Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ tiếp tục lên án TQ ở cấp cao

Mỹ tiếp tục lên án TQ ở cấp cao

Mặc dù có thông tin về việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng ngay trong ngày 24/10/2019, Mỹ tiếp tục lên án hành vi của Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở cấp cao.

Trong bài phát biểu về quan hệ Mỹ-Trung tại Trung tâm Woodrow Wilson, một trung tâm nghiên cứu–tư vấn phi đảng phái hôm 24/10/2019, Phó Tổng thống Mike Pence lên án cách hành xử ‘ngày càng hung hăng’ của Trung Quốc, gây mất ổn định nhiều hơn cho khu vực trong năm qua.

Đây là lần thứ 2 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lên án trực diện Trung Quốc bằng những lời lẽ mạnh mẽ. Cách đây 1 năm trước, ông Mike Pence tố cáo các chính sách của Trung Quốc “xâm hại các lợi ích và các giá trị của Mỹ”, trong đó có các hành động bành trướng quân sự, đàn áp tôn giáo, xây dựng một nhà nước kiểm soát nhất cử nhất động của dân, bên cạnh những chính sách không nhất quán của Trung Quốc, bất công cho các nước đối tác thương mại, trong đó có Mỹ.

Trong bài phát biểu 1 năm trước đây ông Mike Pence tố Bắc Kinh nói một đàng làm một nẻo vì trong cuộc gặp với ông Obama tại Vườn Hồng Toà Bạch Ốc năm 2015, ông Tập Cận Bình đã cam kết “Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông”, nhưng sau đó Trung Quốc đã triển khai nhiều vũ khí, tên lửa, trang thiết bị quân sự tới các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông, biến những cấu trúc này thành căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu hôm 24/10/2019, ông Mike Pence nhấn mạnh trong 1 năm quan Bắc Kinh không những không dừng lại mà còn tiếp tục leo thang, trở nên “hung hăng và gây mất ổn định nhiều hơn”; “Hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách xử sự với các nước láng giềng trong năm qua vẫn tiếp tục càng lúc càng mang tính khiêu khích”.

Phó Tống thống Mỹ lên án Bắc Kinh gia tăng sử dụng những tàu của dân quân biển để thường xuyên dọa nạt các thủy thủ và ngư dân của các nước Philippines, Malaysia, Việt Nam. Về vụ việc nhóm tàu Hải Dương 08 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong gần 4 tháng qua, ông Pence thẳng thừng nói rằng “Cảnh sát biển Trung Quốc đã cố lấy thịt đè người để ngăn cản Việt Nam khoan dầu khí ngoài khơi trong vùng biển của chính Việt Nam.”

Đây là phát biểu mạnh mẽ nhất và ở cấp cao nhất của Mỹ về hành vi Trung Quốc bắt nạt Việt Nam. Bình luận về phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ, ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Chính sách Châu Á-Thái Bình Dương, RAND Corporation, đã viết trên trang Twitter: “Việc Trung Quốc bắt nạt Việt Nam ở Biển Đông đã được Phó Tổng thống Mỹ nêu bật hôm nay. Không có một nước nào đứng lên để bảo vệ Việt Nam như vậy”.

Giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về dân quân biển Trung Quốc, cho rằng Phó Tổng thống Mike Pence xứng đáng trong vai trò “quan chức cao cấp nhất của Mỹ công khai vạch trần vai trò lực lượng dân quân biển Trung Quốc”.

Ngoài ra, ông Mike Pence cũng nhắc đến các thông tin liên quan việc Bắc Kinh đã ký một Thỏa thuận bí mật với Nông Pênh để thành lập một căn cứ hải quân tại Campuchia, và đang mưu toan để lập các căn cứ hải quân ở nhiều địa điểm trên Đại Tây Dương.

Sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia về Biển Đông đã rất hoan nghênh lời lẽ cứng rắn của ông Pence và cho rằng phát biểu của ông Pence thể hiện chính sách nhất quán của Mỹ đối với Biển Đông là duy trì cục diện Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, không chấp nhận việc Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông.

Hôm 16/10/2019, phát biểu trước Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell tố cáo các lãnh đạo của Trung Quốc thông qua hải quân của Quân đội Giải phóng Trung Quốc, lực lượng Hải cảnh và dân quân biển tiếp tục hăm dọa và bắt nạt các quốc gia khác trên Biển Đông.

Liên quan đến việc nhóm tàu Hải Dương 08 hoạt động bất hợp pháp ở trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, ông David Stilwell nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục “hăm dọa” các quốc gia trong khu vực trên Biển Đông và “quấy rối” Việt Nam quanh khu vực Bãi Tư Chính. Ông nói “Sự quấy rối liên tục (của Trung Quốc) đối với các tài sản của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính là một trường hợp rõ rệt” về việc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng.

Về đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Stilwell nói:“Nếu nó được Trung Quốc dùng để hợp pháp hóa hành vi thái quá và các tuyên bố hàng hải phi pháp của họ (Trung Quốc), và để trốn tránh các cam kết mà Bắc Kinh đã ký theo luật quốc tế, thì một Bộ quy tắc ứng xử sẽ gây hại cho khu vực và cho tất cả những ai coi trọng tự do hàng hải.”

Về cách làm của Trung Quốc ở Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng khái niệm về việc nước lớn làm những gì họ muốn trong khi nước nhỏ phải chịu đựng “là một mối đe dọa đối với chủ quyền, hòa bình, chân giá trị, sự thịnh vượng trong khu vực năng động nhất thế giới.”

Ông Stilwell cho biết, trong năm 2019 Mỹ còn tiến hành thêm nhiều hoạt động tự do Hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông với số lượng nhiều nhất trong 25 năm qua; hành động này “cho thấy rằng Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.”

Trước đó, trong tháng 8 và tháng 9/2019, Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên án gay gắt hành vi của Trung Quốc; Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố lên án Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Việc Mỹ có nhiều hơn những phát biểu cứng rắn lên án hành vi của Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau, kể cả Phó Tổng thống Mỹ và việc Hải quân Mỹ tăng cường hoạt động FONOPs cũng như diễn tập quân sự với các đồng minh trên thực địa ở Biển Đông trong thời gian gần đây còn nhằm triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở bởi lẽ Mỹ luôn cho rằng Biển Đông là một trong những trọng tâm của chiến lược này.

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, những hành động xâm lấn ngày càng leo thang của Trung Quốc, mưu toan đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông buộc Mỹ phải có thái độ cứng rắn hơn trong phát biểu và hành động mạnh mẽ hơn trên thực địa để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ. Phát biểu của Phó Tổng thống Pence cho thấy sự thay đổi chính sách của Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Mỹ không còn nhắc đến “sự trung lập” trên vấn đề Biển Đông mà thực sự đã nghiêng hẳn về phía các nước láng giềng ven Biển Đông.

Tiềm lực kinh tế, quân sự của các nước ven Biên Đông kém xa so với Trung Quốc. Chỉ có Mỹ đủ khả năng kiềm chế các hành động bá quyền, “cá lớn nuốt cá bé” của Trung Quốc trên Biển Đông. Một khi Mỹ đã vào cuộc thì các nước đồng minh của Mỹ cũng sẽ đồng hành.

Thái độ cứng rắn của Mỹ trên vấn đề Biển Đông đem lại cả mặt thuận và không thuận cho các nước ven Biển Đông. Mỹ sẽ trở thành chỗ dựa cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu không cân xứng với Trung Quốc. Mặt khác, cũng đem đến thách thức cho các nước khi phải “luồn lách” để tránh rơi vào “thế kẹt’ trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông.

Các chuyên gia đều cho rằng quan điểm và hành động cứng rắn hơn của Mỹ trên vấn đề Biển Đông về cơ bản là có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông, bởi nếu không có sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông thì các nước ven Biển Đông sẽ trở thành “thuộc địa kiểu mới” của Bắc Kinh; các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam cần tranh thủ hợp tác với Mỹ để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới