Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020 và các diễn...

Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020 và các diễn đàn, cơ chế hợp tác liên quan với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hẹp và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 từ Thái Lan. Dư luận đánh giá, với vị thế, uy tín và kinh nghiệm, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò của mình và ASEAN sẽ có một năm nhiều thành công trong hợp tác, phát triển.

Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”

Ngày 4/11, tại Thái Lan, đã diễn ra Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, các Hội nghị liên quan và Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan, nước Chủ tịch ASEAN 2019 cho Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020. Sau khi điểm lại những kết quả chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã trao “chiếc búa 2020”, biểu tượng của Chủ tịch ASEAN, tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành công của Thái Lan trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2019, khẳng định những thành tựu của ASEAN sau hơn 50 năm phát triển nói chung và trong năm 2019 nói riêng sẽ là nền tảng thuận lợi để Việt Nam kế thừa và phát huy trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đang có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, việc tăng cường khả năng gắn kết bền vững có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Theo đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN. Chính bằng sự gắn kết bền vững, Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực, chủ động thích ứng với các cơ hội và thách thức; và khả năng chủ động thích ứng chỉ được phát huy khi ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố chủ đề của ASEAN năm 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Thủ tướng kêu gọi ASEAN cùng đẩy mạnh tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng; trông đợi sự ủng hộ tích cực của các nước để hiện thực hóa chủ đề của năm ASEAN 2020.Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, clip giới thiệu về năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, với chủ đề, trọng tâm ưu tiên và những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đã được ra mắt Lãnh đạo các nước ASEAN và các đại biểu dự Hội nghị. Theo quy định của Hiến chương ASEAN, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 01/01/2020 đến hết 31/12/2020.

Chủ tịch ADMM và ADMM+

Ngày 18/11, lễ bàn giao chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ đã được tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. Như vậy,Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm 2020. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã chúc mừng Bộ Quốc phòng Thái Lan và cá nhân Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Prawit Wongsuwan đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+ trong năm 2019. Cùng với những thành quả của cơ chế ADMM và ADMM+ trong những năm 2019, kết quả tích cực trong năm 2019 sẽ là nền tảng thuận lợi để Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch trong năm 2020. Các sáng kiến của Chủ tịch tiền nhiệm sẽ tiếp tục được Việt Nam thúc đẩy.Năm 2020 là một năm có ý nghĩa quan trọng đối với cả ASEAN và Việt Nam. Năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Với hơn nửa thế kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên duy trì thống nhất trong đa dạng, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị bản sắc văn hóa, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của môi trường an ninh khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết chặt chẽ, đặc biệt trong Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN, hơn lúc nào hết càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.

Năm 2020 cũng đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập mái nhà chung ASEAN. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ kể từ đó tới nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó có quốc phòng – an ninh, đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, với một dấu mốc quan trọng là Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội. Kể từ đó, ASEAN chứng kiến sự đóng góp tích cực từ các nước đối tác trong việc nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả của ASEAN với các thách thức an ninh đặt ra đối với khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch khẳng định sau 10 năm, Việt Nam vui mừng chào đón các đối tác trở lại nơi đã thiết lập ra ADMM+, để tiếp tục chung tay củng cố các cơ chế hợp tác quốc phòng – quân sự, xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và có khả năng chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài, đúng như tinh thần Chủ đề của Năm ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng” mà Việt Nam lựa chọn.

Những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN

Với chủ đề xuyên suốt Năm ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm: i) Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. ii) Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh… iii) Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới. iv) Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới. v) Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: Cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Đồng thời với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng sẽ đảm nhiệm vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do đó, Việt Nam sẽ là cầu nối của Liên hợp quốc với ASEAN để thực hiện triển khai các chương trình, các kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên hợp quốc. Với nhiệm vụ kép này, vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam sẽ có trọng lượng hơn và sẽ được nhiều quốc gia quan tâm hơn. Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ phải phối hợp với các quốc gia, các thành viên của ASEAN cũng như là với các thành viên của Hội đồng Bảo an và các quốc gia khác tại Liên hợp quốc để bảo đảm sự cân bằng cũng như quan tâm chính đáng tới lợi ích của các bên phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới