Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiều gì sẽ thay đổi TQ?

Điều gì sẽ thay đổi TQ?

Hiện nay nhiều người nhìn nhận rằng, sức ép tổng lực từ Mỹ có thể làm chính quyền Trung Quốc phải cúi đầu và thay đổi. Hoặc phong trào dân chủ Hồng Kông sẽ lan sang đại lục, nhưng sự thực tại Trung Quốc không đơn giản như vậy.

 Liệu người dân Trung Quốc có thể làm gì?

Chính quyền Trung Quốc chiếm được quyền lực trên toàn đại lục từ năm 1949. Rất nhiều điều đã thay đổi, nhưng quan điểm về quyền lực tuyệt đối của họ là điều chưa bao giờ suy chuyển. Họ có thể sử dụng bất cứ giải pháp nào để đảm bảo duy trì quyền lực tuyệt đối.

Giải pháp quan trọng nhất của chính quyền Trung Quốc là kiểm soát tư tưởng của dân chúng. Bắt đầu bằng việc phá huỷ hệ tư tưởng truyền thống, biến dân chúng thành những người trống rỗng tư tưởng. Sau đó, việc nhồi nhét, định hướng tư tưởng của chính quyền trở nên rất dễ dàng.

Hầu hết người Trung Quốc ngày nay đều nghĩ rằng, việc nhà nước hiện tại cầm quyền là đương nhiên. Nếu có những quan điểm trái chiều, thì cuối cùng đều dừng lại ở tâm lý bất lực, sợ hãi hoặc thậm chí là củng cố thêm quyền lực cho chính quyền Trung Quốc.

Như đã đề cập tới trong bài “Khống chế người dân là vũ khí ‘mạnh nhất’ của chính quyền Trung Quốc trong tình thế gian nan”, dường như dân chúng Trung Quốc không thể làm được gì để thay đổi.

 Vậy điều gì mới có thể thay đổi Trung Quốc?

Lịch sử trong 70 năm qua của chính quyền Trung Quốc, là lịch sử của mâu thuẫn và đấu tranh phe phái. Nhưng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều đủ mạnh trong suốt quá trình nắm quyền cho tới khi chết. Các đối thủ của Mao từ Hồ Phong đến Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ… đều dễ dàng bị loại. Khi Đặng Tiểu Bình “nhiếp chính”, ông ta đã không khó để hạ bệ chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Triệu Tử Dương, ngay khi ông Triệu tỏ ra không ủng hộ đàn áp sinh viên tại Thiên An Môn.

Cuộc đấu đá nội bộ hiện nay trong chính quyền Trung Quốc có một số điều khác biệt với trước đây. Thứ nhất là tương quan lực lượng giữa hai phe cánh không quá chênh lệch. Một bên là phe cánh Giang Trạch Dân, vốn đã có bề dày sức mạnh gây dựng trong gần 30 năm qua. Một bên là lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình, cũng đã thiết lập được thực lực ghê gớm.

Thứ hai là các cá nhân hay phe nhóm trước đây chỉ chủ yếu sở hữu quyền lực chính trị, nhưng hiện nay quyền lực khổng lồ luôn đi cùng với tài sản khổng lồ. Cựu uỷ viên trường trực Bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang sau khi bị bắt, trang China.com đã thống kê tổng tài sản của ông ta lên tới 100 tỉ nhân dân tệ (16 tỉ USD). Còn gia tộc Giang Trạch Dân, theo tiết lộ của tỉ phú Quách Văn Quý hiện sở hữu khối tài sản lên tới một ngàn tỉ USD trải khắp trên thế giới.

Có thể nói, với hơn một triệu quan chức đã bị thanh trừng, trong đó có hàng trăm quan chức và doanh nhân hàng đầu Trung Quốc, ông Tập đã đưa cuộc chiến nội bộ đến bước cuối cùng. Nếu các nhân vật thân cận nhất của Giang Trạch Dân là La Cán và Tăng Khánh Hồng bị động tới, thì cuộc chiến có lẽ sẽ kết thúc. Nhưng với tiềm lực khổng lồ, phe Giang vẫn đang cố thủ đến cùng, cũng đang phản công trên nhiều mặt trận gây khó khăn cực lớn cho ông Tập Cận Bình.

Mục đích của cả giới chính trị và doanh nhân tại Trung Quốc hiện nay, không phải vì một lý tưởng gì đó mà đều vì lợi ích cá nhân. Trong thể chế chính trị hiện thời, chỉ khi giữ được quyền lực chính trị, họ mới giữ được lợi ích kinh tế, thậm chí là cả tính mạng. Khi đến đường cùng, thể chế dân chủ pháp quyền có thể sẽ là một lựa chọn, nhưng cũng chỉ là để giúp họ giữ được tài sản và tính mạng.

 Để đi đến một kết cục nhất định, đất nước Trung Quốc không tránh khỏi một đại biến động. Một là phe cánh của Tập Cận Bình sẽ ra đòn quyết định, hạ đài những tay chân thân cận nhất của đối thủ như Tăng Khánh Hồng, La Cán, và kết thúc bằng “đại lão hổ” Giang Trạch Dân.

Hai là phe cánh Giang sẽ lật ngược thế cờ bằng một cuộc đảo chính, như đã từng dự định thực hiện để đưa Bạc Hy Lai lên thay Tập Cận Bình. Ba là hai bên sẽ đi đến thoả hiệp, hoặc là đưa một cá nhân khác trung dung lên, hoặc là chuyển sang chế độ dân chủ, dẫn tới bầu cử tự do.

Cả hai phe cánh một mặt đang tranh đấu đến bước cuối cùng, nhưng vấn đề là cả hai cũng quá lớn, cho nên dù bên nào bị đánh bại thì cũng sẽ tạo ra một biến động long trời lở đất tại Trung Quốc. Tức là, chính cuộc đấu đá phe cánh tại Trung Quốc hiện nay sẽ mang lại sự thay đổi.

Cơ hội cho dân chúng Trung Quốc

Có lẽ đối với dân chúng Trung Quốc, thì một đại biến động sẽ cho họ cơ hội. Đầu tiên là cơ hội để nhận rõ bản chất của giới chính trị, lực lượng đã đàn áp họ, khống chế họ, dẫn dắt họ và ru ngủ họ dưới gót giày quyền lực. Thứ hai là cơ hội để được tham gia vào quyết định cho tương lai của đất nước. Thứ ba, trong diễn biến dài hạn, khi họ có quyền tự do tư tưởng, thì hy vọng họ sẽ tìm lại được nền văn minh Đông Á huy hoàng. Khi đó, họ có thể xây dựng một đất nước phát triển hài hoà với thế giới, thay cho một chế độ tàn bạo, ích kỉ và xảo quyệt như hiện nay.

Ở một góc độ khác, không phải là giới “tinh hoa” tại Trung Quốc hiện nay sẽ mang lại sự thay đổi cho Trung Quốc, mà chính sự vận động “vật cực tất phản” có tính quy luật của lịch sử sẽ đưa đến sự đổi thay đó. Một lực lượng chính trị bạo ngược, không ngờ rằng bản thân nó đã tạo nên xung đột nội bộ, để rồi tự huỷ diệt trong chính mâu thuẫn nội tại này.

RELATED ARTICLES

Tin mới