Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về vấn...

Việt Nam khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về vấn đề Biển Đông trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019

Ngày 25/11/2019, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã công bố “Sách Trắng Quốc Phòng 2019”, trong đó có nội dung nhấn mạnh đến Biển Đông và nguyên tắc “không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng biển này.

Sách trắng Quốc Phòng Việt Nam 2019 nhận định “tình hình Biển Đông… mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng có yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hoà bình, ổn định của Việt Nam”, đặc biệt là “các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hoá, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế”.

Sách trắng nêu rõ, những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hoá, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, làm cho Biển Đông có thời điểm trở thành “điểm nóng”, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xung đột.

Sách Trắng cũng nêu rõ lập trường của Việt Nam về chính sách quốc phòng. Đó là: Việt Nam không chủ trương tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tuỳ theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc Sách trắng Quốc phòng 2019 bổ sung thêm nguyên tắc “không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, vào nhóm 3 nguyên tắc trong chính sách quốc phòng Việt Nam, thường được coi là nguyên tắc “Ba Không”: Không liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác. Bảo vệ hòa bình cùng với tăng cường khả năng tự vệ, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng chống xâm lược, được coi là cốt lõi trong chiến lược quốc phòng của Việt Nam. Theo đường hướng này, quan điểm của Hà Nội là cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao năng lực tự vệ và tham gia giải quyết các thách thức an ninh chung.

Trong một phân tích trên tờ “The Diplomat”, chuyên gia về các vấn đề an ninh, quân sự châu Á – Thái Bình Dương Prashanth Parameswaran, lưu ý là cuốn Sách trắng mới này, dù chỉ là một trong các tài liệu về chính sách về Quốc Phòng mà Việt Nam công bố, rất đáng được lưu tâm tìm hiểu, để có thêm thông tin về những thay đổi trong chiến lược an ninh quốc phòng của Hà Nội, vào thời điểm mà Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại nói chung. Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên khối ASEAN và giữ ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và năm 2021 là năm dự kiến sẽ diễn ra Đại hội Đảng.

RELATED ARTICLES

Tin mới