Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tích cực tổ chức các diễn đàn quốc tế để tuyên...

TQ tích cực tổ chức các diễn đàn quốc tế để tuyên truyền về các lập luận yêu sách chủ quyền

Trong những năm qua, giới chức Bắc Kinh tích cực tổ chức các hội nghị, diễn đàn gắn mác quốc tế từ cấp trung ương, chính thức đến cấp địa phương,bộ ngành, không chính thức để thông tin, phổ biến dư luận, đặc biệt là các lập luận biện minh của nước này về các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

“Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh” đối trọng với “Diễn đàn Shangri-la”

Diễn đàn này được Trung Quốc khởi xướngtừ năm 2006, do Viện Khoa học quân sự và Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đứng ra tổ chức, lúc đầu đây chỉ là cuộc hội thảo học thuật quốc tế mang tên “Diễn đàn Hương Sơn” với 50 học giả quốc tế tham gia, tiến hành 2 năm một lần. Từ năm 2014, sau khi ông Tập Cận Bình chủ trì Quân ủy đã phê chuẩn nâng cấp “Diễn đàn Hương Sơn” lên thành một diễn đàn bán chính thức, trở thành diễn đàn đối thoại về quốc phòng và an ninh quốc tế thường niên do Trung Quốc tổ chức có nhiều quốc gia tham dự nhất (trừ năm 2017 không tổ chức được với lý do Viện Khoa học quân sự Trung Quốc đang tái cơ cấu).

Từ năm 2018, Bắc Kinh đổi tên “Diễn đàn Hương Sơn” thành “Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh” với sự có mặt của 500 đại biểu đến từ 67 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 50 quan chức cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, hơn 80 chuyên gia, học giả nước ngoài và gần 40 chuyên gia, học giả Trung Quốc về vấn đề quốc phòng và an ninh quốc tế. Lần đầu tiên Triều Tiên đã cử đoàn tham gia do Thứ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang, Đại tướng Kim Heng Long dẫn đầu. Theo trang tin Đa Chiều, về vấn đề Biển Đông, Ngụy Phượng Hòa lúc đó đã cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông một cách phi pháp là “thực thi quyền tự vệ của quốc gia có chủ quyền, không liên quan đến quân sự hóa”. Ông ta ám chỉ Mỹ khi nói, Trung Quốc “phản đối quốc gia ngoài khu vực giương chiêu bài tự do hàng hải để tới Biển Đông thể hiện vũ lực và tiến hành khiêu khích, làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực”.

Đến nay, Trung Quốc đã tổ chức tổng cộng 9 lần diễn đàn này. “Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh” lần thứ 9 năm 2019 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bắc Kinh từ ngày 20-22/10, với chủ đề là “Duy trì trật tự quốc tế và xây dựng hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Bốn chủ đề lớn của diễn đàn là: Quan hệ giữa các nước lớn và trật tự quốc tế; Quản lý và kiểm soát rủi ro an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Lợi ích và an ninh chung của các nước vừa và nhỏ: Hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và ổn định toàn cầu. Các chủ đề của 8 nhóm thảo luận trong diễn đàn là: Đổi mới khái niệm an ninh; Xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau; Cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương; Tình hình an ninh hàng hải; Quốc tê hợp tác chống khủng bố: Tình thế an ninh mới ở Trung Đông; Đổi mới công nghệ và an ninh quốc tế; Trí tuệ nhân tạo và chiến tranh trong tương lai. Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng dư luận phản đối, chỉ trích ngày càng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong mỗi dịp diễn ra “Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh”, Bắc Kinh đều đưa nội dung liên quan đến biển đảo, hàng hải và chủ quyền lãnh thổ vào chương trình chủ đề thảo luận của diễn đàn. Trung Quốc lồng ghép vấn đề Biển Đông vào cả 4 chủ đề là “Đổi mới khái niệm an ninh”; “Xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau”; “Cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương” và “Tình hình an ninh hàng hải”. Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngang nhiên tuyên bố các đảo ở Biển Đông là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”. Tân hoa xã trích phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa chuyển lời của Chủ tịch Trung Quốc tới các quan chức hiện diện tại diễn đàn rằng “Chủ tịch Tập đã đặt hy vọng cao trên diễn đàn và chỉ ra hướng cho các bên tham gia cùng xây dựng sự đồng thuận về hòa bình và tăng cường hợp tác an ninh”. Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa nói, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới “chưa tái thống nhất hoàn toàn”. Ông Ngụy nhấn mạnh “các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại”.

Cũng trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lặp lại quan điểm “Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi không công nhận hay chấp nhận logic rằng một cường quốc mạnh mẽ ắt sẽ tìm kiếm quyền bá chủ. Sự phát triển của Trung Quốc không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bất kỳ quốc gia nào khác… Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hay sự bành trướng hay thiết lập phạm vi ảnh hưởng”. “Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng và đều có quyền độc lập lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Việc nhúng tay vào các vấn đề khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, khơi dậy các cuộc cách mạng màu và thậm chí cố gắng lật đổ các chính phủ hợp pháp của các quốc gia khác, là nguồn gốc thực sự của các cuộc chiến tranh và thảm họa khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói thêm. “Không ai và không thế lực nào có thể ngăn chặn toàn bộ Trung Quốc thống nhất. Chúng tôi cam kết thúc đẩy hòa bình phát triển quan hệ eo biển xuyên Đài Loan và hòa bình thống nhất đất nước”, ông Ngụy nói. Trong khi Trung Quốc có thể thoải mãi nói về những điều mà nước này muốn tuyên truyền để bao biện cho những hành động sai trái của nước này ở Biển Đông thì các phát biểu khác của khách mời, diễn giả đề được Ban tổ chức khống chế.

Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế về “Vành đai, con đường”

Năm 2019, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 25-27/4 tại Bắc Kinh, thu hút sự tham gia của khoảng 5.000 đại biểu tham dự các hoạt động của Diễn đàn, trong đó có lãnh đạo của hơn 90 tổ chức quốc tế và quan khách từ hơn 190 nước. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 37 quốc gia và 2 lãnh đạo tổ chức quốc tế. Các hoạt động chủ yếu của Diễn đàn bao gồm 12 cuộc hội thảo và một diễn đàn dành cho các nhà doanh nghiệp vào ngày 25/4, Lễ khai mạc và hội nghị cấp cao trong ngày 26/4, hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo cấp cao trong ngày 27/4. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ khai mạc và có bài phát biểu quan trọng mang tính định hướng, đồng thời chủ trì hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo cấp cao. Diễn đàn lần thứ hai này được cho là dịp để Trung Quốc tái khẳng định tầm quan trọng và thành quả của sáng kiến “Vành đai, con đường” cũng như sự ủng hộ của quốc tế đối với sáng kiến này, đồng thời đánh dấu “Vành đai, con đường” chuyển mình sang một giai đoạn mới sau gần 6 năm thực hiện. Thông qua việc phổ biến về sáng kiến “Vành đai, con đường”, Trung Quốc đã tuyên truyền về hình ảnh nước lớn có trách nhiệm và đóng góp cho hoà bình, phát triển của thế giới nhằm giải toả những nghi ngại của các nước về sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có việc nước này theo đuổi ý đồ độc chiếm ở Biển Đông.

“Đối thoại Bắc Các” về Biển Đông, Hoa Đông

Đây là diễn đàn thường niên do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh đứng ra tổ chức với sự hợp tác của Hội ngoại giao nhân dân Trung Quốc. Tham dự đối thoại thường có các cựu chính khách, nhà chiến lược của các nước như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Zoellick, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Menon, cùng với người phụ trách một số cơ quan nghiên cứu và chuyên gia, học giả Trung Quốc. Cựu ủy viên quốc vụ, viện trưởng danh dự Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh, ông Đới Bỉnh Quốc cũng đã tham dự hội nghị. Ngoài tổ chức hội nghị kín, ban tổ chức còn tổ chức giao lưu với các học giả trẻ Trung Quốc. Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình an ninh toàn cầu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, đồng thời trao đổi ý kiến sâu sắc về cách thức Trung Quốc phát huy “vai trò mang tính xây dựng” tích cực hơn trong an ninh quốc tế và quản lý toàn cầu.

“Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông”

Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông năm 2014 đã được tổ chức tại Đại học Nam Kinh từ năm 2014. Tại diễn đàn này, Trung Quốc mời khoảng 100 chuyên gia, học giả đến từ 43 đơn vị trong đó có Bộ Ngoại giao, Cục hải dương quốc gia và các viện nghiên cứu khoa học của các trường đại học lớn Trung Quốc đã tiến hành thảo luận học thuật về các vấn đề như ngoại giao Biển Đông và hợp tác xung quanh, quyền lợi biển và luật biển quốc tế, hoạt động trên biển ở Đông Á thời cổ đại và con đường tơ lụa trên biển. Trung Quốc tập trung tuyên truyền theo chủ đề như tăng cường ý thức biển hiện đại, xây dựng quan niệm biển hiện đại; tăng cường hợp tác khu vực trên mọi phương hướng (toàn phương vị), xây dựng chỗ dựa chiến lược, cải thiện môi trường địa-chính trị, kinh tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông; tăng cường thực lực, bảo vệ quyền lợi biển; tăng cường nghiên cứu và vận dụng luật biển quốc tế. Trung Quốc cho rằng, (cái gọi là) bảo vệ chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc (trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam) đã bị thách thức bởi các loại nhân tố địa-chính trị và địa-kinh tế, trong ứng phó tranh chấp cần thông qua các phương thức như tăng cường xây dựng năng lực, nâng cao ý thức biển và mở rộng hợp tác quốc tế để quản lý, kiểm soát tranh chấp Biển Đông, để Biển Đông thực sự trở thành biển hòa bình, biển hợp tác, biển phồn vinh”. Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông do Trung tâm sáng tạo hiệp đồng nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc của Đại học Nam Kinh đứng ra tổ chức.

RELATED ARTICLES

Tin mới