Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm danh một số loại vũ khí trang bị trên tàu ngầm...

Điểm danh một số loại vũ khí trang bị trên tàu ngầm của các nước

Với sự phổ biến và ngày càng mở rộng của các mối đe dọa, tàu ngầm cũng liên tục được phát triển, trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn, các hệ thống cảm biến nhạy hơn nhằm tăng cường sức mạnh hỏa lực cũng như năng lực giám sát, phát hiện và chỉ thị mục tiêu chính xác cho vũ khí. Về truyền thống, ngư lôi vẫn là vũ khí chủ yếu của tàu ngầm nhưng hiện nay tàu ngầm cũng đã được trang bị thêm các hệ thống tên lửa và các hệ thống vũ khí hiện đại khác.

Tên lửa đạn đạo Cự Lãng của Trung Quốc

Tên lửa JL-3 là một loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, dự kiến sẽ được dùng để trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân thế hệ tiếp theo của Trung Quốc. Tên lửa được xác định có tầm bắn vào khoảng 12 đến 14.000 km và có thể mang theo 10 đầu đạn cùng lúc. Được biết, tên lửa JL-3 sẽ được dành cho các tàu ngầm thuộc lớp Type 096, một loại tàu chạy bằng hạt nhân dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối thập niên 2020. Mỗi tàu Type-096 có thể mang tới 24 tên lửa JL-3, đủ sức đe dọa gần như toàn bộ khu vực Bắc Mỹ mà không cần rời vùng biển gần Trung Quốc. Lớp tàu ngầm này dự kiến sẽ được biên chế trong thập niên 2020, tăng cường đáng kể năng lực răn đe hạt nhân của Bắc Kinh. Dòng tên lửa JL hay Julang (Cự Lang) có nghĩa là “sóng lớn” trong tiếng Trung, là các tên lửa đạn đạo được thiết kế dành cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, là một phần chiến lược của quân đội Trung Quốc trong việc mở rộng khả năng ngăn chặn bằng hạt nhân từ trên bờ tới ngoài khơi.

Việc phát triển tên lửa đạn đạo mới JL-3 cho tàu ngầm ở Trung Quốc đã được biết đến trong nhiều năm trước đây. Người ta cho rằng loại tên lửa này sẽ được sử dụng để trang bị cho tàu ngầm tên lửa hạt nhân tương lai thuộc dự án 096. Dự án này cũng được giới truyền thông Trung Quốc thừa nhận. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đang sở hữu đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược (mang tên lửa đạn đạo liên lục địa) gồm bốn chiếc thuộc dự án 094/094G, được trang bị tên lửa đạn đạo 3 tầng nhiên liệu rắn Cự Lang 2 (JL-2) – loại tên lửa cũng được coi là mới phát triển thành công. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xuất hiện một tổ hợp các tàu ngầm thuộc lực lượng hạt nhân chiến lược thực sự có khả năng hoạt động tác chiến, bởi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 được đưa vào biên chế trong những năm 1980 có lẽ mới chỉ là tàu ngầm thử nghiệm công nghệ.

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc tìm mọi cách phát triển JL-3 là do: (1) Tên lửa đạn đạo JL-2 thiếu tin cậy. Cho dù trên thực tế, JL-2 có tầm phóng khá lớn (được cho là khoảng từ 7.400-8.000 km), nhưng khả năng sử dụng nó để ngăn chặn Mỹ vẫn còn hạn chế, bởi độ tin cậy và khả năng dẫn đường của JL-2 bị giới chuyên gia đánh giá là quá kém. Thêm vào đó, công nghệ nén nhiên liệu của Trung Quốc còn hạn chế nên kích thước và trọng lượng của tên lửa quá lớn. Việc thử nghiệm JL-2 là một quá trình dài, kèm theo nhiều thất bại và chậm trễ. Một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng đến mức nó suýt dẫn đến thảm họa đánh chìm tàu ngầm phóng thử khi nó rơi ngược trở xuống làm tàu hỏng nặng. Chương trình JL-2 chỉ đạt được bước đột phá và vượt qua khủng hoảng vào năm 2012. Tuy nhiên, giới quân sự nước này không hề đặt trọn sự tin tưởng vào loại tên lửa đạn đạo này. (2) Tầm phóng của JL-2 quá ngắn. Căn cứ và khu vực tác chiến của tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trung Quốc nằm trong khu vực Biển Đông. Đây là khu vực thích hợp nhất để tuần tra các vùng biển gần Trung Quốc. Đối với những loại tàu này, lối ra Thái Bình Dương từ các vùng biển ven bờ sẽ là một vấn đề nan giải khi tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải vượt qua những eo biển hẹp nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng tác chiến chống ngầm rất mạnh của Mỹ và Nhật Bản. Theo chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Lý Kiệt, năng lực phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể một khi tên lửa JL-3 đạt tới tầm bắn thiết kế. Bên cạnh đó, các ICBM phóng từ trên mặt đất của Trung Quốc có tầm bắn 12.000 km. Với tầm bắn này, tên lửa Trung Quốc có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Mỹ chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Ông Lý Kiệt cho rằng, nếu Trung Quốc có thể cải tiến khả năng tấn công của JL-3, Bắc Kinh sẽ nắm thêm ưu thế mặc cả trong các vấn đề quân sự, chính trị và kinh tế.

Ngư lôi của Mỹ, Anh và Nga

Ngư lôi hạng nặng Mk-48 của Lockheed Martin đã được Hải quân Mỹ (USN) đưa vào trang bị từ năm 1972 và cho tới nay vẫn được coi là vũ khí chống tàu mặt nước (ASuW) và chống ngầm (ASW) chủ yếu của các tàu ngầm tấn công của Mỹ. Ngư lôi này được tối ưu tính năng tấn công các nhóm tàu mặt nước chủ lực cũng như các tàu ngầm có độ ồn thấp, khả năng lặn sâu bao gồm cả các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Ngư lôi Mk-48 hiện nay đang được trang bị trên các tàu ngầm của Mỹ là loại Mk-48 ADCAP (tính năng tăng cường) nặng 1.600 kg và được phóng từ một ống phóng tiêu chuẩn 21 inch giống như hầu hết các loại ngư lôi hạng nặng khác. USN cho biết, ngư lôi này có tốc độ trên 28 kt, tầm hoạt động trên 5 hải lý, có thể tác chiến ở độ sau trên 366 m. Ngư lôi Mk-48 có chế độ điều khiển bằng dây hoặc có thể hoạt động theo chế độ phóng-quyên. Ngư lôi cũng được trang bị một ngòi nổ cận đích để xác định thời điểm kích nổ tối ưu. Đầu đạn 295 kg được thiết kế kích nổ phía dưới sống tàu nhằm phá vỡ cấu trúc phần của tàu. Ngư lôi này vẫn tiếp tục được nâng cấp nhằm nâng cao tính năng tác chiến và đủ năng lực vượt qua các biện pháp đối phó của đối phương. Phiên bản Mk-48 Mod 6 ra mắt vào năm 2009 có thể nhận các quá trình cập nhật phần mềm từ xa ngoài biển. Phiên bản mới nhất Mk-48 Mod 7 CBASS (Hệ thống cảm biến tiên tiến băng rộng thông dụng) được hợp tác phát triển với Hải quân Hoàng gia Ôxtralia, được tối ưu hóa cho cả các nhiệm vụ tác chiến tại các vùng biển sâu và vùng ven bờ và có các năng lực đối kháng điện tử tiên tiến. Các thành phần then chốt của quá trình nâng cấp bao gồm một máy thu cảm biến tín hiệu tương tự băng rộng và một hệ thống điều khiển và quan sát số hóa tiên tiến. Dải thông của sonar tăng lên giúp nâng cao khả năng theo dõi và bám sát các mục tiêu tàu mặt nước và tàu ngầm có tính năng cao, tín hiệu thủy âm nhỏ.

Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng ngư lôi hạng nặng SpearFish do BAE Systems phát triển từ năm 1988. Ngư lôi có một đường truyền lệnh điều khiển bằng dây cho phép cập nhật nhận thức tình huống, trao đổi dữ liệu cố định trong khi tấn công, tầm tác chiến 30 hải lý. Ngư lôi có độ ồn rất thấp khi ở tốc độ thấp, cho phép tiến hành một giai đoạn tiếp cận tàng hình sử dụng các cảm biến thụ động, sau đó tăng tốc với tốc độ tấn công tối đa là 61 kt sử dụng cảm biến chủ động. Theo BAE Systems, thiết bị xử lý tín hiệu phức tạp và truyền phát năng lượng cao giúp SpearFish phân biệt các mục tiêu một cách chính xác từ nền nhiễu tạp, và bảo đảm khả năng chịu đựng các biện pháp đối phó thủy âm hoặc cơ động lẩn tránh của đối phương. SpearFish sẽ tự động tính toán khả năng tấn công thứ hai nếu ngư lôi bỏ lỡ mục tiêu ở lần tấn công thứ nhất. Hiện tại BAE Systems đang tiến hành phát triển các thiết bị nâng cấp chính cho SpearFish để đưa vào trang bị năm 2020. Những nâng cấp sẽ bao gồm một đầu đạn trơ mới, đường truyền cáp sợi quang băng tần cao hơn kết nối giữa tàu ngầm và ngư lôi, những cải tiến nâng cao về an toàn cho hệ thống nhiên liệu. Quá trình cập nhật dữ liệu và phần mềm cho các hệ thống dẫn đường và thủy âm có thể  được thực hiện theo phương thức không dây “qua vỏ ngư lôi”, bảo đảm rằng những đặc trưng mới nhất về mối đe dọa có thể được truyền tức thời mà không cần mở vũ khí.

Trong khi đó, Hải quân Nga sử dụng loại ngư lôi mới mang tên Fuzik-2 hoặc Futlyar được cho là có tầm tác chiến 30 hải lý, tốc độ tối đa từ 50- 60 kt. Nga cũng tự hào là nước sở hữu ngư lôi nhanh nhất thế giới, ngư lôi siêu sủi bọt Shkval-2 có thể đạt tốc độ 200 kt. Những chi tiết về loại ngư lôi này vẫn được giữ kín nhưng các chuyên gia cho rằng Shkval-2 sử dụng động cơ điều chỉnh lực đẩy véc tơ, và vì thế đạt được khả năng cơ động siêu việt so với các ngư lôi Shkval nguyên thủy chỉ có tầm tác chiến tối đa dưới 9 hải lý. Loại ngư lôi 21 inch này được phóng từ các ống phóng ngư lôi thông thường, và hiện nay được cho rằng đang triển khai trên các tàu ngầm lớp Kilo và Yasen. Nga cũng mong muốn là quốc gia sở hữu ngư lôi có tầm tác chiến xa nhất. Năm 2015, Nga đã tiết lộ các thông tin về quá trình phát triển ngư lôi “Status 6” hay lớp ngư lôi mang tải trọng hạt nhân Kanyon, chính xác hơn đây là một phương tiện không người điều khiển phóng từ tàu ngầm, khẳng định rằng có tầm tác chiến 6.000 hải lý và độ sâu tác chiến 1.000 m. Ngư lôi có đường kính 1,6 m, dài 24 m, có thể được trang bị trên lớp tàu Khabarovsk mới, loại tàu ngầm có khối phóng ngư lôi 39 inch gồm 6 ống phóng ở giữa tàu.

Tên lửa chống tàu và tấn công đất liền

Các tàu ngầm tấn công còn có thể mang theo nhiều loại tên lửa chống tàu, tấn công đất liền và thậm chí là tên lửa phòng không. Tùy thuộc vào lớp tàu ngầm mà các tên lửa có thể được bố trí trong các khoang chuyên dụng bố trí phía thân trên của tàu, hoặc có thể được bố trí trong các ống phóng và phóng qua các ống phóng ngư lôi. Các lớp tàu ngầm tấn công của USN được trang bị các hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) mang theo các tên lửa hành trình Tomahawk tấn công đất liền (TLAM). Một biến thể tên lửa hành trình phóng qua ống phóng ngư lôi đường kính 21 inch đã được Mỹ bán cho Hải quân Anh vào năm 2008. Tùy thuộc vào biến thể, tầm bắn của các TLAM có thể là 700 hoặc 900 hải lý, với tốc độ hành trình 475 kt. Tên lửa được dẫn đường theo các gói thiết bị tùy chọn như GPS, INS, bám sát địa hình (TERCOM) và đối chiếu tương hợp địa hình kỹ thuật số (DSMAC). Hiện tại, tên lửa Tomahawk đang được chế tạo theo cấu hình TLAM-E Block IV, được bổ xung thêm tính năng tái lập trình trong khi bay thông qua đường truyền thông tin vệ tinh hai chiều để tấn công bất kỳ mục tiêu nào trong 15 mục tiêu đã được lập trình trước hoặc đổi hướng tên lửa sang bất kỳ tọa độ mục tiêu nào theo chỉ thị của GPS. Các biến thể TLAM-C và TLAM-C mang theo một đầu đạn nguyên khối nổ phá mạnh nặng 455 kg, còn biến thể TLAM-D mang theo các đầu đạn con. Hiện nay USN đang phát triển một tên lửa Tomahawk tấn công hải quân  và sử dụng như một vũ khí ASuW tầm xa; vũ khí này sẽ đạt được năng lực tác chiến ban đầu (IOC) với các tàu chiến đấu mặt nước vào năm 2021, sau đó sẽ được triển khai cho các tàu ngầm.

Đối với Nga, các tên lửa hành trình chống tàu P-800 Oniks của họ có thể triển khai trên các lớp tàu ngầm Yasen và Oscar, có tầm bắn tối đa 320 hải lý. Loại tên lửa phóng và quyên này có thể được lập trình cho toàn bộ quá trình bay trong chế độ bay “lướt trên mặt biển” hoặc sử dụng lựa chọn bay quỹ đạo cao thời điểm ban đầu lên tới độ cao từ 10.000 đến 14.000 m. Hệ thống dẫn đường INS cho giai đoạn bay giữa quỹ đạo được thay thế bằng ra đa thụ động và chủ động trong quá trình tấn công, ra đa có khả năng đối kháng điện tử cao. Đầu đạn bán xuyên giáp nặng 250 kg được lắp ngòi nổ giữ chậm đảm bảo cho quá trình kích nổ phía bên trong thân của mục tiêu. Tên lửa 3M54 Kalibr được Nga cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 2012 có tính linh hoạt cao hơn. Nó có thể được triển khai trên các tàu ngầm tấn công lớp Akula, Kilo, Lada và Yasen, và sẽ thay thế cho các tên lửa hành trình P-700 trên lớp tàu Antey khi các tàu ngầm lớp này bước vào giai đoạn đại tu. Tên lửa Kalibr có kích thước nhỏ hơn so với tên lửa P-700, giúp cho mỗi tàu ngầm có thể mang theo một số lượng tên lửa lớn hơn. Các biến thể phóng từ tàu ngầm của họ tên lửa Kalibr bao gồm biến thể ASuW 3M54K và biến thể tấn công đất liền 3M14K. Tên lửa 3M54K mang theo đầu đạn nặng 200 kg, tầm bắn 240-350 hải lý, tốc độ hành trình cận âm và tốc độ giai đoạn cuối đạt 2,9 Mach, cả hai biến thể tên lửa này đều được phóng qua các ống phóng ngư lôi. Giai đoạn tiếp cận mục tiêu sẽ bay theo chế độ lướt trên mặt biển với độ cao từ 4-5 m so với mặt biển. Còn tên lửa 3M14K sử dụng đầu đạn nặng 450 kg, tầm bắn 1.350 hải lý và có tốc độ giai đoạn cuối dưới âm.

Trong khi đó, Tập đoàn MBDA của Pháp cũng phát triển một phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa chống tàu Exocet của Pháp mang tên SM39. Trong khi tầm bắn của tên lửa Exocet chỉ 27 hải lý nhưng nó có độ chính xác và khả năng sát thương cao. Tên lửa này được đặt trong một thùng phóng kín có điều khiển và tự hành phóng qua ống phóng ngư lôi. Trước khi nổi lên mặt nước, thùng phóng sẽ bơi ra xa khu vực tàu ngầm phóng nhằm tránh bộc lộ vị trí của tàu ngầm. Ngay sau khi vượt lên mặt nước khoảng 1 m tên lửa sẽ được phóng ra khỏi vỏ tiếp cận mục tiêu. Điều này giúp cho tên lửa không thể bị phát hiện trước khi nó tiến vào khu vực cách mục tiêu trong vòng 6.000 m, khiến mục tiêu không có đủ thời gian để phản ứng. Tên lửa được trang bị một hệ thống dẫn đường bằng tần số vô tuyến chủ động, và thường tấn công mục tiêu ngay gần đường mép nước nhằm tối đa khả năng phá hủy, đầu đạn của tên lửa được trang bị một ngòi nổ giữ chậm giúp kích nổ bên trong thân mục tiêu. Ý định của Pháp muốn thay thế họ các tên lửa phóng từ tàu ngầm và tàu nổi Exocet bằng tên lửa hành trình tàng hình Perseus- hợp tác phát triển với Anh và sẽ đưa vào trang bị trong những năm 2030. Perseus sẽ mang tới 3 đầu đạn và sẽ có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Các ra đa khẩu độ mở tổng hợp và ra đa lade (LIDAR) trên tên lửa sẽ đem lại các năng lực bám sát mục tiêu tiên tiến; một đường truyền dữ liệu vệ tinh sẽ giúp tên lửa có thể tái bám sát mục tiêu trong quá trình bay.

RELATED ARTICLES

Tin mới