Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nội dung nổi bật tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại...

Một số nội dung nổi bật tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 của Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) tại Tây Ban Nha

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 của Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) khai mạc tại Cung điện Hoàng gia El Prado ở Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha (16/12), thu hút sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và trưởng đoàn của 53 thành viên ASEM (gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và EU) cùng Ban Thư ký của ASEAN. Hội nghị lần này thảo luận về hàng loạt vấn đề kinh tế, chính trị nóng hiện nay, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Lập trường, quan điểm và sáng kiến của các nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại diện Cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã nêu bật vị thế của ASEM là cơ chế hợp tác quan trọng hàng đầu giữa hai châu lục, đi đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Cùng hợp tác vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả”, hội nghị lần này đề ra những biện pháp cụ thể để tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác Á-Âu trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác. Trong các phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn các nước điều phối hiện tại là Singapore, Phần Lan và Nga đều nhấn mạnh nhu cầu cấp bách đẩy mạnh hợp tác đa phương để ứng phó với các thách thức toàn cầu. Nhà vua Tây Ban Nha cho rằng, ASEM cần đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và hiệu quả hợp tác, đi đôi với duy trì giá trị cốt lõi và nguyên tắc cơ bản của Diễn đàn, qua đó khẳng định vai trò không thể thiếu của ASEM trong cục diện đang thay đổi nhanh chóng. Các bộ trưởng ngoại giao cũng lắng nghe đại diện thanh niên Á-Âu trình bày những đề xuất nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu.

Dưới sự chủ trì của ông Josep Borrell, các bộ trưởng đã tiến hành phiên họp toàn thể đầu tiên về “Tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương – thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM về các vấn đề toàn cầu”. Các bộ trưởng khẳng định, ASEM cần phát huy vai trò nền tảng thúc đẩy hệ thống đa phương, củng cố hệ thống thương mại đa phương, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó cấp thiết là giải quyết bế tắc của Cơ quan phúc thẩm WTO và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 tại Kazakhstan tháng 6/2020. Hội nghị cũng nhất trí nhiều biện pháp tăng cường hợp tác ASEM ứng phó với các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, giảm chất thải nhựa ra đại dương…

Kết thúc Hội nghị, các nước đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch, khẳng định quyết tâm của các thành viên ASEM tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả, hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa hai châu lục, đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới. Thành công của hội nghị đã tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác năng động và gắn kết Á-Âu, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ASEM trong thế giơi đang chuyển đổi.

Đề xuất, sáng kiến của Việt Nam

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh là một trong những bộ trưởng đầu tiên, đại diện của ASEAN phát biểu tại hội nghị. Phó Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, các cơ chế hợp tác đa phương với trung tâm là Liên hợp quốc đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong 75 năm qua. Trước thềm thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt với những chuyển đổi sâu sắc và không thể đảo ngược của thời đại số, với những tiềm năng to lớn cho hòa bình và phát triển bền vững. Song, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức chưa từng có, nhất là cạnh tranh và đối đầu gay gắt, tranh chấp thương mại gia tăng, tâm lý chống toàn cầu hóa, khác biệt về hệ thống thương mại đa phương, tác động sâu rộng của rủi ro công nghệ số, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, sự chững lại của tăng trưởng kinh tế và thương mại, các thói quen không bền vững về môi trường… Để ASEM tiếp tục đóng vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nâng cao vai trò chiến lược của Diễn đàn trong các thập kỷ tới, Phó Thủ tướng Việt Nam nêu 3 đề xuất quan trọng: Thứ nhất, khẳng định vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đối với quan hệ quốc tế và hợp tác đa phương; cần tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, cơ sở cho quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia. Thứ hai, cần một chương trình nghị sự mới và có tính thời đại cũng như cách tiếp cận tổng thể đối với hợp tác đa phương ở mọi tầng nấc, khu vực, liên khu vực và toàn cầu, trong đó đặt người dân vào trung tâm, chú trọng các vấn đề hòa bình, an ninh truyền thống và phi truyền thống trong kỷ nguyên số; kinh tế số, kết nối, phát triển bền vững và bền vững về môi trường; tự do hóa thương mại và đầu tư và các vấn đề thương mại thế hệ mới; thúc đẩy sự tham gia và đóng góp rộng rãi của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, các tổ chức khu vực và các bên liên quan, trong đó có thanh niên; tiếp tục ưu tiên triển khai Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển và Thoả thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ ba, thúc đẩy cải cách các thể chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc và WTO, nhằm thích ứng với thay đổi thời đại và giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách của người dân; thúc đẩy các cách tiếp cận, các chuẩn mực và khuôn khổ mới nhằm quản trị hiệu quả các vấn đề quan tâm chung thông qua các tiến trình đa phương và sự tham gia, đóng góp của tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng.

Phó Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; nêu bật cam kết mạnh mẽ của Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất, Việt Nam tổ chức “Đối thoại cao cấp ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong kỷ nguyên số” trong năm 2020. Nhiều thành viên ASEM, trong đó có Australia, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italy, Nhật Bản và Na Uy đã ủng hộ và tham gia đồng sáng kiến. Với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương và thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM trong các vấn đề toàn cầu vì hòa bình và phát triển bền vững ở hai khu vực và trên thế giới.

Hội nghị đặc biệt quan tâm, thảo luận về an ninh, an toàn hàng hải và Biển Đông

Hội nghị khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, các hoạt động kinh tế biển không bị cản trở theo quy định luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Các thành viên bày tỏ quan ngại và đề nghị không có các hành động gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng. Các bộ trưởng kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, kiềm chế các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng các tiến trình ngoại giao cũng như quyền của các quốc gia ven biển tại vùng biển của mình, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh về những chuyển biến nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới, với nhiều thách thức gay gắt; luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc có vai trò nền tảng trong xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, thúc đẩy quan hệ bình đẳng và công bằng giữa các quốc gia và giải quyết hiệu quả những thách thức của thời đại. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và bền vững cho các xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, châu Phi, châu Á… Tại Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch nối giao thương Á-Âu và toàn cầu, thời gian qua đã có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Việt Nam và các nước ASEAN cam kết mạnh mẽ tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS; đề nghị không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS . Phó Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh cần cùng nhau thượng tôn pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, xây dựng vùng Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

RELATED ARTICLES

Tin mới