Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ phê chuẩn Dự luận Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông...

Mỹ phê chuẩn Dự luận Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông và phản ứng của TQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua Dự luận Dân chủ và nhân quyền Hong Kong. Quyết định này của ông được cho là sẽ gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc trong bối cảnh hai nước tưởng như gần đi tới một thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Mỹ cứng rắn trong vấn đề Hồng Kông

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump (27/11/2019) đã phê chuẩn “Đạo luật năm 2019 về Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông”; nhấn mạnh qua quyết định này, Tổng thống Mỹ thể hiện thái độ “tôn trọng đối với chủ tịch Tập Cận Bình, với Trung Quốc và người dân Hồng Kông”. Ngoài ra, ông Donald Trump cũng đã ký một dự luật thứ hai, trong đó cấm xuất khẩu “đạn dược” khống chế đám đông cho cảnh sát ở Hồng Kông – bao gồm hơi cay, đạn cao su và súng sốc điện.

Tổng thống Mỹ cho biết, “các dự luật được ban hành với hy vọng các nhà lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc và Hông Kông sẽ có thể giải quyết một cách hòa hoãn sự khác biệt của họ, cốt để dẫn đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả”.

Dự luật được đưa ra vào tháng Sáu trong giai đoạn đầu của các cuộc biểu tình ở Hông Kông và đã được Quốc hội phê chuẩn với tỉ lệ áp đảo vào tháng trước. Theo Dự luật, Hông Kông là một phần của Trung Quốc nhưng có một hệ thống kinh tế và pháp lý đa phần riêng biệt. Hoa Kỳ sẽ giám sát Hông Kông để đảm bảo thành phố này nó đủ tự chủ để được hưởng qui chế giao thương đặc biệt. Qui chế giao dịch thương mại đặc biệt của Hông Kông có nghĩa là Hông Kông không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hoặc thuế quan của Hoa Kỳ áp vào Trung Quốc đại lục. Dự luật cũng nói rằng Hoa Kỳ nên cho phép cư dân Hông Kông được cấp visa vào Hoa Kỳ, ngay cả khi họ đã bị bắt vì là tham gia biểu tình bất bạo động.

Trung Quốc nổi điên

Các cơ quan công quyền của Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố “phản đối”, “lên án” và “chỉ trích” việc Mỹ phê chuẩn 2 Dự luật trên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc (28/11) ra tuyên bố về việc Mỹ biến cái gọi là “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công” thành đạo luật. Tuyên bố cho biết, kể từ khi Hồng Công trở về với Trung Quốc đại lục đến nay, “Một quốc gia, hai chế độ” thu được thành công được thế giới ghi nhận, người dân Hồng Công được hưởng các quyền dân chủ chưa từng có theo pháp luật. Mỹ phớt lờ sự thật, đổi trắng thay đen, ngang nhiên chống lưng cho các phần tử phạm tội bạo lực đập phá, thiêu đốt điên cuồng, phương hại tàn bạo người dân vô tội, chà đạp pháp quyền, nguy hại trật tự xã hội, mục đích căn bản là phá hoại phồn vinh và ổn định của Hồng Công, phá hoại thực tiễn vĩ đại của “Một quốc gia, hai chế độ”, phá hoại tiến trình lịch sử thực hiện phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, hành động này của Mỹ can thiệp nghiêm trọng công việc Hồng Công, can thiệp nghiêm trọng công việc nội bộ của Trung Quốc, nghiêm trọng đi ngược với luật pháp quốc tế và Quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, là hành vi bá quyền trắng trợn, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc kiên quyết phản đối. Trung Quốc đã đưa ra phản ứng nghiêm khắc và phản đối mạnh mẽ.

Cùng ngày, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc về công việc Hồng Công, Ma Cao, Văn phòng Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Công, Văn phòng liên lạc chính phủ Trung ương tại Hồng Công cũng ra tuyên bố cực lực lên án việc Mỹ biến “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công” thành đạo luật.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (28/11) bày tỏ kiên quyết phản đối Mỹ biến cái gọi là “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công” thành đạo luật; cho biết Lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân tại Hồng Công “có quyết tâm, có niềm tin, có năng lực thi hành tốt sứ mệnh chức trách theo Luật Cơ bản và luật đóng quân, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, bảo vệ phồn vinh và ổn định lâu dài cho Hồng Công”.

Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Công (28/11) cực lực phản đối “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công” và một dự luật liên quan đến Hồng Công khác của Mỹ trở thành đạo luật, đồng thời bày tỏ hết sức lấy làm tiếc trước việc Mỹ phớt lờ mối quan ngại về hai dự luật này do Đặc khu Hồng Công nhiều lần đề xuất. Hai dự luật này rõ ràng đã can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Công, vừa không cần thiết, cũng không có cơ sở pháp lý, sẽ làm tổn hại quan hệ và lợi ích giữa Hồng Công và Mỹ. Người phát ngôn Chính quyền Đặc khu cho biết, hai dự luật này không hợp lý, trong đó “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công” núp dưới danh nghĩa nhân quyền và dân chủ nhưng trên thực tế một số điều khoản liên quan đến kiểm soát xuất khẩu và Hồng Công thi hành biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, không liên quan gì đến nhân quyền và dân chủ của Hồng Công. Người phát ngôn nêu rõ, Mỹ có lợi ích kinh tế to lớn tại Hồng Công, Mỹ đơn phương thay đổi chính sách kinh tế-thương mại đối với Hồng Công, sẽ gây tác động tiêu cực cho quan hệ song phương và lợi ích của Mỹ.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Branstad, đưa ra phản ứng nghiêm khắc và phản đối mạnh mẽ việc Thượng viện và Hạ viện Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền và dân chủ Hồng Công”, đốc thúc Mỹ lập tức sửa chữa sai lầm, chấm dứt can thiệp công việc Hồng Công, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển của Trung Quốc kiên định bất di bất dịch, quyết tâm quán triệt phương châm “một nước hai chế độ” kiên định bất di bất dịch, quyết tâm phản đối thế lực bên ngoài can thiệp công việc Hồng Công kiên định bất di bất dịch. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc (20/11) cũng đã triệu quyền Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc William Klein để trao công hàm với nội dung tương tự.

Trong khi đó, Tổng biên tập của tờ Global Times, tờ báo được quản lý bởi cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng thông báo trên Twitter rằng Trung Quốc đang cân nhắc đưa những người tham gia soạn thảo luật ủng hộ biểu tình Hong Kong của Mỹ vào danh sách cấm nhập cảnh. Điều đó đồng nghĩa là những người này sẽ không được đặt chân tới đại lục, Hông Kông và cả Macau.

Người dân Hồng Công cảm ơn Tổng thống Trump

Trái ngược với Chính quyền Trung Quốc, đa phần người dân bày tỏ cảm kích đối với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn 2 dự luật trên. South China Morning Post cho hay hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường vào Lễ Tạ ơn để bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump ký thành luật hai dự luật ủng hộ người biểu tình Hông Kông. Nhà tổ chức cũng lên một danh sách khoảng 40 nhân vật mà họ hi vọng Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt, chiểu theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hông Kông mà Mỹ vừa thông qua. Trong danh sách này có tên của Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam, cựu Đặc khu trưởng Hong Kong Tung Chee-hwa, Giám đốc Sở Tư pháp Teresa Cheng Yeuk-wah, cựu cảnh sát trưởng Andy Tsang Wai-hung và Stephen Lo Wai-Chung và Giám đốc Văn phòng Liên lạc Trung Quốc Vương Trí Dân.

Nhà tổ chức cũng thúc giục Mỹ sớm trừng phạt những quan chức Hong Kong đã vi phạm nhân quyền và các công ty đã xuất khẩu vũ khí trấn áp đám đông cho Hông Kông. Nhưng cuộc tuần hành trong hòa bình kết thúc chóng vánh sau một cuộc đối đầu với lực lượng cánh sát, được cho là do một người trong nhóm tuần hành mang theo đèn laser và người này đã bị cảnh sát đưa đi.

Trong khi đó, Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, người Hồng Kông cho biết, họ tham gia buổi mít tinh này là để cảm ơn Mỹ đã ủng hộ nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, đồng thời hy vọng “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” có thể chế tài quan chức chính phủ Hồng Kông có quốc tịch Mỹ, Canada vi phạm nhân quyền.

Biểu tình Hông Công bùng phát từ tháng 6, ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và lãnh đạo Hông Công Carrie Lam từ chức. Quốc hội Mỹ phê duyệt dự luật trong bối cảnh bạo lực leo thang khi hàng nghìn người tập trung trong Đại học Bách khoa Hông Công (PolyU) từ hôm 17/11 để đối đầu với cảnh sát. Sau vài ngày cố thủ, phần lớn người biểu tình đã rời PolyU, trong đó khoảng 1.100 người đã bị bắt.

RELATED ARTICLES

Tin mới