Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóng"Lá chắn" bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở...

“Lá chắn” bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các quốc gia thành viên ASEAN cùng các bên đối thoại và đối tác họp Hội nghị thường niên ở Thái Lan cùng lo ngại sâu sắc về những căng thẳng ở Biển Đông, cho rằng thượng tôn pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tiến tới ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) là những “lá chắn” hiệu quả bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển này.

Hội nghị thường niên của Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia ASEAN và với các nước đối tác, đối thoại gồm Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra trong hai ngày 17 và 18-11 tại Bangkok, Thái Lan. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị có chủ đề “An ninh bền vững” cùng Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN và 8 nước đối thoại là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Australia, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền các nước

Với chủ đề chung “An ninh bền vững”, các Hội nghị ADMM Retreat và ADMM+ lần thứ sáu đã tập trung thảo luận về các nội dung chính là khái niệm an ninh bền vững nhằm tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy niềm tin và tăng cường hợp tác an ninh giữa ASEAN và các đối tác, đối thoại trên mọi phương diện. Các cuộc thảo luận cũng được tổ chức trong 7 lĩnh vực hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác và đối thoại, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và an ninh mạng.

Một nội dung bao trùm và xuyên suốt các ADMM Retreat và ADMM+ diễn ra ở Bangkok là những căng thẳng ở Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định vốn là điều sống còn với các quốc gia khu vực cũng như các quốc gia đối tác và đối thoại có lợi ích chiến lược gắn bó mật thiết với vùng biển này. Nhiều quan chức quốc phòng cấp cao tham dự các hội nghị đã lên tiếng phê phán, chỉ trích đích danh Trung Quốc với tham vọng đòi chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông đã gây ra tình hình căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Trung Quốc thời gian qua đã khiến tất cả đều phải lo ngại sâu sắc khi ráo riết tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông khi bồi đắp các bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988 thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn, triển khai trên đó những trang thiết bị vũ khí hạng nặng như radar quân sự, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, máy bay chiến đấu… Càng lo ngại hơn khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính ở phía Nam Biển Đông trong thời gian hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019.

Những hành vi hung hăng và gây hấn của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”) công bố năm 2009 và học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) công bố năm 2013 đã bị vạch rõ là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Điều này đã được khẳng định rõ ràng qua phán quyết bác bỏ mọi yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mà Tòa trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Hợp tác chống những “hành động cưỡng ép và dọa nạt” ở Biển Đông 

Những hành vi gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, chủ quyền hợp pháp của các nước liên quan của Trung Quốc đã bị “điểm mặt chỉ tên” tại các Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thường niên năm nay của ASEAN cùng các bên đối tác và đối thoại. Trong đó, tại cuộc họp với những người đồng cấp ASEAN ngày 17-11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chỉ trích mạnh mẽ những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (ADMM+ giữa ASEAN với các nước đối tác và đối thoại), ông Mark Esper vạch rõ, hành động của Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa với các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà còn với mọi quốc gia thương mại – những quốc gia tôn trọng tự do hàng hải, cũng như với các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp ở vùng biển này. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, điển hình là “đường 9 đoạn” phi pháp, không chỉ trái pháp luật và phi lý, mà còn đi ngược lại phán quyết của PCA  tại Hague (Hà Lan) tháng 7-2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng chỉ trích điều mà ông cho là Trung Quốc đã “tăng cường sử dụng cái mà họ gọi là tàu dân quân biển” để xua đuổi thủy thủ và ngư dân các nước Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cũng như triển khai lực lượng Cảnh sát Biển để ngăn Việt Nam “khai thác dầu khí tự nhiên ở ngoài khơi bờ biển của họ”. Ông Mark Esper nhấn mạnh, thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại để khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” phi pháp, Trung Quốc đang cản trở các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng có trị giá hơn 2.500 tỷ USD, không những thế còn làm gia tăng bất ổn và rủi ro xung đột ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, những hành vi hung hăng và gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã “đi ngược lại trật tự được thiết lập dựa trên các quy tắc mà tất cả chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong suốt hơn 70 năm”, đồng thời đang tạo ra “một thách thức hàng hải đòi hỏi giải pháp”. Giải pháp này, ông Mark Esper nhấn mạnh, đó là việc Mỹ “tiếp tục triển khai máy bay, tàu và các chiến dịch ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép”. Cùng với đó, Mỹ cũng ủng hộ việc cùng hợp tác và “việc sử dụng hợp pháp không gian trên biển và trên không để chống lại những hành động cưỡng ép và dọa nạt” ở Biển Đông.

Tăng tốc đàm phán tấm “lá chắn” COC

Chia sẻ lo ngại sâu sắc về những căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực, các Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng thường niên năm nay ở Thái Lan đã nhất trí, phải thượng tôn pháp luật và giải quyết mọi tranh chấp bằng đàm phán hòa bình.

Trong đó, điều kiện tiên quyết là luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, phải được tôn trọng; và thực thi và gìn giữ nghiêm túc luật pháp quốc tế là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Các Bộ trưởng cũng cho rằng, cần khẩn trương hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) vì đây là nhân tố quan trọng, một “tấm lá chắn” giúp duy trì và tạo dựng được hòa bình và ổn định ở khu vực. 

Kết thúc hội nghị thường niên năm 2019, Việt Nam vào chiều 18-11 đã tiếp nhận chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ nước chủ nhà Thái Lan. Cương vị này làm cơ sở cho việc tiếp tục triển khai các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng ASEAN; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Đáng chú ý, trong cuộc họp báo ngày 18-11 về năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, cho biết COC là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên, cần đẩy đàm phán nhanh nhất có thể với tiến trình COC. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC, cả việc dành thêm thời gian cho việc đàm phán và cách thức phù hợp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn trong năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới