Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững động thái mới của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông

Những động thái mới của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông

Liên tiếp trong những ngày qua, Mỹ tỏ thái độ gay gắt với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, cao nhất là ở cấp Phó Tổng thống. Các quan chức cao cấp của Mỹ cũng đã có những phát biểu mạnh mẽ trước và ngay tại diễn đàn ASEAN. Đáng chú ý nhất là Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo lên án thẳng thừng “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Các hội nghị liên quan trong khuôn khổ cấp cao ASEAN lần thứ 35 vừa kết thúc tại Bangkok, Thái Lan ngày 04/11/2019. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề được quan tâm tại các hội nghị. Mỹ là nước có những phát biểu công khai thể hiện thái độ gay gắt nhất với các hành vi gây hấn, bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông của Trung Quốc.

Ngày 4/11/2019, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien – người được Tổng thống D. Trump ủy quyền tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan cho biết ông đã thảo luận với lãnh đạo các nước ASEAN về tranh chấp trên Biển Đông; Mỹ coi Biển Đông là “một vấn đề quan trọng đối với Mỹ”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien nhấn mạnh Mỹ không tán thành hành động “đe dọa” của lực lượng dân quân biển, hải quân và hải cảnh của Trung Quốc nhắm vào những nước khác trong khu vực. Ông Robert O’Brien nhấn mạnh “Chúng tôi cho rằng các quốc gia cần hòa hợp với nhau. Họ cần sử dụng con đường tài phán nếu có vấn đề nảy sinh”. Ông đề cập đến vụ kiện Biển Đông của Philippines thông qua Tòa trọng tài nhằm bác bỏ bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc; đồng thời kêu gọi Việt Nam tham khảo hành động của Philippines.

Tháng 8/2019, khi nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc có các hoạt động xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn các quốc gia trong khu vực tiếp cận nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2.500 tỷ USD tại Biển Đông; lên án các hành động quấy rối của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam.

Phản ứng trước những phát biểu mạnh mẽ của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien về Biển Đông, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yu Cheng) cho rằng, một số quốc gia bên ngoài đang “can thiệp” vào vấn đề của khu vực; đổ lỗi cho Mỹ “làm mọi cách tạo sóng” ở Biển Đông.

Sau phát biểu của ông Lạc Ngọc Thành, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ O’Brien cho rằng Mỹ không gây rối nhưng vẫn là một “nhân tố then chốt trong khu vực”; đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi không nghĩ chúng tôi đang xen vào chuyện của người khác”; “Chúng tôi chỉ tới khi được mời chứ không như những quốc gia khác”. Cách nói của ông O’Brien nhẹ nhàng nhưng rất thâm túy bởi lẽ chính Trung Quốc là kẻ không mời mà đến khi liên tiếp đưa tàu vào hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của các nước ven Biển Đông bấp chấp sự phản đối của các nước và cộng đồng quốc tế.

Một số nhà bình luận cho rằng phát biểu của Mỹ về Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua ở Bangkok là còn mạnh mẽ hơn cả các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông vì phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien về Biển Đông không những chỉ đích danh Trung Quốc mà còn với lời lẽ hết sức gay gắt.

Cũng trong ngày 04/11/2019, khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan, Bộ Ngoại giao Mỹ còn công bố một bản Báo cáo với tiêu đề “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” dài 30 trang. Báo cáo tập trung điểm lại quá trình 2 năm phối hợp giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm triển khai chiến lược mới của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã được tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố nhân dịp Diễn đàn cấp cao APEC tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Phần nói về hợp tác “Bảo đảm hòa bình và an ninh”, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh đến vấn đề an ninh hàng hải, đặc biệt tại Biển Đông và đã phản đối mạnh mẽ yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo cáo viết: “Yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc, thể hiện qua “đường 9 đoạn” mập mờ mang tính chất vô căn cứ, phi pháp và phi lý (unfounded, unlawful, and unreasonable). Các yêu sách không có giá trị pháp lý, lịch sử và địa lý này đã gây ra những tổn thất thực sự cho các nước khác. Thông qua những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt “đường 9 đoạn”, Bắc Kinh đã ngăn không cho các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la, đồng thời góp phần tạo nên bất ổn định và rủi ro xung đột.”

Trong phần “Dấn thân cùng các đối tác và định chế” của Báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ còn xác nhận rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.Báo cáo viết: “Ở Đông Nam Á, chúng tôi ủng hộ Thái Lan trong vai trò chủ tịch ASEAN (năm 2019) và tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Khu vực sông Mêkông bao gồm Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ”.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ “chưa từng có” để chỉ trích tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những động thái mạnh mẽ này của Mỹ cho thấy Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Trước đây, Mỹ đã nhiều lần nói Biển Đông là một nội dung quan trọng trong chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở. Việc Bộ Ngoại giao đưa nội dung phản đối yêu sách “đường chín đoạn” vào Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” là lần đầu tiên Mỹ chính thức hóa quan điểm này vào một văn bản gắn kết vấn đề Biển Đông với chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở.

Với việc các nước lãnh đạo ASEAN thông qua “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 hồi tháng 6/2019 và lần này Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa vấn đề Biển Đông vào Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” là một dấu hiệu cho thấy, trong thời gian tới Mỹ sẽ tích cực phối hợp cùng các nước khác trong “Bộ tứ” (Mỹ, Nhật, Ấn Độ) trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới