Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam hy vọng TQ ‘tự kềm chế’ ở Biển Đông năm...

Việt Nam hy vọng TQ ‘tự kềm chế’ ở Biển Đông năm 2020

Việt Nam hy vọng Trung Quốc ‘tự kềm chế’ trong năm 2020 không để xảy ra các hoạt động xâm phạm đặc quyền kinh tế và chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông như đã xảy ra năm nay.

Khai thác dầu ở vùng biển tranh chấp luôn căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. (Hình: AP)

Tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương), với sự hộ tống của một đoàn tàu hải cảnh cỡ lớn, đã ngang ngược hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính và các vùng phụ cận, kéo dài từ đầu Tháng Bảy đến giữa Tháng Chín, 2019. Hà Nội một mặt cho tàu cảnh sát biển theo ngó chừng, vừa dùng các kênh ngoại giao, kênh đảng kêu gọi Bắc Kinh kềm chế nhưng không có tác dụng.

“Tôi hy vọng rằng khi chúng tôi nhận chức chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội ASEAN, Trung Quốc sẽ chứng tỏ kềm chế với những hoạt động này,” hãng thông tấn Reuters dẫn lời Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore.

“Những gì Trung Quốc đã làm gây lo lắng và đồng thời như đe dọa không những Việt Nam mà cả những nước khác cũng thấy nguy cơ bị đe dọa trong tương lai,” lời ông Dũng trên bản tin Reuters.

Sau khi bị Tòa Án Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, hồi Tháng Bảy, 2016, bác bỏ tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông theo chín cái vạch nối lại giống như hình “lưỡi bò,” Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía Nam, giở giọng nói càn rằng phần lớn Biển Đông là của “tổ tiên” để lại từ ngàn xưa.

Mặt khác, Bắc Kinh mua chuộc một số nước ASEAN gây chia rẽ nội bộ khối này mỗi khi có cuộc họp nào về Biển Đông. Cũng vì vậy, một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) đã thương thuyết suốt nhiều năm đến nay vẫn chưa xong. Thêm vào đó, Bắc Kinh còn không muốn có các ràng buộc pháp lý trong bộ COC để dễ lạm dụng.

Ngày 11 Tháng Mười Hai, 2019, đại diện Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về chủ đề “Đại Dương và Luật Biển” tại New York, Mỹ, đã “bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.”

Trong khi ông Nguyễn Quốc Dũng phát biểu ở Singapore thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Taro Kono cáo buộc trên diễn đàn Doha Forum tại Qatar hôm Chủ Nhật là “Trung Quốc đang có những hành động đơn phương và chèn ép nhằm thay đổi nguyên trạng dựa trên chủ trương của mình nhưng lại không tương ứng với trật tự quốc tế đang hiện hữu” tại Biển Đông cũng như vùng Biển Hoa Đông.

Hai ngày trước đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper thêm một lần nữa lên án Trung Quốc hà hiếp các nước nhỏ, ngang ngược tại Biển Đông, tham vọng khống chế toàn khu vực.

Trong một bài phát biểu tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations) ở New York hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai, ông Esper lại một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh “ngang ngược tuyên bố chủ quyền bất họp pháp trên biển,” đồng thời “đe dọa chủ quyền trên Biển Đông” của các nước nhỏ láng giềng phía Nam trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới