Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMaldives chật vật tìm cách thoát bẫy nợ TQ

Maldives chật vật tìm cách thoát bẫy nợ TQ

Chính quyền mới của Maldives đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhằm tái cơ cấu món nợ khổng lồ trị giá 1,4 tỷ USD với Trung Quốc.

 

 

 

Theo SCMP, Maldives đang gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay.

“Các khoản vay của chính quyền tiền nhiệm là vô lý và đẩy chúng tôi vào thế khó khăn”, Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid cho biết.

Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Abdulla Yameen đã phụ thuộc rất lớn vào các khoản hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh. Đổi lại, các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Maldives được triển khai với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Nhiều nguồn tin thân cận với chính phủ Maldives cho biết gần như toàn bộ các dự án được thực hiện với các điều khoản bí mật, không thông qua đấu thầu cùng mức giá thổi phồng gấp nhiều lần.

Cuối tháng trước, cựu Tổng thống Yameen đã bị kết án 5 năm tù và phải nộp phạt 5 triệu USD vì tội danh tham nhũng.

Hồi tháng 9/2019, trong cuộc gặp với người đồng cấp từ Maldives của mình, ông Abdulla Shahid, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phủ nhận Maldives bị mắc kẹt trong bẫy nợ của Trung Quốc.

“Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Maldives là nhằm nâng cao đời sống của người dân Maldives, không đi kèm mưu đồ chính trị và không nhằm đạt được lợi ích địa chính trị”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói.

Ngoài ra, ông Vương còn cho biết thêm Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Maldives mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào về mặt chính trị, cũng như không can thiệp vào vấn đề nội bộ của quốc đảo này.

Các quốc gia phương Tây từ lâu cáo buộc Trung Quốc cố tình đẩy các quốc gia đang phát triển, yếu thế hơn vào những bẫy nợ không bền vững, không có khả năng thanh toán được. Những nước này cho rằng đây là cách Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình.

Một trong những quốc gia mắc vào bẫy nợ của Trung Quốc là Sri Lanka. Chính quyền tiền nhiệm của nước này từng thông qua hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm  để đổi lấy khoản tiền lên đến 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hợp đồng này bị xem là gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Sri Lanka.

Hiện chính quyền của Tổng thống  Gotabaya Rajapaksa đang muốn dừng hợp đồng cho thuê cảng nói trên và sẽ trả lại khoản vay cho Trung Quốc theo đúng hạn như cách chính phủ nước này đã đồng ý ban đầu mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều này khó khả thi. Theo bà Smruti Pattanaik, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phòng vệ và phân tích ở New Delhi – Ấn Độ: “Đây là thỏa thuận có liên quan vấn đề chủ quyền và không có khả năng nó bị hủy bỏ hoặc thay thế theo một cách đáng kể nào. Trung Quốc có thể xem xét lại một số điều khoản nếu điều đó quan trọng đối với chính quyền ông Rajapaksa”.

Trong khi đó, ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi, cho hay: “Sri Lanka sẽ phải đưa ra một hợp đồng tương tự, nếu không muốn nói là hấp dẫn hơn về mặt tài chính để Bắc Kinh đồng ý hủy bỏ hợp đồng thuê cảng Hambantota”.

Về phần mình, Trung Quốc đến nay vẫn bác bỏ những lo ngại về việc nước này có bất kỳ mục tiêu quân sự nào đối với khoản đầu tư vào cảng Hambantota, nằm trên các tuyến vận chuyển chính giữa châu Á và châu Âu. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng hợp đồng này mang lại lợi ích cho hai bên và sẽ hỗ trợ nền kinh tế Sri Lanka.

RELATED ARTICLES

Tin mới