Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKết quả của Sáng kiến “Vành đai, con đường” có đẹp như...

Kết quả của Sáng kiến “Vành đai, con đường” có đẹp như những gì mà TQ vừa loan báo?

Truyền thông Trung Quốc dẫn thông tin từ Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc hôm 15/11 loan báo, tính đến cuối tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã ký 197 văn bản hợp tác “Vành đai, con đường”(BRI) với 137 nước và 30 tổ chức quốc tế, trong đó có nước đang phát triển, nước phát triển, cũng có nhiều công ty, tổ chức tài chính và ngân hàng của nước phát triển hợp tác với Trung Quốc khai thác thị trường bên thứ ba. Vậy thực tế có phải chỉ là những con số như vậy không?

Những trở ngại và nghi ngại về BRI ngày càng nhiều

“Vành đai, con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra vào cuối năm 2013 khi đề xuất hợp nhất “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” và “Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21”. Sau khi được Thủ tướng Lý Khắc Cường quảng bá rộng rãi trong các chuyến thăm tới châu Á và châu Âu, sáng kiến này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và thế giới.

Các kết quả triển khai trong thời gian qua dù đạt được một số thành công tương đối, nhưng quá trình triển khai BRI của Trung Quốc cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong thời gian gần đây, mức độ khó khăn, thách thức ngày càng tăng lên do những nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài:Thách thức từ bên ngoài nổi lên rõ rệt. Thứ nhất là sự quan tâm, hoài nghi về BRI tập trung vào các nhóm nước sau: i) nhóm các nước lớn (ngoại trừ Italia) đều chưa tham gia BRI. Các nước này nhìn nhận BRI thiên về góc độ địa chính trị, vượt ra ngoài các kết nối cơ sở hạ tầng, kinh tế đơn thuần. Mỹ nghi ngờ về triển khai BRI đưa Trung Quốc từng bước tiến tới kiểm soát chiến lược tại các khu vực, thay đổi cấu ​​trúc an ninh và kinh tế của trật tự quốc tế. EU quan tâm nhiều hơn tới mức độ minh bạch, tiêu chuẩn môi trường, xã hội, mua sắm tài sản. ii) các tổ chức khu vực cũng quan tâm nhiều hơn tới sự chia rẽ, khác biệt quan điểm giữa các nước trong việc tham gia BRI. iii) nhóm quốc gia đang phát triển quan tâm tới tình trạng “nợ nần” gia tăng của một số dự án BRI so với quy mô nền kinh tế của các nước như Lào, Montenegro v.v… Theo tính toán của Trung tâm Phát triển Toàn cầu hiện nay có khoảng 8 quốc gia bị xếp vào nhóm các nước có mức nợ cao. iv) Một số nước láng giềng lo ngại về các vấn đề liên quan tới xung đột địa chính trị khu vực, hành động cứng rắn của Trung Quốc liên quan biên giới, lãnh thổ có thể làm tăng mức độ rủi ro, làm cản trở các hoạt động thương mại, qua lại giữa người dân. Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và khu vực tăng lên: Song song với việc Trung Quốc đẩy mạnh triển khai BRI, nhiều nước lớn cũng đã điều chỉnh, đưa ra nhiều sáng kiến, triển khai các chính sách, chiến lược đối với khu vực. Đặc biệt là cạnh tranh Mỹ – Trung từ sau khi chính quyền Trump lên có xu hướng ngày càng gay gắt, đến nay chưa thể kết thúc. Mỹ đã thúc đẩy lập cơ cấu đầu tư quy mô 60 tỷ USD để cạnh tranh với BRI, triển khai cuộc chiến thương mại. Nhật Bản đề ra chiến lược quan hệ đối tác hợp tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cùng Ấn Độ phát triển Hành lang tăng trưởng châu Á-châu Phi (AAGC). Australia, Nhật Bản và Mỹ tuyên bố sáng kiến đầu tư ba bên để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ dương – Thái Bình Dương. Thứ ba là nhiều dự án triển khai của Trung Quốc ở bên ngoài dù có ưu đãi tín dụng lãi suất thấp, ít kèm theo các yêu cầu về chính trị, nhưng lại khắt khe, hạn chế trong sử dụng nhân công, kỹ thuật, các doanh nghiệp của địa phương. Quy trình đấu thầu không rõ ràng làm tăng chi phí, dẫn đến các dự án bị hủy hoặc làm chậm tiến độ triển khai. Thứ tư là những thay đổi trong hệ thống chính trị tại một số nước thời gian gần đây ảnh hưởng tới triển khai BRI, nhất là với những dự án bị coi là có liên quan tới vi phạm pháp luật, có thể bị chính phủ mới hoặc các đảng phái đối lập trong nước điều tra. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới uy tín của các dự án của BRI.

Thách thức cũng xuất phát từ bản thân phía Trung Quốc. Thứ nhất là một số dự án mang ý nghĩa biểu tượng chính trị, dẫn tới rủi ro tăng lên. Các dự án này chấp nhận rủi ro mà các cơ chế đa phương khác không tham gia (Trường hợp Srilanka vay 1,3 tỷ USD đầu tư cảng mới sau khi Ngân hàng phát triển đa phương từ chối). Thứ hai là nguồn tài chính, hệ thống hỗ trợ dịch vụ cho BRI còn yếu dẫn tới rủi do đối với doanh nghiệp TQ. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang “trạng thái bình thường mới”, dự trữ ngoại hối giảm từ 4.000 tỷ USD xuống còn hơn 3.000 tỷ USD đã làm tăng rào cản hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Trung Quốc cho DNNN triển khai thực hiện BRI ở bên ngoài. Thứ ba, vai trò của DNNN được ưu ái trong thời gian qua về cả nguồn vốn, nhân lực, kỹ thuật, quan hệ với các nước, chi phối nhiều hoạt động của BRI (hơn 95% tài trợ BRI) đã không khai thác được nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Thứ tư, nhiều dự án của Trung Quốc chưa có quản trị tốt,các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, độ minh bạch thấp, làm ảnh hưởng tới khả năng thực hiện dự án.

Những khoản nợ khổng lồ mà BRI mang lại cho các nước

Ở Maldives nợ Trung Quốc 3,2 tỉ USD, nhiều hơn gấp đôi số tiền vay trị giá 1,3 tỷ USD của Trung Quốc trên sổ sách chính thức. Giới chức Maldivies đang xem xét lại một loạt các dự án bao gồm một cây cầu mang tính bước ngoặt, mở rộng một bệnh viện quốc tế và các con đường, tất cả là một phần của sự bùng nổ cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở quần đảo nổi tiếng với làn nước trong xanh và những khu nghỉ dưỡng sang trọng. Tại Sri Lanka, nơi bị vướng vào một cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài, một chính phủ được bầu một phần do làn sóng phản đối với hai dự án lớn do Trung Quốc hậu thuẫn hiện đang tích cực nhận được hỗ trợ từ Nhật Bản và Ấn Độ. Ở Bangladesh, có một sự bất ổn ngầm đối với khoản cam kết trị giá 24 tỉ USD, nhưng chưa được giải ngân cho các dự án BRI. Một số nguồn tin cho biết Ấn Độ đang thúc giục Dhaka thận trọng về việc vay mượn từ Trung Quốc. Tuy nhiên làn sóng phản ứng ở Pakistan mới là nghiêm trọng nhất. Jam Kamal, người đứng đầu Balochistan, đã sửa đổi luật để đóng băng việc bán đất cho các công ty Trung Quốc ở Gwadar, một thành phố cảng là điểm khởi đầu cho một loạt các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 62 tỉ USD được gọi là “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan” (CPEC). Trung Quốc lập luận rằng các quốc gia vốn không thể đảm đương gánh nặng về nợ của các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ngay từ đầu không nên chấp thuận những dự án như vậy. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng có trách nhiệm tiến hành trước những nghiên cứu về rủi ro và tính khả thi trong kinh doanh để bảo đảm rằng các quốc gia nhận đầu tư sẽ thanh toán nghĩa vụ nợ và có năng lực hoàn trả nợ. Khi xét tới môi trường kinh doanh và chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia đang phát triển, nơi những dự án này được triển khai, người ta thường phóng đại những khó khăn trong việc tiến hành các phân tích kỹ lưỡng cần thiết. Không thể bảo đảm tuyệt đối thành công của bất kỳ dự án nào, ngay cả với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất; tuy nhiên, việc số lượng các quốc gia thông báo rằng họ đang phải chật vật với các khoản nợ liên quan tới các dự án BRI ngày càng tăng cho thấy các công ty Trung Quốc cần củng cố tiến trình thực hiện dự án của họ. Một phần công việc cải thiện điều này xoay quanh việc gia tăng tính minh bạch của dự án.

Sự thiếu minh bạch xoay quanh BRI cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các nước phản đối việc thực hiện BRI. Sự mập mờ khiến các công ty nước ngoài khó tham gia các dự án liên quan đến BRI cho đến khi những dự án này khởi công và cũng có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Trung Quốc tiếp tục khuyến khích đầu tư bên ngoài nhằm giúp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng nguồn vốn cần thiết cho việc hoàn thiện tầm nhìn của nước này, nhưng giữa các bên muốn tham gia và những cơ hội thực sự lại tồn tại một khoảng cách. Tiêu chuẩn thấp, khó khăn khi cạnh tranh trong quá trình mua sắm, đấu thầu và rủi ro của các khoản đầu tư là những trở ngại hơn nữa đối với việc tham gia. Sự hội tụ của những vấn đề phức tạp làm tăng vẻ đáng tin của những nhận thức hiện có rằng BRI là một sáng kiến được “sản xuất tại Trung Quốc, sản xuất cho Trung Quốc”, theo cách mô tả của Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Thiếu sự minh bạch làm gia tăng những quan ngại rằng các dự án BRI có thể khuyến khích sự quản trị yếu kém và trở thành những thỏi nam châm thu hút tham nhũng. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, nhiều quốc gia thuộc phạm vi của BRI vốn đã nằm trong danh sách các nước tham nhũng nhất thế giới. Bản chất không rõ ràng của các dự án BRI khiến chúng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình trạng tham ô và quản lý sai nguyên tắc. Trong điều kiện như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước BRI có thể cho rằng những dự án được Trung Quốc hậu thuẫn đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Các nhà lãnh đạo có thể tuyên bố rằng họ đang mang lại sự phát triển trong khi vẫn bòn rút ngân sách thông qua các khoản “lại quả” và các giao dịch tài chính mờ ám.

Các kịch bản tương lai nào cho BRI?

Mặc dù còn tồn tại những thách thức và khó khăn đang nổi lên trong việc triển khai BRI, nhưng có thể thấy, trong ngắn hạn, tình hình kinh tế thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức bất định, khó lường. Bản thân các nước đều có nhu cầu hợp tác, cùng phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cần các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, láng giềng để bảo đảm cho triển khai thành công BRI, thúc đẩy nâng cao vai trò của BRI trở thành một chiến lược mang tầm toàn cầu. Do vậy, BRI vẫn là một kênh quan trọng để các nước có thể khai thác, tham gia hợp tác với Trung Quốc và ngược lại. Bản thân Trung Quốc hiện nay cũng cho thấy đang từng bước có những điều chỉnh, thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới, chú trọng vào kết nối “mềm”, tìm những phương thức linh hoạt hơn như kết nối về hợp tác năng lực sản xuất, khai thác thị trường nước thứ ba, thúc đẩy mô hình Trung Quốc với các khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhằm tăng cường liên kết, hợp tác thực chất, có sự tham gia của các nhóm lợi ích (doanh nghiệp Trung Quốc, người dân, địa phương…), nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân, khai thác các diễn đàn đa phương như Bác Ngao, mở rộng tham gia của các tổ chức tài chính đa phương hỗ trợ cho dự án.

Về lâu dài, với sự tham gia của nhiều cơ chế đa phương sẽ giúp BRI tăng độ kết nối, hiểu biết, là cơ sở quan trọng bảo đảm cho BRI phát triển ổn định, lâu dài. Các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc có thể sẽ nhìn nhận, điều chỉnh hành vi, chú trọng hơn vào các hoạt động đầu tư, nhận thầu trong khuôn khổ BRI tại nước ngoài nhằm làm giảm những nghi ngờ, lo ngại về các vấn đề liên quan tới tài chính, môi trường, xã hội, mức độ minh bạch dự án ngày càng tăng của nhiều nước. Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng hệ thống quy tắc riêng, thực hiện mô hình Trung Quốc, tìm cách cải cách hệ thống các quy tắc luật chơi của phương Tây, trước mắt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khuyến khích các công ty tham gia vào thị trường giao dịch quốc tế được điều chỉnh bởi quy tắc của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các khu vực khác cũng như bảo đảm lợi ích kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc đã bước đầu triển khai hệ thống con đường tơ lụa trên không gian (hệ thống Bắc Đẩu), lập hệ thống tư pháp (hai tòa án trong BRI đặt tại Thâm Quyến, Thiểm Tây Trung Quốc).

Nhìn chung, đã gần 6 năm trôi qua kể từ khi Tập Cận Bình công bố BRI. Trong nhiều trường hợp, BRI đã đem lại cho các quốc gia đang phát triển những kết quả tích cực.Tuy nhiên, thực tế các dự án BRI đang vấp phải sự phản ứng tiêu cực của các nước khi thường xuyên không thể hiện được cam kết đối với tính minh bạch, sự công bằng, tính bền vững và sự quản trị tốt.

RELATED ARTICLES

Tin mới