Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi: Chủ nghĩa đa phương và...

Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi: Chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế trên nền tảng luật pháp quốc tế

Từ 21-25/10, Việt Nam đã tham dự kỳ họp thường niên lần thứ 58 của Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO) tại Tanzania với chủ đề “Chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế trên nền tảng luật pháp quốc tế”.

Tại cuộc họp, các quốc gia thành viên cùng khách mời là các chuyên gia, học giả luật quốc tế đã thảo luận các chủ đề đang được thế giới và các quốc gia Á-Phi quan tâm, bao gồm: Luật Biển (Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia – BBNJ; Tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, eo biển quốc tế; Khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định – IUU Fishing); giải quyết hòa bình các tranh chấp; Luật pháp quốc tế trong Không gian mạng; Luật Thương mại và Đầu tư quốc tế (cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới và cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia); Các chủ đề trong chương trình nghị sự của Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC)… Các quốc gia đều khẳng định tôn trọng và đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được ghi nhận tại Hiến chương Liên hợp quốc, coi đây là nền tảng để xử lý các thách thức mới phát sinh và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Trưởng đoàn Việt Nam, ông Chu Tuấn Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được các quốc gia ghi nhận tại Hiến chương Liên hợp quốc. Sự phát triển của chủ nghĩa đa phương suốt 75 năm qua đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng, góp phần định hình quan hệ quốc tế hiện đại với nền tảng các điều ước quốc tế quan trọng như Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, bốn Công ước Geneva về Luật Nhân đạo năm 1949, Công ước Vienna về Luật điều ước quốc tế năm 1969, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982… Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương cũng như hệ thống luật pháp quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi các quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế và tích cực hợp tác đa phương ở nhiều cấp độ. Việt Nam đã và đang tham gia đóng góp tích cực tại các diễn đàn đa phương nói chung và việc pháp điển hóa cũng như phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế nói riêng, đặc biệt là trong thời gian tới trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Đáng chú ý, trong các phát biểu, đoàn Việt Nam đều khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, kêu gọi giải quyết các tranh chấp, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế không tiến hành các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như quốc tế.

Được biết, AALCO được thành lập năm 1956 tại Bandung, Indonesia, với tên gọi ban đầu là Hội đồng Tham vấn pháp luật châu Á. Tổ chức này chính thức được đổi tên năm 2001, với sự tham gia của các quốc gia châu Phi. Hiện, AALCO gồm 48 thành viên, là các quốc gia chủ chốt trong khu vực (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Ai Cập) và một số quan sát viên (như Đức, Australia, New Zealand). Sau thời gian làm quan sát viên, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của AALCO năm 2017.

Hội nghị thường niên của AALCO được tổ chức hàng năm để thảo luận và trao đổi ý kiến, quan điểm, tham vấn về những vấn đề pháp luật quốc tế là mối quan tâm của các nước thành viên. Trên cơ sở kết quả thảo luận, Hội nghị đưa ra những quan điểm, ý kiến chung dưới hình thức nghị quyết hoặc cử đại diện của AALCO phát biểu tại các diễn đàn hay khuôn khổ quốc tế khác có trách nhiệm về các nội dung pháp luật quốc tế liên quan. Bên cạnh các nước thành viên, rất nhiều phái đoàn là các Chính phủ và đại diện của các tổ chức quốc tế ở các khu vực được mời tham dự Hội nghị với tư cách quan sát viên như như Úc và New Zealand, Nga, các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc, Tòa án hình sự quốc tế, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế… Đại biểu tham dự Hội nghị thường niên là quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên, ví dụ như Bộ trưởng, Tổng Chưởng lý và các quan chức cao cấp khác. Một điểm đặc biệt tại Hội nghị thường niên của AALCO là các học giả, chuyên gia pháp luật quốc tế nổi tiếng thế giới được mời tham dự để trình bày về các vấn đề pháp luật quốc tế đương đại nhằm giúp các đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn về những vấn đề pháp luật quốc tế hiện đại.

Một trong những thành công lớn của AALCO là xây dựng được các Trung tâm trọng tài thương mại với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động trọng tài thương mại quốc tế trong khu vực Châu Á – Châu Phi. Hiện nay, 05 Trung tâm trọng tài đã được thành lập tại Kuala Lumpur (Malaysia năm 1978), Cairo (Ai Cập 1979), Lagos (Nigeria 1980), Tehran (Iran 1997) và Nairobi (Kenya 2007). Các Trung tâm này đều được Chính phủ các nước công nhận về vai trò độc lập giống như các tổ chức quốc tế và giành các ưu đãi, miễn trừ cho các Trung tâm này.

Sau hơn 50 năm hoạt động, AALCO đã có nhiều đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề pháp luật quốc tế liên quan tới các nước châu Á và châu Phi, đồng thời thúc đẩy quan điểm của khối này trong sự phát triển của luật quốc tế trên thế giới. Một số thành tựu điển hình của AALCO đối với pháp luật quốc tế: (i) AALCO đã có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và được công nhận trong cộng đồng quốc tế. AALCO đã rất chủ động xây dựng chương trình hành động của mình nhằm góp phần vào việc xây dựng UNCLOS. Thông qua các phiên họp thường niên, các phiên họp giữa kỳ trong 10 năm liên tục, AALCO đã đưa ra các bình luận, đề xuất đối với UNCLOS và cập nhật cho các nước thành viên về tình hình đàm phán xây dựng UNCLOS. AALCO đã có ảnh hưởng và đóng góp nhiều vào UNCLOS, đặc biệt là đưa sáng kiến đối với rất nhiều thuật ngữ trong UNCLOS, ví dụ như khu vực đặc quyền kinh tế, các quốc gia quần đảo, quyền của các nước không có biển… Nhờ đóng góp của AALCO đối với UNCLOS, số lượng thành viên của AALCO trong thời điểm này đã tăng đột biến với 20 nước đã tham gia ở giai đoạn này. (ii) Bên cạnh những đóng góp cho UNCLOS, trong thời gian qua AALCO cũng tích cực tham gia vào quá trình phát triển các lĩnh vực khác của pháp luật quốc tế, chẳng hạn tham gia vào quá trình xây dựng luật ngoại giao, luật điều ước quốc tế, luật người tỵ nan, pháp luật về quyền con người và nhân đạo quốc tế, luật hình sự quốc tế, pháp luật chống tham nhũng…

RELATED ARTICLES

Tin mới