Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSách Trắng An ninh lương thực TQ: Đảm bảo nguồn lương thực...

Sách Trắng An ninh lương thực TQ: Đảm bảo nguồn lương thực thiết yếu cho người dân

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện mới đây công bố Sách Trắng “An ninh lương thực ở Trung Quốc”, trong đó đề cập chủ trương, chính sách và nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh khi cố đảm bảo nguồn lương thực thiết yếu cho người dân.

Sách Trắng cho biết, bất chấp nền tảng nông nghiệp yếu và nghèo đói, Bắc Kinh đã lãnh đạo một chiến dịch làm việc chăm chỉ trong 70 năm qua, giúp Trung Quốc về cơ bản tự cung cấp lương thực. Theo đó, tuân thủ nguyên tắc tự cung cấp lương thực cơ bản dựa trên sản lượng ngũ cốc trong nước, Trung Quốc triển khai hệ thống bảo vệ đất nông nghiệp nghiêm ngặt nhất và chiến lược sử dụng đất nông nghiệp bền vững, đồng thời ứng dụng công nghệ nông nghiệp đổi mới để tăng năng suất đất nông nghiệp. Thông qua cải cách cơ cấu phía cung và đổi mới thể chế, Trung Quốc đã tăng năng suất ngũ cốc, hiện đại hóa lưu thông, cải thiện cơ cấu cung ứng lương thực và đạt được sự phát triển ổn định trong ngành ngũ cốc. Trong tương lai, Trung Quốc có các điều kiện, khả năng và sự tự tin để tăng cường an ninh lương thực dựa trên nỗ lực của chính mình.

Ngoài ra, tài liệu này cũng đã đưa ra một loạt những biện pháp nhằm đảm bảo tốt hơn các nguồn cung cấp mặt hàng trọng yếu. Cụ thể như xây dựng mô hình nhiều nhà cung cấp hơn, biến đổi và nâng cấp ngành công nghiệp nông sản, hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp nông nghiệp xuyên quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, và thúc đẩy thị trường nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn. Đồng thời Trung Quốc sẽ dần dần nâng cấp các dịch vụ trong thị trường nông sản, như hệ thống phân phối thực phẩm “sạch và an toàn” đô thị và các vùng nông thôn. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường hỗ trợ công nghệ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất nông sản như ngô, đậu nành, gạo và lúa mì, nỗ lực phối hợp nhằm trồng trọt và phổ biến các giống lương thực tốt nhất, nâng cao kỹ thuật dự trữ và vận chuyển nông sản.

Tuy nhiên, sách trắng cũng lưu ý trong trung và dài hạn, sản xuất và nhu cầu ngũ cốc của Trung Quốc sẽ phải được liên kết chặt chẽ, điều đó có nghĩa là Trung Quốc không được giảm bớt nỗ lực để đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi đó, thế giới vẫn đang đối mặt với những thách thức an ninh lương thực nghiêm trọng, với hơn 800 triệu người bị đói và thương mại thực phẩm bị gián đoạn bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương. Trước những thách thức này, Trung Quốc sẽ đi trên con đường của riêng mình và thực hiện các chiến lược quốc gia về an ninh lương thực, tăng cường sức sống nông thôn thông qua việc sử dụng đất nông nghiệp bền vững và đổi mới công nghệ nông nghiệp để tăng năng suất đất nông nghiệp.

Trong khi đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Trung Quốc sẽ tham gia cuộc chiến chống đói toàn cầu. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đang phát triển khác phát huy tốt nhất khả năng của mình trong khuôn khổ hợp tác trao đổi để đôi bên cùng có lợi và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu.

Người đứng đầu Ủy ban Dự trữ Lương thực và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc (NDRC) Zhang Wufeng cho biết, an ninh lương thực Trung Quốc đang trong “thời điểm tốt nhất từ trước tới nay”, đồng thời ông cũng đưa ra những số liệu về mức sản xuất, dự trữ và sự bình ổn giá cả lương thực của Trung Quốc. Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng nông sản năm 2018 tăng gấp 5 lần so với 1949, từ 113 triệu tấn lên tới hơn 658 triệu tấn, trong khi lương thực tính theo đầu người Trung Quốc đã tăng từ 209kg lên 472kg. Sản lượng lương thực của Trung Quốc dự đoán sẽ đạt 780 triệu tấn trong năm 2019.

Chuyên gia E.Wayne Johnson thuộc công ty tư vấn Enable AgTech có trụ sở ở Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc nhấn mạnh việc tự túc nhằm đảm bảo an ninh lương thực là điều đương nhiên. An ninh lương thực là điều cực kỳ quan trọng đối với tất cả các quốc gia. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều lương thực chính trong việc cung ứng sẽ là nền tảng cho sự bất ổn về mặt an ninh lương thực. Cách tốt nhất để ngăn chặn mối đe dọa về an ninh lương thực là Bắc Kinh cần có hệ thống sản xuất thực phẩm hiệu quả.

Trong khi đó, các chuyên gia nông nghiệp cho biết, đất canh tác màu mỡ hơn, cùng với công nghệ, hệ thống tưới tiêu hiện đại và các chính sách hỗ trợ phát triển, đã góp phần mang lại sản lượng ngũ cốc tăng cao ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Với diện tích canh tác 80.000ha, nông trại Qixing ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc đã đạt sản lượng ngũ cốc 700.000 tấn trong năm 2018. Các nông dân ở tỉnh Hắc Long Giang, khu vực sản xuất ngũ cốc lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2011, hiện đang áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, với các loại máy móc như mát gieo hạt và máy bay phun thuốc trừ sâu, để nâng cao năng suất. Sản lượng ngũ cốc của tỉnh Hắc Long Giang đã tăng lên 75 triệu tấn năm 2018, từ mức 5 triệu tấn hồi cuối thập niên 1980. Trung Quốc hiện đã có thể tự cung lương thực cơ bản. Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc có tỷ lệ tự cung về các loại ngũ cốc cơ bản như gạo, lúa mỳ và ngô lên tới hơn 95%. Khả năng tự cung lương thực của Trung Quốc đồng nghĩa với việc đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 20% dân số thế giới khi nước này chỉ chiếm chưa tới 9% diện tích đất canh tác toàn cầu.

Theo chuyên gia Li Guoxiang của Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, Trung Quốc lâu nay là một nguồn lực quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của thế giới. Chuyên gia Li Guoxiang cho hay, mặc dù Trung Quốc chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước để đáp ứng nhu cầu lương thực nội địa, song nước này cũng rất tích cực hợp tác với các nước và khu vực trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực với các kinh nghiệm và giải pháp của nước này. Hồi tháng 5/2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giống lúa lai Quốc gia Trung Quốc đã khai trương chi nhánh nghiên cứu châu Phi ở Madagascar để lựa chọn các giống lúa lai dựa trên môi trường sinh học đa dạng ở đây, nhằm tìm cách nâng cao sản lương ngũ cốc ở châu lục vốn thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực. Trước đó, năm 2018, Trung Quốc cam kết hỗ trợ châu Phi đạt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2030 thông qua hợp tác nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp, cũng như thực hiện 50 chương trình hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp 1 tỷ nhân dân tệ (141 triệu USD) viện trợ lương thực nhân đạo cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng của thiên tai và đào tạo đội ngũ nghiên cứu về khoa học nông nghiệp và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

RELATED ARTICLES

Tin mới