Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần...

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 6: Tăng cường an ninh, quốc phòng bền vững

Từ ngày 17-19/11, Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 đã diễn ra tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; 8 nước đối tác đối thoại gồm Nga, Mỹ, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Chủ trì hội nghị lần này là Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng Thái Lan. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, dẫn đầu đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự hội nghị. Với chủ đề “An ninh bền vững”, tại các phiên họp của hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã tập trung thảo luận 7 lĩnh vực hợp tác về nhân đạo, ứng phó với thiên tai, an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố và các vấn đề liên quan. Trong đó, vấn đề an ninh biển, an ninh Biển Đông là một trong những vấn đề được các nước chú trọng bàn thảo.

Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 đã ra thông cáo chung, tái khẳng định cam kết hướng đến hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, đẩy mạnh hợp tác, tương tác với các đối tác tiềm năng cũng như ứng phó trên tinh thần tập thể, mang tính xây dựng đối với những diễn biến toàn cầu, các vấn đề an ninh dựa trên quan hệ hữu nghị và cùng có lợi.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Prawit Wongsuwan đánh giá, các nước thành viên của ASEAN luôn đoàn kết và hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng nội khối, nhờ đó luôn phát huy vai trò tích cực và hiệu quả trước những thách thức chung. Đại tướng Prawit Wongsuwan cũng nhấn mạnh rằng, ADMM là diễn đàn đối thoại đưa ra cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong việc tăng cường hợp tác, nhất là phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Mỹ trong khuôn khổ của ADMM+, Bộ trưởng Esper cũng đã có những chỉ trích gay gắt về hành vi phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh “tăng cường sử dụng các hành động cưỡng ép và dọa nạt” để đạt được mục tiêu chiến lược trên Biển Đông. Ngoài ra, ông Esper còn kêu gọi các nước ASEAN không để Trung Quốc thao túng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang được đàm phán nhằm “hợp pháp hóa hành vi sai phạm nghiêm trọng và các tuyên bố hàng hải phi pháp của nước này, cũng như nhằm lẩn tránh các cam kết” mà họ đã nhất trí. Nếu điều đó xảy ra, COC sẽ “phản tác dụng và gây nguy hiểm cho mọi quốc gia tôn trọng các quyền tự do được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”. Bộ trưởng Esper nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) trên vùng biển tranh chấp để Bắc Kinh hiểu rằng “chúng tôi phản đối mọi hành vi cưỡng ép và dọa nạt”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bày tỏ hy vọng tình hình Biển Đông vẫn ổn định, không bên nào sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực. Lưu ý tới việc bắt đầu đàm phán giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về COC, Bộ trưởng Singh tuyên bố, New Delhi “nhấn mạnh cần bảo vệ quyền của các quốc gia không liên quan tới những cuộc đàm phán này”. Dĩ nhiên cộng đồng quốc tế quan tâm tới các tuyến đường biển liên lạc mở. Chúng tôi hy vọng tình hình vẫn ổn định, không (có bên nào) sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực. Ông Singh bày tỏ hy vọng kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ tuân thủ mọi luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm UNCLOS và thúc đẩy hoạt động tự do đi lại, bay qua và thương mại hợp pháp tại Biển Đông. Về vấn đề Triều Tiên, Bộ trưởng Singh cho biết, Ấn Độ hy vọng đạt được tiến triển trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và giải quyết tất cả các vấn đề liên quan, bao gồm “con đường phát triển kết nối Nam và Đông Á”.

Trong khi đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của ASEAN hiện nay là sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Đây được xem là yếu tố tạo nên nhiều thuận lợi và cũng là tác nhân gây ra những thách thức. Trước những thách thức hiện hữu của ASEAN, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc tế là “chìa khóa” đem lại sự ổn định và phát triển chung. Điều này đòi hỏi sự tôn trọng và nghiêm túc cam kết của các nước. Bên cạnh đó, sự đoàn kết và hợp tác đa phương sẽ là động lực chính để giải quyết được những mối đe dọa về an ninh truyền thống và phi truyền thống đang diễn biến phức tạp hiện nay. Chính vì vậy, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, tiếp tục tăng cường hợp tác nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và quốc tế là điều hết sức cần thiết, trong đó có sự hợp tác phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh hòa bình trên Biển Đông không chỉ là lợi ích của các bên trực tiếp liên quan mà là vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Đồng thời, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhắc lại chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

ADMM+ được xem là cơ chế mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng năng lực để giải quyết các thách thức an ninh chung, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau giữa tổ chức quốc phòng các nước thông qua đối thoại minh bạch, từ đó tăng cường hòa bình và ổn định khu vực thông qua hợp tác quốc phòng và an ninh. Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN và tổ chức ADMM lần thứ 14, ADMM+ lần thứ 7. Nhân dịp Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch khẳng định mong muốn tiếp tục nâng cao sự đoàn kết nội khối ASEAN trong hoạt động quân sự và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước ngoài khu vực do ASEAN dẫn dắt. Theo ông Ngô Xuân Lịch, “Việt Nam chào đón các đối tác trở lại nơi đã thiết lập ADMM+ để tiếp tục chung tay củng cố cơ chế hợp tác quốc phòng – quân sự, xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và có khả năng chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài, đúng như tinh thần chủ đề của năm ASEAN 2020 là ‘Gắn kết và chủ động thích ứng’ mà Việt Nam lựa chọn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới