Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông – Nội dung quan trọng trong chuyến công du 4...

Biển Đông – Nội dung quan trọng trong chuyến công du 4 nước Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thăm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam – 4 nước được Mỹ đánh giá có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Phát biểu tại họp báo ngày 7/11, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận về những thách thức chung như quân sự hóa Biển Đông và các hoạt động kinh tế và thương mại của Trung Quốc”.

Đây là chuyến thăm châu Á thứ hai của ông Esper kể từ khi lên nhậm chức vào cuối tháng 7, cho thấy những ưu tiên hợp tác quốc phòng của Mỹ tại khu vực này. Chuyến đi là dịp để chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh và đối tác ở châu Á.

Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự, cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại.Chuyến công du 4 nước lần này của Bộ trưởng Esper phản ánh sự lo ngại của Mỹ đối với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực.

Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Esper tham dự Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Hàn Quốc lần thứ 51, thảo luận với Hàn Quốc về liên minh Mỹ – Hàn; đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong thời gian thăm Thái Lan, ông Esper tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Chiều 17/11/2019 tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có bài phát biểu về quan hệ Mỹ – ASEAN trong đó chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông; nhất là việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đưa ra những quan điểm về những mối quan ngại an ninh chủ yếu tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là về những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cam kết của Mỹ về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia dù lớn hay nhỏ và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Về an ninh hàng hải, ông Mark Esper khẳng định, Mỹ có chính sách thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và những hoạt động sử dụng vùng biển và vùng trời một cách hợp pháp; nhấn mạnh Mỹ đã tiến hành thêm nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2019, điều mà nước này thực hiện nhiều nhất trong 20 năm qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích mạnh mẽ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông: “Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông càng thổi phồng thêm tính không chính danh của “đường lưỡi bò”, một yêu sách phi pháp và phi lý và đi ngược lại phán quyết của Toà trọng tài về Biển Đông tháng 7/2016, tạo nên bất ổn và gia tăng nguy cơ xung đột”; Mỹ khẳng định Mỹ và ASEAN đang có một lập trường chung về Biển Đông, Mỹ tin rằng tuyên bố của ASEAN sẽ là một phương tiện mạnh mẽ để thể hiện sự đoàn kết.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp Mỹ – ASEAN, Bộ trưởng Esper nói rằng Trung Quốc đã tăng cường sử dụng cái mà họ gọi là “tàu dân quân hàng hải” để xua đuổi các thủy thủ và ngư dân Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cũng như sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để ngăn chặn Việt Nam khoan dầu và khí đốt tự nhiên ngoài bờ biển của nước này.

Ông Esper nhấn mạnh “thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại để khẳng định “đường lưỡi bò”, Bắc Kinh đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ đôla dự trữ năng lượng”; “Hành vi này tương phản với trật tự dựa trên quy tắc mà tất cả chúng ta đang cùng nhau thực hiện và vun đắp trong hơn 70 năm qua”; “các hành động ở Biển Đông của Bắc Kinh đưa ra một thách thức hàng hải đòi hỏi một giải pháp đa phương.”

Đã có nhiều ý kiến hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Tổng thống Donald Trump không tham dự hội nghị cấp cao ASEAN đầu tháng 11/2019 tại Thái Lan và thay vào đó chỉ cử Cố vấn an ninh quốc gia Robert Obrien làm trưởng đoàn tham dự. Tuy nhiên, không hẳn là ông Trump không quan tâm tới khu vực này mà thực tế ông Trump đang có quá nhiều vấn đề quan trọng khác phải bận tâm, cụ thể như cuộc điều tra luận tội trong nước hay thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Tại cuộc họp cấp cao thường niên Mỹ – ASEAN trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN tại Thái Lan, đại diện Mỹ là cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã chính thức chuyển lời mời của tổng thống Donald Trump tới toàn thể lãnh đạo 10 nước trong khối ASEAN qua Mỹ dự một Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt vào quý 1 năm 2020.

Một số nhà phân tích cho rằng quyết định tổ chức Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN phản ánh một mối quan tâm có thật của Mỹ đối với khu vực. Đây cũng là một cách để chính quyền Trump giải tỏa những hoài nghi của các nước ASEAN về việc “liệu Mỹ có thực tâm đứng về phía các nước ASEAN hay không?” Quyết định cấp tốc tổ chức một Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ – ASEAN ngay vào đầu năm 2020 nằm trong một loạt động thái mạnh mẽ của Mỹ gần đây để chứng tỏ tầm quan trọng mà Washington dành cho khu vực Đông Nam Á.

Cùng với lời mời tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ-ASEAN, Bộ Ngoại giao đã công bố một bản Báo cáo về “Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”, trong đó chỉ trích mạnh mẽ yêu sách “đường lưỡi bò” và các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong một loạt những hoạt động nhằm thuyết phục ASEAN về quyết tâm dấn thân của Mỹ vào vùng Đông Nam Á.

Nếu được diễn ra, Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN sẽ là một minh chứng sống động cho cam kết của Mỹ đối với khu vực, nơi đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán, hung hăng vào lúc mà tâm lý hoài nghi về vai trò của Washington đang tồn tại.

Ngày 18/11/2019, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có cuộc gặp lần đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Vấn đề Biển Đông cũng là một nội dung quan trọng của cuộc gặp. Tại cuộc gặp, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhắc lại lập trường lâu nay của Trung Quốc về Biển Đông và yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào Biển Đông thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tái khẳng định rằng Mỹ sẽ cử máy bay, tàu để tuần tra bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và khuyến khích các quốc gia có chủ quyền khác hành động tương tự.

Tại Philippines, Người đứng đầu Lầu năm góc Mỹ Mark Esper gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzanthảo luận về các phương thức tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên, nhất là việc mở rộng mối quan hệ liên minh quân sự Mỹ – Philippines tồn tại suốt hàng thập niên qua. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, Bộ trưởng Esper khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines cũng như cải thiện năng lực hàng hải”; “Một điều rõ ràng, chúng tôi không chỉ muốn gửi đi thông điệp phản đối Trung Quốc mà còn muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các quy định và luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc cũng nên tuân thủ những quy tắc này. Hành động tập thể là cách tốt nhất để truyền tải thông điệp và đưa Trung Quốc đi theo con đường đúng đắn”.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Esper thảo luận với phía Việt Nam về các hoạt động, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ. Trong đó là những nội dung về hợp tác duy trì cục diện Biển Đông dựa trên pháp luật, bao gồm việc nâng cao năng lực quản lý biển của Việt Nam cũng như việc tàu chiến, tàu sân bay ghé các cảng biển của Việt Nam. Mỹ đang tích cực triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chống lại ý đồ bành trướng ngang ngược của Trung Quốc tại khu vực, trước hết là Biển Đông. Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng ở Biển Đông nói riêng và trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang trong các hoạt động gây hấn, xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông; tìm mọi cách đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Mỹ đã có nhiều động thái thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông qua phát biểu của lãnh đạo và quan chức Mỹ gần đây và những hoạt động với tần xuất nhiều hơn, phạm vi và quy mô lớn hơn của lực lượng hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Qua chuyến thăm 4 nước Châu Á lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Esper phía Mỹ muốn phát đi thông điệp tới các nước trong khu vực là nên tin tưởng Mỹ và hoài nghi Trung Quốc, nên gắn kết với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc.

Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Esper chọn thăm Philippines và Việt Nam là hai nước đang chịu sức ép lớn nhất từ Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian gần đây, Trung Quốc nhiều lần cho các tàu khảo sát hoạt động trái phép trong vùng biển của Philippines, thậm chí vào sâu trong lãnh hải của Philippines; tàu của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines lênh đênh trên biển hồi tháng 6/2019….

Đối với Việt Nam, tàu khảo sát Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; uy hiếp hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam ở Biển Đông trong gầ 4 tháng (từ 04/7/2019 đến 24/10/2019). Mỹ là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất lên án hành vi của Trung Quốc, kể cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lần đầu tiên ra Tuyên bố chỉ trích hành vi bắt nạt các nước láng giềng của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến thăm 2 nước này cùng với những phát biểu lên án mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm truyền tới Trung Quốc một thông điệp rằng Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc thi hành chính sách dọa nạt, cưỡng ép “cá lớn nuốt cá bé” với các nước láng giềng và Biển Đông không phải “ao nhà” của Trung Quốc; Mỹ sẽ cùng với các đồng minh và đối tác bảo vệ trật tự luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Chuyến công du bốn nước châu Á lần này minh họa cho điểm mới trong trọng tâm chiến lược quốc phòng của Mỹ: tập trung vào Trung Quốc như một mối đe dọa đối với sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới