Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ tịch Quốc hội thăm Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus...

Chủ tịch Quốc hội thăm Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus nhằm thúc đẩy quan hệ song phương

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 8-11/12 và Cộng hòa Belarus từ ngày 12-14/12. Chuyến thăm sẽ tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Belarus.

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V.Matvienko, Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga V.Volodin, Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa Belarus Mikhail Myasnikovich, Chủ tịch Viện Đại biểu Belarus Vladimir Andreichenko, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (8/12) đã tới thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus. Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Chuyến thăm nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Liên bang Nga, tiếp nối kết quả chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9/2018); đồng thời cụ thể hóa các Thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước về hợp tác nghị viện. Cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Cộng hòa Belarus nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Belarus và tiếp tục triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa Belarus…

Về quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga, hai nước đã có bề dày lịch sử và mức độ tin cậy chính trị cao, đặc biệt từ sau khi hai bên nâng cấp quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7/2012 nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga càng được củng cố, hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Liên bang Nga luôn là một trong những đối tác quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Việc trao đổi đoàn, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Nga trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh như cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự và Đối thoại Chiến lược quốc phòng Việt Nam – Liên bang Nga. Hai bên đồng quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Quan hệ chính trị Việt – Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hợp tác an ninh – quốc phòng được đẩy mạnh, Việt Nam và Liên bang Nga duy trì Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Liên bang Nga là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, với việc tiếp tục cung cấp các vũ khí và khí tài cho Việt Nam. Hai bên đã tiến hành Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần thứ nhất vào tháng 12/2013, lần thứ hai vào tháng 3/2016, lần thứ ba vào tháng 11/2017 và lần thứ tư vào tháng 12/2018. Hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như: Đối thoại chiến lược Ngoại giao – Quốc phòng – An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng… Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển năng động. Kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017); 9 tháng năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD. Đầu tư của Liên bang Nga tại Việt Nam hiện có 127 dự án với tổng vốn đầu tư trên 950 triệu USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga có 20 dự án với gần 3 tỷ USD, chủ yếu từ các dự án thuộc lĩnh vực khai thác dầu khí, Trung tâm Văn hóa – Thương mại. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước còn nhiều tiềm năng, cần được phát huy tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp. Nhằm tận dụng tối đa những lợi thế và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu mang lại. Thời gian tới, hai bên cần tích cực tháo gỡ các rào cản phi thuế quan, đặc biệt đối với nông, thủy hải sản.

Hợp tác khoa học – công nghệ tiếp tục được duy trì. Hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Hai bên đang triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân. Hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì, tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác.

Cùng với sự phát triển của mối quan giữa hai nước, quan hệ hai Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Liên bang Nga không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Hợp tác nghị viện là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam – Liên bang Nga. Quan hệ hợp tác giữa hai bên thời gian qua đang phát triển tốt đẹp trên cả song phương và đa phương. Tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế như IPU, MSEAP, AIPA, Nghị sỹ Quốc hội hai nước duy trì tiếp xúc bên lề, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm. Tromg chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Duma Quốc gia, Quốc hội liên bang, Liên bang Nga vào tháng 12/2018, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và Duma Quốc gia Liên bang Nga. Đây là hình thức hợp tác đầu tiên và cao nhất giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp của một quốc gia khác. Việc thành lập ủy ban, tạo ra nền tảng lập pháp mới này không chỉ tạo động lực thúc đẩy hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực mà còn đưa mối quan hệ lên tầm cao mới và đưa quan điểm của hai nước gần nhau hơn. Tại chuyến thăm chính thức Liên bang Nga này, sẽ diễn ra phiên họp lần thứ nhất Ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Liên bang Nga.

Về quan hệ Việt Nam – Belarus, sau 27 năm (1992 – 2019) kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Belarus đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội. Giữa hai nước đã đạt được sự tin cậy cao trong đối thoại chính trị và luôn phối hợp hành động hiệu quả trên vũ đài chính trị quốc tế, bởi hai nước có những quan điểm chung trong hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng. Trong hai năm gần đây, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã tạo nên một xung lực mới trong phát triển quan hệ song phương. Belarus coi hợp tác với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Belarus tại châu Á và hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Belarus đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, đất nước với vị thế không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống của Belarus tại Đông – Nam Á. Ngoại trừ vị trí địa lý xa xôi và sự cạnh tranh không thể tránh khỏi từ các nước thứ ba, Việt Nam và Belarus không gặp những yếu tố khó khăn nào trong mở rộng quan hệ kinh tế, bởi nền kinh tế của hai nước luôn bổ sung cho nhau. Trong 10 năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn ba lần, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nền kinh tế đang phát triển năng động. Hiện nay, Belarus quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu sang Việt Nam phân bón Kali, sản phẩm từ lâu đã được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng; các loại lốp xe có kích thước lớn, động cơ, sản phẩm công nghiệp điện tử, cùng các sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao khác. Đồng thời, nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam đã trở nên gần gũi trong đời sống hằng ngày của người tiêu dùng Belarus, như quần áo, giày dép, hải sản, chè, cà-phê, lạc, gia vị… Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực từ tháng 10/2016 đã mở ra những triển vọng mới trong quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Belarus. Để tăng cường sự hợp tác song phương, hai bên cần chuyển dịch phương thức hợp tác từ hợp tác thương mại thuần túy sang hợp tác liên kết công nghiệp. Các công ty Việt Nam nên tận dụng những tiềm năng từ cơ sở hạ tầng hiện đại và sự sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ của Belarus để gia nhập thị trường EAEU và các nước Đông Âu. Hiện kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Belarus đạt gần 60 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2019, tăng trên 150% so với cùng kỳ năm ngoái và cả năm con số này kỳ vọng sẽ đạt hơn 200 triệu USD và tiến tới con số 500 triệu USD vào năm 2020.

Không những vậy, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng cũng là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus Ravkov Andrei Alekseevich tháng 11/2018, hai bên nhất trí trong thời gian tới duy trì trao đổi đoàn quân sự các cấp, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi bên, như: Trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm giữa quân đội hai nước, đào tạo, truyền thông quân sự, khoa học quân sự, giao lưu thi đấu thể thao quân sự, địa hình quân sự.

Hiện nay, Nga và Belarus là hai trong số 3 thành viên của Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan). Việt Nam là nước đầu tiên và là nước ngoài duy nhất cho tới thời điểm này tiến hành đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại với Liên minh Hải quan.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Nga, Belarus chia sẻ lập trường gần gũi, tương đồng trong nhiều vấn đề như việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, trật tự thế giới, vai trò của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, liên kết khu vực. Lãnh đạo ta và hai nước bạn đều nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các tranh chấp tại châu Á-Thái Bình Dương, ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).

Quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Belarus đang phát triển tốt đẹp trên cơ sở kế thừa mối quan hệ hữu nghị vốn có với Liên Xô trước. Đây là điểm tựa để chúng ta tin rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga và quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Belarus ngày càng thêm sâu sắc, bền chặt.

RELATED ARTICLES

Tin mới