Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLo ngại TQ, Nga mời Ấn Độ khai thác đất hiếm

Lo ngại TQ, Nga mời Ấn Độ khai thác đất hiếm

Trong bối cảnh thiếu những nhà đầu tư tiềm năng của Nga, Moscow đang nhiệt tình mời các nhà đầu tư Ấn Độ khai thác đất hiếm ở Viễn Đông.

RT mới đây dẫn thông tin từ Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông của Nga cho biết, cơ quan này đang tích cực thu hút các nhà đầu tư của Ấn Độ để khai thác đất hiếm ở vùng Viễn Đông Nga.

Các công ty khai thác Ấn Độ như IREL (tiền thân là Tập đoàn Đất hiếm Ấn Độ) và KABIL (Tập đoàn Ấn Độ Khanij Bidesh) đang rất quan tâm đến các dự án khai thác các nguyên tố trong nhóm đất hiếm tại Nga.

Phái đoàn Nga thuộc Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông mới đây đã có cuộc họp với các công ty Ấn Độ ở New Delhi. Cuộc họp đã nêu bật những tiềm năng khai thác rất lớn tại vùng Viễn Đông xa xôi của Nga và khu vực Bắc Cực.

Giám đốc Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông  Leonid Petukhov cho hay: “Chúng tôi đang xem xét việc khai thác lithium và coban”.

Ông cho biết thêm, khu vực này đang rất kỳ vọng vào sự gia tăng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thiếu những nhà đầu tư từ Nga.

Một nguyên tố trong nhóm đất hiếm là yttri, cũng như các kim loại khác như tantalum và niobi cũng được phát hiện ở Zabaykalsky Krai – một quận vùng Viễn Đông của Nga và Cơ quan này kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng cường đầu tư vào đây.

Cobalt và lithium là thành phần chính để sản xuất pin sạc. Các vật liệu này không thực sự hiếm như tên của chúng song rất khó để tìm thấy chúng ở một nồng độ mong muốn. Các vật liệu trong nhóm đất hiếm cũng khó xử lý khi khai thác từ quặng bởi chúng thường chứa các chất phóng xạ xuất hiện trong tự nhiên như uranium và thorium.
 
Được biết, vùng Viễn Đông Nga hiện này đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư cũng như người lao động Trung Quốc. Người Trung Quốc đã khai thác rừng, trồng cấy nông nghiệp, đóng góp cho ngành du lịch ở Nga nhưng đồng thời cũng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho vùng Viễn Đông.

Giới chức trách Nga đã phải đặt cảnh báo về các kiểu đầu tư tận diệt của Trung Quốc không mang đến lợi ích kinh tế tương xứng so với việc đánh đổi tài nguyên. Đơn cử như khai thác rừng.

Các xưởng gỗ của người Trung Quốc ở Viễn Đông hoạt động ngày đêm không nghỉ, phần nhiều là xuất khẩu về Trung Quốc, gia công và xuất khẩu tiếp đến các thị trường nước ngoài, như Mỹ, với giá đắt đỏ.

Tuy nhiên, lao động Nga không làm việc tại những xưởng này, hoặc lao động với giá cực rẻ, Nhà nước Nga cũng không thu lại nhiều tiền thuế bởi mức thuế suất cho xuất khẩu sang Trung Quốc là thấp.

Việc mời đầu tư Trung Quốc có lẽ đã trở nên cẩn trọng hơn tại Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông trong các dự án khai thác đất hiếm. Hoặc cũng có thể do Trung Quốc hiện đã là nhà sản xuất kim loại đất hiếm hàng đầu thế giới. Hiện 80% lượng đất hiếm nhập khẩu trên toàn thế giới đến từ Trung Quốc.

Đây được cho là một quân bài mà Bắc Kinh có thể đem ra để mặc cả với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ trong bối cảnh hai nước chưa hạ nhiệt đối đầu thương mại.

RELATED ARTICLES

Tin mới