Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luậnSự sốt sắng giả tạo

Sự sốt sắng giả tạo

Những bảo thủ cố hữu; những đòi hỏi vô lý phát sinh; sự chà đạp lên luật pháp quốc tế với những hành vi côn đồ, ngang ngược; các chiến dịch “ngoại giao pháo hạm”,… tất cả đã khiến cộng đồng quốc tế và dư luận càng thêm cảnh giác và hoài nghi sự thực lòng trong phát biểu củacác nhà lãnh đạo TQ về COC.

TQ có ý đồ áp đặt một COC Made in China

Ý tưởng về COC ở Biển Đông như là một biện pháp xây dựng lòng tin được các nước ASEAN chính thức ủng hộ tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29 vào tháng 7/1996. Thời đó, TQ lắc đầu một cách quyết liệt. Họ vin vào việc ASEAN và TQ đã có Tuyên bố hợp tác hướng tới thế kỷ 21 ký tháng 12/1997; cho rằng, như vậy là đủ, không cần thiết phải có thêm một bộ quy tắc như COC.

Tuy nhiên, các nước ASEAN, căn cứ vào những gì đã diễn ra tại khu vực, nhất là những hành động dùng vũ lực cưỡng chiếm bất hợp pháp các đảo, bãi đã ngầm của TQ, đã kiên trì vận động, bảo lưu ý tưởng. Nhờ vậy, đến năm 1999, TQ cũng đồng ý thảo luận về COC với ASEAN, ngồi vào bàn đàm phán với một bản dự thảo COC do họ chuẩn bị, cùng với một bản dự thảo của các nước ASEAN.

Tưởng mọi việc hanh thông. Tưởng một COC, trên cơ sở nền tảng pháp lý cơ bản của UNCLOS 1982, sẽ sớm được ký kết với những quy định cụ thể, có tính ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia thành viên.Hóa ra, không phải thế. Có quá nhiều trở ngại trong đàm phán, thương thuyết, trong đó khó khăn nhất là thống nhất khái niệm “vùng tranh chấp” – vốn là nội dung có ý nghĩa cốt lõi trong giải quyết các bất đồng trên biển Đông giữa các bên liên quan.

Trong bối cảnh đó, một DOC, thông qua năm 2002 được coi là bước đệm tạm thời, trong khi COC cần thêm thời gian dài dài để đàm phán và xây dựng.

Không phủ nhận vai trò hữu ích của DOC trong những năm qua. Tuy nhiên, một văn bản gần như không hề ràng buộc về pháp lý khó có thể vãn hồi biển Đông bão tố một khi có một thành viên nào đó thiếu thiện chí. Thực tế diễn ra trong những năm qua cho thấy,thiếu thiện chí, kẻ đó chính là TQ – một TQ đang ngày càng to lớn, vạm vỡ, nung nấu ý chícường quyền và khát vọng bá chủ thiên hạ bất chấp đạo lý.

Gần hai thập kỷ, bao nhiêu diễn đàn, bao nhiêu cuộc thương thảo, bao nhiêu hội nghị, nhưng một COC như kỳ vọng chẳng gần thêm được bao nhiêu. Trong khi đó, tình hình biển Đông thì ngày càng “nóng” hơn bao giờ hết. Không chỉ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực, sức nóng biển Đông lan tỏa toàn cầu, lôi kéo sự tham gia của nhiều cường quốc, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Australia.

Dĩ nhiên, sự lên tiếng, thái độ của những quốc gia không có tuyên bố chủ quyền biển Đông nêu trên, về cơ bản, cùng trên danh nghĩa nhằm bảo đảm tự do hàng hải đốivới một tuyến giao thương quan trọng bậc nhất thế giới hiện đại. Còn trong thực tế, không một cường quốc nào là không có tính toán lợi ích của riêng mình.

Đó là chưa kể, rất có thể, họ còn coi những diễn biến phức tạp trong khu vực này là cơ hội để khẳng định vai trò, vị thế nước lớn trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế.

Trong bối cảnh đó, từ chỗ là một bên phản đối, hờ hững với COC, những năm gần đây, TQ bỗng khác lạ. Bắc Kinh tranh thủ mọi cơ hội, nhất là các diễn đàn quốc tế để thể hiện sự sốt sắng với COC. Các nhà lãnh đạo TQ ra rả rằng, TQ quan tâm, mong muốn COC sớm được thông qua.

Họ cũng nói: mọi thứ dường như đã cơ bản hoàn thành. Những vấn đề còn lại không phải những trở ngại lớn; COC hoàn toàn có thể thông qua được vào năm 2022, nếu các nước cùng nỗ lực, cố gắng và thiện chí.

Gần đây, tại cuộc gặp ở Thái Lan vào ngày 3/11, Thủ tướng TQ, ông Lý Khắc Cường đã nói với các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN rằng Bắc Kinh “sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN” để đạt được tiến bộ mới về COC; rằng một khi được ban hành, COC sẽ quản lý được các tranh chấp và ngăn chặn xung đột ở vùng biển này.

Với tuyên bố trên, ông Lý Khắc Cường (cũng như các nhà lãnh đạo khác của TQ) tỏ rađầy trách nhiệm, thấu hiểu và kỳ vọng. Và theo cách nói của ông ta, việc COC trì trệ, không có tiến bộ mới không thuộc về lỗi của Bắc Kinh. TQ đã nỗ lực, thiện chí và hết mình.

Sự thực thì sao ? Điều chắc chắn là, ngay cả các nước thân TQ nhất cũng thừa hiểu, điểm nghẽn, khiến đàm phán COC cứ ì ra lâu nay, chẳng khác mấy so với giai đoạn đầu – những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước.

Những vấn đề này bao gồm phạm vi địa lý mà COC điều chỉnh, thủ tục giải quyết các tranh chấp ?Có hay không một lực lượng thực thi luật pháp?Tính ràng buộc pháp lý – một trong những điều kỳ vọng nhất – sẽ ở mức nào, theo cơ chế nào ?

Trớ trêu, cái TQ muốn lại là cái mà các nước ASEAN, nhất là các quốc gia có yêu sách chủ quyền biển Đông như VN, PLP, Malaysia…không thể gật đầu vì trái với luật pháp quốc tế, điển hình như vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa mà TQ luôn khăng khăng họ có chủ quyền “không thể tranh cãi”; hay “đường chín đoạn” – còn gọi là “đường lưỡi bò” – nuốt hầu hết biển Đông đã bị Tòa Trọng tài LHQ (PCA) bác bỏ thẳng thừng năm 2016 trong vụ kiện của PLP đối với TQ.

TQ kiên trì bảo lưu một điều đã có trong dự thảo COC rằng:tranh chấp của TQ với các quốc gia khác chỉ nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan, chứ không phải bởi một bên thứ ba.

Tất nhiên, các nước ASEAN, nhất là VN, PLP rất cảnh giác. Bởi lẽ, với đòi hỏi này, ý đồ của TQ quá rõ. Nó không khác gì một âm mưu “chia để trị”. Gạt bỏ nước thứ ba, chỉ đàm phán song phương thì TQ – gã hộ pháp béo tốt, giàu có dễ bề sử dụng sức mạnh cơ bắp để, hoặc dọa dẫm, bắt nạt, áp đặt, hoặc ve vãn, hứa hẹn hão về kinh tế. Điều đó khiến đối phương, nếu là yếu bóng vía thì khiếp sợ, nếu là mất tỉnh táo thì hoa mắt bổ nhào vào “bẫy nợ” tài chính mà TQ cố tình giăng ra.

Đàm phám COC thậm chí còn trở nên khó khăn hơn bởi hiện xuất hiện thêm những vấn đề mới gây tranh cãi. Nguyên nhân, lại cũng là TQ.

Bắc Kinh đã đề xuất một điều khoản quy định rằng “các bên không được tổ chức các cuộc tập trận chung với những quốc gia bên ngoài khu vực, trừ khi các bên có liên quan được thông báo trước và không bày tỏ sự phản đối”.

Rõ rằng, đây là nỗ lực nhằm loại bỏ Mỹ và những quốc gia ủng hộ Mỹ trong khu vực như Nhật Bản và Australia khỏi các cuộc tập trận chung.

TQ cũng đề xuất rằng “không được hợp tác với các công ty của những quốc gia bên ngoài khu vực” để phát triển các nguồn tài nguyên. Đề xuất này, ai cũng hiểu, trước hết nhằm vào VN, PLP, Malaysia.

Cũng từ quan điểm vô lý đó, cho dù chẳng được một ai đồng ý, TQ, trong thời gian qua đã ngang ngược thực hiện những hành vi quấy nhiễu hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí trên biển Đông của một số quốc gia ngay cả khi điểm thăm dò, khai thác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó. Vụ “bãi Tư Chính” mà nạn nhân là VN có thể coi là thí dụ điển hình cho sự trắng trợn và ngang ngược của TQ.

Thế nên cái sự hăm hở, sốt sắng đối với COC của TQ chẳng hề vô tư, đạo đức, văn minh như họ nói.

Những bảo thủ cố hữu, những đòi hỏi vô lý phát sinh, sự chà đạp lên luật pháp quốc tế với những hành vi côn đồ, ngang ngược, các chiến dịch “ngoại giao pháo hạm” của TQ…, tất cả đã khiến cộng đồng quốc tế và dư luận càng thêm cảnh giác và hoài nghi sự thực lòng trong phát biểu của ông Lý Khắc Cường cũng như các nhà lãnh đạo TQ.

Còn nhớ, ông Albert Del Rosario, Bộ trưởng Ngoại giao PLP năm 2016 đã thúc giục ASEAN phải “cảnh giác cao độ” nhằm đảm bảo rằng COC sẽ không bị TQ sử dụng để làm suy yếu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của PLP đối với TQ.

Tháng 8/2018, Australia, Nhật Bản và Mỹ đã ra một tuyên bố chung kêu gọi COC cần phải “phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, như được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

Mở đầu hội nghị cấp cao ASEAN đầu tháng 11/2019, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell, đã cảnh báo rằng Mỹ không muốn TQ giả dối chấp nhập COC chỉ để “hợp pháp hóa hành vi quá đáng và những tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp” của nước này.

Xem thế đủ biết, dư luận và cộng đồng quốc tế quá tỉnh táo để hiểu rằng, đằng sau sự sốt sắng giả tạovề vấn đề COC, động cơ thật của TQ trong vấn đề này là gì !

 

RELATED ARTICLES

Tin mới