Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính:...

TQ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính: Nhìn từ dư luận nước Nga

Vấn đề Biển Đông lâu nay được coi là nhạy cảm đối với Cộng hòa Liên bang Nga khi nước này có quan hệ mật thiết với cả Việt Nam và Trung Quốc. Về mặt chính thức, nhìn chung Nga vẫn giữ lập trường trung lập, không để các bên lôi kéo vào tranh chấp, xung đột ở Biển Đông. Quan điểm này mang lại cho Moskva sự linh hoạt trong xử lý các vấn đề nhạy cảm với các nước đối tác. Tuy nhiên, thực tế vài năm gần đây cho thấy lập trường của Moskva có thể bị các bên, trong đó có Trung Quốc, tác động theo hướng có lợi cho mình. Nhất là từ năm 2014 đến nay, quan hệ Nga – Trung tuy còn tồn tại những nghi kỵ, bất đồng, nhưng về tổng thể, đã có bước phát triển đột phá trên tất cả các lĩnh vực. Thậm chí, nguyên thủ của cả hai nước này đều công nhận quan hệ của họ gần gũi đến mức “chưa từng có” trong lịch sử quan hệ hai bên. Đặc biệt, họ dường như đã tìm được điểm đồng thuận, ngấm ngầm ủng hộ nhau về các vấn đề liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của nhau. Minh chứng cho điều này được thể hiện rõ qua 2 sự kiện nổi bật sau:

Một là, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimeavào lãnh thổ của mình (2014) và mở chiến dịch quân sự chống IS ở Syria, Trung Quốc đã ủng hộ Nga, không lên tiếng phản đối. Ngược lại, dư luận Nga cũng hầu như không đả động gì đến phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (12/07/2016) mà phần thắng nghiêng về Philippines. Trong khi dư luận các nước trong và ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU, Indonesia, Singapore, Thái Lan… đều lên tiếng hoan nghênh phán quyết của PCA, mong muốn các bên liên quan tuân thủ nội dung phán quyết. Chưa hết, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) nhóm họp vào tháng 9/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ quan điểm của Trung Quốc là không công nhận phán quyết của PCA”.

Hai là, trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông năm 2014, truyền thông Nga đưa tin về Trung Quốc với những trích dẫn đậm nét các tuyên bố chính thức của Bắc Kinh, trong khi tỷ trọng thông tin về lập trường của Việt Nam lại chiếm rất ít, thậm chí có những bài bình luận mang tính chủ quan, công kích Việt Nam, gây phẫn nộ đối với dư luận.

Những tưởng sự kiện lần này Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát thì phản ứng của Nga sẽ lại giống với 2 sự kiện kể trên. Ngờ đâu lại khác hẳn, lần này dư luận học giả, chính giới và báo chí Nga lại đưa tin nhiều hơn và có xu hướng “bênh vực” Việt Nam. Cụ thể:

Về phía học giả và chính giới Nga: Đầu tiên, ngày 31/07/2019, trả lời phỏng vấn tờ báo Độc Lập của Nga, chuyên gia nghiên cứu thuộc Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga Grirory Lokshin đã cho rằng, việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (bãi Tư Chính) là phi pháp. Ông này nói: “Ngày 03/07/2019, tàu khảo sát của Trung Quốc được sự hộ tống của hai tàu bảo vệ đã đi vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam, tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Những hành động như vậy không được Việt Nam cho phép là phi pháp”. Ông cũng tỏ ra lo ngại tình hình sẽ nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty Nga đang hoạt động hợp pháp trong khu vực theo thỏa thuận đã được Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga ký trước đó. Ông cho biết, phía Việt Nam đã phản ứng hoàn toàn chính đáng khi đưa các tàu bảo vệ bờ biển ra bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn các tàu Trung Quốc xâm phạm. Việt Nam đã thể hiện sự kiềm chế trước sự việc, bằng chứng là suốt hai tuần đầu tiên không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào được đưa ra cho đến khi báo chí nước ngoài lên tiếng. Theo ông Lokshin, Việt Nam đã chính thức yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế, nhưng các tàu đó vẫn ngoan cố, gây ra tình hình căng thẳng.

Tiếp đó, tại các cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các nước đối tác ở Bangkok, Thailand, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov không nêu quan điểm cụ thể về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, chỉ nhấn mạnh cần phải xây dựng cấu trúc an ninh tương đồng và không chia tách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Lavrov cho rằng, trong tình hình phức tạp hiện nay, mỗi quốc gia có triết lý ngoại giao riêng, nhưng sẽ tương đồng trong cách tiếp cận với việc giải quyết các vấn đề thời sự thông qua đàm phán và đối thoại. Trước đó, quan điểm chính thức của Nga về vấn đề Biển Đông đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nêu rõ: “Lập trường của Nga là nhất quán và không thay đổi: Chúng tôi ủng hộ việc các quốc gia liên quan trong tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này cần tuân thủ triệt để việc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Chúng tôi ủng hộ ASEAN và Trung Quốc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định, Moskva không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và về nguyên tắc sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề này.

Đáng lưu ý là, so với vụ PCA ra phán quyết và lần Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì đến lần này, cho dù giới chức ngoại giao Nga né tránh đề cập vấn đề Biển Đông, nhưng các diễn biến xung quanh việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển thuộc bãi Tư Chính của Việt Nam đã được các hãng thông tấn, báo chí lớn của Nga đưa tin thường xuyên và mật độ nhiều hơn.

Theo đó, các hãng truyền thông Nga đã đưa tin theo hướng ưu tiên trích dẫn các phát biểu và tuyên bố chính thức không có lợi cho Trung Quốc từ phía các nước như Mỹ, Philippines… Thậm chí, hãng thông tấn chính thức của Nga là TASS đã giật tít đầy ẩn ý rằng “Trung Quốc cần kiềm chế các hành động khiêu khích tại Biển Đông” khi trích dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngày 17/07/2019, TASS còn dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài tại các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Theo TASS, Việt Nam kiên quyết đấu tranh trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.

Các hãng thông tấn như TASS, RIA Novosti… trong ngày 20/07/2019 đã trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về những thông tin rằng, Trung Quốc đang cản trở hoạt động dầu khí của các nước khác ở Biển Đông, chỉ trích Bắc Kinh có hành động khiêu khích và gây bất ổn tại vùng biển này. TASS đã trích dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông mà Việt Nam đã thực hiện từ lâu. TASS cũng cho biết, bà Morgan Ortagus nhấn mạnh việc tiến hành cải tạo và “quân sự hóa” các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực. Còn hãng Interfax, ngày 30/07/2019 đã dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chỉ trích Trung Quốc vì những hành động mà ông cho là “hăm dọa” tại Biển Đông. Đồng thời cảnh báo những hành động tương tự của Trung Quốc tại vùng biển này sẽ ngày càng gia tăng.

Truyền thông Nga cũng công bố công khai thư khen ngợi của Tổng thống Nga V.Putin đối với Giám đốc Rosneft Vietnam BV (công ty con của liên doanh giữa PetroVN và tập đoàn Rosneft của Nga), đơn vị đang chịu trách nhiệm nghiên cứu thăm dò theo thỏa thuận đã ký trước đó giữa hai chính phủ Việt Nam và Nga. Động thái này được giới quan sát coi là biểu tượng cho sự ủng hộ khéo léo của Nga đối với Việt Nam. Điều này khác hẳn với những gì đã từng xảy ra hồi năm 2014.

Việc giới chức, học giả, các nhà nghiên cứu và báo chí Nga đưa tin nhiều hơn và có xu hướng ủng hộ Việt Nam cho thấy, phải chăng giới truyền thông, thậm chí là chính giới Nga giờ đây đã nhận thức rõ hơn chân lý và lẽ phải về các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông? Và họ không có sự lựa chọn nào khác là ủng hộ lập trường và những giải pháp mà Việt Nam đã và đang lựa chọn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Ngoài việc đưa tin có xu hướng ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông, dư luận Nga cũng đưa ra nhiều phân tích về vị trí, vai trò của Biển Đông đối với thế giới, Nga và Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác Việt – Nga trên Biển Đông.

Theo dư luận Nga, với vị thế đặc biệt quan trọng, Biển Đông đã, đang và sẽ là tâm điểm của các chính sách, chiến lược của các cường quốc trong và ngoài khu vực. Tham vọng địa chính trị của các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ ở khu vực nói chung và Đông Nam Á nói riêng chắc chắn sẽ tác động đến lợi ích của Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Đối với Nga, vấn đề Biển Đông từ lâu đã được cho là nhạy cảm khi nước này có quan hệ đối tác chiến lược với cả Việt Nam và Trung Quốc. Phần lớn các chuyên gia ở Nga đều có chung nhận định rằng, Moskva mong muốn duy trì quan hệ cân bằng với cả Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời kiên trì lập trường không đứng về bên nào trong các cuộc xung đột tiềm tàng. Tuy nhiên, Bắc Kinh một mặt tích cực lôi kéo Nga làm đối trọng với Mỹ, mặt khác, không sẵn sàng chia sẻ ảnh hưởng với Moskva ở khu vực. Trong khi đó, tham vọng của Trung Quốc đối với Biển Đông đã quá rõ ràng và nước này sẽ hành động ngày càng hung hăng hơn. Mỹ phản đối tham vọng này, nhưng cũng không từ bỏ mục tiêu biến các quốc gia Đông Nam Á thành tiền đồn chống Trung Quốc. Thực tế này đòi hỏi Moskva phải có các bước đi phù hợp với tình hình mới.

Việc Mỹ công bố và triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời tăng cường các cuộc tuần tra hải quân, không quân ở khu vực sẽ kéo theo phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc cả về lời nói lẫn hành động. Các diễn biến gần đây cho thấy, Trung Quốc ngày càng thiếu kiềm chế và sẽ không ngần ngại gây ra va chạm, đụng độ với các lực lượng tuần tra của Mỹ khi đi qua Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc sẽ tăng cường công kích hành động của Mỹ, đồng thời tạo dư luận cho việc nước này tiếp tục “quân sự hóa” các đảo họ đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, triển khai các vũ khí hiện đại nhằm tạo ưu thế về quân sự. Ngày 01/08/2019, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tiếp tục cải cách để tăng cường sức mạnh quân đội nước này. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn đối với quốc phòng – an ninh của các nước trong khu vực, nhất là những nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Cũng theo dư luận Nga, Nga vừa là đối tác chiến lược của Việt Nam, vừa là đối tác quan trọng của Trung Quốc. Về phương diện ngoại giao, việc phát triển quan hệ hài hòa giữa Việt Nam – Nga – Trung Quốc sẽ đáp ứng lợi ích của tất cả các bên. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc một mặt tích cực lôi kéo Nga bằng mọi cách, mặt khác luôn sẵn sàng thử thách phản ứng, thậm chí lợi dụng lập trường không đứng về bên nào của Nga cho mục đích tuyên truyền gây hiểu nhầm và chia rẽ quan hệ Nga – Việt, đồng thời tùy theo tình hình sẽ có các hành động liều lĩnh ở Biển Đông, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong quan hệ Nga – Trung hiện nay, Bắc Kinh cũng cần quan hệ gần gũi hơn với Moskva nên phải cân nhắc các bước đi mang tính khiêu khích, đụng chạm tới lợi ích của Nga tại khu vực. Do đó, Việt Nam trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, cần chủ động lôi kéo Nga về phía mình thông qua việc thường xuyên trao đổi các cuộc tiếp xúc cấp cao của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; đẩy mạnh ngoại giao nhân dân giữa hai nước; mở rộng các dự án kinh tế cùng có lợi tại Biển Đông với sự tham gia của Nga và các đối tác gần gũi như Ấn Độ, Nhật Bản; mời các tổ chức khoa học uy tín ở Nga tham gia các dự án chung quy mô lớn nghiên cứu hải dương học ở Biển Đông, hỗ trợ các nhà nghiên cứu Nga có đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về Biển Đông; phối hợp với các đối tác truyền thông Nga tích cực thông tin tuyên truyền về Biển Đông trên các phương tiện truyền thông đại chúng Nga để các tầng lớp nhân dân Nga hiểu rõ hơn về tính chất chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Việc dư luận Nga năm nay chuyển hướng, bày tỏ thái độ ủng hộ ngày càng nhiều hơn các hoạt động của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, nhất là tại bãi Tư Chính hiện nay cho thấy, tuyên bố và cách ứng xử của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, phù hợp với xu thế trong giải quyết các vấn đề tranh chấp hiện nay trên thế giới, do đó ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Trong khi đó, với hành động sai trái của mình, Bắc Kinh đang bị các nước lên án, chỉ trích quyết liệt, không chỉ từ các nước trong khu vực, từ phía các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức… mà hiện còn có cả chính giới và dư luận Nga. Cách tốt nhất để giữ uy tín của mình và tránh một lần nữa bị “cô đơn” trước thế giới, Trung Quốc nên hành xử theo đúng những gì đã từng tuyên bố và cam kết, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực, góp phần duy trì bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định đối với Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới