Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động gián điệp của TQ và biện pháp đáp trả của...

Hoạt động gián điệp của TQ và biện pháp đáp trả của Mỹ

Trong những năm gần đây, Trung Quốc được đánh giá là một trong những nước có hệ thống điệp viên phủ rộng khắp toàn cầu, chuyên thu thập, đánh cắp thông tin, bí mật của các nước nhằm phục vụ mưu đồ “phục hưng dân tộc Trung Hoa” của giới cầm quyền Bắc Kinh.

Hệ thống bộ máy tình báo của Trung Quốc

Bộ máy cơ quan tình báo Trung Quốc tương đối phức tạp, chia ra thành nhiều đơn vị hoạt động tác chiến độc lập:

Bộ An ninh quốc gia của Trung Quốc (MSS) là cơ quan tình báo chính thức duy nhất của chính phủ Trung Quốc, so với hệ thống tình báo khác của Trung Quốc thì cơ quan này có lịch sử tương đối ngắn. Cơ quan này chịu trách nhiệm về cả hoạt động tình báo đối ngoại lẫn phản gián. Ngoài Bộ An ninh Quốc gia (Trung Quốc gọi tắt là Quốc An Bộ), Cục 2 và Cục 3 của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng tham gia hoạt động tình báo và phản gián, trong lĩnh vực quân sự. Hạ tầng tình báo của Trung Quốc là lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Cấu trúc tổ chức của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc có hơi hướng của cơ quan KGB thời Liên Xô. Bộ này chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Quốc vụ viện Trung Quốc (tức chính phủ Trung Quốc). Ban Chính trị học và Pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát hoạt động của bộ này. Về mặt nhân sự, MSS ưa dùng các điệp viên phi chuyên nghiệp, như là du khách, doanh nhân, viện sĩ, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài, và các chuyên gia Trung Quốc công nghệ cao làm việc ở hải ngoại và được tiếp cận các thiết bị công nghệ nhạy cảm. Trên phương diện tình báo đối nội, MSS chịu trách nhiệm theo dõi và tuyển dụng các doanh nhân, nhà nghiên cứu và các quan chức đến từ nước ngoài. Có nhiều dấu hiệu cho thấy MSS chủ yếu dùng các biện pháp theo dõi đối với các phần tử bất đồng chính kiến và các nhà báo nước ngoài. Tuy nhiên ở các bộ ngành, viện nghiên cứu và cơ sở quân sự-công nghiệp lớn đều có một mạng lưới theo dõi ngầm rất tinh vi. Người ta phát hiện có những thiết bị theo dõi, cả ghi hình và nghe lén, được gắn bí mật bên trong các khách sạn có đông người nước ngoài lui tới. Hoạt động tình báo bao gồm việc nói chuyện trực tiếp với các học giả nước ngoài sang Trung Quốc, thu thập thông tin trong một lĩnh vực cụ thể nào đó và tuyển điệp viên.

Trong khi đó, hệ thống tình báo quân đội có lịch sử lâu nhất, kinh nghiệm phong phú, thực lực cũng mạnh nhất, lịch sử của hệ thống tình báo này có thể truy ngược lại thời kỳ thành lập Hồng quân của Trung Quốc. Trước khi cải cách thể chế quân đội, lực lượng gián điệp chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu 2 và Bộ Tổng tham mưu 3. Bộ tổng tham mưu 2 là gián điệp truyền thống, sau khi cải cách quân đội trở thành Cục tình báo của Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương. Hệ thống tình báo quân đội Trung Quốc còn có một cơ quan tên là Bộ Liên lạc Tổng chính trị, hiện là Cục Liên lạc công tác chính trị Quân ủy, đây vốn là bộ phận tình báo quân đội diễn biến thành và được giữ lại sau khi Bộ Tổng tham mưu liên lạc tái cơ cấu thành Bộ Điều tra Trung ương. Nó thuộc cơ quan tình báo của quân đội, chủ yếu là hoạt động gián điệp quân sự đối ngoại.

Trung Quốc còn có một số cơ quan tình báo phi truyền thống như cơ quan công an chuyên phụ trách trấn áp trong nước, từ sau cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu năm 1999, phòng công an của ít nhất 9 tỉnh thành được phép cử gián điệp ra ngoài Trung Quốc để chuyên thăm dò thông tin về Pháp Luân Công. Bên cạnh đó, còn có một cơ quan tình báo khác liên quan đến bức hại Pháp Luân Công mà rất ít được người khác để ý đến, đó chính là “Văn phòng 610” thông thường chỉ biết được “Văn phòng 610” là công cụ nằm ngoài pháp luật để bức hại Pháp Luân Công, chứ ít ai biết được rằng, “Văn phòng 610” đã có năng lực tình báo rộng rãi ở hải ngoại để giám sát và bức hại Pháp Luân Công trên toàn thế giới.

Một cơ quan có chức năng tình báo khác của chính quyền Trung Quốc đó là hệ thống mặt trận thống nhất. Điểm khác biệt so với cơ quan tình báo chuyên nghiệp Quốc an, Quân đội đó là, hệ thống mặt trận thống nhất sử dụng các nhân viên gián điệp nghiệp dư hoặc phi chuyên nghiệp để thu thập tình báo, thuộc loại hình vận động tình báo quần chúng, về phương thức cũng là kiểu “trồng nhiều nhưng thu hoạch ít”. Phương thức chủ yếu của công tác mặt trận thống nhất là xác định xác định mục tiêu đặc định và thiết lập mối quan hệ hữu hảo. Sau khi mục tiêu đặc định đã trở thành bạn bè, thì có thể đại diện cho lợi ích của chính quyền Trung Quốc về mặt chính trị, họ cũng có thể trở thành đối tượng để gián điệp chuyên nghiệp thu thập tình báo, hoặc trực tiếp thông qua hệ thống mặt trận thống nhất để cung cấp tình báo. Do Mặt trận thống nhất vốn là một hệ thống khổng lồ, nó bao gồm một khu vực màu xám với định nghĩa tương đối mơ hồ, chẳng hạn như các khu vực kết bạn không rõ ràng, gây ảnh hưởng chính trị và can thiệp vào các hoạt động nội bộ, gián điệp trong giới chính trị, kinh doanh và giới học thuật; cộng thêm đặc điểm vận dụng quần chúng của nó, nên khiến cho cơ quan phản gián điệp gặp nhiều khó khăn. Hạt nhân của hệ thống mặt trận thống nhất là Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương.

Biện pháp đánh cắp thông tin của điệp viện Trung Quốc

Theo nhận định, đánh giá của giới tình báo Mỹ và phương Tâ, Trung Quốc thường sử dụng 5 thủ đoạn sau để đánh cắp những công nghệ mới nhất của nước ngoài.

Đầu tiên, Trung Quốc sẽ sử dụng các hacker và các dịch vụ tình báo để ăn cắp các bí mật công nghệ của nước ngoài. Các điệp viên Trung Quốc được cài cắm vào các công ty nước ngoài và làm việc tại đây. Sau khi được sự tin tưởng các điệp viên này sẽ ăn cắp các mẫu thiết kế, các bản vẽ hay phần mềm cần thiết phục vụ cho việc sản xuất và chuyển về cho các công ty của Trung Quốc để nghiên cứu và phát triển. Như cách đây không lâu hàng loạt các vụ kỹ sư người Mỹ gốc Trung Quốc đã bị bắt vì liên quan đến các hoạt động tình báo và ăn cắp công nghệ. Những vụ việc này nhiều đến mức trong năm 2018, Mỹ đã từ chối cấp thị thực hoặc đưa vào diện đánh giá do lo ngại gián điệp, trộm cắp thương mại, can thiệp chính trị đối với khoảng 30 học giả Trung Quốc, người đứng đầu các tổ chức học thuật và chuyên gia. Không chỉ sử dụng các dịch vụ tình báo, điệp viên, Trung Quốc còn sử dụng các chương trình, phần mềm mã độc để ăn cắp công nghệ. Tuy nhiên cách này kém hiệu quả hơn rất nhiều vì hệ thống an ninh mạng của các công ty thường rất nghiêm ngặt vì vậy hacker chỉ có thể những thông tin không đáng giá hoặc nếu có thì không đầy đủ.

Thứ hai, Trung Quốc chi tiền mua lại và sáp nhập các công ty lớn. Theo chiến lược này chính quyền Trung Quốc sẽ vung tiền cho các tập đoàn, doanh nghiệp mua lại các công ty nước ngoài sở hữu những công nghệ cần thiết cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều vụ mua lại cuối cùng lại phải qua xem xét của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS). Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, CFIUS đã tăng cường công tác đánh giá các vụ mua lại của Trung Quốc và từ chối nhiều vụ mua lại trên cơ sở an ninh quốc gia. “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ 2019” (NDAA) mà Tổng thống Trump ký có hiệu lực vào ngày 13/8/2018 khiến nhiệm vụ của CFIUS được mở rộng, tổ chức này có trách nhiệm đánh giá các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài hoạt động mua bán cổ phiếu và thu mua công ty tại Mỹ, nhằm đảm bảo các giao dịch không gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Thứ ba, thu hút đầu tư vào Trung Quốc. Đây là một biện pháp phổ biến trên thế giới để các nước kém phát triển hơn có thể tận dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của các nước lớn, bù lại họ sẽ có những ưu đãi cho các công ty đầu tư vào. Lợi dụng mình là nước đông dân nhất thế giới và có thị trường tiềm năng, Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ độc quyền để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các công ty Mỹ thường buộc phải liên doanh với các công ty trong nước, bị hạn chế quyền sở hữu 50% hoặc ít hơn; và bị yêu cầu chuyển giao công nghệ của họ “như là một phần của các hợp đồng mua bán sản phẩm. Điển hình như năm 2017, hãng sản xuất vi mạch Qualcomm của Mỹ đã nhận được rất nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Trung Quốc. Tờ New York Times cho biết chính quyền tỉnh Quý Châu sẽ cấp đất và tài trợ khoảng 100 tỷ USD để đưa các nhà máy sản xuất vi mạch xử lý và các cơ sở nghiên cứu sang Trung Quốc. Đổi lại, công ty Qualcomm sẽ cung cấp công nghệ, 140 triệu USD tài trợ ban đầu, và đồng ý chuyển giao công nghệ cao của mình cho đối tác Trung Quốc.

Thứ tư, đánh vào lòng yêu nước của Hoa kiều. Trung Quốc cũng thu hút người tài bằng mức lương cao và các điều kiện thuận lợi khác để họ quay về Trung Quốc tham gia vào các kế hoạch chiến lược quan trọng. Trung Quốc sẽ kêu gọi những người Hoa kiều đang sinh sống tại nước ngoài, tận dụng chất xám của họ để về xây dựng đất nước. Những người này sẽ mang những công nghệ, chất xám từ nước ngoài về cho Trung Quốc một cách công khai. Thậm chí Trung Quốc còn có hẳn một giải thưởng cùng những đãi ngộ cực lớn để thu hút, và lôi kéo những người này mang công nghệ từ nước ngoài về cho họ.

Thứ năm, thu hút chuyên gia nước ngoài. Trung Quốc đã sử dụng các chuyên gia khoa học công nghệ để đánh cắp công nghệ của Mỹ. Đưa ra các chính sách đặc biệt để thu hút tài năng AI cao cấp, chẳng hạn như “Kế hoạch Ngàn Tài Năng” để tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu người Trung Quốc và người nước ngoài ở nước ngoài. Trang tin tức chính trị Politico tại Mỹ chỉ ra, Trung Quốc đặc biệt chú ý nhắm vào các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới tập trung tại Thung lũng Silicon, nhưng nhiều công ty mục tiêu đã không được chuẩn bị tốt để đối phó với các mối đe dọa bị đánh cắp công nghệ ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, Trung Quốc còn công khai đánh cắp “chất xám”. Việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ (IP) diễn ra tràn lại tại Trung Quốc, theo các tổ chức quốc tế thì Trung Quốc là nước vi phạm lớn nhất, dẫn đến tổn thất tài chính to lớn cho nền kinh tế Mỹ. Theo Ủy ban về Quyền sở hữu trí tuệ (IP Commission), là một nhóm chuyên gia độc lập điều tra tội phạm ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, thì thủ đoạn đánh cắp thương mại này của chính quyền Trung Quốc đã gây tổn thất cho nước Mỹ từ 180 đến 540 tỷ USD mỗi năm. Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, Mỹ gần đây đã bắt đầu có hành động chống lại. Tổng thống Trump đã ký một chỉ thị, cho phép các đại diện thương mại điều tra về việc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Mỹ, EU và Nhật Bản lên kế hoạch nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các chính sách ép buộc chuyển giao công nghệ và các chính sách khác của Trung Quốc, mà họ coi là không công bằng với doanh nghiệp nước ngoài.

Mỹ đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn gián điệp Trung Quốc

Vấn đề Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ bằng nhiều cách đã đặc biệt nổi cộm trong quan hệ Mỹ – Trung từ ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại chống Bắc Kinh. Chính quyền Mỹ một mặt yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi ăn cắp, mặt khác đã tung ra một loạt những biện pháp ngăn chặn, trong đó có việc phòng chống các hình thức gián điệp công nghiệp. Biện pháp cụ thể nhất đã được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành là rút ngắn thời hạn visa từ tối đa 5 năm xuống còn 1 năm đối với các sinh viên sau đại học Trung Quốc đang theo học ngành hàng không, nghiên cứu robot và sản xuất công nghệ cao. Theo các quan chức Mỹ, biện pháp này nhằm hạn chế nguy cơ gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực thiết yếu cho an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump cũng đang cân nhắc một biện pháp khác là rà soát kỹ lưỡng lý lịch các sinh viên Trung Quốc qua Mỹ du học. Theo giới chức Mỹ, chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng kiểm tra thêm về nhân thân sinh viên Trung Quốc ngay từ trước khi họ đến Mỹ. Công việc cần làm bao gồm việc kiểm tra lịch sử các cuộc gọi trên điện thoại, rà soát các tài khoảng mạng xã hội và các mối quan hệ của các sinh viên với các cơ quan chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu là nhằm phát hiện cứ manh mối khả nghi nào về mục đích tới Mỹ của sinh viên đó. Một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, chính quyền Mỹ còn dự kiến đào tạo các giới chức ngành giáo dục về cách thức phát hiện các hành vi gián điệp và tin tặc. Quan chức này giải thích: “Mọi sinh viên mà chính phủ Trung Quốc cử đi đều phải trải qua quá trình phê duyệt của đảng và chính phủ. Người đó có thể không tới Mỹ vì mục đích gián điệp như theo định nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc nào đến Mỹ đều có ràng buộc với chính phủ”.

Việc tăng cường kiểm tra các sinh viên Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó với việc Bắc Kinh bị cho là đã sử dụng những phương thức bất hợp pháp để đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc chiến thương mại và ngày càng mâu thuẫn về các vấn đề kinh tế cũng như ngoại giao.

Việc Chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm tra chặt chẽ đối với sinh viên Trung Quốc cũng khiến nhiều trường đại học của Mỹ lo ngại mất nguồn thu nhập từ sinh viên Trung Quốc. Vấn đề thất thu tài chính là điều mà các trường đại học Mỹ sợ nhất, từ các đại học nổi tiếng như Harvard, Yale và Princeton (thuộc Liên Đoàn Ivy – Ivy League), cho đến các trường được nhà nước tài trợ như Đại học Illinois ở Urbana-Champaign. Những trường này đã dành phần lớn năm 2018 để vận động hành lang chống lại những gì bị họ cho là nỗ lực rộng lớn của chính quyền Mỹ nhằm hạn chế lượng sinh viên Trung Quốc thông qua việc điều chỉnh chế độ thị thực vào mùa Hè vừa qua. Họ sợ rằng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều hạn chế hơn nữa. Mối quan tâm của họ là thu nhập khoảng 14 tỷ USD, phần lớn tiền học phí và các loại phí khác, hàng năm đến từ số lượng 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường ở Hoa Kỳ. Phần thu nhập này có thể bị giảm đi nếu các sinh viên đó bỏ Mỹ qua học ở nước khác. Nhiều trường đại học lớn thuộc Ivy League và các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khác, như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford, đã lo lắng đến nỗi họ thường xuyên chia sẻ với nhau chiến lược ngăn nỗ lực hạn chế du học sinh của chính quyền.

Tuy nhiên, đối với chính quyền Mỹ, họ hoàn toàn có lý do để thẩm tra kỹ lưỡng hơn số du học sinh Trung Quốc vào Mỹ, viện dẫn một số trường hợp gián điệp hay bị cho là gián điệp được công khai tiết lộ gần đây, liên quan tới các cựu sinh viên của Đại học Louisiana và Đại học Duke cùng với Viện Công nghệ Illinois ở Chicago. Trong một cuộc điều tra gần đây tại Thượng viện Mỹ, Giám đốc FBI Christopher Wray đã xác nhận việc nhân viên FBI đã phát hiện được “những kẻ thu thập thông tin tình báo truyền thống, đặc biệt trong môi trường đại học”.

RELATED ARTICLES

Tin mới