Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuốc hội Mỹ yêu cầu điều tra việc TQ sử dụng vệ...

Quốc hội Mỹ yêu cầu điều tra việc TQ sử dụng vệ tinh Mỹ giám sát trái phép ở Biển Đông

Quốc hội Mỹ vừa ra lệnh cho Bộ Thương mại nước này điều tra lỗ hổng pháp lý cho phép Trung Quốc sử dụng các vệ tinh của Mỹ để hỗ trợ quân đội ở Biển Đông.

Theo đó, trong Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) – dự luật chính sách quốc phòng Mỹ vừa được Thượng viện thông qua hôm 17/12 đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra các hệ lụy của hệ thống an ninh-quốc phòng hiện tại và đưa ra kiến nghị để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vệ tinh Mỹ. Theo luật NDAA, Mỹ cấm Trung Quốc mua vệ tinh của nước này. Song các điều tra của Wall Street Journal hồi tháng 4 đã chỉ ra cách các công ty Trung Quốc do chính phủ đứng sau lách luật bằng cách nhờ các công ty nước ngoài mua vệ tinh Mỹ, sau đó thuê lại băng thông của họ cho các thực thể Trung Quốc. Các vệ tinh Mỹ đến từ một số nhà sản xuất, trong đó có Boeing Co. Các vệ tinh của công ty này đang bị sử dụng trong các hoạt động tăng cường khả năng liên lạc cho các đơn vị quân đội Trung Quốc đang đóng ở các khu vực có tranh chấp trên Biển Đông.

Công ty được nhắc đến là AsiaSat, Công ty Viễn thông Vệ tinh châu Á trụ sở tại Hong Kong, được điều hành bởi tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc có tên Citic Group và công ty cổ phần tư nhân Mỹ Carlyle Group. Hai công ty này nắm tới 75% vốn của AsiaSat. AsiaSat đã đưa 9 vệ tinh do Mỹ sản xuất lên quỹ đạo, chủ yếu là các vệ tinh của Boeing và SSL, công ty thuộc tập đoàn Mỹ Maxar Technologie. Tuy nhiên, AsiaSat cho biết họ chỉ cung cấp dịch vụ thương mại cho khách hàng và “không bao giờ làm việc trực tiếp” với quân đội Trung Quốc. Kể từ cuộc điều tra tháng 4, AsiaSat đã hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong khiến công việc kinh doanh của hãng này không minh bạch với công chúng.

Trong một diễn biến liên quan, tờ South China Morning Post ngày 16/8 dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, Viện Tam Á về Viễn thám thuộc Viện Khoa học hàn lâm Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng 10 vệ tinh (6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu phổ và 2 vệ tinh radar) để theo dõi tình hình lưu thông và các điều kiện môi trường nước trên khắp khu vực Biển Đông. Các vệ tinh này là một phần của hệ thống chùm vệ tinh Hải Nam. Theo đó, từ năm 2019 Trung Quốc sẽ triển khai chương trình trên và sẽ hoàn thiện vào năm 2021. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc sẽ phóng lên quỹ đạo 3 vệ tinh quang học đầu tiên vào nửa cuối năm 2019. Chúng sẽ được trang bị các cảm biến quang học điều khiển từ xa, có khả năng định vị tàu thuyền và theo dõi bề mặt nước biển. Tuy nhiên, hệ thống camera trang bị cho 3 vệ tinh quang học đầu tiên sẽ chỉ đủ độ phân giải để tập trung vào các tàu có kích thước trung bình và cỡ lớn. Trong giain đoạn thứ hai, Trung Quốc sẽ phóng 2 vệ tinh siêu phổ vào năm 2020. Vệ tinh trên có khả năng đánh giá điều kiện môi trường nước biển. Trong giai đoạn cuối, Trung Quốc sẽ phóng 3 vệ tinh quang học và 2 vệ tinh radar vào năm 2021, những vệ tinh này có khả năng giám sát độ phận giải cao, trong mọi điều kiện thời tiết.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, hệ thống vệ tinh trên sẽ có khả năng bao quát toàn bộ khu vực từ vĩ độ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam và toàn bộ tàu thuyền, cũng như khí hậu, thời tiết, môi trường ở khu vực Biển Đông đều nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc. Chuyên gia Trần Tướng Diệu, Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc nhận định dự án này cũng sẽ giữ vai trò đáng kể trong các kế hoạch quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định đây là một phần trong kế hoạch thâu tóm và kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan Rupert Hammond-Chambers cho rằng các vệ tinh mới “sẽ giúp Trung Quốc thu được nhiều tin tình báo hơn” và những tin này nhiều khả năng sẽ được sử dụng để gây tác động tiêu cực đến hoạt động của các nước khác trong khu vực. Hành động của Trung Quốc có thể gây ra xung đột vũ trang nếu sử dụng hình ảnh vệ tinh thu được để đối phó, ngăn cản phi pháp tàu các của các nước hoạt động trên Biển Đông. Chuyên gia Collin Koh Swee Lean, trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng Trung Quốc đã hành động rất nhanh về chuyện này và việc che giấu toàn bộ kế hoạch trên dưới vỏ bọc dân sự có thể sẽ gây ra những hệ quả chiến lược sâu rộng đối với vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới