Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông đi vào hoạt động:...

Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông đi vào hoạt động: Lo hay mừng cho các nước ven Biển Đông

Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông (5/11) chính thức đi vào hoạt động đầy đủ nhằm cung cấp dịch vụ cho 9 nước trong khu vực. Với việc tiếp cận dữ liệu trong thời gian thực từ hơn 600 trạm giám sát động đất, Trung tâm này có khả năng đưa ra dự báo về thông số cơ bản của một trận động đất trong vòng 3-5 phút.

Theo thông tin trên, Trung tâm này do Trung tâm Dự báo môi trường biển quốc gia Trung Quốc điều phối, cung cấp các dịch vụ giám sát và cảnh báo sóng thần 24/24 cho 9 nước gồm Trung Quốc, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Với việc tiếp cận dữ liệu trong thời gian thực từ hơn 600 trạm giám sát động đất, trong đó có 530 trạm ở nhiều nước, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông có khả năng đưa ra dự báo về thông số cơ bản của một trận động đất trong vòng 3-5 phút bất kể trận động đất đó xảy ra tại đâu. Bên cạnh đó, trung tâm này còn sử dụng dữ liệu của một hệ thống thiết bị đo thủy triều, bao gồm 106 trạm đo mực nước tại Trung Quốc và hơn 800 trạm trên toàn thế giới, qua đó đưa ra cảnh báo sớm về sóng thần trong khu vực. Nhờ hệ thống xử lý thông tin sóng thần thông minh, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông có khả năng đưa ra cảnh báo sóng thần chỉ trong 10 phút sau khi xảy ra một trận động đất.

Theo Thư ký điều hành Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Vladimir Ryabinin, Trung tâm này là nhân tố mới, sẽ tăng cường chương trình cảnh báo tổng thể của IOC. Với tư cách là một sáng kiến khu vực, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông sẽ là sự bổ sung mới nhất cho hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ sóng thần tại khu vực Thái Bình Dương của IOC.

Trước đó, Trung Quốc (8/2/2018) tuyên bố Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế của nước này ở Biển Đông đã mở cửa và phục vụ cho các nước xung quanh khu vực biển này. Theo Tân Hoa Xã, trung tâm do Trung Quốc “xây dựng và quản lý” sẽ theo dõi mảng địa chất đứt gãy có nguy cơ gây động đất lớn ở Biển Đông, như Sulu và Sulawesi và sẽ cung cấp dịch vụ cảnh báo liên tục 24/24h. Được biết, Trung Quốc đưa ra dự án xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần vào năm 2009 và được Ủy ban Địa lý Liên Chính phủ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (IOC/UNESCO) phê duyệt vào năm 2013.

Hãng tin Reuters từng cho rằng, Trung tâm cảnh báo sóng thần này là một bước tiến mới với ý định “mờ ám” của Bắc Kinh trên Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh trung Quốc có nhiều hành vi thể hiện mưu đồ quân sự hóa Biển Đông trong thời gian gần đây. Nhận định trên là có cơ sở khi Trung Quốc gần đây ngang nhiên tăng cường bành trướng ở Biển Đông. Đặc biệt, thời gian gần đây Trung Quốc còn cho xây trạm radar trên đá và rạn san hô, điều tên lửa phòng không tới Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm tiến tới thực hiện âm mưu quân sự hóa khu vực này.

Trong khi đó, theo quy định của Công ước Luật biển 1982, tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đều có quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, với điều kiện tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác như đã được quy định trong Công ước. Trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại về lợi ích, các quốc gia và tổ chức quốc tế có thẩm quyền có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế về mặt nghiên cứu khoa học biển vì mục đích hòa bình. Việc đặt và sử dụng các thiết bị hay dụng cụ nghiên cứu khoa học thuộc bất kỳ kiểu nào không được gây cản trở cho việc hàng hải theo các con đường quốc tế thường dùng.

Phó Giáo sư Nguyễn Bá Diến, Chủ tich Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong quá trình Trung Quốc thực hiện dự án, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam liên quan đến lĩnh vực này như: Công ước Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam 2012,… Cụ thể: (1) Các quốc gia ven biển có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học biển, có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế về mặt nghiên cứu khoa học biển vì mục đích hòa bình trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển; (2) Quốc gia ven biển có quyền tham gia vào dự án nghiên cứu khoa học biển nếu muốn; có quyền được cung cấp thông tin về dự án; có quyền tiếp xúc với tất cả các mẫu vật, dữ liệu thu được trong khuôn khổ dự án; (3) Quốc gia ven biển có quyền khước từ, không cho phép, đình chỉ hoặc chấm dứt thực hiện dự án trong các trường hợp đã được quy định cụ thể trong Công ước như: việc nghiên cứu không được tiến hành theo đúng các thông tin đã được thông báo; hoặc các quyền của quóc gia ven biển đối với dự án nghiên cứu khoa học biển không được tôn trọng… (4) Việc nghiên cứu khoa học biển chỉ được phép thực hiện vì những mục đích hoàn toàn hòa bình; Công tác này được tiến hành bằng cách dùng các phương pháp và phương tiện khoa học thích hợp, phù hợp với Công ước; Công tác này không cản trở một cách vô lý những việc sử dụng biển hợp pháp khác phù hợp Công ước và nó phải được quan tâm đến trong việc sử dụng này; Công tác này được tiến hành theo đúng mọi quy định tương ứng được thông qua để thi hành Công ước, kể cả các quy định nhằm bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học biển không tạo ra cơ sở pháp lý cho yêu sách đối với bất kỳ lĩnh vực nào của môi trường biển hay các tài nguyên của nó (Điều 241 Công ước Luật biển 1982). Điều này cũng liên quan đến nội dung các quy định tương tự về tính bất hợp pháp của những yêu sách đối với biển cả (Điều 89, 90) và vùng (khoản 1, 3 Điều 137 Công ước Luật biển 1982). (5) Trong những trường hợp bình thường, Việt Nam, với tư cách là quốc gia ven biển, có thể thỏa thuận cho thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học biển mà các quốc gia khác hay các tổ chức quốc tế có thẩm quyền dự định tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế hay trên thềm lục địa của mình theo đúng Công ước, nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình và để tăng thêm kiến thức khoa học về môi trường biển, vì lợi ích của toàn thể loài người. Vì mục đích này, các quốc gia ven biển thông qua các quy tắc và thủ tục bảo đảm sẽ cho phép trong những thời gian hợp lý và sẽ không khước từ một cách phi lý. Tuy nhiên, theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, là quốc gia ven biển, Việt Nam có thể tùy ý mình không cho phép thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học biển do một quốc gia khác hay một tổ chức quốc tế có thẩm quyền đề nghị tiến hành ở vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của mình trong các trường hợp: Nếu dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật; Nếu dự án có dự kiến công việc khoan trong thềm lục địa, sử dụng chất nổ hay đưa chất độc hại vào trong môi trường biển; Nếu dự án dự kiến việc xây dựng, khai thác hay sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đã nêu tại Điều 60, 80; Nếu những thông tin được thông báo về tính chất và mục tiêu của dự án theo Điều 248 không đúng, hoặc nếu quốc gia hay tổ chức quốc tế có thẩm quyền, tác giả của dự án không làm tròn những nghĩa vụ đã cam kết với quốc gia ven biển hữu quan trong một dự án nghiên cứu trước đây.

Ngoài ra, vì mục đích hòa bình, vì lợi ích con người và phát triển khoa học công nghệ, các quốc gia khu vực đã cùng thỏa thuận và đồng ý xây dựng nên Trung tâm cảnh báo sóng thần khu vực Biển Đông, dưới sự quản lý chung của IOC và tuân thủ theo các quy định của luật pháp quốc tế. Việc nghiên cứu khoa học biển này không tạo nên bất kỳ cơ sở pháp lý hay danh nghĩa nào cho yêu sách về biển hoặc tài nguyên biển. Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực đều có thẩm quyền quan tâm, tham gia và giám sát nhằm đảm bảo cho việc nghiên cứu khoa học biển phải được tiến hành theo đúng Công ước Luật biển 1982. Để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu vừa không làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, chúng ta phải: Luôn khẳng định rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo trên Biển Đông, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; luôn đặt vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia lên hàng đầu và tách bạch rõ vấn đề chủ quyền, lợi ích biển-đảo của quốc gia với vấn đề nghiên cứu khoa học biển hoàn toàn vì mục đích hòa bình, nhân đạo; vấn đề nghiên cứu khoa học biển không được làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển và không tạo ra bất kỳ cơ sở pháp lý cho yêu sách biển của các quốc gia; Nếu thực hiện nghiên cứu trong các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì phải tôn trọng, tuân thủ và thực hiện theo các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam; Việt Nam và các quốc gia liên quan khác cần tham gia tích cực, chủ động vào dự án; cùng đóng góp nhân lực, vật lực, tham gia xây dựng, triển khai, vận hành, giám sát trung tâm nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời đảm bảo mục đích hoạt động của trung tâm, tránh việc Trung tâm bị lợi dụng cho những mục đích khác.

Đặc biệt, với vị thế và tham vọng hiện nay của Trung Quốc, Việt Nam cũng như các quốc gia hữu quan cần có kế hoạch cụ thể và tham gia tham gia Dự án này; không để Trung Quốc lợi dụng, thao túng Dự án để phục vụ cho những tham vọng chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông. Trong tình hình Biển Đông hiện nay, với những âm mưu khó lường của Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng từng bước đi, từng quyết định.

RELATED ARTICLES

Tin mới