Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang thử nghiệm 5G trái phép tại đảo Phú Lâm của...

TQ đang thử nghiệm 5G trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam

Theo một số thông tin trên các trang diễn đàn quân sự, Trung Quốc đang thử nghiệm mạng 5G trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc mang 5G ra Biển Đông

Theo thông tin trên, Trung Quốc đã xây trái phép 3 trạm phát sóng băng thông 800Mbs trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hiện phía Trung Quốc đang phát thử nghiệm 5G trên đảo này.

Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, khi nhà mạng Trung Quốc bắt đầu triển khai 5G trong năm nay, nhiều người dùng sớm được sử dụng mạng di động tốc độ siêu cao. Tuy nhiên, đây không phải đối tượng duy nhất hưởng lợi ích từ 5G mà đó là cả nền kinh tế số, bao gồm nhà sản xuất thiết bị viễn thông, nền tảng, ứng dụng cho IoT, xe hơi tự lái, giám sát, tự động hóa nhà máy. Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến sẽ được phủ sóng 5G trên diện rộng, trong khi các thành phố nhỏ hơn bắt đầu bằng hotspot 5G. Ba nhà mạng quốc doanh dự định chi tổng cộng 302 tỷ nhân dân tệ (43 tỷ USD) riêng năm 2019 cho 5G, bao gồm 130.000 trạm gốc. Lợi ích ban đầu của người dùng là tải video và game nhanh hơn, nhiều ứng dụng thực tế ảo hơn và cải thiện hiệu quả hội nghị video trên di động.

Tính đến giữa tháng 10/2019, khoảng 10 triệu người đã đăng ký sử dụng 5G. Theo Hiệp hội GSM, ước tính đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có khoảng 460 triệu thuê bao 5G. Hãng nghiên cứu CCS Insight dự đoán toàn thế giới có 1 tỷ người dùng 5G vào năm 2023, hơn một nửa tới từ Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc không thể đưa ra tiêu chuẩn về 5G nhưng đang có vai trò lớn hơn bao giờ hết. Chính phủ cùng các công ty như Huawei, China Mobile, Lenovo đều tham gia sâu vào quá trình thiết lập tiêu chuẩn 5G. Điều đó ngược với 4G và 3G, khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản mới có tiếng nói mạnh mẽ.

Được biết, chương trình 5G của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2013, đã tạo ra nhiều người lãnh đạo như Huawei, ZTE và một số hãng khác. Họ sở hữu nhiều bằng sáng chế quan trọng, định hình chuẩn 5G. Họ sẽ nhận được phí bản quyền từ các nhà sản xuất thiết bị 5G, từ đó đổ thêm tiền vào nghiên cứu và phát triển. Việc triển khai mạng 5G thương mại cho phép Trung Quốc tận dụng lợi thế của người đi đầu, giúp bán được nhiều linh kiện ra nước ngoài hơn nhờ giá rẻ. Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang kêu gọi các nước khác tẩy chay thiết bị Huawei vì đe dọa nguy cơ an ninh quốc gia. Bất chấp áp lực từ Mỹ, hồi tháng 7/2019, Huawei cho biết đã ký hơn 60 hợp đồng thương mại cung ứng mạng 5G trên toàn cầu, ít nhất 28 đến từ châu Âu.

Theo giới khoa học, tốc độ và độ ổn định của 5G đòi hỏi nhiều trạm gốc hơn, đẩy chi phí lên cao hơn. Hãng môi giới Guotai Junan ước tính cần tới 5,5 triệu trạm gốc cho 5G. Trung Quốc đã có 3,7 triệu trạm gốc 4G trong năm 2018. Trong khi đó, China Mobile, China Unicom, China Telecom đều báo cáo tăng trưởng lợi nhuận giảm dù kết quả kinh doanh vẫn mạnh. Dù chi phí tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các thị trường khác, họ vẫn đang nỗ lực kiểm soát chi tiêu cho 5G do công nghệ này chưa thể đem lại doanh thu cao ngay lập tức.

Tuy nhiên, việc đưa 5G ra Biển Đông còn là một thách thức lớn đối với trình độ khoa học kỹ thuật, cũng như điều kiện thực tế đối với Trung Quốc. Khó khăn, thách thức lớn nhất xuất phát từ việc Trung Quốc không có chủ quyền đối với khu vực này, tất cả các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm đóng ở Biển Đông đều là phi pháp và không được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Ngoài ra, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm rất xa so với đất liền Trung Quốc, vì vậy việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông rất tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

Trung Quốc đã đưa 4G bao phủ toàn bộ Biển Đông

Trước đó, tính đến nửa đầu năm 2018, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 8 trạm phát sóng 4G trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mỗi trạm như vậy có tốc độ download dữ liệu đạt 1 Mb/giây. Kế hoách trên do Tập đoàn China Telecom Trung Quốc triển khai từ ngày 15/10/2017. Theo China Daily, China Telecom đã đầu tư hơn 70 triệu nhân dân tệ (10,5 triệu USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông trái phép ở Biển Đông trong 4 năm qua. Ngoài China Telecom, hãng viễn thông lớn khác của Trung Quốc như China Mobile Communications cũng cung cấp trái phép dịch vụ 4G ở quần đảo Trường Sa. Không những vậy, tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trung Quốc cũng đã lắp đặt và đưa vào sử dụng trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây, đảo Bắc, đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa.

China Daily ngang ngược tuyên bố, kế hoạch trên của Chính phủ Trung Quốc là nhằm bảo vệ những tuyên bố “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông, cải thiện các dịch vụ truyền thông cho “người dân địa phương”. China Daily khoe khoang: “Việc này sẽ giúp cho người dân Trung Quốc đang xâm nhập trái phép vào Trường Sa có thể truy cập Internet với tốc độ cao, giúp họ có thể gọi video và tiến hành các giao dịch thương mại trực tuyến”. Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng những thành tựu nổi bật trên cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc phục vụ người dân địa phương và các tàu đi khu vực Biển Đông.

Trên thực tế, việc Trung Quốc tìm mọi cách phủ sóng phi pháp 4G trên Biển Đông là nhằm phục vụ các hoạt động quân sự. Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ, từng cảnh báo rằng Trung Quốc có ý định sử dụng các đảo nhân tạo ở Biển Đông phục vụ các mục đích quân sự. Với việc triển khai mạng 4G, quân đội Trung Quốc đang đồn trú phi pháp ở Biển Đông sẽ dễ dàng tiếp cận với hệ thống vệ tinh, giúp nước này gia tăng khả năng giám sát, kiểm soát ở Biển Đông. Ngoài ra, mạng 4G cũng giúp kết nối hệ thống định vị giữa vệ tinh Bắc Đẩu với tên lửa, máy bay chiến đấu của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, quân đội Trung Quốc cũng đưa ra quy định nghiêm ngặt về quản lý sử dụng mạng 4G về thời gian và địa điểm sử dụng để ngăn chặn rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm.

Nhìn chung, hành động trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, mà con đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực. Trung Quốc cần nghiêm túc nhìn nhận lại những hành vi phi pháp của mình và chấm dứt ngay những hành động trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới