Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDoanh nghiệp nhà nước và các công trình dân sự phi pháp...

Doanh nghiệp nhà nước và các công trình dân sự phi pháp của TQ ở Biển Đông

Có thể nói, các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc là một trong những lực lượng quan trọng trong việc hỗ trợ Chính quyền củng cố yêu sách “chủ quyền” trái phép ở Biển Đông.

Điểm mặt những công trình núp bóng dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông

Về quản lý hành chính, Bắc Kinh cũng ngang nhiên xây dựng, đưa vào sử dụng “Đồn giam giữ và Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa”. Trung Quốc (25/7/2015) tiến hành xây dựng trái phép công trình Đồn giam giữ và Trung tâm phòng ngự liên hợp cho “thành phố Tam Sa”. Công trình Đồn giam giữ được xây dựng tòa nhà 3 tầng với tổng diện tích 1.498 m2, sau khi xây dựng xong có thể tạm giam cùng lúc 56 người. Chính quyền Tam Sa ngang nhiên nói rằng sẽ sử dụng Đồn giam giữ này để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Giới chức “thành phố Tam Sa” loan tin Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa nhằm nâng cao khả năng phòng thủ cho “thành phố Tam Sa” tại các vùng biển, nâng cao hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trước đó, ngày 23/7/2015, Trung tâm bảo đảm hàng hải Nam Hải thuộc Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cho biết đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng ha cọc tiêu dẫn hướng tạm thời tại cầu tàu tổng hợp đảo Phú Lâm. Trung Quốc còn ngang nhiên mở chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), thành lập và đưa vào sử dụng cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy” trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”…

Về hệ thống năng lượng, Bắc Kinh vận hành trái phép mạng lưới điện cỡ nhỏ phục vụ mục đích dân sự và quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm nhằm cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo ở Biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, mạng lưới điện phi pháp này tăng khả năng cung cấp điện trên đảo, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam với các đảo ở Biển Đông.

Về hệ thống giao thông, vận tải, Trung Quốc đưa vào sử dụng phi pháp một số sân bay trên Biển Đông. Từ năm 2016, Trung Quốc đã kheo khoang nước này sẽ tiến hành các chuyến bay dân sự đến và đi từ đảo Phú Lâm. Hãng Reuters dẫn nguồn báo chí Trung Quốc cho biết, những chuyến bay sẽ đến cái gọi là thành phố Tam Sa (mà Bắc Kinh đơn phương lập ra trái phép) trên đảo Phú Lâm và máy bay cỡ lớn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người có thể được dùng. Hai tàu chở khách và một tàu cảnh sát biển của TQ đã đóng tại “Tam Sa” để phục vụ cho thông tin liên lạc cơ động tại đây. Người phụ trách “Tam Sa” ngụy biện rằng, sân bay ở đây và một ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực. Để đưa sân bay, tàu thuyền đi vào hoạt động dễ dàng, Bắc Kinh đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm, có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi khác.

Không những vậy, Trung Quốc đã xây dựng và vận hành khoảng 5 ngọn hải đăng trên các thực thể do nước này chiếm đóng ở Biển Đông. Theo đó, “Chính quyền thành phố Tam Sa” của Trung Quốc (21/10/2015) ngang ngược tuyên bố việc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Hải Sâm và đảo Duy Mộng thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã hoàn thành thuận lợi và bắt đầu đưa vào sử dụng. Báo chí và quan chức Trung Quốc ngụy biện rằng, hải đăng là cột mốc hàng hải cố định, “có thể hướng dẫn tàu thuyền di chuyển hoặc tránh những khu vực nguy hiểm, thuận tiện lưu thông hàng hải và phục vụ cho nhu cầu của ngư dân trên các đảo”. Cũng trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục xây trái phép thêm 2 ngọn hải đăng nữa trên đá Châu Viên, đá Gạc Ma. Tháng 7/2016, Trung Quốc thông báo đag xây dựng ngọn hải đăng thứ 5 trên bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và sẽ sớm đưa nó vào hoạt động. Theo China Daily, 5 ngọn hải đăng lớn và đa năng này có chiều cao từ 50 đến 55 m, được trang bị các thiết bị đèn xoay lớn, đèn hải đăng rọi xa được 22 hải lý. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng các ngọn hải đăng trên đảo nhân tạo phi pháp nước này bồi lấp trên đá Subi, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đá Subi, Trung Quốc khánh thành ngọn hải đăng xây dựng trái phép trên đá này từ tháng 4/2016. Ngọn hải đăng phi pháp trên đá Subi được Trung Quốc động thổ vào tháng 10/2015. Hải đăng hình trụ tròn, làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài sơn màu trắng với viền màu xanh da trời ở giữa, phần chân gồm hai tầng hình bát giác. Ngọn hải đăng cao 55 m, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý. Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi, với cái cớ bao biện là “phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị” cho tàu thuyền qua lại.

Về hệ thống liên lạc, Trung Quốc đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống liên lạc giữa đảo với đất liền. Công ty điện thoại di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile (7/9/2015), tuyên bố đã hoàn tất lắp ráp kỹ thuật và bắt đầu sử dụng trạm phát sóng cung cấp dịch vụ sóng điện thoại di động 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhờ dịch vụ này, sóng điện thoại di động 4G được bao phủ 07 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trước đó vào tháng 3/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thiết lập kỹ thuật và phủ sóng 4G tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 23/7/2018, Cục quản lý Bưu chính tỉnh Hải Nam ngang nhiên tuyên bố chính thức khai trương dịch vụ chuyển phát nhanh tới “thành phố Tam Sa” qua đường hàng không và dự kiến sẽ nâng tần suất vận chuyển hàng hóa đến đảo Phú Lâm từ 01 chuyến bay/tuần lên ít nhất 01 chuyến bay/ngày.

Về văn hóa, giáo dục, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng và đưa vào sử dụng các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật. Trung Quốc (30/7/2018) khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud… để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp “Ty Nam” lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khai trương và đưa vào sử dụng rạp chiếu phim Ngân Long trên đảo Phú Lâm, xây dựng đài phát thanh khí tượng trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam, đài trên được phát bằng hai ngôn ngữ Anh – Trung; khánh thành rạp chiếu phim. Không những vậy, Trung Quốc còn khai trương trái phép Văn phòng Tân Hoa xã tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Giới chức cái gọi là “thành phố Tam Sa” và Trưởng Đại diện Tân hoa xã tại Phú Lâm đã kéo biển khai trương văn phòng hãng thông tấn này tại Phú Lâm để tăng cường đưa tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông, đánh dấu sự tăng cường hoạt động truyền thông về các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, núp danh cái gọi là “thành phố Tam Sa”, động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, phá vỡ mọi nguyên tắc và thông lệ luật pháp quốc tế.

Về hệ thống giam sát, Trung Quốc cũng triển khai nhiều kế hoạch phi pháp khác để tăng cường khả năng “quản lý và giám sát” ở Biển Đông, cụ thể: Bắc Kinh liên tục phóng nhiều hệ thống vệ tinh giám sát biển, triển khai lắp đặt hệ thống cảm biến dưới nước, lắp đặt hệ thống quan sát dưới đáy biển, xây dựng hệ thống quan trắc hải dương và xây dựng các trạm quan sát môi trường ở Biển Đông. Nhìn bề ngoài thì những kế hoạch trên của Trung Quốc đều phục vụ các mục đích giám sát, bảo vệ môi trường biển và dự đoán, cảnh báo trước thảm họa thiên nhiên. Song trên thực tế, đằng sau những kế hoạch trên là âm mưu nắm quyền kiểm soát trên Biển Đông, nó sẽ giúp Bắc Kinh giám sát hoạt động tàu thuyền, máy bay, thậm chí là tàu ngầm của các nước hoạt động ở Biển Đông. Việc xây dựng, lắp đặt các hệ thống giám sát trên Biển Đông (trên bầu trời, trên mặt nước và dưới đáy biển) của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã hậu thuẫn các doanh nghiệp Nhà nước tăng cường hiện diện, khai thác kinh tế ở Biển Đông, bao gồm một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch, dầu khí, viễn thông… Hầu hết những tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động (phi pháp) ở Biển Đông đều có chung một số đặc điểm sau: Các tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong một môi trường phức tạp và thường không rõ ràng, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong lúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới; Đa phần các khu vực mà tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động chủ yếu nằm trong vùng biển của các nước khác, nói cách khác, đa phần các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đều là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác. Cụ thể:

Du lịch, cơ sở hậu cần, xây dựng: Theo giới chuyên gia, cách thức Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách mà ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới. Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác phi pháp khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bao gồm một số lĩnh vực như du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng. CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich phi pháp đến Hoàng Sa bằng tàu thủy. Theo số liệu của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Hải Nam, từ tháng 4/2013 đến nay, đã có hơn 70.000 người dân Trung Quốc đi du lịch phi pháp tới các đảo, đá ở Biển Đông Hoàng Sa. Không chỉ vậy, các công ty du lịch Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh tại quần đảo Hoàng Sa, và được chính quyền hỗ trợ đáng kể. Các hoạt động kiểu này được cho là có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, nhất là khi các tour du lịch bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Người ta tin rằng việc thúc đẩy nguồn tài nguyên du lịch là cách để Trung Quốc tăng cường chủ quyền và quyền lợi mà họ tuyên bố ở Biển Đông. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng đang tìm cách liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch ở Biển Đông. Tháng 4/2016, Tập đoàn Vận tải Hàng hải COSCO đã khai trương một công ty du lịch hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước khác, cụ thể là China Travel Service Group, và China Communications and Constructions Corp. COSCO tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến Đài Loan và các đảo khác ở các nước láng giềng, một phần của chương trình du lịch văn hóa trong khuôn khổ tham vọng “Con đường Tơ lụa trên Biển” của Trung Quốc.

Thăm dò, khai thác dầu khí: Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã chi 32 tỷ USD cho việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trong 10 năm qua, CNOOC đã có nhiều hoạt động tham dò, khai thác phi pháp ở Biển Đông như: CNOOC (5/2011) đã kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia liên doanh để khai thác dầu khí tại 19 khu vực ngoài khơi Trung Quốc, kể cả tại vùng có tranh chấp với Việt Nam (65/24); CNOOC (6/2012) đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu trái phép 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); CNOOC (8/2012) lại mời thầu thăm dò, khai thác 22 lô dầu khí ở Biển Đông; CNOOC (25/2/2016) thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông…

Năng lượng: Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển từ những năm đầu của Thế kỷ 21. Được biết, Công ty Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (8/2017) thông báo góp vốn cùng Tập đoàn Quốc Thịnh Thượng Hải, Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam, Công ty Điện khí Thượng Hải và Công ty Điện Triết năng Triết Giang thành lập “Công ty TNHH phát triển năng lượng hạt nhân trên biển”. Công ty trên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh và quản lý trang bị năng lượng hạt nhân biển. Đây có thể là bước đệm để các công ty Trung Quốc thúc đẩy chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi và đưa ra hoạt động ở khu vực Biển Đông. Trong một diễn biến liên quan, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, Quảng Đông, Hồ Bắc, Bột Hải… Theo các cơ quan năng lượng Trung Quốc, tổng công suất tua bin điện gió mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển đạt trên 1.000 MW. Không những vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc còn đang nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo xa bờ.

Viễn thông: Tập đoàn China Telecom, China Mobile Communications của Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 8 trạm phát sóng 4G phi pháp trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mỗi trạm như vậy có tốc độ download dữ liệu đạt 1 Mb/giây. Những Tập đoàn trên cũng hoàn thành phủ sóng phi pháp 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây, đảo Bắc, đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa.

Trung Quốc vi phạm luật

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Do đó, việc Trung Quốc xây dựng các công trình dân sự hay cải tạo phi pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đi ngược lại các quy định luật pháp quốc tế hiện hành, cụ thể là Điều 60 và 80 của UNCLOS. Không những vậy, Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.

Trung Quốc còn vi phạm UNCLOS. Theo đó, Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng các công trình dân sự ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định Điều 87 UNCLOS, liên quan việc “tôn trọng hợp lý”.Việc hưởng quyền xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia không nên ảnh hưởng bất hợp lý đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác cũng như cả cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong các điều khoản liên quan của UNCLOS, nó chỉ ra rằng khi một quốc gia ven biển thiết lập vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo, cần đảm bảo rằng khu vực này liên quan một cách hợp lý đến bản chất và chức năng của hòn đảo nhân tạo ấy, và cũng cần phải đưa ra thông báo về phạm vi của vùng an toàn. Hơn nữa, “đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo cùng với các vùng an toàn bao quanh chúng có thể không được thiết lập nếu chúng ảnh hưởng đến việc sử dụng các tuyến đường biển đã được công nhận thiết yếu đối với đường biển quốc tế”. 

Ngoài ra, hoạt động xây dựng các công trình dân sự của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đi ngược lại DOC, nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam – Trung Quốc đã ký kết.

Vì vậy, Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS cũng như DOC, không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới