Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐại sứ Guido Hildner: Đức ủng hộ hòa bình, ổn định, tự...

Đại sứ Guido Hildner: Đức ủng hộ hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông

Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner (31/10) cho biết, Đức ủng hộ hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông trên cơ sở thượng tôn pháp luật quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner đến chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp thiết thực vào việc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức trong thời gian tới; khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành trọng trách. Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức; đề nghị Chính phủ Đức và EU tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Đại sứ Guido Hildner cho rằng, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng đối với Đức; bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn nữa với Việt Nam. Đại sứ cho biết, tuần này, có 4 đoàn đại biểu của Đức sang thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, khoa học, môi trường. Sắp tới, Bộ Ngoại giao hai nước sẽ tổ chức tham vấn chính trị. Đại sứ đề xuất hai bên có thể tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực: khí hậu, môi trường, năng lượng, đào tạo nghề. Đại sứ Guido Hildner cho biết, cộng đồng người Việt sinh sống ở Đức hòa nhập tốt vào nước sở tại và là những sứ giả kết nối hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đại sứ nhấn mạnh việc ký kết Hiệp định EVFTA mới đây là cú hích mới cho sự hợp tác Việt – Đức nói riêng và hợp tác Việt Nam và châu Âu nói chung. Đại sứ Guido Hildner cũng khẳng định quan điểm của Đức ủng hộ hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông trên cơ sở thượng tôn pháp luật quốc tế; cho rằng hai bên sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa khi cùng đảm trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN còn Đức làm Chủ tịch luân phiên EU vào nửa cuối năm 2020.

Trong những năm gần đây, chính giới Đức đã đưa ra những tuyên bố cứng rẳn, ủng hộ việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa theo luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Cụ thể: (1) Đại sứ Đức tại Philippines Thomas Ossowski (6/2014) vừa tuyên bố chính phủ Đức đang theo dõi sát sao tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, giữa lúc Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ở vùng biển Việt Nam; đồng thời khẳng định Đức rất quan tâm tới việc duy trì an ninh cho các tuyến đường biển và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Đại sứ Ossowski còn kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy đàm phán về COC. (2) Khi tiếp Tổng thống Philippines Aquino tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel (9/2014) cho biết Đức ủng hộ Philippines trong việc tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông; khẳng định việc dàn xếp các tranh chấp quốc tế cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của UNCLOS” và “đó là cách rất hiệu quả để giải quyết những bất đồng”. Bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ những lo ngại về căng thẳng gia tăng tại một khu vực trên thế giới và chúng tôi tin vào các biện pháp tiếp cận tích cực và cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin vào việc giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế”. (3) Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel (29/10/2015) cho rằng tranh chấp ở Biển Đông là một “cuộc xung đột nghiêm trọng”, kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh cãi với Mỹ về vấn đề lãnh hải ở Biển Đông và gợi ý rằng tranh chấp nên được đưa ra tòa án quốc tế. Theo bà Angela Merkel, điều quan trọng là tuyến đường thương mại trên biển vẫn rộng mở dù có tranh cãi. (4) Trong chuyến thăm Việt Nam, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer (17/6/2015) cho biết, Đức khẳng định ủng hộ quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời không đồng tình những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. (5) Trong cuộc họp giữa Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước Đức và Australia (6/9/2016), lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung hối thúc các quốc gia liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giải quyết hòa bình vấn đề này trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Tuyên bố nêu rõ: “Các Bộ trưởng đã thừa nhận rằng hòa bình và ổn định ở Biển Đông là một vấn đề gây quan ngại toàn cầu. Họ đã hối thúc tất cả các bên kiềm chế, làm dịu căng thẳng và giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”; đồng thời tái khẳng định với tất cả các nước tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế hiện hành trên cơ sở các nguyên tắc.” (6) Khi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Angela Merkel (7/2017) khẳng định Đức ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế. Theo bà Angela Merkel, với tư cách là nước đầu tàu trong EU, có kinh nghiệm xử lý các tranh chấp trên biển, Đức khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và DOC. (7) Mới đây nhất, khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, Anh, Đức và Pháp cũng đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam. Tuyên bố chung của Anh, Đức và Pháp (29/8) bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đưa ra các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó có việc đảm bảo quyền của các nước ven biển đối với khu vực hải phận của họ, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Là các quốc gia thành viên của UNCLOS, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước, vốn đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các vùng biển, bao gồm cả ở Biển Đông, phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”. Ngoài ra, Pháp, Anh và Đức cũng hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được COC, dựa trên các quy tắc, hợp tác hiệu quả, phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích các bước tiến để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc này.

RELATED ARTICLES

Tin mới