Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những gì mà cái gọi là “Trung tâm cứu hộ...

Nhìn lại những gì mà cái gọi là “Trung tâm cứu hộ hàng hải của TQ trên đá Chữ Thập” đã làm được trong một năm qua

Tháng 01/2019, Trung Quốc loan báo đã thành lập một trung tâm cứu hộ hàng hải đặt trên đá Chữ Thập, thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, sau đó tiến hành bồi đắp, mở rộng và quân sự hoá. Trong suốt một năm qua, trung tâm này chỉ phục vụ việc củng cố cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Báo chí và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc lúc đó loan báo đã khai trương một trung tâm cứu hộ hàng hải ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bộ này tuyên bố rằng trung tâm đã được xây dựng để bảo vệ tốt hơn an toàn giao thông và vận tải ở Biển Đông. Trung tâm này còn cung cấp các dự báo hàng hải và báo động thảm họa ở phía Nam Biển Đông. Các nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã triển khai đồn trú khoảng 2 “tàu cứu hộ hàng hải” ở trung tâm này. Đá Chữ Thập cũng là một thực thể điển hình cho hoạt động mở rộng, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hoá của Trung Quốc. Ở đây, Bắc Kinh đã cho xây dựng một đường băng dài 3.125m và một địa điểm radar cảnh báo sớm. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), đây là “căn cứ tiên tiến nhất của Trung Quốc” tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, với 12 hầm trú ẩn cứng với mái có thể thu vào để phóng tên lửa di động đã hoàn thành. Nó có đủ nhà chứa để chứa 24 máy bay chiến đấu và 4 máy bay ném bom chiến lược H-6. Đáp lại những quan ngại về việc quân sự hóa các đảo, Trung Quốc liên tục nói rằng các cơ sở đều có mục đích phòng vệ và có mục đích dân sự, cung cấp dịch vụ điều hướng cho các tàu trong khu vực lân cận. Nhưng một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại rằng động thái trên có thể giúp tăng cường yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo.

Tuy nhiên, trong suốt một năm qua, không hề có thông tin hay số liệu nào được phía Trung Quốc công bố về hoạt động cứu hộ hàng hải của trung tâm này thực hiện. Trong khi đó, dư luận lại đón nhận nhiều thông tin sốc về các vụ việc như tàu Trung Quốc ngăn cản hoạt động cứu nạn của ngư dân các nước hay tàu Trung Quốc từ chối cứu hộ, thậm chí là đâm chìm tàu thuyền các nước. Các vụ việc điển hình phải kể đến như các vụ việc đối với ngư dân, tàu cá của Việt Nam. Hôm 05/10, tại khu vực cách tỉnh Khánh Hòa 112 hải lý, ba tàu Trung Quốc truy đuổi tàu cá Bình Định số hiệu 91386, không cho đánh bắt. Trước đó 4 ngày, một tàu Trung Quốc cũng đã từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá lâm nạn ở Hoàng Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa hai nước. Hồi tháng 3 vừa qua, một tàu Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam từ Quảng Ngãi khi tàu này đang đánh bắt ở nơi được coi là ngư trường truyền thống của họ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc đền bù thích đáng cho ngư dân Việt Nam. Hay vụ việc tàu cá ĐNa 90929 TS chở theo 9 ngư dân Việt Nam bị phá nước, chìm ngày 26/9, cách đảo Bạch Quy khoảng 5 hải lý. Chủ tàu bị nạn đã thuê 2 tàu cá (QNg 90019TS và QNg 66018TS) đến hiện trường. Tuy nhiên, ngày 3/10, phía Trung Quốc điều một ca nô ra ngăn cản hoạt động trục vớt tàu chìm của ngư dân.

Đối với ngư dân và tàu cá Philippines, đỉnh điểm là vụ việc tối 9/6, tàu cá FB Gimver 1 của Philippines va chạm với tàu Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm, còn tàu Trung Quốc rời hiện trường ngay lập tức, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên chiếc tàu đắm. Nhóm ngư dân này phải bơ vơ giữa biển trong nhiều giờ trước khi được một tàu Việt Nam cứu hộ. Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích lên án mạnh mẽ của dư luận Philippines và các nước. Bộ Quốc phòng Philippines lên án hành động “đáng khinh bỉ và hèn nhát” của tàu cá Trung Quốc. Manila thậm chí còn cảnh báo cắt quan hệ với Bắc Kinh nếu xác minh vụ đâm tàu là hành động có chủ đích.

Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi dựng lên cái gọi là “Trung tâm cứu hộ hàng hải của Trung Quốc trên đá Chữ Thập”, thực chất là nhằm che đậy cho những âm mưu ý đồ kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh. Trước mắt, những loại hình núp bóng dân sự hay nhân đạo như trên là nhằm bao biện cho những hành vi bồi đắp, mở rộng quân sự hoá đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời củng cố sự chiếm đóng và những căn cứ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Hoạt động của cái gọi là “Trung tâm cứu hộ hàng hải của Trung Quốc trên đá Chữ Thập” thực chất là phục vụ cho các lực lượng của Trung Quốc ở trên các thực thế này. Ngoài ra, nó còn được sử dụng như một lực lượng tuần tra do thám, sẵn sàng tham gia ngăn cản, quấy nhiễu hay can dự đụng độ như từng xảy ra đối với lực lượng tàu cá dân binh của Trung Quốc và các nước ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới