiếng Việt là Everest – người tuyết bé nhỏ) đưa hình “đường lưỡi bò”, nhiều nhà phân tích cho rằng là một hành động cố ý, đến từ đối tác Trung Quốc của Dreamworks trong bộ phim. Khó có thể nghĩ rằng việc đưa tấm bản đồ “đường lưỡi bò” vào trong phim Abominable là một nhầm lẫn của nhà sản xuất. Là phim hoạt hình đầu tiên của Hollywood mà các nhân vật thuộc một gia đình Trung Quốc ngày nay, bộ phim là một công trình hợp tác giữa hãng phim Mỹ DreamWorks và công ty sản xuất Trung Quốc Pearl Studio, trụ sở tại Thượng Hải, thuộc sở hữu của China Media Capital, một nhà đầu tư có ảnh hưởng của Trung Quốc vốn nuôi tham vọng xây dựng một đế chế truyền thông toàn cầu.

Bộ phim Abominable được thiết kế tỉ mỉ cho hợp với khán giả Trung Quốc: ngay cả phần hội thoại cũng đã được dịch sang tiếng Hoa sao cho cách máy môi sẽ đồng bộ với kịch bản gốc tiếng Anh ban đầu và các chi tiết hình ảnh được đưa vào sao cho đúng nhất với thực tế tại Trung Quốc. Căn cứ vào mức độ chú ý đến từng chi tiết đó, có rất nhiều khả năng là quyết định đưa tấm bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò vào phim rõ ràng đã được tính toán cẩn thận.

Trung Quốc hiện đang tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền bá thông điệp dân tộc chủ nghĩa của họ ra ngoài biên giới bằng biện pháp tuyên truyền. Trong trường hợp này, Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác kinh doanh để tuyên truyền cho yêu sách “đường lưỡi bò” của họ ở Biển Đông.

Có thể do thiếu sự hiểu biết hoặc không quan tâm nhiều đến các tranh chấp chủ quyền liên quan đến “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, doanh nghiệp các nước đã đồng lõa với những quan điểm tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa của các doanh nghiệp Trung Quốc dưới sự bảo trợ của Chính phủ Trung Quốc. Vô hình chung các doanh nghiệp nước ngoài này đã tiếp tay cho hành vi sai trái của Trung Quốc.

Thủ đoạn tuyên truyền về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hết sức tinh vi và nguy hiểm. Với quan điểm dân tộc chủ nghĩa, hiếu chiến, bá quyền, Trung Quốc cho rằng “nói 1 lần không được chấp nhận, nói 10 lần chưa được chấp nhận thì nói 100 lần hoặc 1000 lần sẽ được chấp nhận”. Với quan điểm đó, Trung Quốc đã không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả những việc làm hết sức đê tiện để tuyên truyền cho những yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông. Đây là cách làm lâu nay của Trung Quốc.

Điều này đòi hỏi các nước liên quan tranh chấp Biển Đông phải hết sức chú ý, đẩy mạnh mạnh công tác phản tuyên truyền chống lại sự xuyên tạc, bóp méo trong cách tuyên truyền của Trung Quốc. Thế mạnh của các nước nhỏ ven Biển Đông là luật pháp quốc tế nên cần luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luận; kịp thời vạch trần những thủ đoạn nguy hiểm trong cách thức tuyên truyền của Trung Quốc để cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất của vấn đề, cùng lên tiếng phản đối hành động và truyên truyền sai trái của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới