Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi phi quân...

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông

Phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ADMM Plus) tại Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bày tỏ hy vọng tình hình Biển Đông ổn định, không bên nào sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực.

Theo thông tin trên, ông Rajnath Singh cho biết Ấn Độ “nhấn mạnh cần bảo vệ quyền của các quốc gia không liên quan tới những cuộc đàm phán” giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ: “Dĩ nhiên cộng đồng quốc tế quan tâm tới các tuyến đường biển liên lạc mở. Chúng tôi hy vọng tình hình vẫn ổn định, không (có bên nào) sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực”. Ông Singh bày tỏ hy vọng kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ tuân thủ mọi luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và thúc đẩy hoạt động tự do đi lại, bay qua không phận và thương mại hợp pháp tại Biển Đông.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Ấn Độ dựa trên ý tưởng an ninh ổn định, tập trung vào một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, nơi có sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các bên liên quan. “Một cách ngắn gọn, cách tiếp cận của chúng tôi đối với an ninh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương là bền vững bởi vì nó nhấn mạnh sự phát triển và an ninh cho tất cả mọi người trong khu vực.”

Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 với chủ đề “An ninh bền vững” vừa diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Mỹ đã tham dự. Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng đã trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới. Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, mong muốn sớm hoàn thành việc xây dựng COC hiệu quả, thực chất.

Thời gian gần đây, Ấn Độ liên tục bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết căng thẳng thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma tại Việt Nam cho biết: “Quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Vì thế Ấn Độ có lợi ích lâu dài khi khu vực hoà bình và ổn định. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở vùng biển quốc tế, tuân theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Ấn Độ tin rằng bất cứ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách hoà bình, bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực. Không những vậy, hợp tác năng lượng giữa Ấn Độ và Việt Nam là mối quan hệ đối tác lâu dài, dựa trên đầu tư dài hạn. Công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đã hiện diện ở Việt Nam gần ba thập kỷ. Đó là hợp tác có lợi cho cả hai bên và quan trọng cho an ninh năng lượng của Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này”.

Trước đó, Ngoại trưởng Jaishankar (2/8) cũng khẳng định lập trường chung với Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông; đồng thời cho biết Ấn Độ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông. Không những vậy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi đã và đang hỗ trợ tự do hàng hải, tiếp cận tài nguyên Biển Đông theo luật pháp quốc tế; tái khẳng định Ấn Độ có lợi ích chính đáng và hợp pháp trong hòa bình, ổn định và việc tiếp cận có thể đoán định với các tuyến đường thủy chính trong khu vực; nhấn mạnh Ấn Độ đã, đang hỗ trợ tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

RELATED ARTICLES

Tin mới