Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại hành vi xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế và...

Nhìn lại hành vi xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông của TQ dưới góc độ luật quốc tế

Trong thời gian gần 4 tháng (03/7-24/10/2019), Trung Quốc đã cử nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm Bãi Tư Chính thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông. Có thể thấy rõ, đây là hành động được toan tính kỹ, có lộ trình trong quá trình triển khai chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

TQ vi phạm nghiêm trọngcác quy định của luật biển quốc tế hiện đại

Thứ nhất, theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển quốc tế (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là nước thành viên. Tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã thực hiện khảo sát địa chất trong vùng biển Việt Nam từ ngày 03/7/2019 đến ngày 24/10/2019. Đây là sự vi phạm rõ ràng đối với các quy định của UNCLOS năm 1982. Theo quy định của UNCLOS mà Trung Quốc cũng là thành viên từ năm 1996, là một quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng quyền chủ quyền trong thăm dò và khai thác tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), có nghĩa là chiều rộng là 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và thềm lục địa (có thể kéo dài đến 350 hải lý từ đường cơ sở). Việc Trung Quốc cho tàu vào khảo sát trên Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không được Nhà nước Việt Nam cho phép là vi phạm vào quy định của UNCLOS. Do vậy, hành động này đã làm cho tình hình Biển Đông lại trở nên phức tạp và thu hút sự quan tâm của cả thế giới và khu vực. Còn nhớ, Trung Quốc đã từng đưa Giàn khoan Hải Dương 981 tiến hành hoạt động khoan thăm dò phi pháp năm 2014. Việc tiến hành cho tàu khảo sát tại thời điểm này ở khu vực Tư Chính, Phúc Tần cho thấy Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng kiểm soát, độc chiếm Biển Đông để thăm dò và khai thác tài nguyên biển. Mặc dù đã phê chuẩn UNCLOS từ năm 1996, song Trung Quốc là quốc gia luôn vi phạm và không thực hiện các quy định của UNCLOS. Trung Quốc đơn phương tuyên bố yêu sách đường chín đoạn, tung ra các yêu sách về Tứ Sa trái với luật pháp quốc tế, quy định của UNCLOS, không có cơ sở khoa học.

Thứ hai, theo phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, đã phủ nhận mọi cơ sở pháp lý đối với đường chín đoạn của Trung Quốc. Thẩm phán của Tòa trọng tài cũng khẳng định rằng yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc là bất hợp pháp và Trung Quốc không được phép có yêu sách biển vượt ra ngoài khuôn khổ của UNCLOS. Trên cơ sở các quy phạm của luật quốc tế, luật biển quốc tế đến tập quán quốc tế, có thể thấy Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam khi tiến hành khảo sát trên vùng biển của Việt Nam trên Bãi Tư Chính.

Thứ ba, từ những phản ứng phù hợp, chuẩn mực với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Tại các cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại UNCLOS bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia, ở khu vực và trên thế giới. Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS.

Công luận luôn đứng về chính nghĩa và luật pháp

Mặc dù phán quyết của Tòa trọng tài có hiệu lực thi hành ngay, song Trung Quốc đã ngoan cố không thừa nhận phán quyết, tiếp tục có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Bất chấp những tuyên bố lạc quan, đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chưa đạt được nhiều tiến triển thực chất. Những hành động của Trung Quốc diễn ra trên Biển Đông sẽ cho chúng ta thấy Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Việc xây dựng đảo, quân sự hóa trên các đảo nhân tạo, thăm dò khai thác trên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực Biển Đông sẽ diễn ra tùy theo từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, mối nguy hiểm lớn nhất lúc này không phải việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo – điều vốn dĩ Trung Quốc đã làm rồi, mà là khả năng khiến các nước khác phải chấp nhận cách hành xử trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trước những hành động phi lý của Trung Quốc cộng đồng quốc tế, khu vực và các nước lớn cần có những quan điểm rõ ràng, phản bác luận điệu và hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển của Trung Quốc. Nếu những hành động của Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, leo thang chiến lược thì Nga, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và EU sẽ có những phản ứng thích hợp để bảo vệ giá trị chân lý của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Trong đời sống văn minh hiện nay, hệ thống luật pháp quốc tế là những chuẩn mực công lý để bảo vệ lẽ phải và trật tự, cộng đồng quốc tế cần phải chung sức bảo vệ và nỗ lực tuân thủ nó. Nếu một số nước sẽ bất tuân thủ luật pháp quốc tế, chỉ dùng sức mạnh quân sự để từ chối chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia khác sẽ làm suy yếu hệ thống pháp luật quốc tế, luật biển quốc tế hiện đại. Nhắc lại trước đây, trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Mỹ thúc đẩy nhiều hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông, nhất là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, để thách thức một số yêu sách quá đáng của Trung Quốc hoặc các nước khác. Pháp và Anh cũng bắt đầu hành động, nhưng vẫn cần thêm các nước khác nữa. Trong lúc kiềm chế không leo thang xung đột quân sự với Trung Quốc vào thời điểm này, Mỹ sử dụng FONOPS như là một công cụ để chống lại yêu sách quá đáng của Trung Quốc. FONOPS không chỉ là mối đe dọa về mặt quân sự mà còn là pháp lý để kiềm chế Trung Quốc.

Kết luận: Việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 tới Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, luật biển quốc tế và trực tiếp thách thực quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển và tài nguyên dưới đáy biển ở khu vực này. Hành động này vi phạm vì Trung Quốc không xin phép chính phủ Việt Nam trước khi tiến hành hoạt động trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc rõ ràng rất nghiêm trọng vì đã 3 năm kể từ sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bắc Kinh không những không tuân thủ các nội dung phán quyết này mà còn có những hành động nhằm thách thức những quyết định này, đe doạ hoà bình, ổn đinh và trật tự pháp lý trên biển. Tòa trọng tài đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông khi Trung Quốc tham gia UNCLOS, cũng như khẳng định đường chín đoạn mà Trung Quốc yêu sách là không có cơ sở pháp lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới