Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14: Kêu gọi kiềm...

Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14: Kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, các nước đã tổ chức họp Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14. Đây là cơ chế hàng đầu đối thoại về an ninh, chiến lược ở khu vực.

Tại Hội nghị, các nước đánh giá tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động nhanh chóng, thuận lợi và thách thức đan xen. Đa số các nước cho rằng EAS, với một nửa dân số thế giới, phải được củng cố và phát huy, thực sự trở thành diễn đàn của các lãnh đạo, trao đổi các nội dung chiến lược, liên quan tới hòa bình, ổn định khu vực. Các nước hài lòng với việc triển khai Kế hoạch Hành động Manila 2018-2020, thông qua Tuyên bố về chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững. Hội nghị đánh giá ý nghĩa Tài liệu Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện tầm nhìn, nguyên tắc và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN trong hợp tác với các đối tác. Các đối tác bày tỏ mong sớm thấy các hoạt động hợp tác cụ thể thời gian tới.

Tại Hội nghị, các nước đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình Biển Đông. Đa số các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS, diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại và hợp tác vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Thủ tướng Chính phủ phát biểu ủng hộ EAS đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy hình thành các chuẩn mực ứng xử và khuôn khổ quan hệ dựa trên luật lệ giữa các quốc gia trong khu vực.Thủ tướng nêu rõ tình hình Biển Đông chưa thật sự bền vững, vẫn còn những sự việc gây quan ngại, đi ngược lại luật pháp quốc tế, có thể ảnh hưởng hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không. Thủ tướng đề nghị các nước đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế vì Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, Đặc phái viên Tổng thống, Trưởng đoàn Mỹ dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ, đã lên án hành động “đe dọa” của Trung Quốc trên Biển Đông khi ngăn cản các nước trong khu vực khai thác tài nguyên. Ông Robert O’Brien nhấn mạnh, “Bắc Kinh sử dụng đe dọa để tìm cách ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên xa bờ, ngăn chặn tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2.500 tỷ USD”; đồng thời khẳng định “chiến thuật này đi ngược lại những quy định về sự tôn trọng, công bằng và luật pháp quốc tế. Khu vực không cần một kỷ nguyên đế quốc mới, nơi một nước lớn lãnh đạo những nước còn lại dựa trên lý thuyết cứ mạnh là đúng”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho rằng các quốc gia Đông Nam Á không có bất kỳ lợi ích gì trong cái mà ông gọi là “thời đại vương triều mới, nơi nước lớn có thể cai trị nước bé theo lý thuyết mà họ tự cho là đúng” và Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia ASEAN giữ vững chủ quyền thông qua các nỗ lực như trợ giúp an ninh và diễn tập hải quân chung.

Đáng chú ý, phản ứng trước các tuyên bố của Mỹ chỉ trích Trung Quốc ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (4/11) cho rằng “Mỹ đang thổi phồng những vấn đề trên Biển Đông và đã đến lúc Mỹ nên ngừng can thiệp về vấn đề này”.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) lần thứ 9, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai nhấn mạnh là Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, Thái Lan tin tưởng rằng EAS có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xúc tiến chương trình nghị sự vì sự bền vững. Bộ trưởng Don Pramudwinai cho rằng an ninh và ổn định trong khu vực là nền tảng then chốt cho sự tiếp tục tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của khu vực, do đó ông mong muốn có sự trao đổi quan điểm mang tính xây dựng về việc làm thế nào để tiến lên phía trước. Là nước điều phối và Chủ tịch EAS trong năm nay, những chủ đề được Thái Lan ưu tiên thảo luận gồm: Tăng cường hợp tác trong tiến trình EAS; Kết nối ASEAN, bảo tồn môi trường, quản lý thảm họa và an ninh; Thúc đẩy các lĩnh vực và hoạt động được quan tâm chung như các vấn đề y tế toàn cầu, dịch bệnh và hợp tác biển… Ngoài ra, một nội dung thảo luận nữa tại hội nghị EAS lần này là chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 14 sẽ diễn ra trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan vào tháng 11 tới. Tại Hội nghị, các nước tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của EAS sau 14 năm thành lập, là diễn đàn của các nhà lãnh đạo về các vấn đề chính trị và kinh tế mang tầm chiến lược, là bộ phận cấu thành quan trọng của cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ mà ASEAN giữ vai trò trung tâm. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS trong tăng cường cách tiếp cận đa phương và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các giá trị được thừa nhận của luật pháp quốc tế, đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Các nước tham gia EAS nhất trí tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022 gồm môi trường – năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế – dịch bệnh, quản lý thảm họa, kết nối, kinh tế – thương mại, an ninh lương thực và hợp tác hàng hải. Các Bộ trưởng đồng thời chia sẻ sự cần thiết phải tăng cường EAS để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, trong đó có đảm bảo cách thức triển khai hiệu quả các thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao, nâng cao vai trò của Bộ phận EAS tại Ban thư ký ASEAN và cơ chế trao đổi giữa Ủy ban đại diện thường trực ASEAN (CPR) và các Đại sứ các nước đối tác tham gia EAS tại Jakarta (Indonesia).

Về tình hình quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng ghi nhận những diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây, trong đó có các tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore, Hà Nội và Khu phi quân sự Panmunjom. Các nước ủng hộ các nỗ lực nối lại đàm phán, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và đối thoại để tìm giải pháp lâu dài cho mục tiêu phi hạt nhân hóa đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, vì nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên. Các nước EAS cũng khẳng định tiếp tục cam kết tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này.

Về tình hình Biển Đông được các nước trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực. Các Bộ trưởng EAS nhấn mạnh lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.

RELATED ARTICLES

Tin mới