Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Gót chân Asin” của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

“Gót chân Asin” của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Truyện thần thoại Hy Lạp kể rằng, Achilles (Asin) là con trai của Peleus – một chiến binh mạnh mẽ với Thetis – nữ thần biển cả. Chàng sở hữu một sức mạnh phi thường do là một á thần nhưng không thể bất tử như người mẹ của mình. Khi mới hạ sinh Asin, nữ thần Thetis nhận được một lời tiên tri rằng, con trai của bà sẽ qua đời trong một trận chiến, nên bà đã nắm lấy chân của Asin và nhúng thân thể con mình vào nước Styx – con sông của sự bất tử vĩnh hằng. Kể từ đó, Asin vừa có sức mạnh thần thánh “bất khả chiến bại”, vừa có thân thể “mình đồng da sắt” có thể đương đầu với mọi đao, kiếm trên đời, ngoại trừ một điểm yếu duy nhất là gót chân, nơi bàn tay nữ thần biển cả nắm vào, không được nhúng vào nước thần và vẫn còn là da thịt phàm trần. Cuối cùng, trong cuộc chiến thành Troia, Asin đã chết vì bị mũi tên của Paris bắn trúng gót chân dưới sự giúp đỡ của thần Apollo. Từ đó, “Gót chân Asin” trở thành câu ngạn ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu chí tử của một con người hay của một tập thể, một cộng đồng.

Câu chuyện thần thoại trên đã thành nguồn cảm hứng cho báo chí nước ngoài có các bài viết xoay quanh “Gót chân Asin” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vấn đề Biển Đông. Nghĩa là đề cập đến những điểm yếu chí tử đang tồn tại trong ASEAN mà Trung Quốc đang ra sức lợi dụng, khai thác để phục vụ cho việc từng bước hiện thực hóa ý đồ “độc quyền” kiểm soát Biển Đông. Những nội dung của các bài viết đó khá xác đáng và ắt hẳn sẽ khiến người dân các nước Đông Nam Á và lãnh đạo các nước ASEAN không thể không quan tâm. Dưới đây, xin tập hợp những nội dung cơ bản mà báo chí nước ngoài nói về những điểm yếu chí tử đó.

Được coi là mô hình thành công nhất của tiến trình hội nhập khu vực trên thế giới, thế nhưng ASEAN đang ngày càng trở nên yếu ớt hơn trong việc kiềm chế Trung Quốc khi để Bắc Kinh đã và đang làm xói mòn trật tự dựa trên quy tắc của khu vực vốn được định hướng bằng nguyên tắc không gây hấn, tránh xung đột và chủ nghĩa đa phương tự do. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng cảnh báo: “Phần của Trung Quốc chiếm trong cán cân thế giới đã đạt quy mô lớn đến mức thế giới phải tìm kiếm một sự cân bằng mới. Không thể xem nước này chỉ là một bên tham gia khác, mà họ là bên tham gia lớn nhất trong lịch sử thế giới”.

Đông Nam Á – khu vực được coi là điểm trọng yếu chiến lược của Trung Quốc cổ đại, nơi mà tác động của sự thay đổi địa – chính trị mang tính chấn động trên của Bắc Kinh đã trở nên rõ ràng khi những tranh chấp tại Biển Đông đã bước vào kỷ nguyên đối đầu có tính toán mới, là sản phẩm của những nỗ lực mà Bắc Kinh đã thực hiện nhằm thiết lập vành đai phòng thủ theo kiểu đế quốc, mở rộng biên giới lãnh thổ “đất xanh” (biển) của mình và thiết lập trật tự triều cống mới ở Đông Á.

Có hai nguồn gốc dẫn đến cuộc khủng hoảng này: (1) Bẫy thể chế trung gian của ASEAN, tức là thể chế hiện hành đã không cho phép ASEAN đưa ra các quyết định đối với tình hình thực tế địa – chính trị mới khi Trung Quốc thực thi chính sách thâm hiểm “chia để trị” ở vùng ngoại vi nước này; (2) Sau khi lên nắm quyền và đảm nhận vai trò là nước điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã theo đuổi chính sách nối lại quan hệ với Trung Quốc bằng mọi giá, thay vì bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ hơn. Nói cách khác, ông Duterte đã chơi “nước cờ thí tốt” nguy hại, khiến cho ASEAN và một số nước gặp nhiều khó khăn trong đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Thứ nhất, về bẫy thể chế trung gian.Nhà soạn kịch người Mỹ Arthur Miller từng nói: “Một kỷ nguyên có thể được xem là đã kết thúc khi những ảo ảnh căn bản về nó không còn”. ASEAN hiện cũng hình như đang đối mặt với một thời khắc tương tự. Trong một nửa thế kỷ qua, thể chế khu vực này đã vượt qua mọi khó khăn, khác biệt để tiến tới hợp nhất khu vực đa dạng nhất thế giới này thành một cộng đồng an ninh trên thực tế.

Quả thực, khi nhìn lại lịch sử khu vực thì thấy rằng, trước đây Đông Nam Á lục địa là nơi diễn ra căng thẳng địa – chính trị cực độ của cuộc Chiến tranh Lạnh, chìm sâu trong những đứt gãy về ý thức hệ và tình trạng đối địch bạo lực giữa các siêu cường, khiến cho bán đảo Đông Dương bị tàn phá phần lớn và nặng nề. Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á quần đảo, các nước hậu thực dân mới cũng rơi vào bẫy đối đầu Konfrontasi, đẩy các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines vào thế đối đầu với nhau. Đây là cuộc tranh đấu tàn bạo giành phạm vi lãnh thổ và tầm ảnh hưởng chiến lược tối đa.

Tuy nhiên cho tới nay, việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm công cụ giải quyết xung đột giữa các nước thành viên ASEAN đã lỗi thời và gần như không được tính tới. Ngay cả đối với những tranh chấp biên giới có nguồn gốc từ lịch sử xa xưa, cho dù ở Đông Nam Á lục địa hay quần đảo, thì cũng được giải quyết bằng phán quyết của tòa án quốc tế. Đây là một kỳ tích đáng nể, ít nhất vì hai lý do: Một là, ASEAN thiếu mọi cơ chế đáng tin cậy như chế độ tiêu chuẩn Copenhagen của Liên minh châu Âu (EU), để hòa hợp (nếu không muốn nói là đồng nhất) mối quan hệ giữa các nước thành viên. Hai là, ASEAN là một tập thể được xây dựng trong sự đa dạng chưa từng có, là quê hương của một trong những quốc gia lớn nhất (Indonesia) và nhỏ nhất (Brunei); xứ sở của những nước giàu có nhất (Singapore) và nghèo khó nhất (Myanmar) trên thế giới; nơi tiếp nhận và dung dưỡng các nền tảng tôn giáo (Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Phật giáo) và các chế độ chính trị (cộng sản, dân chủ tự do, chuyên quyền có bầu cử, độc tài quân sự và chế độ quân chủ chuyên chế) vô cùng phong phú. ASEAN đã quản lý sự hội nhập thông qua nguyên tắc tham vấn và đồng thuận, hai trụ cột chính của cái gọi là “phương thức ASEAN”. Nguyên tắc này, trong một khoảng thời gian và hoàn cảnh cụ thể nhất định, đã đủ sức thuyết phục và đem lại sự tin tưởng cho một tập thể đa sắc màu, cam kết cùng nhau chung sống dưới một “mái nhà” chung.

Tuy nhiên, vấn đề là sự dàn xếp thể chế này hình như không còn phù hợp trong thời đại hiện nay, giống như cách mà những chính sách đưa các nước thoát khỏi đói nghèo có thể đẩy họ vào bẫy thu nhập trung bình. Nguyên tắc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, dù là loại lợi ích hay mức độ trách nhiệm nào, cũng làm cho các vấn đề chiến lược, đặc biệt là những tranh chấp như kiểu tranh chấp tại Biển Đông, có thể bị phủ quyết nếu như một nước trong số đó không đồng ý. Theo quan chức ngoại giao Singapore là Barry Desker, kết quả cuối cùng của sự dàn xếp này là các nước bên ngoài có khả năng can thiệp và định hình lập trường của các nước thành viên ASEAN đối với các vấn đề khu vực. Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của họ đối với các nước thành viên ASEAN nhằm ngăn chặn bất kỳ quyết định nào có thể tác động đến việc họ ưu tiên các cuộc đàm phán song phương, hơn là sự can dự đa phương với ASEAN.

Như một hậu quả của bẫy thể chế trung gian, “phương thức ASEAN” đã đẩy ASEAN rơi vào trạng thái tê liệt trước những hoạt động tranh chấp chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông do phía Trung Quốc gây ra.

Thứ hai, về “nước cờ thí tốt” nguy hại của Duterte.Thực tế những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy, con đường rõ ràng để tiến về phía trước là thực thi công thức “ASEAN – X”, nơi mà sự đồng thuận không còn là lời biện hộ cho sự trì trệ. Thể thức bỏ phiếu đa số, các quyết định chiếm ưu thế sẽ được coi là lợi ích của số đông, đặc biệt là những quyết định có nhiều rủi ro trực tiếp và mang tính trách nhiệm cao. Cho đến nay, nhiều nước đã không còn mặn mà với thể chế cũ, dẫn đến sự chán nản và phần nào đã làm suy giảm khả năng về sự đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN.

Tình trạng bất lực của thể chế khu vực theo “phương thức ASEAN” thể hiện rõ qua sự đối xử một cách hung hăng và dai dẳng của Trung Quốc đối với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, từ việc Bắc kinh quấy rối ngư dân, cho đến việc họ đe dọa các chuỗi cung ứng và hoạt động thăm dò năng lượng của các nước trong khu vực. Tình hình khu vực trở nên xấu đi từng ngày khi Trung Quốc thay đổi thực tế trên thực địa một cách ép buộc mà không màng đến lợi ích cơ bản của các nước ASEAN nhỏ hơn.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tiến tới giai đoạn cuối cùng trong nỗ lực thống trị Biển Đông và họ gần như đã hoàn thành hoạt động “quân sự hóa” các hòn đảo được cải tạo. Giờ đây, các nước đang chứng kiến tình trạng “quân sự hóa” các tranh chấp đầy nguy hiểm, với việc Bắc Kinh triển khai một lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển hùng hậu để bao vây, kìm kẹp tàu thuyền, binh lính và lãnh thổ của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Như vậy, trong bối cảnh không có các thể chế vững mạnh, ASEAN có thể có hai sự lựa chọn dự phòng:

Một là, sử dụng cách tiếp cận đa phương, qua đó các nước thành viên cùng chung tư duy hợp tác dựa trên cơ sở phi thể thức xung quanh các vấn đề cùng quan tâm. Chẳng hạn, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác trong việc xử lý tranh chấp ở Biển Đông cùng với cơ chế đa phương của ASEAN, điều cho đến nay đã tạo ra được những kết quả tối thiểu. Thể thức đa phương đã được thực thi một cách hiệu quả trong lĩnh vực hợp tác chống khủng bố, đặc biệt là sau khi thành phố miền Nam Philippines là Marawibị các nhóm “thánh chiến” vây hãm vào năm 2017. Tuy nhiên cho đến nay, thể thức này chưa được áp dụng đối với tranh chấp Biển Đông, bất chấp đề xuất hợp tác bốn bên giữa Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei.

Hai là, dựa vào sự hiện diện của một trung tâm lực hấp dẫn cá nhân, tức là các nhà lãnh đạo khu vực có lập trường kiên quyết và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của ASEAN. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được cho là người có tiềm năng đảm nhận vai trò này, vì ông đã từng nắm giữ vai trò như vậy vào cuối thế kỷ 20, cùng với các nhà lãnh đạo xuất sắc khác trong khu vực. Tuy nhiên, ông Mahathir hiện vẫn đang tập trung vào việc ổn định tình hình chính trị trong nước sau khi thắng cử vào cuối năm 2018.

Sau khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines, những tưởng, với quan điểm thực dụng, ông này sẽ là “người hùng” bảo vệ lợi ích cho ASEAN trước các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Thế nhưng, thay vì bảo vệ lợi ích của các nước ASEAN và phản đối Bắc Kinh như người tiền nhiệm Benigno Aquino – người đã đưa các tranh chấp lãnh thổ lên tòa án quốc tế, ông Duterte lại làm suy yếu năng lực của ASEAN trên 3 cấp độ: Trước hết, là Chủ tịch ASEAN luân phiên trong năm 2017 và sau đó giữ vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, ông này đã “theo đuôi” Trung Quốc khi kêu gọi các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, hãy tránh xa những tranh chấp ở Biển Đông. Hai là, ông Duterte đã phớt lờ và làm xói mòn phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA)ở La Hay năm 2016, đó là bác bỏ hầu hết tuyên bố “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của PCA được xem là nền tảng chính để xử lý một cách công bằng, hợp pháp, bảo vệ lợi ích của các nước trong ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ba là, cũng là nguy hại nhất, ông Duterte đã thực sự “hợp pháp hóa” những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng cách “bật đèn xanh” cho tàu đánh cá Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cũng như thỏa thuận với Trung Quốc về phát triển chung ở bãi Cỏ Rong – một bãi đá ngầm giàu năng lượng thuộc chủ quyền của Philippines. Việc làm trên, chẳng khác gì ông Duterte đang thừa nhận và “hợp pháp hóa” yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã nhìn thấy ông Duterte là người bạn quan trọng nhất của họ. Rõ ràng, Tổng thống Philippines đang làm nổi bật điểm yếu và khả năng dễ bị tổn thương của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông. Chính điều này đã tạo cơ hội “ngàn năm có một” cho Trung Quốc triệt để khai thác nhằm thực hiện ý đồ của mình đối với Biển Đông.

Bằng cách chỉ ra những “Gót chân Asin” của ASEAN như trên, các bài viết đều mang hàm ý cho rằng, đã đến lúc ASEAN phải có sự cải cách về thể chế, nhất là thể chế ra quyết định về những vấn đề của khu vực. Trong tương lai, khi ASEAN chưa có những cải cách về thể chế, thì ít nhất cũng nên ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Việc Thủ tướng Malaysia Mahathir ra tín hiệu cho biết ông sẽ kéo dài thời gian nắm quyền của mình cho thấy, có lẽ chính khách này có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo rất cần thiết đó trong năm 2020, sau khi ông dần ổn định nền tảng chính trị trong nước của mình. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khả năng đó có lẽ chưa thích hợp.

Lẽ nào các nhà lãnh đạo ASEAN lại muốn giữ mãi “Gót chân Asin” của mình để cho người khác lợi dụng. Ai cũng biết, thế giới luôn vận động và không ngừng phát triển. ASEAN cũng không nằm ngoài quy luật đó, luôn vận động và không ngừng phát triển. Cải cách thể chế ra quyết định của Hiệp hội chính là một nội dung của quá trình vận động và phát triển đó. Nói cách khác, muốn độc lập, tự chủ để phát triển, phải chăng ASEAN nên có sự đổi mới, nhất là khi Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động nhằm kiểm soát sự phát triển của các nước trong khu vực này theo quỹ đạo của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới