Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt - Australia thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại

Việt – Australia thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại

Việt Nam và Australia cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư để cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược.

Tại buổi tiếp Đại sứ Australia Robyn Mudie, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (22/11) bày tỏ tin tưởng về sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược đang diễn ra tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua; khẳng định Việt Nam luôn luôn coi trọng đối tác Australia và coi đây là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; đánh giá cao việc Australia hỗ trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam với nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhiều công trình đã trở thành biểu tượng hợp tác giữa hai nước như cầu Cao Lãnh, cầu Mỹ Thuận; cho rằng các lĩnh vực hợp tác, đầu tư còn dư địa lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gợi ý các doanh nghiệp Australia tìm hiểu đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và điều kiện thuận lợi để phát triển như như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, du lịch, năng lượng tái tạo; đề nghị bà Đại sứ quan tâm thúc đẩy việc trao đổi tiếp xúc thường niên giữa lãnh đạo cấp cao, địa phương và doanh nghiệp hai nước; đặc biệt là cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước về kinh tế, thương mại. “Phấn đấu hai nước trở thành đối tác thương mại trong tốp 10, trước mắt sớm hiện thực mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại sứ Robyn Mudie bày tỏ vinh dự được đảm đương vai trò Đại sứ trong giai đoạn quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp. Đại sứ khẳng định, nhiều nhà đầu tư Australia ấn tượng với các chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện. Trong điều kiện đó, việc hai nước có rất nhiều tiềm năng hợp tác sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác, đầu tư kinh doanh tại thị trường của nhau.

Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Australia Scott Morrison (22/8) đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên nhất trí xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường với mục tiêu trở thành tốp 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều; xúc tiến cuộc họp lần thứ nhất cấp bộ trưởng về đối tác hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia; mở rộng hợp tác về an ninh năng lượng và nắm bắt các cơ hội kỹ thuật số, trong đó có kinh tế số và chính phủ điện tử. Hai bên cũng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hàng hóa lên 10 tỉ USD ngay trong năm sau. Thủ tướng Morrison nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng nông – thủy sản của Việt Nam và cho biết Australia đang xem xét việc cho phép nhập khẩu tôm sống nguyên con, nhãn tươi của Việt Nam; nhất trí tăng cường hợp tác an ninh song phương, bao gồm trong lĩnh vực hàng hải và không gian mạng; phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, khủng bố. Ngay sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực chính phủ điện tử, tài chính, chống buôn bán người và hợp tác dịch vụ hàng không.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương trên 3 trụ cột: thứ nhất là tăng cường hợp tác kinh tế; thứ hai là hợp tác sâu rộng về an ninh quốc phòng; thứ ba là hợp tác sâu rộng về tri thức, đổi mới. Theo đó, các biện pháp thực hiện được đề ra như sau: Về chính trị, hai bên chính thức trao đổi các chuyến thăm cấp cao trên kênh Đảng, chính phủ, quốc hội; mở rộng hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân… Về an ninh quốc phòng, hai bên tăng cường các hoạt động hợp tác đào tạo, huấn luyện, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh; đồng thời đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu quốc phòng, an ninh mạng; tiếp tục hợp tác phòng chống tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia… Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA: Đây là những trụ cột của quan hệ của hai bên. Hai bên nhất trí sẽ gỡ bỏ các rào cản thương mại, tiếp tục các chính sách khuyến doanh nghiệp đầu tư vào hai nước; nhất trí nâng kim ngạch thương mại từ 8 tỷ USD của năm 2018 lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, các hành động cản trở những dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hai bên kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay. 

Phát biểu sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, tầm nhìn của Australia hướng đến một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và cởi mới; và tầm nhìn bảo đảm các quốc gia độc lập, có chủ quyền, để bảo đảm cho khu vực hòa bình và thịnh vượng. Ông cho biết ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất sẽ luôn coi trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, để bảo đảm một khu vực thượng tôn pháp luật. Hai bên trao đổi những vấn đề tự do đi lại, tự do hàng không trong khu vực. Và đây là những điều vô cùng quan trọng để các nước có thể phát triển tối đa cơ hội của mình, và bảo đảm khu vực thịnh vượng, ổn định. Hai bên nhất trí luôn sát cánh cùng nhau, đồng thời thống nhất tiếp tục làm việc với nhau để bảo đảm luật pháp quốc tế, thượng tôn pháp luật, môi trường tự do và độc lập.

Cùng quan điểm trên, trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (12/6). Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Australia Marise Payne nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định, Australia coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở khu vực Đông Nam Á và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước, trong cả khuôn khổ song phương và đa phương; nhất trí phối hợp duy trì đà trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trong thời gian tới, tích cực triển khai và phát huy hiệu quả 19 cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là các cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sớm tổ chức Hội nghị Đối tác Kinh tế cấp Bộ trưởng lần thứ nhất trong năm nay; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định. Hai bên nhất trí đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế, song song với việc phát huy hiệu quả các thỏa thuận thương mại đa phương hai bên cùng là thành viên, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Về vấn đề Biển Đông, hai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ đánh giá về tình hình gần đây trên Biển Đông, nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Ngoại trưởng Marise Payne khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Australia trong khu vực và cam kết Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bên cạnh các khóa đào tạo nâng cao năng lực do Australia tổ chức tại Việt Nam, Australia sẽ tiếp tục cung cấp máy bay chuyên chở lực lượng Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 sang thay thế Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan vào cuối năm nay; nhất trí sẽ tiếp tục duy trì tham vấn, hợp tác chặt chẽ thông qua các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt và Diễn đàn ASEAN-Australia.

Được biết, Australia là quốc gia thuộc châu Đại Dương ở Nam bán cầu, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Australia có đường bờ biển dài 34.218 km (chưa tính đến các đảo ngoài khơi) và tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế rộng 8.148.250 km2. Mặc dù không phải là một quốc gia có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông nhưng Australia có lợi ích thiết thực và sống còn ở Biển Đông. Theo thống kê, hơn một nửa lượng xuất khẩu quặng sắt, than đá và khí hóa lỏng của Australia được vận chuyển qua tuyến đường hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, việc trao đổi thương mại với các đối tác quan trọng của Australia (Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…) đa phần phải vận chuyển qua Biển Đông. Chính vì vậy, Biển Đông luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Australia.

Không những vậy, vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông có liên quan trực tiếp lợi ích thiết thức và sống còn của Australia. Hiện hầu hết các tuyến đường thương mại của Australia đến khu vực Đông Bắc Á, Đông Á đều đi qua Biển Đông. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott (10/2013) từng nhấn mạnh gần 60% thương mại của Australia đều thông qua Biển Đông. Chính vì vậy, việc hàng hóa, tàu thuyền tự do lưu thông không bị cản trở, kiểm soát ở Biển Đông là một trong những vấn đề được Australia đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, Australia đã đóng vai trò tích cực nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và giao lưu kinh tế cho các tuyến đường thương mại của Australia qua vùng biển này.

Ngoài ra,Australia tuy không tiếp giáp trực tiếp với Biển Đông, song vấn đề an ninh khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến Australia. Thứ nhất, việc Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo phi pháp và trên khai vũ khí trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, nhất là một số loại tên lửa có khả năng vươn tới một bộ phận lãnh thổ Australia đã đe dọa trực tiếp môi trường hòa bình và ổn định của Australia. Thứ hai, tình hình an ninh khu vực Biển Đông có tác động trực tiếp đến hoạt động giao thông hàng hải và vận chuyển hàng hóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thương mại của Australia. Thứ ba, khi tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Khi đó, Australia là nước có lợi ích thiết thực ở Biển Đông sẽ bị kéo theo và ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng, nhất là hoạt động của hải quân Australia.

RELATED ARTICLES

Tin mới