Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến dịch tạo ảnh hưởng của TQ bị phản đối từ Singapore...

Chiến dịch tạo ảnh hưởng của TQ bị phản đối từ Singapore đến Thụy Điển

Những chiến dịch thông tin và gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đã tác động đến nhiều quốc gia từ Singapore đến Thuỵ Điển, dẫn đến việc các nước này phải tìm cách đối phó.

Mục tiêu gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Những nghi ngờ về việc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống tại Mỹ và tại châu Âu là dấu hiệu cho thấy có mối đe doạ về sự ảnh hưởng từ nước ngoài đối với dư luận và hệ thống chính trị trong nước.

Ở một khía cạnh khác, những chiến dịch về thông tin và gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đã tác động đến nhiều quốc gia từ Singapore đến Thuỵ Điển, dẫn đến việc các nước này phải đưa ra những biện pháp đối phó.

Những chiến dịch của Trung Quốc bao gồm cả những thông điệp ngoại giao công khai thông qua các đơn vị truyền thông, cho đến cả những hoạt động tấn công mạng được các hacker chuyên nghiệp thực hiện.

Tất cả những hoạt động này nằm trong bộ máy tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc, bao gồm quân đội, các cơ quan tình báo, các hoạt động đào tạo nước ngoài và những cơ quan văn hoá.

Mục tiêu gia tăng tầm ảnh hưởng là một hoạt động quan trọng của Trung Quốc, với nhiệm vụ lôi kéo các tài năng về phục vụ đất nước, bao gồm cả những người nước ngoài hoặc người gốc Trung Quốc.

Những sự cải tổ gần đây như thành lập một uỷ ban đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cộng đồng người Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài.

Điều này được thể hiện rõ ở những quốc gia có cộng đồng người Hoa lớn, ví như tại Australia và Canada khiến nhiều người lo ngại rằng một Trung Quốc với sức ảnh hưởng lan rộng đang vi phạm đến quyền lợi trực tiếp của Canada.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy ít hơn 1/3 người dân Canada có cái nhìn thiện cảm đối với Trung Quốc.

Những cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ Bắc Kinh và người ủng hộ HongKong tại Australia đã cho thấy những hình ảnh không phù hợp về xung đột giữa những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc ở nước ngoài.

Ở Thuỵ Điển, việc Sứ quán Trung Quốc thường xuyên đưa ra các thông điệp mang tính tiêu cực đã khiến dư luận nước này không hài lòng với Trung Quốc và buộc chính phủ phải đánh giá lại mối quan hệ song phương.

Trước đó, mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đã bị đình trệ kể từ năm 2015, khi nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ một công dân Thuỵ Điển gốc Trung Quốc, người sở hữu một hiệu sách chuyên bán các ấn phẩm mang tính nhạy cảm chính trị với Trung Quốc.

Vào năm ngoái, 3 người khách du lịch Trung Quốc cho biết họ đã bị cảnh sát Thuỵ Điển đối xử một cách bạo lực sau khi xảy ra tranh cãi về vấn đề đặt phòng ở nơi ở.

Sau khi đến Stockholm, Đại sứ Trung Quốc Gui Congyou đã tiếp tục đưa ra những tuyên bố cáo buộc cảnh sát Thuỵ Điển có hành vi bạo lực với công dân Trung Quốc, bất chấp việc đoạn video ghi lại sự việc cho thấy cảnh sát chỉ đứng ở một bên, trong khi những người Trung Quốc nằm phục ở dưới đất.

Ông Gui sau đó đã thực hiện các bài trả lời phỏng vấn và đưa ra hơn 60 tuyên bố chỉ trích các cam kết của Thuỵ Điển đối với vấn đề nhân quyền, cáo buộc nước này đã có hành vi độc tài, ngạo mạn, phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Các nước tìm cách đối phó

Trước những cáo buộc qua lại, cũng như khảo sát người dân cho thấy hơn 70% không hài lòng với Trung Quốc, Thuỵ Điển từ tháng 2 vừa qua đã công bố sẽ sớm cập nhật chính sách của nước này đối với Trung Quốc.

Trong một báo cáo trước quốc hội vào tháng trước, chính phủ Thuỵ Điển nhận định: “Sự vươn lên của Trung Quốc là một trong những thay đổi lớn nhất ở tầm quốc tế kể từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin”.

Theo đó, bước đi đầu tiên của Stockholm là thiết lập một trung tâm về Trung Quốc nhằm tăng cường sự trao đổi thông tin và hợp tác giữa chính phủ, thúc đẩy các cuộc đối thoại ở tầm quốc gia về Trung Quốc, cũng như cách thức để người Thuỵ Điển có thể bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia và đối phó trước sự vươn lên của Trung Quốc.

Mối lo ngại về sự can thiệp từ nước ngoài không chỉ gói gọn ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Singapore đặc biệt nhạy cảm trước các chiến dịch của nước ngoài nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng ở nước này, khi vào những năm 80 từng trục xuất một nhân viên sứ quán Mỹ và một nhà nghiên cứu được cho từng làm việc cho Trung Quốc vào năm 2017, với cáo buộc can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ và nghiên cứu chính sách.

Với việc cộng đồng người Hoa chiếm 2/3 dân số Singapore, nước này nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như sự ảnh hưởng của Malaysia và Ấn Độ đối với những nhóm người thiểu số lớn tại “đảo quốc sư tử”.

Trong bối cảnh này, Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào việc thiết lập các cơ chế và biện pháp nhằm ngăn ngừa các quốc gia nước ngoài gây ảnh hưởng tới dư luận và tạo bất ổn với chính thể đất nước.

Gần đây, Singapore đã thực thi các bước đi nhằm giải quyết các rủi ro từ những chiến dịch tung tin thù địch trên mạng xã hội, và vào tháng trước, một đạo luật bảo hộ về chống thông tin giả mạo và thao túng trực tuyến đã chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, một đạo luật khác nhằm ngăn chặn các chiến dịch gia tăng tầm ảnh hưởng tiêu cực cũng đang được chính phủ Singapore nghiên cứu.

Quá trình phát triển các đạo luật này được thông qua các bài phát biểu chính trị, các buổi điều trần tại quốc hội, tham vấn dư luận và thông qua truyền thông, tất cả đều nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội.

Trong thời điểm Singapore sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào những tháng tới, đây được cho là bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng từ bên ngoài vào tình hình đất nước.

Các chiến dịch gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc mang lại những điều tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Áp lực của Trung Quốc đối với các hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, bao gồm các hãng hàng không, khách sạn, các công ty sản xuất tiêu dùng, thậm chí là cả Hiệp hội Bóng rổ Nhà nghề Mỹ, có thể đã thành công trong việc khiến các công ty này kiểm soát ý kiến người lao động, nhưng sẽ không ngăn cản được quan điểm của chính phủ các nước và xã hội về Trung Quốc.

Ngược lại, chính điều này đang buộc các quốc gia phải xem lại mối quan hệ với Trung Quốc, và cụ thể hơn là phân tích mục đích của chính quyền Bắc Kinh cũng như xác định các giá trị đang bị Trung Quốc thách thức.

Những phản ứng này được kì vọng sẽ khiến Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận chính sách đối ngoại một cách hoà hoãn hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới