Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại chủ trương, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông...

Nhìn lại chủ trương, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và xu hướng năm 2020

Trong năm 2020, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khảo sát trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông; gia tăng tần suất, quy mô các cuộc tập trận trên biển; chủ động hơn trong các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền và quân sự ở Biển Đông; thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách cứng rắn trong yêu sách chủ quyền và ngăn chặn các nước lớn can dự vào vấn đề Biển Đông.

Nhìn lại chủ trương, chính sách và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2019

Trong năm 2019, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây ảnh hưởng, đe dọa lớn đến hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Hành động phi pháp của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của mình mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích.

Trên thực địa: Từ cuối tháng 6, đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Với sơ đồ đường đi vừa vào sâu vừa trải dài, có thể nói hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã bao phủ một diện rộng suốt dọc khu vực biển không thể tranh chấp của Việt Nam, bề dài xấp xỉ 363 hải lý và bề rộng xấp xỉ 73 hải lý. Ngoài thu thập các dữ liệu về dầu khí, khả năng cao nhóm tàu Trung Quốc còn khảo sát bề mặt, địa hình lồi lõm dưới đây biển, biết các luồng lạch mà tàu ngầm có thể di chuyển thuận lợi nhất.

Không những vậy, Trung Quốc (9/2019) còn đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 982 tới hoạt động ở Biển Đông. Cục Hải sự Trung Quốc (21/8) thông báo Hải Dương 982 tiến hành hoạt động trên Biển Đông tại khu vực có bán kính 2 km tính từ tâm là vị trí có tọa độ 17°37′44.589 vĩ Bắc / 110°21′16.894 kinh Đông. Cũng theo thông báo trên, vị trí này là khu vực giếng dầu Lăng Thủy 15-2-1 (LS15-2-1). Trung Quốc còn điều tàu Hải cảnh 3305 ngăn chặn nhóm tàu tiếp vận dân sự của Manila khi đang di chuyển đến bãi Cỏ Mây; điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này.

Trung Quốc còn sử dụng lực lượng chấp pháp và bán chấp pháp đâm va, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Trong đó có một số vụ việc điển hình như: Tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS/05 (6/3) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44101 đâm chìm trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vị trí tàu bị đâm cách phía Đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý; tàu Trung Quốc (25/9) đã từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá mang số hiệu QNa 90569 TS khi lâm nạn ở quần đảo Hoàng Sa; Trung Quốc cũng cho tàu đâm chìm tàu cá Philippines khi di chuyển ở bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Về ngoại giao: Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các tuyên bố hiếu chiến, mang tính khiêu khích ở Biển Đông; cho rằng “các đảo ở Biển Đông từ đâu đã là lãnh thổ Trung Quốc, đây là di sản của tổ tiên Trung Quốc”, nhấn mạnh Trung Quốc không nên sợ xung đột ở Biển Đông. Trung Quốc cũng liên tục “phản đối” các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải hợp pháp của các nước ở Biển Đông, chỉ trích, lên án và đe dọa hoạt động hợp pháp của Mỹ và các nước đồng minh; cáo buộc “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông; đổ lỗi cho Mỹ có hành động quấy rối liều lĩnh khi tàu chiến Mỹ vượt qua cả chặng đường dài để đến gây rối ngay trước “cửa nhà” của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc “kịch liệt phản đối” các hành động gây hấn do các nước ngoài khu vực tiến hành dưới danh nghĩa tự do hàng hải, hàng không, phản đối sự hiện diện của các nước này tại Biển Đông. Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”; nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

Về quân sự: Trung Quốc trong năm 2019 đã tổ chức hàng trăm cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trong đó, Bắc Kinh (7/2019) lần đầu tập trận bắn thử 06 quả tên lửa đạn đạo đất đối hạm tầm trung DF-21D ra Biển Đông. Không những vậy, Trung Quốc (7/2019) đã điều nhiều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trên Biển Đông nhằm “kiểm tra năng lực của các máy bay mới được cải tiến”. Theo thông tin trên, một đơn vị không quân thuộc Chiến khu Nam tham gia diễn tập sau khi nâng cấp mẫu tiêm kích do hãng Sukhoi của Nga chế tạo. Các cuộc diễn tập bao gồm 3 máy bay tấn công 1 mục tiêu trên biển, chiến thuật phối hợp khai hỏa và thao tác điều khiển bay và chiến dịch ban đêm, tạp chí trên đưa tin nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Được biết, tất cả 24 chiếc Su-35 của Trung Quốc được đưa vào biên chế một lữ đoàn không quân đóng gần thành phố Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông. Theo bản tin, lữ đoàn trên đã tăng tốc để rút ngắn thời gian nâng cấp các tiêm kích. Trước đó, từ 16/1 – 20/2, Trung Quốc đã điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông và Tây và Trung Thái Bình Dương. Tuyên bố từ thuộc Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh một số tàu chiến hiện đại nhất đã được quân đội Trung Quốc điều động tham gia đợt tập trận bao gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp liệu Hồng Hồ.

Ngoài tập trận, Trung Quốc còn triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc triển khai phi pháp tiêm kích J-10 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tác chiến; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình.

Về ngư nghiệp. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục đơn phương ra thông báo ngừng đánh cá từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8 trên Biển Đông. Vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Về hoạt động tuyên truyền: Về mặt đối ngoại, giới chức Trung Quốc từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng… tích cực đưa ra các tuyên bố tuyên truyền cho rằng “Trung Quốc sẽ kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương”. Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền các văn bản pháp quy quan trọng về quản lý, quy hoạch biển như “Cương yếu quy hoạch đất đai toàn quốc Trung Quốc tầm nhìn năm 2030”; Luật an toàn giao thông biển sửa đổi; Đại cương “Phương án sử dụng và khai thác hải đảo không người cư trú”; Quốc vụ viện Trung Quốc cũng phê chuẩn “Phương án giám sát Hải dương”; công bố Sách trắng quốc phòng, trong đó có nội dung xuyên tạc cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận”. Các địa phương ven biển của Trung Quốc đưa ra các quy định, kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển về sử dụng, khai thác, kiểm tra giám sát và bảo vệ môi trường biển. Tỉnh Hải Nam tăng cường nâng cấp các sản phẩm du lịch dưới nhiều hình thức nhằm kết nối (trái phép) Hải Nam và Hoàng Sa; cái gọi là “Thành phố Tam Sa” thông qua phương án “Quy hoạch thực thi đồng bộ dịch vụ cảng Phú Lâm”. Không những vậy, Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao; tìm cách biện minh, giải thích các hành động trên là nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải ở khu vực; chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn “Vành đai, con đường” nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cũng lợi dụng việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ ASEAN, ép buộc một số nước phải lệ thuộc và ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc còn tuyên truyền về việc đang đẩy nhanh quy hoạch quản lý biển, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực như triển khai tàu hậu cần,cứu nạn đồn trú tại đảo Phú Lâm, tuyên truyền về việc hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu; xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn về giao thông liên lạc, năng lượng, phủ sóng mạng di động, bệnh viện, rạp chiếu phim… ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng tuyên truyền về các dịch vụ như dự báo thời tiết, khảo sát địa chất, thăm dò hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc tuyên truyền về hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các phương diện về “quyết tâm, thiện chí và nỗ lực” trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “nhờ nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN thời gian qua, tình hình Biển Đông đã ổn định”, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Trung Quốc còn thông qua các loại hình ấn phẩm văn hóa, Chính phủ Trung Quốc, các Viện nghiên cứu, trường Đại học… xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa liên quan vấn đề Biển Đông. Từ ngày 15-21/7, Trung Quốc cho trình chiếu 7 bộ phim về Biển Đông mang tên “Nam Hải, Nam Hải” (Biển Đông) trên các kênh truyền hình chính thức của nước này như CCTV 12, CCTV+ nhằm tuyên truyền về những thành quả trong quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Lưu hành bộ sách giáo khoa sửa đổi 2019 trong đó lồng ghép nội dung về chủ quyền Biển Đông đối với học sinh cấp II, lồng ghép trong bộ trò chơi đánh chiếm đảo của trẻ em. Trung Quốc cũng thông qua giới chuyên gia, học giả trong nước, Chính phủ Trung Quốc đưa ra những bình luận, bài viết tìm cách bao biện cho “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông và lấp liếm các hành động phi pháp của Chính phủ Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong vụ việc tại Bãi Tư Chính, báo chí Trung Quốc ngang nhiên đổ trách nhiệm cho Việt Nam gây ra vụ việc, rêu rao rằng đây là chủ quyền của Trung Quốc. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Trung Quốc sử dụng các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí (Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Hoàn Cầu, Sina, Sohu, CCTV…) để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về hoạt động bảo vệ “chủ quyền” biển đảo của quân, dân Trung Quốc; mở nhiều trang diễn đàn như diễn đàn quân sự, diễn đàn Nam Hải… chuyên đăng các thông tin liên quan Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, kích động tinh thần dân tộc và tán phát các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc.

Xu hướng chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2020

Nhìn tổng thể, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện nay trong vấn đề Biển Đông, song sẽ chủ động giảm các hoạt động quân sự hóa phi pháp trên các đảo nhân tạo và đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, tập trận, thăm dò khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “mập mờ” về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, không đưa ra các giải thích cụ thể, làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi liên quan yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử”; sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách “nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau.

Trung Quốc cũng sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại mang tính “hòa dịu” hơn với các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc; tiếp tục tăng cường đối thoại và can dự với các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông; tiến hành tham vấn song phương lần thứ 6 và hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông; tăng cường sử dụng “ngoại giao tiền tệ” để mua chuộc, lôi kéo các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông như Malaysia, Lào, Campuchia; tìm cách vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ngăn cản các nước khác công khai ủng hộ phán quyết và phê phán của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những tình huống cụ thể, Trung Quốc cũng sẽ răn đe các nước liên quan, chặn các diễn đàn đa phương đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương do Trung Quốc hậu thuẫn hoặc chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tích cực và chủ động hơn trong việc thúc đẩy đàm phán COC với các nước ASEAN nhằm tạo dựng “uy tín và niềm tin” đối với các nước ASEAN về nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ chủ động thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, nhằm mục tiêu tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải.

Trung Quốc sẽ chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn như “Một vành đai, Một con đường” nhằm “làm dịu” căng thẳng, “mềm hoá” tranh chấp, tránh tạo ra cớ các nước lớn khác can dự. Trung Quốc cũng tranh thủ quá trình mở rộng kết nối hạ tầng của các tỉnh ven biển với bên ngoài, kết hợp với các văn bản nội luật, quy hoạch phát triển mới nhằm từng bước hợp thức hoá cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng trái phép. Song thái độ mềm dịu của Trung Quốc chỉ là tạm thời và phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ và nhu cầu đối ngoại của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa, hoàn thành quá trình quân sự hóa ở Biển Đông; tập trung mọi nguồn lực để phát triển hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển; tích cực nghiên cứu, chế tạo và biên chế thêm nhiều loại khí tài quan trọng cho Hải quân, Cảnh sát biển, Ngư chính, Kiểm ngư; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát ở Biển Đông; tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý, ngụy tạo bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp hàng năm, tích cực điều lực lượng chấp pháp trên biển ngăn chặn, bắt giữ ngư dân các nước ở Biển Đông.

Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác tài nguyên ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên ở các vùng biển trong phạm vi “đường 9 đoạn”, nhất là thúc đẩy quá trình thăm dò, khai thác băng cháy; tìm cách ngăn chặn các nước, nhất là Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí với nước ngoài. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ điều các giàn khoan thăm dò dầu khí như Hải Dương 981, Hải Dương 982… vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị phục vụ hoạt động thăm do, khai thác tài nguyên ở vùng biển sâu.

Nhìn chung, trong năm 2020, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng, chủ yếu là do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp; từng bước hiện thực hóa “đường 9 đoạn”. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chủ động hơn trong các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền ở Biển Đông; tích cực thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải; đẩy nhanh quá trình đàm phán COC nhằm ngăn chặn và hạn chế chỉ trích từ bên ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới