Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng Việt Nam - Australia...

Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng Việt Nam – Australia lần thứ 7: Quan ngại sâu sắc về an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông

Tại Đối thoại, hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc về an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông thời gian qua và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì trật tự dựa trên luật lệ, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Ngày 10/12, Việt Nam và Australia đã tổ chức Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng lần thứ 7 tại Thủ đô Canberra của Australia. Tham dự Đối thoại có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Chuẩn Đô đốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Richard Maude và Thứ trưởng Quốc phòng Australia Peter Tesch.

Tại Đối thoại, hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Australia trong năm 2019; cho biết hai bên cũng đã triển khai 20 cơ chế hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, tổ chức thành công Đối thoại cấp Bộ trưởng kinh tế lần đầu tiên với mục tiêu đưa hai bên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư song phương, duy trì ODA của Australia dành cho Việt Nam ở mức cao… Hai bên nhất trí sớm xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020 – 2023, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực then chốt như hỗ trợ đào tạo và huấn luyện, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; xem xét thuận lợi các đề nghị mở cửa thị trường với các mặt hàng nông thủy sản mỗi nước và dành ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng như khoa học, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân…

Về tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, trong đó ưu tiên Liên Hợp Quốc và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và đặc biệt trong nhiệm kỳ Việt Nam là Thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2020-2021). Hai bên nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ASEAN thông qua Tài liệu Tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vừa qua, góp phần bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và trong tất cả các sáng kiến, chiến lược do các nước khởi xướng. Hai bên bày tỏ mong muốn các quốc gia liên quan cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN bằng các hành động thiết thực, cụ thể; nhấn mạnh ý nghĩa của quan hệ đối tác chiến lược và sự tin cậy lẫn nhau chưa từng có giữa ASEAN và Australia. Hai bên cũng bày tỏ lo ngại trước các thách thức đang nổi lên như chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, an ninh năng lượng, biến đối khí hậu…, qua đó, nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương cũng như song phương nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của các thách thức này.

Liên quan vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc về an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông thời gian qua và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì trật tự dựa trên luật lệ, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, ủng hộ thực hiện nghiêm túc, đẩy đủ DOC và việc ASEAN và Trung Quốc sớm kết thúc đàm phán, đạt được COC thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Trước đó, tại Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng lần 6 (10/10/2018), hai bên hài lòng ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong quan hệ song phương, nhất là từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược tháng 3/2018, đồng thời tái khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn các cấp; tăng cường hợp tác kinh tế trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng của mỗi nước và tận dụng các liên kết kinh tế đang phát triển ở khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đẩy mạnh triển khai các cơ chế mới được hình thành trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược về ngoại giao, quốc phòng, kinh tế nhằm tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời trao đổi, thống nhất về các vấn đề chiến lược khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cũng nhấn mạnh việc dành ưu tiên cho các hợp tác có tác động tích cực, trực tiếp đến giao lưu nhân dân, giáo dục, lao động, du lịch, văn hóa, thể thao… Hai bên nhất trí đánh giá châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác quan trọng trên thế giới do có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, an ninh quan trọng hàng đầu thế giới; là nơi tập trung 2/3 cơ chế liên kết kinh tế trên thế giới cũng như các sáng kiến mới của các nước tại khu vực. Hai bên hoan nghênh các nỗ lực chung của các nước trong và ngoài khu vực nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; nhất trí củng cố và đẩy mạnh hợp tác tại các tổ chức khu vực như ASEAN, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn An ninh Biển ASEAN mở rộng (EAMF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Tại Đối thoại, Australia tái khẳng định tiếp tục hợp tác chặt với ASEAN, ủng hộ những nỗ lực của ASEAN trong việc củng cố đoàn kết nội khối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Hai bên cũng bày tỏ lo ngại trước các thách thức đang nổi lên, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước…. ; nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương cũng như song phương nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của các thách thức này.

Về tình hình gần đây ở Biển Đông, hai bên đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; nhấn mạnh việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới